Sau khi phế truất vua Duy Tân quyết tâm đánh Pháp xâm lược nước ta, thực dân Pháp đưa Bửu Đảo, con trai vua Đồng Khánh, lên ngôi năm 1916, niên hiệu là Khải Định. Mấy năm sau, trong dân chúng xuất hiện câu ca dao:
Tiếng đồn Khải Định nịnh Tây
Nghề này thì lấy ông này tiên sư
Năm Mậu Tuất 1922, Khải Định ra châu dụ "Hoàng đế sẽ xuất dương sang thăm mẫu quốc đại Pháp bảo hộ, để chúc mừng mẫu quốc về sự thắng trận (chiến tranh thế giới lần thứ nhất) và tỏ rõ sự giao hảo với Đại Pháp hơn 100 năm nay". Đây là ông vua đầu tiên trong 12 đời vua triều Nguyễn xuất ngoại và sự kiện hy hữu này đối với Pháp là một dịp quảng bá cho công cuộc chinh phục và khai hóa thuộc địa của chúng ở Đông Dương đúng dịp Pháp tổ chức hội chợ Pa-ri.
Sang Pháp, Khải Định đem theo cả Đông cung thái tử Vĩnh Thụy, con nuôi nhà vua cùng đi. Khải Định nói với quần thần: "Tấm lòng ghi ân nhớ nghĩa của quả nhân với nước Pha Lăng rất nặng, rất sâu, nên quả nhân đã trái hẳn cái tục di truyền nghìn năm cũ mà khởi giá ra khỏi nước nhà, ngự đến Pha Lăng để cảm tạ một nước rất đáng tôn kính. Quả nhân đưa Đông cung thái tử đi là để thác cho nước Pháp giáo dục và cốt là để sau này cái vận mệnh 2 nước Pháp-Việt được gắn bó với nhau như một vậy!".
Chuyến đi tội lỗi của Khải Định đã làm dấy lên nhiều hoạt động lật tẩy trò phản dân hại nước của tên vua bù nhìn do các nhà yêu nước thực hiện ngay tại Pa-ri.
Sau hơn một tháng lênh đênh trên biển cả, ngày 24-6-1922, Khải Định đã đến Pa-ri tráng lệ và vào bái kiến tổng thống Millerand ngay.
Nhưng từ 6 ngày trước đó-ngày 18-6-1922 cũng tại Pa-ri, vở kịch "Le Dragon de bambou" (Con rồng tre), do Nguyễn Ái Quốc sáng tác đã được công diễn tại Gacso-Câu lạc bộ ngoại ô-Club de Faubourg-nơi Nguyễn Ái Quốc thường xuyên đến sinh hoạt.
"Con rồng tre", nghe thì đơn giản, nhưng nội dung lại đậm màu sắc chính trị, đả kích bọn bù nhìn bán nước Nam triều. Đó là những đoạn gốc tre xù xì, thân hình cong queo, quặt quẹo nhưng lại có những người mê chơi đồ cổ, đem về gọt đẽo, tỉa tót thành một con rồng. (Khải Định tuổi Khỉ, 1884, làm vua năm Rồng, 1916). Nó trở thành đồ chơi, là một con rồng nhưng thật ra chỉ là một đoạn gốc tre vô dụng, xấu xí, xù xì, nhưng lại rất hãnh diện, tự phụ, tự hào vì nó có tên, hình dáng con rồng. Tuy vậy nó vẫn là vật vô tri vô giác và... vô dụng, chỉ đáng quẳng vào bờ, bụi bên đường.
Không chỉ dũng cảm sáng tác và tổ chức công diễn vở kịch "Con rồng tre" tại Pa-ri 6 ngày trước khi Khải Định đến đây để tiếp tục tiếp bước vua cha bán nước cầu vinh, Nguyễn Ái Quốc còn viết bài "Lời than vãn của Bà Trưng Trắc" đăng báo Nhân đạo đúng ngày Khải Định đến Pa-ri, bài "Sở thích đặc biệt" đăng báo Người cùng khổ ngày 1-8-1922, bài "Kính gửi đức ông Khải Định", "Hoàng đế Annam", "Vĩnh biệt WC" đăng trên báo Jourual du Peuple ngày 9-8-1922 trước khi Khải Định từ biệt mẫu quốc 2 ngày trở về cố hương.
Trong thời điểm đó, ở Pa-ri, nhà chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh cũng đã viết bài "Thất điều trần" gửi Khải Định: "Tôn bậy quân quyền, lạm hành thưởng phạt, thích chuộng quỳ lạy, xa xỉ vô độ, ăn mặc vô lối, chơi bời sa đọa, chuyến đi này có một sự ám muội" đã đăng báo ở Pa-ri.
Tròn một năm sau khi trực diện chống cả bọn bán nước và cướp nước tại Pa-ri, ngày 13-6-1923 Nguyễn Ái Quốc đã bí mật đến Liên Xô, rồi chuyển về Trung Quốc cuối năm 1924, rồi thành lập Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội. Còn tên vua bù nhìn Khải Định bị chết cuối năm 1925. Vĩnh Thụy theo vua cha sang Pháp để đào tạo thành kẻ bán nước đã lên ngôi, niên hiệu Bảo Đại đầu năm 1925, khi mới là một cậu bé 13 tuổi, đến tháng 8-1945 thì bị cách mạng lật đổ.
ĐÀ GIANG