Khép lại lịch sử chiến tranh đen tối

Mặt trận Thái Bình Dương là một phần của Chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945). Chiến tranh Thái Bình Dương nổ ra lúc 7 giờ 55 phút sáng 7-12-1941 (giờ Hawaii), khi Nhật không tuyên chiến mà bất ngờ tập kích Trân Châu cảng (Pearl Harbor) trên đảo Hawaii, đánh chìm và làm hỏng 19 tàu chiến, diệt 2.300 lính Mỹ. Tổng thống Franklin D.Roosevelt đã gọi ngày 7-12 là “một ngày ô nhục” đối với nước Mỹ.

Khi chiến tranh Thái Bình Dương bùng nổ, do đã ký Hiệp ước Xô-Nhật ngày 13-4-1941 nên Liên Xô đứng ngoài cuộc chiến. Tuy nhiên, tại Hội nghị Yalta (Liên Xô) tháng 2-1945, theo đề nghị của Mỹ và Anh, Liên Xô đã chấp thuận tham gia chiến tranh chống Nhật. Ngày 7-5-1945, nước Đức phát xít đầu hàng Đồng minh vô điều kiện. Thất bại của Đức khiến Nhật không còn chỗ dựa, đồng thời báo trước nước Nhật quân phiệt cũng sẽ nhanh chóng hứng chịu kết cục tương tự. Nhưng đế quốc Nhật vẫn điên cuồng chống trả Đồng minh.

Tháng 6-1945, nội các Nhật họp, phái chủ chiến chiếm đa số quyết tâm “bản thổ quyết chiến” (quyết chiến trên đất nước mình), “chiến đấu đến người Nhật cuối cùng”. Trong tuyên bố được thông qua vào ngày 26-7-1945, tại Hội nghị Potsdam (Đức), Mỹ, Anh và Trung Quốc yêu cầu Nhật đầu hàng vô điều kiện, nếu các điều khoản của tuyên bố không được đáp ứng, họ đe dọa sẽ tiêu diệt Nhật Bản. Cũng vào mùa hè năm đó, Tokyo đã cố gắng đàm phán hòa giải với Moscow nhưng không thành.

leftcenterrightdel
 Thành phố Hiroshima bị phá hủy hoàn toàn sau vụ ném bom nguyên tử của Mỹ, ngày 6-8-1945. Ảnh: INA

Ngày 6-8-1945, Mỹ ném bom nguyên tử xuống TP Hiroshima. Hai ngày sau đó, thực hiện cam kết tại Yalta, Liên Xô tuyên chiến với phát xít Nhật, tiến công quân Nhật ở Mãn Châu. Ngày 9-8-1945, Mỹ tiếp tục ném bom nguyên tử xuống Nagasaki. Không thể chống đỡ, ngày 15-8-1945, phát xít Nhật buộc phải đầu hàng.

Việc đánh bại chủ nghĩa phát xít Nhật là kết quả cả quá trình chiến đấu nhiều năm của các nước Đồng minh và nhân dân các nước bị Nhật thống trị. Chiến thắng của quân đội Liên Xô cùng các lực lượng chống phát xít Nhật đã tạo cơ hội quý giá cho các dân tộc đang rên xiết dưới ách cai trị của quân đội Nhật vùng lên giành độc lập, tự do.

Tại Việt Nam, nhờ sự tính toán, chuẩn bị kỹ lưỡng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trước đó mà sự kiện Nhật đầu hàng Đồng minh, Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc đã trở thành thời cơ có một không hai, mang tính quyết định của cách mạng Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn dân đã đứng lên tổng khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân. Kết quả trên được xem là minh chứng lịch sử hùng hồn nhất, là mốc son lịch sử mang tên Cách mạng Tháng Tám-cuộc cách mạng đem lại độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam.

Đằng sau quyết định đầu hàng

Nhiều năm sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, việc Nhật Bản đầu hàng Đồng minh vẫn là chủ đề tranh luận trong giới học giả và nghiên cứu. Tạp chí Foreign Policy của Mỹ cho rằng, có 3 vấn đề nổi lên trong các cuộc tranh luận trên, đó là: Thời gian, mức độ leo thang chiến tranh và ý nghĩa chiến lược.

Nhà sử học người Mỹ Gar Alperovitz từng cho rằng, nhìn từ quan điểm của người Nhật, ngày quan trọng nhất trong tuần thứ hai của tháng 8-1945 là ngày 9-8. Đó là ngày mà Hội đồng Chiến tranh tối cao (SWC) của Nhật nhóm họp khẩn cấp-lần đầu tiên trong chiến tranh-để bàn cách ứng phó. Trước đó, mặc dù tình hình tồi tệ vào mùa hè năm 1945, các nhà lãnh đạo Nhật Bản vẫn không sẵn sàng xem xét việc đầu hàng, cho đến ngày 9-8-1945. Điều gì khiến họ thay đổi quyết định đột ngột và dứt khoát như vậy?

Đó không thể là việc Mỹ thả bom nguyên tử xuống hai TP Hiroshima và Nagasaki. Theo Tạp chí Foreign Policy, nhiều bằng chứng cho thấy, khi Thống đốc Hiroshima báo cáo với các nhà lãnh đạo ở Tokyo vào đúng ngày Hiroshima bị ném bom rằng, khoảng 1/3 dân số thiệt mạng và 2/3 thành phố đã bị phá hủy trong vụ tấn công trên. Nhưng Tokyo không hành động. Hơn nữa, báo cáo sơ bộ do nhóm điều tra về vụ Hiroshima đã không được gửi tới Tokyo trước ngày 10-8. Vụ thả bom thứ hai xảy ra vào lúc 11 giờ 2 phút ngày 9-8-1945, sau khi SWC nhóm họp để thảo luận việc đầu hàng và tin tức về vụ thả bom nguyên tử xuống Nagasaki chỉ đến được tai các nhà lãnh đạo Nhật Bản vào đầu giờ chiều cùng ngày, sau khi cuộc họp của SWC bị hoãn lại trong bế tắc và toàn bộ nội các đã được triệu tập để thảo luận. Nếu dựa vào mốc thời gian, có thể thấy, việc Mỹ ném bom nguyên tử xuống hai TP Hiroshima và Nagasaki không thể là động lực thúc đẩy Nhật Bản đầu hàng.

Vấn đề cần quan tâm khác là sự leo thang chiến tranh. Vào mùa hè năm 1945, không quân Mỹ đã thực hiện một trong những chiến dịch phá hủy thành phố khốc liệt nhất lịch sử thế giới. 68 thành phố ở Nhật Bản đã bị tấn công, phá hủy một phần hoặc hoàn toàn. Ước tính có khoảng 1,7 triệu người mất nhà cửa, 300.000 người thiệt mạng và 750.000 người bị thương. 66 trận không kích được Mỹ thực hiện bằng bom thông thường và 2 trận không kích bằng bom nguyên tử. Cuộc tấn công Thủ đô Tokyo xảy ra vào đêm mồng 9, rạng sáng 10-3-1945 nhằm mục đích buộc Nhật phải đầu hàng. Tổng số 334 máy bay ném bom đã tấn công Tokyo, khiến ngọn lửa bao trùm khắp thành phố này. Ước tính có khoảng 120.000 người đã thiệt mạng-con số thiệt mạng cao nhất so với bất kỳ vụ đánh bom nào vào một thành phố.

Chỉ 3 tuần trước khi xảy ra vụ ném bom xuống Hiroshima, 26 thành phố của Nhật bị Mỹ tấn công. Chỉ trong sáng 17-7-1945, 4 thành phố của Nhật Bản, gồm Oita, Hiratsuka, Numazu và Kuwana bị bom Mỹ phá hủy từ 50 đến 90%. Ngày 20-7-1945, thêm 3 thành phố khác bị tấn công với sức hủy diệt rất lớn. Cứ vài ngày, các nhà lãnh đạo Nhật Bản lại nhận được tin báo có 2-4 thành phố bị ném bom tấn công trong một ngày. Cho đến ngày 6-8-1945, các báo cáo về Tokyo cho biết, chỉ có TP Hiroshima bị tấn công nhưng thiệt hại rất lớn và một loại bom mới đã được sử dụng.

leftcenterrightdel

Ngoại trưởng Nhật Bản Mamoru Shigemitsu ký văn kiện Nhật Bản đầu hàng trên tàu USS Missouri

với sự giám sát của tướng Richard K.Sutherland, ngoài khơi vịnh Tokyo, ngày 2-9-1945.Ảnh: Naval Historical Center 

Được thảo luận nhiều trong các cuộc hội thảo là vai trò của Liên Xô đối với quyết định đầu hàng của đế quốc Nhật. Vào năm 1945, phát xít Nhật đang ở tình thế tương đối khó khăn. Họ sắp kết thúc một cuộc chiến mà họ đang thua. Tuy nhiên, quân đội Nhật vẫn rất mạnh với gần 4 triệu binh lính, trong đó 1,2 triệu lính đang đồn trú trên các đảo tiền tiêu. Các nhà lãnh đạo Nhật khi đó đã chuẩn bị hai kế hoạch để có thể nhận được các điều khoản đầu hàng tốt nhất. Đầu tiên là giải pháp ngoại giao. Nhật Bản đã ký hiệp ước trung lập kéo dài 5 năm với Liên Xô vào tháng 4-1941, hiệp ước này hết hạn vào năm 1946. Một nhóm các nhà lãnh đạo dân sự do Bộ trưởng Ngoại giao Togo Shigenori đứng đầu hy vọng có thể thuyết phục Stalin làm trung gian dàn xếp giữa Mỹ và các Đồng minh của Mỹ với Nhật Bản và Đồng minh của Nhật. Kế hoạch thứ hai là giải pháp quân sự. Một nhóm gồm các nhà lãnh đạo quân sự do Bộ trưởng Lục quân Korechika Anami đứng đầu hy vọng sử dụng binh lính và vũ khí để gây thương vong cao cho lực lượng Mỹ, từ đó có lợi thế khi đưa ra các điều khoản đầu hàng.

Trong một cuộc họp của SWC vào tháng 6-1945, các nhà lãnh đạo Nhật nói rằng, việc Liên Xô tham chiến “sẽ quyết định số phận của đế quốc Nhật”. Cũng trong cuộc họp đó, Phó tham mưu trưởng Lục quân Torashiro Kawabe khẳng định: “Việc duy trì hòa bình tuyệt đối trong quan hệ của chúng ta với Liên Xô là điều cấp thiết đối với việc tiếp tục chiến tranh”.

Tuy nhiên, việc Liên Xô quyết định cùng Mỹ và Anh chống Nhật đã làm vô hiệu chiến lược quân sự, đồng thời làm vô hiệu chiến lược ngoại giao của các nhà lãnh đạo Nhật Bản. Động thái trên của Liên Xô mang tính quyết định về mặt chiến lược-nó đã báo trước cả hai kế hoạch của Nhật Bản đều vô nghĩa.

YÊN BÌNH