Một buổi mai nắng vàng hoa ngâu

Đám cưới đưa dâu qua cầu Bến Hải

Cầu vừa bắc xong

Sơn còn tươi rói

Đôi bờ xanh lúa mới ngậm đòng

Nhìn lại họ qua cầu mà nước mắt

rưng rưng

Mà sung sướng vui tràn như trẻ nhỏ

Chàng trai Vĩnh Linh cưới cô gái đất Cùa,

Cam Lộ

Sông tưng bừng nhìn đôi lứa thương nhau

Gió lâng lâng con sóng vỗ chân cầu

Mà thắt ruột câu hò xưa tê tái

Bước chân Hiền Lương sao đường

nghẽn lại

Đáo tới Bến Hải sao gác mái tình duyên…

Đám cưới hôm nay cũng tự nhiên

Như là hoa, là lá

Như là chị lấy chồng, như là tôi lấy vợ

Mà hay chưa, bỡ ngỡ như chiêm bao

Tôi nhìn sông, nghe sông chảy rì rào

Ai hát đó tưởng như mời tôi hát

Ngắm mây bay tôi thấy trời bát ngát

Chân người đi rộn rịp quá người ơi!

Không chỉ là tôi, ai cũng thế, bồi hồi

Ai cũng thế, niềm vui này tột đỉnh

Chúng ta đã trải qua ngàn trận đánh

Để bây giờ đất nước được vẹn nguyên

Cho con đò khỏi “gác mái tình duyên”

Và chiếc cầu, “chặng đường thôi nghẽn lại”

Chừng vui quá nên cô dâu bối rối

Mắt thẹn thùng, chen trong đám chị em

Tóc cài hoa với chiếc áo thanh thiên

Mới nắng đó mà đỏ lừ đôi má

Chàng trai bâng khuâng tay đung đưa

trong gió

Sông long lanh nước sóng sánh đôi bờ

Tiếng nói cười như chim hót sau mưa.

Thôn Hiền Lương, 20-7-1975

CẢNH TRÀ 

QĐND-Nước Việt Nam ta chằng chịt sông ngòi, có hàng ngàn, hàng vạn chiếc cầu bắc qua nối đôi bờ, nối những làng quê nên việc người dân qua lại, kể cả chuyện đưa dâu qua cầu không có gì đặc biệt, trừ sông Bến Hải và cầu Hiền Lương. Cầu Bến Hải mà nhà thơ Cảnh Trà nhắc đến trong bài thơ này tên chính thức là cầu Hiền Lương, bắc qua sông Bến Hải ở thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thanh, huyện Vĩnh Linh. Không phải nhà thơ nhầm, mà là gọi theo cách của nhiều người dân quanh vùng, và việc hoán vị tên sông và tên cầu cũng không hề dẫn đến sự hiểu lầm nào vì dòng sông giới tuyến này trên hai thập kỷ chỉ có một cây cầu ấy thôi.

Sông Bến Hải nằm gọn trong lòng tỉnh Quảng Trị, phân chia hai huyện Vĩnh Linh và Gio Linh. Là một dòng sông nhỏ bắt nguồn từ núi Động Chân cao 1.257 mét thuộc dãy Trường Sơn, đổ ra biển ở Cửa Tùng với chiều dài chỉ khoảng 100km (có tài liệu nói chỉ dài 65km). Lòng sông khá hẹp, chỗ rộng nhất không vượt quá 200 mét, ở vị trí bắc cầu Hiền Lương, sông chỉ rộng 170 mét. Tương ứng với sông Bến Hải, cầu Hiền Lương là một cầu nhỏ, năm 1928 được bắc bằng gỗ cho người đi bộ, đến năm 1952, người Pháp xây thành cầu bê tông cốt sắt, dài 7 nhịp, với chiều dài tổng cộng 178 mét, mặt cầu được lát bằng 894 miếng ván gỗ thông.

Dòng sông và nhịp cầu bé nhỏ ấy trở nên nổi tiếng vì đã thành nỗi đau, biểu tượng của sự chia cắt đất nước Việt Nam trong một thời gian dài, bắt đầu từ Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký ngày 20-7-1954. Trong hiệp định đó có khoản như sau: “Sông Bến Hải, vĩ tuyến 17 được dùng làm giới tuyến quân sự tạm thời chia Việt Nam ra hai vùng tập kết quân sự tạm thời. Chính quyền và quân đội Việt Nam dân chủ cộng hòa tập trung về miền Bắc; chính quyền và quân đội khối Liên hiệp Pháp tập trung về miền Nam…”. Trong Bản tuyên bố của hội nghị Giơ-ne-vơ ghi rõ Tổng tuyển cử sẽ tổ chức vào tháng 7 năm 1956. Như vậy theo tinh thần của Hiệp định Giơ-ne-vơ, đất nước ta chỉ tạm thời chia cắt trong hai năm thì có Tổng tuyển cử để thống nhất đất nước, nhưng đến năm 1956, chính quyền Ngô Đình Diệm đã không tuân theo hiệp định, khước từ Tổng tuyển cử, để cho vết thương chia cắt đất nước kéo dài 21 năm trời, cho đến Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Trong 21 năm chia cắt đất nước, sông Bến Hải, cầu Hiền Lương mang biểu tượng chia cắt trong 18 năm, ba năm còn lại (từ 1972 đến 1975) ranh giới này đã chuyển vào sông Thạch Hãn.

Cầu Hiền Lương trước năm 1975. Ảnh tư liệu.

Với hàng vạn nhịp cầu khác mang ý nghĩa nối liền, thì cầu Hiền Lương trong 18 năm trời đau nỗi đau chia cắt. Hai phía cầu có chế độ chính trị đối lập nhau thể hiện qua màu sơn cách biệt ở hai nửa thuộc quyền quản lý của hai miền. Cầu không phải để qua lại mà chỉ là nơi để xây trạm gác, lính hai phía lăm lăm nòng súng trong tay. Hai phía cầu được lắp đặt các dàn loa âm thanh cực lớn để tuyên truyền, bên nào cũng muốn loa của mình át tiếng loa đối phương. Đó là nói những năm hòa bình, còn thời kỳ chiến tranh phá hoại, máy bay Mỹ không chỉ đánh phá miền Bắc, mà chúng đã trút bom phá cầu Hiền Lương vào năm 1967, đánh tan nát cột cờ và đồn biên phòng của ta ở bờ Bắc cầu. Những năm ác liệt đó, nhà thơ Cảnh Trà đã sống ở Vĩnh Linh và chứng kiến bao đau thương, thù hận xảy ra trên chiếc cầu này.

Nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật chọn sông Bến Hải, cầu Hiền Lương với nỗi đau chia cắt làm đề tài. Có hai bộ phim của Xưởng phim Truyện Việt Nam được khán giả xem đến thuộc lòng từng chi tiết, đó là phim “Chung một dòng sông” và “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”. Thơ có “Sóng vỗ Cửa Tùng” của Lưu Trọng Lư; nhạc có “Câu hò trên bến Hiền Lương” của Hoàng Hiệp… Nỗi đau chia cắt của dòng Bến Hải còn được các nhà thơ nước ngoài chọn làm đề tài khi viết về Việt Nam và để lại những câu thơ ấn tượng: “Nước Việt Nam như một chiếc đàn bầu/ Mà dây đàn đứt ngang sông Bến Hải”… Đó là chỉ đơn cử một vài tác phẩm mà ngay đầu đề đã hiện rõ nội dung, chứ không làm sao thống kê hết số tác phẩm có chung đề tài này. Ai từng chịu nỗi đau chia cắt mới hiểu được ý nghĩa của hòa bình, thống nhất đất nước. Đó là hạnh phúc lớn nhất của mấy chục triệu người dân Việt Nam, trong đó có văn nghệ sĩ nên không mấy ai không có tác phẩm về đề tài niềm vui thống nhất. Nhạc sĩ Văn Cao gọi mùa xuân thống nhất là “Mùa xuân đầu tiên” với điệp khúc “từ đây người biết thương người”… Nhà thơ Cảnh Trà (tên thật là Đặng Đức Cảnh, quê Nam Đàn, Nghệ An) trở lại dòng sông giới tuyến xưa, nơi anh từng lăn lộn suốt chục năm trời trong bom đạn và được thụ hưởng niềm vui thống nhất khi chứng kiến đám cưới “Đưa dâu qua cầu Bến Hải” vào “Một buổi mai nắng vàng hoa ngâu” và “Đôi bờ xanh lúa mới ngậm đòng” với trung tâm là chiếc “Cầu vừa bắc xong/ Sơn còn tươi rói”. Đám đưa dâu đi từ bờ Nam ra bờ Bắc, bởi “Chàng trai Vĩnh Linh cưới cô gái đất Cùa, Cam Lộ”.

Vĩnh Linh là huyện nằm sát sông Bến Hải về bờ Bắc, còn đất Cùa của huyện Cam Lộ là nằm phía bờ Nam. Trong những năm chiến tranh, địa danh Cùa được nhắc đến nhiều lần trong các bản tin chiến sự như Đầu Mầu, Tà Cơn, Làng Vây, Khe Sanh… thì nay hiện lên ngọt ngào trong đám cưới với tư cách là quê hương của cô dâu. Dòng sông Bến Hải bao nhiêu năm chỉ chứng kiến thù hận thì sáng nay ngạc nhiên, “tưng bừng nhìn đôi lứa thương nhau”. Các bạn trẻ thời nay nói đến chuyện đưa dâu là thường nghĩ ngay đến ô tô, chí ít cũng xe máy, nhưng thời nước nhà mới thống nhất, kinh tế còn thiếu thốn, nên hầu hết những đám cưới của các cặp trai gái nông thôn, đưa đón dâu đều đi bộ, ngay cả khi đi xa đến mấy chục cây số. Có đi bộ, cô dâu mới “bối rối, mắt thẹn thùng chen trong đám chị em”. Có đi bộ, chàng trai mới “bâng khuâng tay đung đưa trong gió” khi dòng “sông long lanh nước sóng sánh đôi bờ”.

Mượn khung cảnh đám cưới đưa dâu qua cầu Bến Hải, nhà thơ Cảnh Trà bày tỏ niềm vui lớn lao khi nước nhà thống nhất. Lấy vợ, gả chồng, đưa dâu… vốn là chuyện thường tình, tự nhiên, nhưng với không gian là cầu Hiền Lương, thời gian là khi đất nước vừa thống nhất nên nhà thơ cảm động, “bỡ ngỡ như chiêm bao”. Thông thường, ngày tháng tác giả ghi dưới bài thơ không có nhiều ý nghĩa đối với bạn đọc khi thưởng thức bài thơ, nhưng trong trường hợp bài thơ này thì khác: Cuối bài thơ tác giả đề ngày 20-7-1975 mang hai ý nghĩa: Thứ nhất, đất nước vừa mới thống nhất (chưa đầy hai tháng kể từ ngày 30-4); tròn 21 năm sông Bến Hải, cầu Hiền Lương trở thành nỗi đau chia cắt từ Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký ngày 20-7-1954.

Bài thơ không chỉ cung cấp cho người đọc niềm vui khi chứng kiến đám cưới qua cầu, mà nhắc họ nhớ lại sông Bến Hải, cầu Hiền Lương thời nước nhà chia cắt và thấy rõ ý nghĩa công cuộc kháng Mỹ, cứu nước:

Chúng ta đã trải qua ngàn trận đánh

Để bây giờ đất nước được vẹn nguyên…

VƯƠNG TRỌNG