QĐND - Có lẽ nào anh lại mê em
Một cô gái không nhìn rõ mặt
Ðại đội thanh niên đi lấp hố bom
Áo em hình như trắng nhất
Người tinh nghịch là anh dễ thân
Bởi vì thế có em đứng gần
Em ở Thạch Kim sao lại lừa anh nói là "Thạch Nhọn"
Ðêm ranh mãnh ngăn cái nhìn đưa đón
Em đóng cọc rào quanh hố bom
Cái miệng em ngoa cho bạn cười giòn
Tiếng Hà Tĩnh nghe buồn cười đáo để
Anh lặng người như trôi trong tiếng ru.
Tranh thủ có ánh sáng đèn dù
Anh vội nhìn em và bạn em khắp lượt
Mọi người cũng tò mò nhìn anh
Rồi bóng tối lại khép vào bóng tối
Em ơi em, hãy nghe anh hỏi
Xong đoạn đường này các em làm đâu
Anh đã tìm em rất lâu, rất lâu
Cô gái ở Thạch Kim Thạch Nhọn
Khăn xanh, khăn xanh phơi đầy lán sớm
Sách giấy mở tung trắng cả rừng chiều.
Anh đã đi rất nhiều, rất nhiều
Những con đường như tình yêu mới mẻ
Ðất rất hồng và người rất trẻ
Nhưng chẳng thấy em, cô gái ở Thạch Nhọn Thạch Kim
Những đội làm đường hành quân trong đêm
Nào cuốc nào choòng xoong nồi xủng xoảng
Rực rỡ mặt đất bình minh
Hấp hối chân trời pháo sáng
Ðường trong tim anh in những dấu chân.
Chiếc võng bạc trên đường hành quân
Anh đã buộc nhiều cây xoan cây ổi
Lại đường mới và hàng nghìn cô gái
Ở đâu em tinh nghịch của anh?
Bụi mù trời mùa hanh
Nước trắng khe mùa lũ
Ðêm rộng dài là đêm không ngủ
Em vẫn đi, đường vẫn liền đường
Cạnh giếng nước có bom từ trường
Em không rửa ngủ ngày chân lấm
Ngày em phá nhiều bom nổ chậm
Ðêm nằm mơ nói mớ vang nhà
Chuyện kể từ nỗi nhớ sâu xa
Thương em, thương em, thương em biết mấy.
Dừng tay cuốc khi em ngoảnh lại
Sẽ giật mình đường mới ta xây
Ðã có độ dài hơn cả độ dài
Của đường xá đời xưa để lại
Sẽ ra về bao nhiêu cô gái
Một ngày mai đường sẽ đứng chơ vơ
Ðể cho đời sau còn thấy ngẩn ngơ
Trước những công trình ngoằn ngòeo trên mặt đất.
Ơi em gái chưa một lần rõ mặt
Có lẽ nào anh lại mê em
Từ cái đêm Thạch Nhọn Thạch Kim
Tên em đã thành tên chung anh gọi:
Em là cô thanh niên xung phong.
Đức Thọ, 1968
PHẠM TIẾN DUẬT
Với nhiều người hiểu biết khá rành mạch về quân đội, nhưng lại mơ hồ về lực lượng thanh niên xung phong (TNXP), bởi vậy, trước khi thưởng thức bài thơ này, chúng ta cần có một số kiến thức về TNXP, từ lịch sử thành lập, sự phát triển và nhiệm vụ được giao.
Ngày 15-7-1950, tại huyện Định Hóa, Thái Nguyên, theo chỉ thị của Bác Hồ, Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam đã thành lập đơn vị TNXP công tác Trung ương với mục đích phát huy sức mạnh của tuổi trẻ phục vụ cuộc kháng chiến cứu nước, đồng thời qua đó để đào tạo cán bộ. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, lực lượng thanh niên xung phong đã góp phần bảo vệ cơ quan trung ương, làm đường giao thông và phục vụ chiến đấu… Trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, có trên 16.000 cán bộ đội viên TNXP đã bảo đảm thông suốt các tuyến đường của chiến dịch. Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, lực lượng TNXP có khoảng 200.000 người làm nhiệm vụ đảm bảo giao thông và phục vụ chiến đấu. Trong thời kỳ này, ở chiến trường miền Nam, ngày 20-4-1965, tại Tây Ninh, Tổng đội TNXP Giải phóng Miền Nam được thành lập, lúc đầu chỉ có 108 thành viên, nhưng sau một thời gian đã tăng lên đến 5000 người có mặt trên hầu hết các tỉnh của miền Nam… Sau ngày đất nước thống nhất, 300.000 TNXP.TP Hồ Chí Minh đã lên đường làm nhiệm vụ khai hoang, phục hóa và xây dựng các vùng kinh tế mới…
Qua các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, theo thống kê của Hội cựu TNXP, chúng ta đã có hơn 5.000 liệt sĩ TNXP và hàng vạn thương binh. Ngày 30-6-1995, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ký quyết định chọn ngày 15-7 hàng năm làm ngày truyền thống của TNXP Việt Nam.
Nếu như trong thời kỳ chống Pháp, hầu hết đội viên TNXP là nam giới, thì thời kỳ chống Mỹ cứu nước, đa phần là nữ giới. Cô thanh niên xung phong trong bài thơ này của Phạm Tiến Duật là một trong 200.000 TNXP thời đó.
 |
TNXP Hà Nội trong tuyến lửa Nghệ An (1965). Ảnh: MAI NAM.
|
Đây là một bài thơ tình yêu, chính xác hơn là bài thơ nói về tình cảm của một anh lính lái xe trên tuyến lửa đối với một cô TNXP bảo đảm giao thông. Thời đó, ban ngày máy bay địch khống chế và đánh phá nhiều trục đường, bởi vậy việc TNXP sửa đường cũng như các chuyến vận chuyển chỉ tiến hành vào ban đêm, trong bóng tối. “Đêm ranh mãnh ngăn cái nhìn đưa đón”, người không nhìn rõ mặt nhau, cái nhìn bị đêm ngăn lại, cho nên có khi phải dùng thính giác thay cho thị giác. Mở đầu bài thơ tác giả đã nói rõ hoàn cảnh ấy: “Có lẽ nào anh lại mê em/ Một cô gái không nhìn rõ mặt/ Đại đội thanh niên đi lấp hố bom/ Áo em hình như trắng nhất”. Tác giả dùng chữ “mê” chứ không phải là “yêu”. Trong bài thơ này cũng như các bài thơ viết về lính lái xe, Phạm Tiến Duật khai thác triệt để ngôn ngữ của “lính xế”, mà “mê” chỉ là một ví dụ. Chúng ta cần lưu ý hai chữ “hình như” trong câu thơ thứ tư. “Hình như” bởi lẽ do bóng đêm ngăn chặn, nhìn khó chính xác. Còn một lẽ nữa, các cô TNXP thời đó không bao giờ mặc áo trắng, mà chỉ mặc quần áo màu cỏ úa, màu phòng không. Ngay cái khăn mặt cũng nhuộm màu “khăn xanh, khăn xanh phơi đầy lán sớm” nữa là! “Hình như trắng nhất” ở đây là nói áo của cô gái Hà Tĩnh tinh nghịch đó có phai màu hơn áo của các cô bạn.
Nhà thơ Phạm Tiến Duật trong một đêm ngồi trong ca bin xe tải với lái chính và lái phụ, qua đoạn đường ở Hà Tĩnh gặp đội TNXP đang san lấp hố bom nên tạm thời dừng lại mà nghe các cô gái vừa làm việc vừa nói chuyện và trêu chọc các anh lính lái xe. Trong đám này có một cô gái nói năng tinh nghịch, chỉ qua giọng nói, người nghe cũng thấy được tinh cách của cô. Sau khi cô nói xong một câu gây cười cho cả đội, nhà thơ mới hỏi: “Em gái kia ơi, em quê đâu mà nói hay vậy”? Cô gái “không nhìn rõ mặt” trả lời ngay: “Quê em ở Thạch Nhọn anh à”! Cả đội TNXP lại cười ran. Nhà thơ quay sang hỏi lái chính, quê Hà Tĩnh: “Thạch Nhọn thuộc huyện nào? Sao có cái tên nghe lạ thế”? Lái chính mới giải thích rằng là xã Thạch Kim của huyện Thạch Hà đó! Không ngờ từ “Thạch Nhọn Thạch Kim” ấy mà nhà thơ nẩy ra cái tứ để sáng tác bài thơ này.
Cái hay của bài thơ, theo tôi, không chỉ nói tình cảm của anh lính lái xe đối với một cô TNXP, mà cái chính, làm sống dậy công việc và sự sinh hoạt của TNXP thời chống Mỹ. “Những đội làm đường hành quân trong đêm/ Nào cuốc nào choòng, xoong nồi xủng xoảng”, “Em đóng cọc rào quanh hố bom”, rồi “Sách giấy mở tung trắng cả rừng chiều”. Đó là nói chuyện học bổ túc văn hóa của TNXP. Ban đêm đi san đường lấp hố bom, buổi sáng ngủ bù một giấc rồi thức dậy tăng gia, buổi chiều học bổ túc văn hóa. Nhờ học bổ túc văn hóa mà nhiều đội viên TNXP khi ra đi chưa học hết cấp một, mà khi về đã tốt nghiệp cấp hai, có đủ trình độ để thi vào các trường trung cấp. “Trắng cả rừng chiều” là lớp học tổ chức dưới tán rừng, chỉ những người ở trong rừng mới biết, còn máy bay giặc không thể nào thấy được.
Nhưng đây là khổ thơ hay nhất, cảm động nhất viết về các cô gái TNXP thời chống Mỹ:
Cạnh giếng nước có bom từ trường
Em không rửa, ngủ ngày chân lấm
Ngày em phá nhiều bom nổ chậm
Đêm nằm mơ nói mớ vang nhà…
mà mỗi lần đọc lại, lòng ta lại rưng rưng, thương về một thuở. Vất vả, ác liệt, hiểm nguy, cái sống và cái chết cận kề, các cô gái TNXP vẫn chấp nhận, chịu đựng để hoàn thành nhiệm vụ. Nếu như là một họa sĩ thì tôi sẽ dựa vào bốn câu thơ này để vẽ một bức tranh để nói về thân phận của những người con gái khi trực tiếp tham dự cuộc chiến.
Trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt năm 1968, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã tin tưởng sẽ có một ngày ta giành thắng lợi, các cô TNXP sẽ trở về quê hương:
Sẽ ra về bao nhiêu cô gái
Một ngày mai đường sẽ đứng trơ vơ
Để cho đời sau còn thấy ngẩn ngơ
Trước những công trình ngoằn ngoèo trên mặt đất…
Đấy là tác giả nói về những con đường được bộ đội và TNXP đã mở thời chống Mỹ. Theo tài liệu, trong 16 năm (1959 -1975), trên đường vận tải Trường Sơn, chúng ta đã xây dựng 5 tuyến đường dọc và 21 hệ trục đường ngang, kết thành mạng lưới giao thông liên hoàn với 216 con đường có tổng chiều dài hơn 20.000km! Điều đó lý giải vì sao bom đạn của Mỹ suốt mấy năm trời đánh phá ác liệt đến thế mà không sao ngăn chặn được sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc đối với tiền tuyến lớn miền Nam.
Nói về nghệ thuật thơ, Phạm Tiến Duật đã thành công khi đưa một số ngôn ngữ đời thường vốn rất khó sử dụng trong thơ trữ tình như “tranh thủ”, “tò mò”… trong các câu “Tranh thủ có ánh sáng đèn dù/ Anh vội nhìn em và bạn em khắp lượt/ Mọi người cũng tò mò nhìn anh”. Tác giả hài lòng về chuyện này, cũng giống như trong một bài thơ khác có đầu đề là “Nhớ”, ông đã đưa được hai từ “ nằm ngửa” vào thơ vào thơ một cách rất tự nhiên “Nằm ngửa nhớ trăng, nằm nghiêng nhớ bến” để nói về nỗi nhớ của người lái xe khi đang điều trị ở bệnh viện.
“Gửi em cô thanh niên xung phong” là một trong chùm thơ bốn bài (cùng với “Lửa đèn”, “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”, “Nhớ”) đưa Phạm Tiến Duật nhận giải Nhất cuộc thi thơ của Tuần báo Văn nghệ năm 1969. Ông là nhà thơ điển hình, xuất sắc nhất thời chống Mỹ cứu nước và đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 4 về Văn học Nghệ thuật năm 2012 vừa qua.
VƯƠNG TRỌNG