QĐND - Trong số các pháo thủ ở pháo đài Láng tham gia chiến đấu, bắn những quả đạn đầu tiên vào thành Hà Nội đêm 19-12-1946, mở đầu cuộc quyết chiến của quân và dân Thủ đô với thực dân Pháp xâm lược, chỉ duy nhất nhân chứng Đỗ Văn Đa còn sống. Ông hiện ở tổ 34, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, TP Hà Nội. Đã bước sang tuổi 91, sức khỏe giảm sút nhiều, nhưng khi gợi về những ngày tháng đó, ông dường như khỏe hơn và say sưa kể.
leftcenterrightdel
Ông Đỗ Văn Đa kể về kỷ niệm những ngày tham gia chiến đấu tại pháo đài Láng. Ảnh: PHAN HƯƠNG 

Đầu thập niên 40 của thế kỷ 20, quân đội Pháp bắt nhân dân làng Láng Trung, xã Yên Lãng, tổng Hạ, Đại lý Hoàn Long (nay thuộc phường Láng Thượng, quận Đống Đa) nhổ lúa trên cánh đồng để chúng quây dây thép gai xây dựng pháo đài phòng thủ thành phố chống phát-xít Nhật đang tràn vào Việt Nam. Trên diện tích rộng hơn 4ha ấy, chúng cho xây nhà kho chứa đạn, làm thêm một dãy nhà tre cho pháo thủ và một trung đội lính Nam Kỳ ở. Pháo đài có hai khẩu pháo 75mm. Năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, chiếm pháo đài. Sau Cách mạng Tháng Tám, Nhật giao lại pháo đài cho quân của Tưởng Giới Thạch canh giữ. Đến hè năm 1946, khi quân Tưởng rút, ta đến tiếp nhận pháo đài, củng cố lại trận địa.

“Thời điểm đó, dân cư Hà Nội còn rất thưa thớt, nhà cửa lè tè, ruộng đồng lúp xúp, từ pháo đài Láng có thể nhìn thông đến Bắc Bộ phủ. Tôi sinh ra ở làng Láng Trung, ngày ngày chỉ biết có ruộng đồng, cày cấy, nhưng rồi được giác ngộ, xung phong vào đội tự vệ bí mật của khu Đống Đa. Ngày đi làm đồng, nhưng mắt luôn theo dõi hoạt động và phương tiện của quân Pháp từ cửa đền Ngọ đến cầu Cánh Chủ để tối về báo cáo...”-ông Đỗ Văn Đa kể.

Ngày 29-6-1946, Đại đội Pháo binh Thủ đô được thành lập do đồng chí Phạm Văn Đôn chỉ huy, gồm bốn trung đội ở bốn pháo đài: Pháo đài Láng bảo vệ trung tâm; pháo đài Xuân Tảo bảo vệ phía tây; pháo đài Xuân Canh bảo vệ phía bắc và pháo đài Thổ Khối, khống chế Sân bay Gia Lâm. Pháo đài Láng có 20 cán bộ, chiến sĩ với hai khẩu cao xạ 75mm và khẩu súng máy 12,7mm. Đồng chí Nguyễn Ưng Gia làm Trung đội trưởng, đồng chí Nguyễn Khoát làm Chính trị viên; đồng chí Đoàn Hùng làm Khẩu đội trưởng.

Từ tháng 10-1946, cả thành phố khẩn trương chuẩn bị bước vào cuộc chiến đấu sinh tử. Làng Láng Trung, nơi đặt “trọng pháo”, không khí như càng nóng hơn.Trước đó, hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ, nhiều anh em binh lính phục vụ cho quân Pháp đã quay về với nhân dân, huấn luyện chuẩn bị chiến đấu tại các pháo đài, trong số đó có Trung đội trưởng Nguyễn Ưng Gia. Tám chàng trai làng Láng Trung và Đỗ Văn Đa tham gia huấn luyện, chiến đấu tại pháo đài trung tâm này. Nhớ lại những ngày ấy, ông Đa sôi nổi hẳn lên: “Năm đó, tôi đã ngoài 20 tuổi, được phân công vị trí pháo thủ số 4, làm nhiệm vụ tiếp đạn. Để tránh địch oanh tạc trận địa, chúng tôi được lệnh làm trận địa giả ở Gò Đống (nay là khu vực Công ty Ong Trung ương và Ban Cơ yếu Chính phủ); chặt những cây chuối sơn đen làm “nòng pháo”. Kho đạn pháo phải sơ tán sang làng Hòa Mục để có thể đánh dài ngày…”.

leftcenterrightdel
Tại trận địa pháo đài Láng năm 1946. Ảnh tư liệu 

Thời kỳ mới thành lập pháo đài Láng, Trung đội trưởng Nguyễn Ưng Gia đã giúp anh em hiểu biết sơ bộ về tính năng, tác dụng của pháo cao xạ 75mm. Do điều kiện và thời gian tác chiến nên công tác huấn luyện không được bài bản mà chỉ mang tính “cầm tay chỉ việc” để mọi người có thể vào chiến đấu được ngay. Ví dụ như việc sáng tạo đặt tên tiếng Việt cho các bộ phận của khẩu pháo để anh em dễ nhớ, dễ đọc như: Chỗ pháo thủ đứng thao tác bắn gọi là mâm, hoặc bệ pháo; then đóng mở buồng đạn gọi là then chốt; vành máy tâm gọi là vành răng lược... Trong thời gian này, chỉ huy bắn gặp nhiều khó khăn vì cả bốn trung đội đều không có bảng bắn, ống nhòm, địa bàn và khí tài thông tin. Chỉ huy pháo đài phải đi mượn hoặc xin dân một số thứ như: Ống nhòm bội số nhỏ, địa bàn của thầy địa lý, thước dây của thợ may… “Theo yêu cầu của trên, cán bộ, chiến sĩ ngày đêm suy nghĩ và đã tìm được cách hạ nòng pháo xuống trong tình huống có thể bắn thẳng vào quân địch. Ngày 16-12-1946, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp cùng Chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Nội Vương Thừa Vũ đến thăm hỏi, động viên anh em, kiểm tra lần cuối mọi công việc chuẩn bị và duyệt phương án tác chiến của pháo đài...”-ông Đỗ Văn Đa kể.

Theo lời Trung đội trưởng Nguyễn Ưng Gia, chiều ngày 19-12-1946, các lực lượng ăn cơm sớm, sau đó ai ở vị trí nào vào vị trí ấy, chờ lệnh... Tối mùa đông rét đậm, quần áo mong manh càng làm cho cái rét như cứa vào da thịt. Những trai làng ngoại thành Hà Nội, quen làm ruộng, trồng rau hơn cầm súng, đã vào vị trí nhưng rất hồi hộp, không thể hình dung được chiến sự sẽ ra sao. Đúng 20 giờ 3 phút, sau khi điện tắt, pháo lệnh được bắn lên, Trung đội trưởng Nguyễn Ưng Gia dõng dạc hô khẩu lệnh: “Bắn!...”. “Lần đầu tiên, tôi được nghe trọng pháo gầm lên dữ dội. Tai ù đặc, cổ họng cứng nghẹn vì bụi đất nhưng tôi vẫn không rời tay chuyển đạn lên mâm pháo. Ba loạt, 6 quả đạn pháo liên tiếp lao đi. Rét căm căm mà mồ hôi vã ra như tắm. Mọi người trên mâm pháo vui mừng không kể xiết khi trinh sát báo về pháo bắn vào thành đã trúng đích...”-ông Đa bồi hồi nhớ lại.

Sau loạt đạn từ pháo đài Láng vào thành, pháo đài Xuân Tảo cũng bắn dồn dập. Gần sáng ngày 20-12-1946, pháo đài Xuân Canh nhận lệnh nổ súng sang Nhà đèn Yên Phụ và đầu nam cầu Long Biên. Cả Hà Nội một khí thế chiến đấu vô cùng sục sôi. Tiếng súng của lực lượng tự vệ Thủ đô vang lên từ nhiều phía. Các mẹ, các chị gánh cơm, nước, thực phẩm lên tiếp tế cho bộ đội cũng vô cùng phấn khởi. Đồng chí Võ Nguyên Giáp gửi lời khen ngợi biểu dương: “Tự vệ pháo đài Láng bắn giỏi, bắn trúng...”, càng làm cho các pháo thủ thêm tự hào. Đêm hôm sau, giặc Pháp bắn vào trận địa, đại bác rơi vào làng, nhà cháy, dân bị chết và bị thương nhưng đội tiếp tế vẫn gánh cơm lên trận địa. Những rá cơm nghi ngút khói ấm áp tình quân dân. Ngày 20-12, pháo đài Láng tổ chức bắn chặn quân Pháp từ Đồn Thủy tiến về Bắc Bộ phủ, đạn pháo tiếp tục nổ tản mát trên phố Trần Hưng Đạo và Ngô Quyền. Sáng ngày 21-12, pháo đài Láng đã bắn rơi một máy bay giặc trên địa bàn Thủ đô, lập chiến công đầu tiên của pháo binh Việt Nam.

Sang tháng 1-1947, Trung đội pháo đài Láng tiếp tục bắn các mục tiêu như Đồn Thủy, phà Đen (bờ sông Hồng)... Ngày 6-1-1947, địch tấn công Ô Chợ Dừa-Giảng Võ rất ác liệt. Để bảo toàn lực lượng, ngày 11-1-1947, tự vệ pháo đài Láng được lệnh rút ra hậu phương. Cả trung đội hành quân, khiêng pháo vượt sông đến làng Hữu Từ, Hữu Lê thì gặp địch từ Văn Điển đánh lên đành phải giấu pháo tại đây rồi cơ động qua Đoan Hùng lên Việt Bắc. Tháng 6-1947, đơn vị lên đến Việt Bắc tiếp tục cuộc kháng chiến trường kỳ bảo vệ Tổ quốc.

NGÔ DUY ĐÔNG