QĐND - Tạp chí “Toàn cảnh Đông Nam Á” (Hán văn là Đông Nam Á tung hoành, tên tiếng Anh là Around Southeast Asia), nguyệt san do Sở Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Khoa học xã hội Quảng Tây biên tập và xuất bản.
Trong số 3, năm 1986 của tạp chí “Toàn cảnh Đông Nam Á”, có đăng bài nghiên cứu “Liệt sĩ Phạm Hồng Thái là chiến sĩ cách mạng Việt Nam bất hủ” với 6 trang khổ lớn 20x28 cm (tương đương 18 trang dịch sang tiếng Việt), giới thiệu khá sâu sắc về thân thế và sự nghiệp của Phạm Hồng Thái, một thành viên quan trọng của Việt Nam Quang phục hội, Việt Nam Quốc Dân đảng, của tổ chức “Tâm Tâm xã”, đã anh dũng bất khuất ném bom ám sát Toàn quyền Pháp ở Việt Nam Méc-lanh (Merlin), gây tiếng vang lớn trên thế giới vào năm 1924. Tác giả của luận văn là Nhà giáo-dịch giả Viên Sĩ Luân.
![](http://file.qdnd.vn/data/old_img/phucthang/2013/3/12/7182815320130312081041937.jpg) |
Liệt sĩ Phạm Hồng Thái. |
Với tác phẩm nghiên cứu “Liệt sĩ Phạm Hồng Thái là chiến sĩ cách mạng Việt Nam bất hủ” công bố trên tạp chí “Toàn cảnh Đông Nam Á”, Nhà giáo-dịch giả Viên Sĩ Luân đã được trao “Giải thưởng Thành quả nghiên cứu khoa học ưu tú Viện Khoa học Xã hội Quảng Tây năm 1984-1988”.
Phạm Hồng Thái sinh ngày 14-5-1895, tên khai sinh là Phạm Thành Tích, người Nghệ An, Việt Nam. Tổ phụ Phạm Trung Tuyển và phụ thân Phạm Thành Mỹ đều tham gia “Khởi nghĩa Hương Khê” do Phan Đình Phùng lãnh đạo.
Từ nhỏ Phạm Thành Tích đã tận mắt nhìn thấy những tội ác của thực dân Pháp trấn áp các cuộc khởi nghĩa: Những chí sĩ cách mạng bị sát hại, làng xóm bị đốt cháy, của cải bị cướp phá… Tất cả những điều ấy khơi dậy lòng căm thù tột độ đế quốc trong anh. Phụ thân của anh vì tham gia khởi nghĩa đã bị bức hại, đã từng phải chạy trốn đến tỉnh Lạng Sơn, ẩn nấp trong một khu rừng giáp giới với Trung Quốc, dạy học tư để sinh sống. Phạm Thành Tích theo cha học Hán văn, và thường nghe cha kể chuyện những sự tích anh hùng của các chí sĩ yêu nước chống Pháp. Phạm Hồng Thái sớm tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Trước khi ám sát viên Toàn quyền Méc-lanh, anh đã có ý đồ mưu sát một tên quan to khác của nhà cầm quyền Pháp, sau đó do bạn bè nhiều lần khuyên ngăn, mới từ bỏ ý đồ ấy.
Ngày 18-6-1924, Toàn quyền Méc-lanh đến thăm Quảng Châu. Sau khi biết ngày giờ và hành trình của Méc-lanh, Phạm Hồng Thái mang theo súng ngắn, chuẩn bị ám sát y tại bến tàu Bạch Nga Đàm. Với trình độ nói tiếng Pháp lưu loát, anh trà trộn vào trong mấy chục sĩ quan và kiều dân Pháp, bí mật chờ thời cơ. Khoảng 10 giờ sáng, Méc-lanh hớn hở từ trên quân hạm Pháp bước xuống, bắt tay những người ra đón. Phạm Hồng Thái cách y chỉ có khoảng 10 mét, đang chuẩn bị rút súng, nhưng đột nhiên phát hiện, mấy viên quan chức chính quyền địa phương Trung Quốc và ký giả Trung Quốc đi đến gần Méc-lanh, nếu ám sát, rất có thể gây thương vong oan cho những người bên cạnh, nên anh thu súng lại.
Chiều hôm ấy, Méc-lanh tham gia tiệc chiêu đãi trong Lãnh sự quán Pháp tại Sa Diện, lần này Phạm Hồng Thái đóng vai ký giả lại đặt chân đến hiện trường. Nào ngờ, khách mời đến dự tiệc rất đông, đứng ngồi lộn xộn, súng ngắn khó bắn trúng mục tiêu, lại một lần nữa mất thời cơ ám sát.
![](http://file.qdnd.vn/data/old_img/phucthang/2013/3/12/4653278820130312081046718.jpg) |
Bà Cao Thị Chất, vợ liệt sĩ Phạm Hồng Thái (đã mất năm 1980). Ảnh tư liệu.
|
Ngày 19-6, thời cơ Phạm Hồng Thái chờ đợi cuối cùng đã đến. Tối hôm ấy, Lãnh sự Pháp tại Quảng Châu đón tiếp Méc-lanh trong Khách sạn Victoria (khách sạn Thắng Lợi ngày nay), tại Sa Diện. Khoảng 20 giờ 45 phút, Phạm Hồng Thái từ cửa sổ ném bom vào bên trong. Bom nổ, ba người chết, năm người bị thương tại chỗ. Nhưng Méc-lanh cách địa điểm bom nổ hơi xa, nhanh chóng chạy vào trong phòng gần đấy lẩn tránh nên thoát nạn.
Sau khi sự việc xảy ra, thừa lúc nhiều người hoảng loạn chạy tứ tung, Phạm Hồng Thái chạy thoát khỏi hiện trường. Nhưng, cảnh sát an ninh tứ bề phát hiện ra anh, truy đuổi gắt gao. Phạm Hồng Thái chạy ra hướng sông Châu Giang, phía tây Sa Diện. Đám đông quân cảnh nghe thấy động lao đến tham gia bao vây truy bắt, Phạm Hồng Thái giương súng bắn nhau với chúng. Cuối cùng, Phạm Hồng Thái hết đạn, anh không cam chịu bị bắt, đã hiên ngang nhảy xuống Bạch Nga Đàm, do lạ nước lạ cái, không lâu sau bị dòng nước xiết nhấn chìm.
Sau khi sự việc xảy ra, Sa Diện lập tức bị giới nghiêm toàn diện, Phòng cảnh sát tuần tra Pháp lập tức gọi điện cho Cục Cảnh sát Quảng Châu, yêu cầu cử thêm cảnh sát hiệp tác điều tra vụ ám sát, những người khả nghi đều bị khám xét thân thể, một trăm mấy chục thuyền đánh cá đậu quanh đảo Sa Diện đều bị lục soát kỹ càng. Tổng lãnh sự Tô giới Anh tại nơi xảy ra sự việc cũng triệu tập nhà đương cục Quảng Đông, khẳng định dứt khoát kẻ ném bom là người Trung Quốc, tuyên bố Sa Diện phải hạn chế người Hoa đi vào.
Một số người nước ngoài cư trú tại Sa Diện thì cho rằng, có khả năng là hành động của người Việt Nam, vì đảng phái cách mạng Việt Nam đã nổi dậy nhiều năm, nhưng đa số bị Méc-lanh đàn áp đẫm máu, người Việt Nam từ lâu đã muốn trừng phạt ông ta.
Sáng ngày 21-6, cảnh sát đường sông đã phát hiện một thi thể nổi gần mạn đê sông Châu Giang. Phía cảnh sát của ba nước nghe tin đã phối hợp khám nghiệm tử thi, xác định thân phận người chết là người Việt Nam. Ngày 27-6, cảnh sát lại vớt lên một khẩu súng ngắn ru-lô ở chỗ người ám sát nhảy xuống sông, phù hợp với những viên đạn người chết còn mang theo bên mình.
Tại Quảng Châu người và đất đều lạ lẫm, vậy Phạm Hồng Thái đã tiến hành ám sát như thế nào đây? Thì ra, kế hoạch chuẩn bị ám sát được sự ủng hộ của “Tâm Tâm xã”, một tổ chức cách mạng Việt Nam hoạt động bí mật tại Quảng Châu. Người đứng đầu “Tâm Tâm xã” là Vũ Hồng Anh, học viên khoá 1 của trường Quân sự Hoàng Phố. Ông đã bố trí Phạm Hồng Thái ẩn náu trong Từ đường Diệp Gia tại đường Huệ Ái (đường Trung Sơn ngày nay). Quả bom 10 bảng Anh có uy lực cực mạnh là do La Tổ và Lê Xương, những phần tử cốt cán của Công hội cơ khí sở tại đảm nhiệm chế tạo, và thông qua một liên lạc viên họ Triệu kịp thời cung cấp tình báo về hành tung của Méc-lanh tại Quảng Châu.
Trước khi làm nhiệm vụ, Phạm Hồng Thái đã từng hứa với Vũ Hồng Anh rằng: “Sự việc thành công hay không, khó mà đoán được, nhưng tôi thề không chịu để rơi vào tay người Pháp.”
Theo kế hoạch, Phạm Hồng Thái tiến vào theo cầu Đông Sa Diện, sau khi ra tay sẽ chạy theo hướng tây ra bờ sông phía nam, ở đấy có người tiếp ứng. Ngoài ra, đã bố trí hai người cảnh giới ở quán trà Sơn Tuyền ở chân cầu Tây Sa Diện, khi cần thiết thì nổ súng yểm hộ Phạm Hồng Thái thoát thân. Ngoài ra còn có một số người lái một chiếc ca-nô nhỏ chờ đợi ở ven đê phía nam Sa Diện, có thể nói kế hoạch rất bí mật chu toàn. Đáng tiếc, sau khi ném bom, trong tình huống khẩn cấp, Phạm Hồng Thái chạy sai phương hướng, lao về phía cầu Tây, chạy đến cầu Tây thấy cánh cổng cầu đã đóng chặt, đành phải chạy trở lại về phía nam, song cự ly cách ca-nô tiếp ứng đã quá xa, trong tình thế khẩn cấp, đành phải nhảy xuống sông Châu Giang.
![](http://file.qdnd.vn/data/old_img/phucthang/2013/3/12/4876541720130312081049796.jpg) |
Mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái tại Hoàng Hoa Cương. Ảnh tư liệu. |
Hành động của Phạm Hồng Thái đã thu hút rất nhiều thanh niên Việt Nam đến Quảng Châu, một bộ phận được đưa vào trường Quân sự Hoàng Phố học tập. Hành động của Phạm Hồng Thái tuy không thành công, song vẫn được so sánh với vụ An-jung-kơn (Ahn Joong Keun) giết chết I-tô Hi-rô-bu-mi (Ito Hirobumi) 15 năm trước. Đó là sự kiện chấn động châu Á: An-jung-kơn (1879-1910), một người Triều Tiên yêu nước ám sát giết chết I-tô Hi-rô-bu-mi, một tên xâm lược đầu sỏ Nhật Bản, vào ngày 26-10-1909, tại nhà ga xe lửa Cáp Nhĩ Tân (Trung Quốc).
Mộ của Phạm Hồng Thái đầu tiên an táng tại đồi Nhị Vọng, đường Tiên Liệt, xây xong vào tháng 1-1925. Cuối thập niên 50 vì nhu cầu mở rộng quốc lộ, nên di chuyển mộ Phạm Hồng Thái đến đồi Thái Hoà, phía sau mộ 72 liệt sĩ Hoàng Hoa Cương. Ngày 12-4-1958, mộ mới xây xong. Vợ và con trai ông cùng ông Cao Hồng Lãnh đại biểu của Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) đã nhận lời mời đến dự Lễ khánh thành mộ mới.
(Vợ liệt sĩ Phạm Hồng Thái là bà Cao Thị Năm, từ trần năm 1980; Con trai duy nhất của hai ông bà là nhà giáo Phạm Minh Nguyệt sinh năm 1922- VPT)
Mộ xây bằng đá hoa cương, trước mộ dựng bia mộ, thân bia hình lăng trụ, dưới rộng trên hẹp, chia làm ba tầng. Bia cao 3,27 mét, diện tích tầng trệt là 12,96 mét vuông. Chính diện bia mộ chạm khắc văn tự song ngữ Trung Việt: “Mộ Liệt sĩ Phạm Hồng Thái, sinh ngày 14-5-1895, hy sinh ngày 19-6-1924. Uỷ ban Nhân dân thành phố Quảng Châu trùng tu tôn tạo vào ngày 24-2-1958”.
Bên cạnh mộ có một tấm bia mộ chí Liệt sĩ Phạm Hồng Thái chạm khắc bằng đoan thạch, dài 1,8 mét, cao 2,6 mét, do nhà thư pháp Phiên Ngung nổi tiếng Hồ Hấp thủ bút, ghi chép tóm tắt thân thế sự nghiệp của liệt sĩ. Tấm bia mộ chí này cùng với mộ cũ được di chuyển tới Nghĩa trang Liệt sĩ Hoàng Hoa Cương – “Công viên Hoàng Hoa Cương”, một Khu di tích lịch sử văn hoá, một danh lam thắng cảnh cấp quốc gia của Trung Quốc.
VŨ PHONG TẠO