QĐND- Giữa năm 1975, Trại Cải huấn của Quân giải phóng ở Sài Gòn có một học viên cấp tướng 65 tuổi. Ông ta được các học viên sĩ quan cùng cải tạo bầu là “lớp trưởng” và coi như bậc “đàn anh” bởi có nhiều năm là Chỉ huy trưởng Trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt, nơi mà nhiều thế hệ tướng lĩnh của chế độ Việt Nam Cộng hòa như: Nguyễn Văn Thiệu, Đặng Văn Quang, Lê Minh Đảo, Mạch Văn Trường… từng theo học. Đó là Trung tướng Lê Văn Kim, viên tướng từng học ở Pháp và được Mỹ sử dụng trong cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam Việt Nam.

Lê Văn Kim khi đang là Thiếu tướng, Chỉ huy trưởng Trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt. Ảnh tư liệu.

Từ khi học tiểu học, Lê Văn Kim đã rời “thuộc địa” theo chú ruột sang Pháp và mang quốc tịch của “mẫu quốc”. Lớn lên, Kim theo học Trường Sĩ quan Pháo binh ở Poa-chi-ê (Poitiers). Tốt nghiệp, Kim được phong hàm Chuẩn úy trừ bị. Tại Pháp, Kim kết thân với Trần Văn Đôn (sau này là viên tướng 3 sao), thân thiết tới mức sau đó ít năm thì trở thành em rể của Đôn. Mối tình của Kim với cô em gái của Trần Văn Đôn được coi là “môn đăng hộ đối” bởi Kim vốn xuất thân trong một gia đình tư sản giàu có làm nghề buôn tơ lụa, người chú ruột của Kim ở Pháp cũng là một nhà kinh doanh tên tuổi, trong khi gia đình Đôn cũng sinh sống ở Pháp từ lâu. Với “lợi thế” 15 năm sống trên đất Pháp, Kim đã hòa nhập nhanh và tới năm 25 tuổi (1935), ông ta cưới một cô vợ quốc tịch Pháp nhưng mang gốc gác gia đình người Việt.
Lê Văn Kim là một mẫu tướng già từng được Pháp đào tạo và được Mỹ trọng dụng. Vì thế, ở ông ta có một số điểm khác biệt so với các viên tướng do Mỹ đào tạo sau này, đó là tính cách chỉn chu, cần mẫn và tỉ mỉ. Là một trong số ít các viên tướng về hưu bị kẹt lại ở trong nước sau ngày 30-4-1975 nên khi vào học tập, cải tạo trong Trại Cải huấn, Lê Văn Kim được các học viên cấp tướng cử làm lớp trưởng. Theo lời kể của các cán bộ cải huấn, Lê Văn Kim luôn có mái tóc chải mượt và âu phục lịch sự mỗi khi lên lớp. Ở Trại Cải huấn, Lê Văn Kim thường đi kiểm tra nơi ăn ở của anh em học viên với ý thức “tránh để các cán bộ cách mạng nhận xét không hay”, giống như trước kia, Lê Văn Kim ít khi để người Mỹ chê trách mỗi khi quan thầy lui tới kiểm tra Trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt.

Lê Văn Kim cũng tránh bộc lộ cảm nghĩ của mình về người Mỹ và chính thể Việt Nam Cộng hòa. Thi thoảng, ông ta chỉ nhắc đến cái ý “trước sau tôi chỉ là một sĩ quan nhà trường chứ không phải là kẻ xông pha nơi hòn tên mũi đạn”. Trong mắt các viên tướng trẻ còn đang ở “tuổi băm” như Lê Minh Đảo, Mạch Văn Trường… họ thường coi Lê Văn Kim như một “bố già vô vị”.

Theo lời kể của các sĩ quan cùng thời, sau khi bị tướng Nguyễn Khánh cho về hưu, Lê Văn Kim đã không nhảy ra khoác áo nghị sĩ hoặc vai vế nào đó trong Nghị viện như một loạt tướng già thường làm mà yên phận làm ăn trong cái gọi là “Công ty xuất nhập cảng DOXUKI” (tên viết tắt của 3 tướng: Trần Văn Đôn, Mai Hữu Xuân, Lê Văn Kim). Công việc làm ăn có phần hanh thông nên Lê Văn Kim cũng kiếm được một nguồn tiền đủ để an hưởng sung túc sau ngày rời chính trường.

Sau này, trong thời gian học tập ở Trại Cải huấn, Lê Văn Kim cũng thừa nhận là mình có quen thân với Dương Văn Minh nhưng rất ít liên lạc với ông ta bởi đã “quá mệt mỏi với việc làm chính trị”. Lê Văn Kim từng có lần bộc bạch, không riêng ông ta chán cuộc đời binh nghiệp mà cả hai cậu con trai đang theo học ở Pháp cũng không ưa nghiệp cũ của bố, vì thế đứa con đầu của Kim sau khi tốt nghiệp ngành kỹ sư cầu cống ở Đại học Bách khoa Pa-ri đã ở lại Pháp, đứa thứ hai sau khi tốt nghiệp đại học cũng sang làm ăn ở Ma-rốc. Theo quan điểm của viên tướng bị thất thế, con cái ông ta khó có thể trở về để phục vụ cho cái chính thể đã từng bạc đãi cha chúng…

Song, trái ngược với bản tính mà đám lính trẻ từng gọi Lê Văn Kim là “bố già vô vị”, bằng sự tận tụy, mẫn cán của mình, viên tướng từng đứng đầu lò đào tạo danh giá mang tên Võ bị Đà Lạt đã góp phần rèn giũa và cho ra lò hàng trăm sĩ quan trẻ, trong đó có những kẻ từng đứng đầu các cơ quan, bộ máy tay sai khét tiếng của chính quyền Sài Gòn như: Nguyễn Khắc Bình, Nguyễn Ngọc Loan, Lê Nguyên Vĩ, Trần Văn Hai… Không hẳn như những lời tự thú mà viên tướng già từng nhận trong trại cải huấn là chỉ “quẩn quanh với công việc nhà trường”, “tài năng” của Lê Văn Kim đã được “phát huy” để đào tạo nên những viên sĩ quan biết cầm súng chống lại đồng bào và mang tư tưởng chống Cộng cực đoan. Đường binh nghiệp của Lê Văn Kim chỉ dừng lại khi gốc gác thân Pháp đã không còn “gặp thời” và phe cánh của một loạt tướng già như ông ta không còn được quan thầy trọng dụng.


QUANG HUY