Đây là phụ bản của tờ Nghiên cứu tình báo, một tạp chí nhằm bổ túc cho các thành viên của cộng đồng tình báo Mỹ về lịch sử của ngành, đồng thời khuyến khích các thảo luận mang tính xây dựng. Cuốn sách được soạn thảo bởi sử gia Clayton Laurie và chủ bút của tạp chí là Andrew Vart, trên cơ sở các công văn thuộc lưu trữ của CIA.

Khởi đầu (*)

Năm 1944, các đơn vị thuộc văn phòng tình báo chiến lược Mỹ (OSS), tiền thân của CIA, từng thiết lập quan hệ với các nhóm du kích Việt Nam hoạt động ở miền Bắc nước này. Năm 1945, một đội OSS đã tỏa đi từ các căn cứ ở Côn Minh, Trung Quốc, làm nhiệm vụ thu thập tin tức về quy mô và hướng chuyển quân của Nhật, thiết lập các hoạt động tìm cứu, trợ giúp các phi công Đồng minh bị Nhật bắn rơi. Thành viên của đơn vị OSS này đã tình cờ gặp các thành viên của tổ chức kháng chiến Việt Nam, gọi là Việt Minh. Tới năm 1945, Việt Minh đã thiết lập các đội du kích chống Nhật và sự chiếm đóng Đông Dương của Pháp.

leftcenterrightdel
Trang bìa cuốn sách “CIA và các cuộc chiến tranh ở Đông Nam Á 1947-1975”.

Nhóm OSS này bắt đầu huấn luyện và cung cấp vũ khí để Việt Minh kháng Nhật và thu thập tin chiến sự trong suốt mùa hè 1945. Tới ngày 15-8-1945, Việt Minh đã trở thành một lực lượng có vũ trang trên toàn Việt Nam, chiếm giữ một phần lãnh thổ đáng kể. Các nhân viên OSS tháp tùng ông Hồ Chí Minh về Hà Nội, nơi ông tuyên bố Việt Nam từ nay hoàn toàn độc lập, tách khỏi ách đô hộ của Pháp. OSS gửi các báo cáo về Washington, cổ súy một mối quan hệ mang tính xây dựng với Hồ Chí Minh và chính quyền mới ở Việt Nam.

Lạc nước

Những đề xuất của OSS hẳn đã được hoan nghênh ở Nhà Trắng nếu Tổng thống Roosevelt không đột tử. Trong những tuần đầu sau khi ông từ trần tháng 4-1945, người Pháp đã khiến Tổng thống Mỹ kế nhiệm là Harry Truman hiểu rằng Paris sẽ không hậu thuẫn các chính sách của Mỹ tại một châu Âu sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, cũng như không đứng về phía Mỹ trong cuộc đấu chống lại Liên Xô, nếu như Mỹ không hỗ trợ cho Pháp trở lại Đông Dương.

Lãnh đạo Hoa Kỳ lúc đó quan tâm châu Âu hơn so với các vùng khác trên thế giới, vì thế chính quyền Truman không những ngả theo, mà còn tích cực ủng hộ Pháp trong các nỗ lực phục hồi sự thống trị kiểu thực dân ở Đông Dương…

Bắt đầu từ năm 1950, Mỹ tài trợ cho các nỗ lực của Pháp chống Việt Minh. CIA cài đặt các nhân viên tình báo của mình vào Sài Gòn và Hà Nội. Các gián điệp này nhanh chóng báo cáo với Washington rằng Hồ Chí Minh là một anh hùng dân tộc, được nhân dân ủng hộ rộng rãi cả ở hai miền Nam, Bắc. Hơn nữa, dù được Mỹ cung cấp phương tiện chiến tranh và tiền nhưng người Pháp đang thua. Vào lúc mở màn các dàn xếp ở Geneve năm 1954, giám đốc CIA lúc đó là Allen Dulles báo cáo với Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ rằng, thắng lợi ở Điện Biên Phủ đã khuếch đại ghê gớm sự nổi tiếng của Hồ Chí Minh. Nếu cuộc tuyển cử diễn ra như đã định vào tháng 7-1956, Hồ Chí Minh sẽ dễ dàng giành thắng lợi và đưa Việt Nam vào sự kiểm soát của cộng sản. Dulles về sau nhớ lại: “Điều làm nhụt chí nhất, toát lên trong các tin tức từ Đông Dương mùa hè 1954 là đa số dân chúng ở Việt Nam ủng hộ Việt Minh…”.

Ngày 26-6-1954, CIA đã triển khai phái bộ của cơ quan này ở Sài Gòn dưới quyền một đại tá không quân là Edward Lansdale. Từ đó đến cuối năm 1956, nhờ có Lansdale hỗ trợ, Ngô Đình Diệm, kẻ được thủ tướng Pháp dựng lên sống sót được qua một số cuộc đảo chính do các thủ lĩnh đối lập giật dây. Lansdale cũng giúp Diệm thao tác một cuộc bầu cử vào năm 1955 lập ra Việt Nam cộng hòa.

Cùng kỳ, Lansdale đạo diễn một loạt các chiến dịch chiến tranh tâm lý và phá hoại ngầm ở Bắc Việt Nam. Các chiến dịch này nhằm phá hủy các cơ sở thông tấn của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa, xúi bẩy người dân di cư vào Nam, xây dựng các đội “nằm vùng” ở miền Bắc khi quân Pháp rút đi, chôn giấu vũ khí, mưu toan vô hiệu hóa cảng Hải Phòng, hủy hoại các đường tiếp nhiên liệu, phá hoại các tuyến đường sắt... Một số nhóm biệt kích của CIA thâm nhập vào miền Bắc, dưới sự điều phái của thành viên CIA Lucien Conein.

Tới cuối thập niên 50, Hoa Kỳ bắt đầu nghi ngại sự ương ngạnh, thiếu hợp tác của Diệm. Sự chuyên quyền và độc tài của Diệm cũng bất lợi cho những ý đồ của Mỹ.

Để chống lại cộng sản đang nổi dậy mạnh mẽ ở miền Nam, năm 1961, 93 nhân viên CIA sang nơi này lập ra Lực lượng dân sự chiến đấu (CIDG). Tới giữa năm 1963, CIDG điều hành 27 trại lính, chỉ huy 40 nghìn dân sự chiến đấu và 11 nghìn lính xung kích thuộc lực lượng đặc biệt. Lực lượng này đã kiểm soát được vài trăm làng, buôn với tổng số dân cư khoảng 300 nghìn người trên một diện tích vài trăm dặm vuông.

Bổ sung cho chương trình CIDG, tháng 2-1962, CIA còn tham gia vào một nỗ lực đầy tham vọng chống nổi dậy ở cấp làng. Ngô Đình Nhu, em trai của Diệm, đã cầm đầu sáng kiến này, bao gồm cả chương trình ấp chiến lược. Tới cuối năm 1962, hơn 2.600 ấp được di dời và dồn vào ấp mới, nơi được đào hào, đắp lũy kiên cố. Kết cục, chương trình này trở thành một minh họa cho sự mục ruỗng, thiếu hiệu quả và bản chất đàn áp, cưỡng ép của chế độ Diệm, gieo mầm cho sự oán giận của người dân.

Chính quyền Kennedy nhận thấy mình chật vật trong nỗ lực ổn định tình hình. Từ mùa hè đến mùa thu năm 1963, các tướng quân đội Sài Gòn đã dấy lên các mưu đồ lật đổ Diệm. Thành viên CIA Lucien Conein đóng vai trò người liên lạc bí mật giữa Đại sứ Mỹ thời đó ở Nam Việt Nam là Henry Cabot Lodge và các sĩ quan chủ chốt mưu đồ đảo chính… Cuộc đảo chính lật Ngô Đình Diệm xảy ra vào ngày 1-11-1963. Cái chết của anh em Diệm đã tạo ra một cú sốc cho lãnh đạo Mỹ, đặc biệt là Tổng thống Kennedy. Sau khi Diệm chết, Việt Nam cộng hòa lâm vào một thời kỳ các nhóm quân phiệt thay nhau cai trị trong khoảng hai năm. Trải qua nhiều chính phủ nhưng không thể tạo dựng được sự ổn định chính trị và chống trả cộng sản một cách có hiệu quả về quân sự. Cộng sản đã mở rộng quyền kiểm soát trên nhiều vùng hơn ở Nam Việt Nam.

Năm 1964, CIA tiếp tục gửi các báo cáo bi quan rằng tình hình ở Nam Việt Nam đang ngày một nguy ngập hơn. Thực vậy, cuối năm 1964 đã có bằng chứng là có những đơn vị vũ trang đáng kể của Bắc Việt Nam đã thâm nhập vào miền Nam. Johnson, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ, đã trả đũa bằng các hoạt động quân sự kiểu chiến tranh quy ước lẫn các phương thức tiến hành chiến tranh ngầm như biệt kích, gián điệp. Đầu năm 1964, MACV (U.S. Military Assistance Command Vietnam, Bộ chỉ huy viện trợ quân sự Mỹ tại Việt Nam) xúc tiến các kế hoạch chiến tranh bí mật chống miền Bắc. Đó thực ra vẫn là các chiến dịch bán vũ trang và phá hoại từng được CIA tiến hành, nay nhấn mạnh thêm về mặt quân sự, nhưng cũng chỉ đem lại kết quả ảm đạm, hạn hẹp. Các nỗ lực tương tự của MACV cũng thất bại.

Quá đà

Trên thực tế, một chiến dịch do thám như vậy đã đi quá đà, trở thành vụ Vịnh Bắc Bộ. Đầu tháng 8-1964, các tàu quân sự của Việt Nam đã tiến công những chiến hạm của Hải quân Mỹ. Ngay trước đó, MACV đã hỗ trợ các đơn vị biệt kích của Quân đội Sài Gòn tiến công vào các trạm radar trên bờ của Bắc Việt Nam. Đồng thời, Hải quân Mỹ đã tiến hành các hoạt động tình báo điện tử và thu thập tin tức trên Biển Đông. Miền Bắc cho rằng, các tàu khu trục của Hải quân Mỹ là một phần của một cuộc tiến công lên bộ sắp xảy ra, nên đã tiến công chiến hạm Maddox. Cùng kỳ, cả chiến hạm Turner Joy của Mỹ cũng được cho là đã bị tiến công.

Chính quyền Johnson nhìn nhận hành động trên của Việt Nam Dân chủ cộng hòa như một thách thức trực tiếp, và đã tung ra một loạt những cuộc không kích đánh phá Bắc Việt Nam. Tuy nhiên, bản phân tích của CIA về sự kiện Vịnh Bắc Bộ cho rằng, những đòn tiến công vào các tàu khu trục của Mỹ là hành động tự vệ. CIA kết luận rằng những người cộng sản đã không hề hành động để khiêu khích Mỹ…

Cuối năm 1964 đầu năm 1965, lực lượng cộng sản tại Việt Nam, với ưu thế là có được sự giúp đỡ ngày càng tăng của miền Bắc, đã trở nên mạnh mẽ chưa từng có, và chính quyền Sài Gòn đang trên bờ vực của diệt vong.

Để trả đũa, chính quyền Johnson đã khởi xướng một chương trình ném bom quy mô ngày một tăng chống lại miền Bắc Việt Nam. Ngày 8-3-1965, một đơn vị lớn lính thủy đánh bộ Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng. Tháng 4-1965, tướng William Westmoreland, tư lệnh  MACV thông báo rằng tình hình ở Nam Việt Nam là nguy kịch. Dựa vào tin này, bộ tham mưu liên quân Mỹ đưa quân ồ ạt vào miền Nam Việt Nam để ngăn chặn sự sụp đổ không tránh khỏi của Việt Nam cộng hòa. Trước khi rời khỏi chức vụ Giám đốc CIA vào tháng 4-1965, McCone đã cảnh báo Tổng thống Johnson: Hoa Kỳ đang liều mạng đẩy binh sĩ của nước này vào “một cuộc viễn chinh không có cơ sở thực tế để cải thiện các cơ hội… Trên thực tế, chúng ta không chỉ sẽ sa lầy trên chiến trường rừng rậm trong một nỗ lực không thể thắng, mà còn vô cùng khó khăn khi tìm cách thoát ra khỏi đó”…

LÊ ĐỖ HUY (trích dịch)

(*) Các đầu đề nhỏ là của người dịch