QĐND - Sinh ra trong một gia đình quý tộc nhỏ, ngay từ thơ ấu Pu-skin đã có nhiều điều kiện tốt để học tập và phát triển tài năng bẩm sinh của mình. Người cha yêu nghệ thuật, người chú ruột là một nhà thơ, những người thân, bạn bè đều là những văn nghệ sĩ đã gây cảm hứng và niềm say mê sáng tác cho Pu-skin từ thời thơ ấu. Đặc biệt, được bà nhũ mẫu ru ngủ bằng những truyện cổ tích lý thú, những bài dân ca Nga du dương tuyệt diệu, cậu bé đã sớm cảm nhận và tiếp thu được những lời hay ý đẹp của nền văn nghệ dân gian Nga.
Những năm học trường Li-xê ở Pê-téc-bua (1811-1817), được các thầy giáo tiến bộ rèn dạy về lòng yêu nước qua cuộc Chiến tranh ái quốc chống quân xâm lược Na-pô-lê-ông của nhân dân Nga năm 1812, cậu bé Xa-sa (tên gọi âu yếm từ cái tên A-lếch-xan-đơ theo cách Nga) được lớn thêm, sớm hiểu biết về nhân tình thế thái, nhất là lòng yêu nước, yêu tự do, chống chế độ chuyên chế áp bức. Từ thời ngồi trên ghế nhà trường, từ thời còn thò lò mũi xanh mới lên tám, Xa-sa rất yêu thơ và bắt đầu tập làm thơ. Bạn nghe thơ đầu tiên của cậu là các bạn cùng học. Được chúng bạn tán thưởng khen ngợi, Xa-sa càng đam mê xuất ý thành thơ. Trong số những bài thơ đầu tay hồi còn đi học, bài "Gửi người bạn thơ" (1813) và bài "Những hồi ức về Hoàng Thôn" (1815) báo hiệu tài năng và hướng thi ca tương lai của cậu học trò này.
Do cảm tình và những đóng góp thơ ca cho phong trào chống chế độ chuyên chế nông nô của Nga hoàng Ni-cô-lai Đệ nhất mà Pu-skin bị đi lưu đày, trục xuất khỏi Thủ đô (1820-1826), bị chính quyền theo dõi hoặc bí mật hoặc công khai. Sự thất bại của cuộc Khởi nghĩa Tháng Chạp (14-12-1825), anh em, đồng chí cách mạng bị giết hại, bị giam cầm và tù đày đã thực sự thức tỉnh nhà thơ trẻ. Đây là thời kỳ lãng mạn cách mạng của thơ ca ông. Các tác phẩm đầy nhiệt huyết và tinh thần đấu tranh như "Người tù Cáp-ca", "Anh em kẻ cướp", "Lệ đài Ba-khơ-xi-xa-rai", "Đoàn người Di-gan" là tiền đề để Pu-skin bước vào thời kỳ mới, thời kỳ nhà thơ của thực tại xã hội Nga. Rồi tiến lên một nấc mới cao hơn, các tác phẩm như tiểu thuyết thơ "Ê-vơ-ghê-ni Ô-nê-gin", trường ca "Ru-xlan và Lút-mi-la", kịch thơ "Bô-rít Gô-đin-nốp" đặt nền móng cho chủ nghĩa hiện thực Nga thế kỷ 19.
 |
Pu-skin thời thơ ấu. (Tiểu họa màu, đầu thế kỷ XIX.)
|
Dưới sự cai trị khắc nghiệt của Nga hoàng Ni-cô-lai Đệ nhất suốt 30 năm (1825-1855), Pu-skin mặc dù được mãn hạn lưu đày, được trở lại Pê-téc-bua nhưng cuộc sống và hoạt động nghệ thuật vẫn bị mất tự do. Không nao núng trước uy quyền và danh lợi, Pu-skin vẫn luôn trung thành với lý tưởng của những người cách mạng Tháng Chạp. Những bài thơ sáng tác về sau này càng cứng cáp hơn, quyết tâm và khí phách hơn. Nhờ vậy mà thơ ông đã được ghi sâu trong tâm thức người dân Nga bình dị và dũng cảm đấu tranh cho tự do. Pu-skin kế tục xuất sắc những thành tựu của nền văn học Nga cổ và văn học Nga thế kỷ 18. Ông luôn được coi là ông chúa của thơ tình Nga, được nhiều người hâm mộ, thuộc lòng nhiều bài tâm đắc.
Một số bài thơ tình tâm đắc của Pu-skin đã được một số nhạc sĩ Nga thời đó và sau này phổ nhạc.
Nhạc sĩ A.N.Véc-tốp-xki (1799-1862), cùng tuổi với nhà thơ, từng 35 năm làm việc và là một trong những cột trụ của Nhà hát Lớn Mát-xcơ-va thời đó, đã phổ một số bài thơ tình của nhà thơ. Bài "Thiên tình sử" (viết năm 1814, khi Pu-skin mới 15 tuổi, đang học ở trường Li-xê như kiểu trường Quốc Tử Giám của Việt Nam ngày trước) được nhạc sĩ này tâm đắc và phổ nhạc một năm sau đó. Bài thơ khá dài, có 8 khổ, mỗi khổ 8 câu. Vơ-tốp-xki đã chọn một số đoạn tình tứ có âm vận phù hợp cho giai điệu bài hát của mình. Nó được coi là bản tình ca yêu thích thời đó, được phổ biến khắp nước như một bài dân ca.
Bài "Chiếc khăn san đen" nhà thơ viết năm 1820 thì 3 năm sau nhạc sĩ này đã phổ nhạc. Bản tình ca đó được nhanh chóng bay khắp nước Nga, được công chúng yêu nhạc, nhất là những người mới bước vào tình trường yêu thích và thuộc lòng. Bài "Buổi tối mùa đông" thì được nhạc sĩ M.L.Ya-cốp-lép (1798-1868) phổ nhạc và lập tức được lưu truyền rộng rãi. Bài "Tôi yêu em" sáng tác năm 1829 cũng được nhạc sĩ Sê-rê-men-chép phổ nhạc. Ở Việt Nam, nhà Nga học Thúy Toàn đã dịch bài này và in lần đầu trong tác phẩm "Thơ Pu-skin"-1966. Thầy giáo dạy toán Trần Phương đã phổ nhạc bài này phỏng theo lời thơ dịch của Thúy Toàn. Khúc tình ca được lưu truyền rộng rãi. Bài "Nếu cuộc đời" sáng tác năm 1825 khi Pu-skin bị lưu đày. Có tới 5 dịch giả Việt dịch bài thơ này. Nguyên bản của bài thơ được thầy giáo Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội Phan Văn Bích phổ nhạc, lời Việt của Huy Thanh, được in năm 1999.
Cùng với thơ và kịch, Pu-skin còn viết văn xuôi. Hình thức và phong cách văn của ông là ngắn gọn, súc tích và xác thực, đề cao nội dung tư tưởng của tác phẩm. Và lần này, Pu-skin cũng được coi là người khởi đầu của văn xuôi hiện thực Nga. Các tác phẩm văn xuôi của ông phản ánh các lĩnh vực đời sống khác nhau, chan chứa tình người, yêu quý và thương cảm những con người nhỏ bé, bình dị. Các truyện vừa như "Con đầm pích", "Lịch sử làng Griu-khi-nô", "Đu-brốp-xki" và đỉnh cao là "Người con gái viên đại úy" là bước đi lên mới của chủ nghĩa hiện thực Nga mà về sau Gô-gôn, Sê-khốp, Lép Tôn-xtôi, Đô-xtôi-ép-xki tiếp tục phát triển lên tầm cao mới, rực rỡ hơn.
Sự nghiệp văn thơ của Pu-skin đang phát triển rực rỡ thì một bi kịch đã xảy ra: Trận quyết đấu vì danh dự giữa nhà thơ và tên sĩ quan bỉ ổi người Pháp ngày 27-1-1837 đã dẫn tới cái chết bi thảm của nhà thơ. Trong bài thơ "Cái chết của nhà thơ", nhà thơ Nga M.Léc-môn-tốp (1814-1841) đã vạch trần âm mưu độc ác, hèn hạ của chính quyền chuyên chế thời đó đã sát hại thiên tài, vinh quang và tự do con người. Chỉ hơn 38 tuổi đời nhưng Pu-skin đã là một biểu tượng ngời sáng của nước Nga, mãi mãi là một vì sao sáng của nền văn học Nga mọi thời đại.
NGUYỄN HỮU DY