QĐND-Một nhân tố quan trọng góp phần làm nên thắng lợi vang dội của công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của nhân dân Việt Nam là sự ủng hộ to lớn của nhân dân thế giới, phong trào phản chiến trong lòng nước Mỹ mà biểu tượng cao đẹp là ngọn lửa Mo-ri-xơn (Morrison).
No-man Mo-ri-xơn (Norman Morrison) sinh ngày 19-12-1933 ở Ơ-ri-ê (Erie) thuộc bang Pen-xin-va-ni-a (Pensylvania), nước Mỹ. Năm 1959, ông nhận bằng Cử nhân Thần học tại Trường Pít-xbớc Se-mi-na-ry (Pittsburgh Seminary) và gia nhập Hội “Những người bạn”, một tổ chức gồm những tín đồ Thánh giáo. Năm 1961-1962, ông dạy Kinh Tân ước và Cựu ước tại một trường trung học. Ông là một trong những người hoạt động tích cực trong phong trào biểu tình phản đối cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của chính quyền Giôn-xơn.
Từ năm 1965, khi đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam và dùng không quân đánh phá tràn lan ra các tỉnh miền Bắc nước ta, ông đã nhiều lần xuống đường phản đối, nhưng cuộc chiến tranh ngày một khốc liệt hơn. Mo-ri-xơn nghĩ rằng, khẩu hiệu, băng rôn và các cuộc tuần hành không làm những người cầm quyền chú ý thì anh phải dùng tới biện pháp cuối cùng: Ngọn lửa của thân thể mình! Thời điểm đó, Mo-ri-xơn đã có vợ và hai đứa con gái, cháu bé tên Ê-mi-li (Emily) mới mười tám tháng tuổi. Cuối chiều 2-11-1965, Mo-ri-xơn bế bé Ê-mi-li đến sát Lầu Năm góc, trụ sở của Bộ Quốc phòng Mỹ, bên dòng sông Pô-tô-mác, sau khi đã viết bức thư gửi lại cho vợ. Mo-ri-xơn để cháu Ê-mi-li ra xa rồi tưới xăng, châm lửa tự thiêu, ánh lửa bùng lên như một thông điệp của người dân Mỹ đòi chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
|
No-manMo-ri-xơn. |
Ba tuần sau khi Mo-ri-xơn hy sinh, bạn bè của ông đã tổ chức một lễ tưởng niệm. Giôn Rô-mơ (John Roemer) đã lý giải về hành động tự thiêu của Mo-ri-xơn: “Trong một xã hội mà mọi thứ đều trở nên bình thường khi con người thả bom xuống mục tiêu chính là đồng loại của mình… Đối với Mo-ri-xơn thì như thế là không bình thường và thông điệp của anh ấy là kêu gọi hãy dừng lại”.
Chỉ năm ngày sau khi Mo-ri-xơn tự thiêu, ngày 7-11-1965, nhà thơ Tố Hữu đã viết một bài thơ đầy cảm động đăng ở báo Nhân Dân ngày 8-11-1965. Đó là bài thơ:
Ê-mi-li, con...
Ê-mi-li, con đi cùng cha
Sau khôn lớn, con thuộc đường, khỏi lạc...
- Ði đâu cha?
- Ra bờ sông Pô-tô-mác
- Xem gì cha?
- Không, con ơi, chỉ có Lầu ngũ giác.
Ôi con tôi, đôi mắt tròn xoe
Ôi con tôi, mái tóc vàng hoe
Ðừng có hỏi cha nhiều con nhé!
Cha bế con đi, tối con về với mẹ...
Oa-sinh-tơn
Buổi hoàng hôn
Ôi những linh hồn
Còn, mất
Hãy cháy lên, cháy lên Sự thật!
Giôn-xơn!
Tội ác bay chồng chất
Cả nhân loại căm hờn
Con quỷ vàng trên mặt đất
Mày không thể mượn nước sơn
Của Thiên chúa, và màu vàng của Phật!
Mắc Na-ma-ra
Mày trốn đâu? Giữa bãi tha ma
Của tòa nhà Năm góc
Mỗi góc, một châu.
Mày vẫn chui đầu
Trong lửa nóng
Như đà điểu rúc đầu trong cát bỏng.
Hãy nhìn đây!
Nhìn ta phút này!
Ôi không chỉ là ta với con gái nhỏ trong tay
Ta là Hôm nay
Và con ta, Ê-mi-li ơi, con là Mãi mãi!
Ta đứng đây,
Với trái tim vĩ đại
Của trăm triệu con người
Nước Mỹ.
Ðể đốt sáng đến chân trời
Một ngọn đèn
Công lý.
Hỡi tất cả chúng bay, một bầy ma quỷ
Nhân danh ai?
Bay mang những B52
Những na-pan, hơi độc
Từ tòa Bạch ốc
Từ đảo Guy-am
Ðến Việt Nam
Ðể ám sát hòa bình và tự do dân tộc
Ðể đốt những nhà thương, trường học
Giết những con người chỉ biết yêu thương
Giết những trẻ em chỉ biết đi trường
Giết những đồng xanh bốn mùa hoa lá
Và giết cả những dòng sông của thơ ca nhạc họa!
Nhân danh ai?
Bay chôn tuổi thanh xuân của chúng ta trong những quan tài
Ôi những người con trai khỏe đẹp
Có thể biến thiên nhiên thành điện, thép
Cho con người hạnh phúc hôm nay!
Nhân danh ai?
Bay đưa ta đến những rừng dày
Những hố chông, những đồng lầy kháng chiến
Những làng phố đã trở nên những pháo đài ẩn hiện
Những ngày đêm đất chuyển trời rung...
Ôi Việt Nam, xứ sở lạ lùng
Ðến em thơ cũng hóa những anh hùng
Ðến ong dại cũng luyện thành chiến sĩ
Và hoa trái cũng biến thành vũ khí!
Hãy chết đi, chết đi
Tất cả chúng bay, một bầy ma quỷ!
Và xin nghe, nước Mỹ ta ơi!Tiếng thương đau, tiếng căm giận đời đời
Của một người con. Của một con người thế kỷ.
Ê-mi-li con ôi!
Trời sắp tối rồi...
Cha không bế con về được nữa!
Khi đã sáng bừng lên ngọn lửa
Ðêm nay mẹ đến tìm con
Con sẽ ôm lấy mẹ mà hôn
Cho cha nhé
Và con sẽ nói giùm với mẹ:
Cha đi vui, xin mẹ đừng buồn!
Oa-sinh-tơn
Buổi hoàng hôn
Ôi những linh hồn
Còn mất?
Ðã đến phút lòng ta sáng nhất!
Ta đốt thân ta
Cho ngọn lửa chói lòa
Sự thật.
7-11-1965
Tố Hữu
|
Bà An-na Mo-ri-xơn Oen-sơ chụp ảnh chung với bà Nguyễn Ngọc Dung (phải), nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Hòa bình Thành phố Hồ Chí Minh trong chuyến thăm Việt Nam tháng 4-1999. Ảnh: T.L
|
Khi hay tin về vụ tự thiêu của Mo-ri-xơn, chính Bác Hồ đã gửi lời chia buồn tới bà An-na Mo-ri-xơn Oen-sơ (Anna Morrison Welsh), vợ của No-man Mo-ri-xơn và mời bà có dịp sang thăm Việt Nam. Thế nhưng lời mới đó mãi 34 năm sau, vào tháng 4-1999, bà Mo-ri-xơn, cùng Ê-mi-li và chồng của cô mới thực hiện được. Sau này, trong hồi ký của mình, bà Mo-ri-xơn đã dành nhiều trang cho chuyến đi này, đặc biệt là chuyện gặp nhà thơ Tố Hữu. Còn đối với Ê-mi-li, mãi đến năm 15 tuổi, lần đầu tiên cô mới được đọc bài thơ này. Trong bài thơ Gửi ông Tố Hữu, cô đã nói cảm giác của mình lần đầu tiên được tiếp xúc với bài thơ Tố Hữu viết về người bố:
“Khi tôi mười lăm tuổi
Một người bạn nói
Có một bài thơ
Về tôi.
Một tuần sau lá thư đến
Bằng đường bưu điện
Tôi những muốn mở nó ngay
Nhưng rồi kiềm chế mình
Tôi đã chạy ra ngoài
Ðến dưới gốc một cây thông lớn
Ngồi một mình trên cỏ
Và khi cảm thấy thật bình yên
Mới mở thư ra.
Ngay khi đọc những dòng chữ đầu tiên
Tôi đã khóc…”.
Cô bày tỏ lòng biết ơn nhà thơ Tố Hữu vì nhờ ông mà nhiều người Mỹ biết được ý nghĩa sự hy sinh của cha cô. Và trong buổi gặp mặt với nhà thơ Tố Hữu, chính Ê-mi-li đã đọc bài thơ do mình sáng tác. Sau khi nghe Ê-mi-li đọc bài thơ, nhà thơ Tố Hữu đã cảm động đứng dậy ôm cô vào lòng. Rồi nhà thơ Tố Hữu đọc tặng khách một bài thơ mà ông mới sáng tác nói về cái chết, sự hy sinh và dâng hiến, vừa là tâm sự riêng của tác giả, đồng thời cũng gần gũi với câu chuyện về ngọn lửa Mo-ri-xơn: “Xin tạm biệt bạn đời yêu quý nhất/ Còn mấy vần thơ, một nắm tro /Thơ gửi bạn đường, tro gửi đất /Sống là cho và chết cũng là cho”. Mặc dù hơn ba năm, sau khi tiếp gia đình bà Mo-ri-xơn, nhà thơ Tố Hữu mới từ trần (ông mất tháng 12-2002), nhưng bài thơ ông đọc tặng khách cũng là tác phẩm cuối cùng trong sự nghiệp sáng tác thi ca của ông.
Vương Trọng