Vì chiến tranh ở Việt Nam lúc đó chưa chấm dứt, tờ báo cho hay tác giả giữ kín tên thật của một số “ông tây Việt Minh”, chỉ công bố tên Việt Nam của họ. Sau đây là nội dung bài báo.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, có những người châu Âu đã chiến đấu cho Việt Minh. Số phận “các chiến sĩ da trắng” của Hồ Chí Minh nay được điều tra lần đầu tiên bởi một nhà báo Pháp.

leftcenterrightdel
Bìa cuốn sách “Những lính da trắng của Hồ Chí Minh” của tác giả Jacques Doyon, NXB Fayard, 1973.

Chỉ với 2 lạng gạo mỗi ngày, không có thuốc men, không có giày nhà binh, những người châu Âu theo Việt Minh đã chiến đấu chống lại thực dân Pháp.

Họ đâu phải người Việt bản xứ vốn quen chiến trận trong rừng rậm Đông Nam Á. Họ là những người Pháp, Đức, Áo, Tây Ban Nha, Ba Lan. Họ sang Đông Dương với nguyện vọng hòa bình. Ở đây, họ đã chiến đấu cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Điều này ký giả người Pháp Jacques Doyon đã phản ánh trong cuốn sách "Những lính da trắng của Hồ Chí Minh".

Trong trận đánh quyết định năm 1954 tại Điện Biên Phủ, đã có tới 10% quân số Pháp bỏ ngũ. Cùng lúc, trong đội hình Đại đoàn 312 Việt Minh, một người Ba Lan tên là Stefan Kubiak chiến đấu ở cương vị một sĩ quan.

Giống như Kubiak, nhiều đồng minh người châu Âu của Hồ Chí Minh từng giữ các cương vị quan trọng. Những người Đức và người Pháp làm ở cơ quan tuyên truyền, những người Áo là cố vấn quân sự. Những người Ba Lan và Tây Ban Nha tham chiến ở cương vị sĩ quan. Nhiều người bị thương, một số hy sinh trên chiến trường rừng rậm.

Người lính da trắng đầu tiên của Hồ Chí Minh sang Đông Dương năm 1940 là để thoát thân. Trong cuộc trốn chạy khỏi sự trả thù nhằm vào những người chống phát xít, việc đăng lính vào lực lượng lê dương thuộc quân đội Pháp là một lối thoát. Sang đến Đông Nam Á, họ đào thoát lần thứ hai. Lời kêu gọi của Việt Minh dành cho “những người cháu của Công xã Paris và những người cháu của Cách mạng Pháp 1789” làm những người châu Âu có thiện cảm với phong trào Việt Minh cảm thấy họ xứng đáng với tổ tiên, và tiếng gọi “Hãy chạy sang hàng ngũ Việt Minh” đã thấm thía khá sâu rộng.

Đầu tiên là một người Đức nghe theo tiếng gọi này. Bốn tuần sau khi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố độc lập (năm 1945), Erwin Borchers đã bỏ ngũ sang Việt Minh. Trước đó, khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, chàng trai quê ở vùng Alsace chống phát xít này đã trốn từ nước Đức quốc xã sang Pháp. Trước khi Đức xâm lược Pháp, Borchers tiếp tục tự bảo tồn tính mạng mình bằng cách đăng lính vào đội quân lê dương sang Việt Nam trong đội hình sư đoàn bộ binh 5 của Pháp.

Khi gia nhập Việt Minh, Borchers dưới bút danh Chiến Sĩ đã làm việc khoảng hai năm cho tờ báo Nhân Dân do Hồ Chí Minh sáng lập. Sau đó, tờ Nhân Dân được tăng cường hai người Đức nữa là Schroder, quê vùng Cologne, và Đức Việt (Siegfried Wenzel-ND).

Borchers phụ trách bộ phận địch vận lính Đức của Việt Minh. Trong cuộc bao vây Điện Biên Phủ, Borchers và các trợ thủ của ông đã viết truyền đơn, lồng các bài hát và khẩu hiệu cách mạng vào giữa các buổi phát sóng của đài phát thanh bộ chỉ huy Pháp, dùng loa phóng thanh kêu gọi binh lính đối phương bỏ ngũ: “Điện Biên Phủ sẽ là mồ chôn các anh”. 1.161 lính lê dương đã nghe theo lời kêu gọi và buông súng. Borchers từng được Đại tướng Võ Nguyên Giáp khen thưởng vì những đóng góp cho nhân dân Việt Nam.

Một bằng khen cao quý cũng được trao cho một người phụ nữ Đức: Việt Nhu, là con một gia đình Đức ở Hà Nội. Năm 1946, cô gái Đức này có thiện cảm với cách mạng Việt Nam, kết hôn với một người lính Việt Minh, làm nhà giáo và dẫn dắt một nhóm múa dân gian.

Cuốn sách còn đề cập đến 4 người là Bộ đội Cụ Hồ đã có đóng góp đối với sự nghiệp của Quân đội nhân dân Việt Nam. Bốn người này gồm một người Đức, hai người Áo, một người Ba Lan. Họ đều lấy họ và tên đệm của Cụ Hồ, nên tên họ Việt Nam của họ đều bắt đầu bằng “Hồ Chí”. Người nổi tiếng nhất trong họ, giống như Borchers, cũng là một người Đức chống phát xít. Vốn là một hạ sĩ quan trong đội quân lê dương, Walter Ulbrich-Hồ Chí Long trở thành cố vấn cho một chỉ huy quân sự của Việt Minh ở Vinh năm 1946.

Hồ Chí Dân (Ernst Frey-ND) và Hồ Chí Thọ (Georges Wächter-ND) là hai người Áo đã rời quê hương bản quán trước khi nước này bị sáp nhập vào đế chế Đức quốc xã và cũng sang Đông Dương trong đội hình lê dương. Hồ Chí Dân trở thành người chỉ huy của một đơn vị Việt Minh còn Hồ Chí Thọ bỏ ngũ khỏi một đơn vị lê dương ở miền Nam, đã đi ra Bắc cùng với các cán bộ Việt Minh. Người thứ tư của bộ tứ người Âu họ Hồ là Stefan Kubiak người Ba Lan, với tên Việt là Hồ Chí Toán, đã cùng Đại đoàn 312 đánh sập chiếc cầu nối căn cứ Him Lam với tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Cũng có những người Pháp chống lại nước Pháp. Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, sau khi Pháp ném bom Hải Phòng vào cuối năm 1946, Paris đã gửi quân sang Việt Nam, trong đó có cả những người thuộc phong trào kháng chiến Pháp chống phát xít Đức. Trong số này có một số người đã bỏ ngũ sang Việt Minh, bất chấp mối hiểm họa bị lĩnh án tử hình của quân đội Pháp.

Có những người Pháp trên đường sang Việt Nam đã nuôi ý định bỏ ngũ. Người công nhân thép, thành viên Tổng Liên đoàn Lao động Pháp (CGT) Robert Vignon đã dùng một chiếc xe tải băng qua giới tuyến sang vùng Việt Minh kiểm soát chỉ 17 ngày sau khi cập bến Hải Phòng. Có một người Pháp khác bí mật làm việc cho Việt Minh. Đó là đại úy pháo binh Ribera, người cung cấp thông tin mật cho đội quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khi bị lộ, tháng 2-1952, Ribera đã bỏ ngũ và mang một phần quân số của đại đội mình-những lính người Morocco-sang với Việt Minh.

Giống như Borchers, Vignon và Ribera, đã có tổng cộng 1.373 lính lê dương ngoại quốc và 288 lính Pháp bỏ ngũ sang với Việt Minh. Đã có một số tử trận. Jacques Doyon chỉ nêu tên của 9 sĩ quan da trắng thuộc Đảng Cộng sản Pháp hy sinh trong chiến tranh. Số phận của 1.200 người bỏ ngũ khác chưa được sách báo đề cập. Những người lính da trắng của Hồ Chí Minh, dù chiến đấu có hiệu quả và sống sót khi chiến tranh qua đi, tiếp tục sống như người nhập cư ở miền Bắc Việt Nam. Nhiều trong số họ lấy các phụ nữ Việt Nam và cùng nhân dân tái kiến thiết đất nước bị chiến tranh tàn phá. Họ bắt đầu hồi hương khoảng 5 năm sau khi miền Bắc hòa bình (năm 1954). Borchers, người lính da trắng đầu tiên của Hồ Chí Minh hiện tại (năm 1973-ND) sống ở Cộng hòa Dân chủ Đức và làm việc cho Đài Phát thanh Berlin. Schroder (Lê Đức Nhân), người Đức, từng làm biên tập viên của Báo Nhân Dân, nay (năm 1973-ND) sống ở Cologne. Người Áo mang tên Hồ Chí Thọ sống ở Vienna. Người phụ nữ Đức mang tên Việt Nhu sang Pháp và kết hôn lần thứ hai.

Hầu hết những lính Pháp bỏ ngũ sang với Việt Minh trở về nhà năm 1962, sau khi một hiệp định hồi hương được ký kết giữa Paris và Hà Nội. Bất chấp lời hứa từ Chính phủ Pháp rằng họ sẽ được ân xá, nhiều người vẫn bị đưa ra tòa và có người bị kết án tù. Những người khác, được những người cùng chí hướng cảnh báo về việc sẽ được “nghênh tiếp” không hữu nghị tại quê nhà, đã phải lẩn trốn nhiều năm trước khi về được quê hương bản quán.

Với Chabert, có tên Việt Nam là Nguyễn Đức Sĩ, từng tham gia hàng ngũ Việt Minh năm 1947, số phận cũng khá éo le. Khi trở về quê hương, ông thấy tên mình trên một tấm bia ghi danh những người lính tử trận trong chiến tranh Đông Dương “vì tổ quốc Pháp”.

"Họ đâu phải người Việt bản xứ, vốn quen chiến trận trong rừng rậm Đông Nam Á. Họ là những người Pháp, Đức, Áo, Tây Ban Nha, Ba Lan. Họ sang Đông Dương với nguyện vọng hòa bình. Ở đây, họ đã chiến đấu cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam".

Jacques Doyon

LÊ THÀNH (biên dịch)