(ĐCSVN)- Tháng 8-1945, trước những biến động nhanh chóng và mạnh mẽ của tình hình thế giới cũng như tình hình trong nước, Đảng Cộng sản Đông Dương và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Và chỉ trong chưa đầy một tháng, cuộc Cách mạng Tháng Tám của nhân dân Việt Nam đã giành thắng lợi. Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố trước toàn dân và thế giới về sự thành lập nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Có thể nói, một trong những nguyên nhân quyết định cho thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám là do Đảng ta đã biết chớp lấy thời cơ “nghìn năm có một”, kịp thời phát động và lãnh đạo nhân dân cả nước khởi nghĩa. Đây thực sự là một cuộc chạy đua với thời gian giữa một bên là cả một dân tộc đang rên siết trong vòng nô lệ và nuôi khát vọng mãnh liệt đứng lên giành độc lập, tự do với một bên là các cường quốc quốc tế với những toan tính, mưu đồ vì lợi ích riêng nhằm duy trì và áp đặt một lần nữa quyền thống trị của họ lên dân tộc Việt Nam trong bối cảnh quốc tế đang diễn ra những thay đổi mạnh mẽ và sâu sắc ngay khi Chiến tranh thế giới thứ Hai vừa kết thúc. Để có thể hiểu rõ hơn, chúng ta hãy cùng xem xét động thái của các cường quốc đối với Đông Dương và Việt Nam trong thời kỳ này.

* Mỹ đối với vấn đề Đông Dương và Việt Nam

Có thể nói, trước Chiến tranh thế giới thứ Hai, Chính phủ Mỹ ít quan tâm đến Đông Dương. Nhưng sau khi chiến tranh bùng nổ, đặc biệt việc Nhật xâm lược Đông Dương (9-1940) và sau đó xâm lược một loạt các nước ở Đông Nam Á, Mỹ rất lo ngại và chính sách của Mỹ đối với Đông Dương, trong đó có Việt Nam, bắt đầu thay đổi. Từ tháng 3-1941, Đông Dương trở thành chủ đề chính trong nhiều cuộc nói chuyện giữa Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Coóc-đen Hun-lơ (Cordell Hull) và đại sứ Nhật Bản tại Mỹ Nômura. Việc quân đội Nhật vào Đông Dương và sự thoả hiệp của Pháp đã làm cho Tổng thống Mỹ F.D. Ru-dơ-ven hết sức lo ngại vì điều đó đe dọa trực tiếp đến quyền lợi của Mỹ và tạo cho Nhật Bản một căn cứ để mở rộng xâm lược ra khắp Đông Nam Á. Tổng thống Ru-dơ-ven và Ngoại trưởng Mỹ Coóc-đen Hun-lơ đã chỉ thị cho Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ lúc đó là Xum-mơ Oen (Summer Welle) thể hiện quan điểm của Mỹ với đại sứ Nhật Nomura, ngày 24-7-1941: "Phải làm cho rõ sự thực là Nhật chiếm đóng Đông Dương có nghĩa là một bước tiến quan trọng để kiểm soát vùng biển phía Nam, trong đó có luồng thương mại quan trọng nhất của Mỹ về các sản phẩm cao su, thiếc, và các sản phẩm khác".

Mỹ cũng đề nghị với Nhật trung lập hóa Đông Dương theo kiểu Thụy Sĩ và bước đầu có ý định gạt Pháp ra khỏi Đông Dương.

Từ tháng 3-1941, Đông Dương trở thành chủ đề chính trong nhiều cuộc nói chuyện giữa Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Coóc-đen Hun-lơ (Cordell Hull) và đại sứ Nhật Bản tại Mỹ Nômura. Việc quân đội Nhật vào Đông Dương và sự thoả hiệp của Pháp đã làm cho Tổng thống Mỹ F.D. Ru-dơ-ven hết sức lo ngại vì điều đó đe dọa trực tiếp đến quyền lợi của Mỹ và tạo cho Nhật Bản một căn cứ để mở rộng xâm lược ra khắp Đông Nam Á.
Ngày 24-7-1941, Tổng thống Mỹ Ru-dơ-ven đề nghị: "Không một cường quốc nào được tham gia bất cứ hành động quân sự nào để kiểm soát Đông Dương và cũng không chia sẻ cho nước Pháp tự do của Đờ Gôn". Quan điểm này đã được Chính phủ Mỹ theo đuổi trong suốt cả năm 1941 và thậm chí Mỹ còn xúc tiến và hy vọng ký được một Hiệp ước không xâm lược lẫn nhau với nước Nhật phát xít.

Sau khi chiến tranh Thái Bình Dương bùng nổ với việc quân đội Nhật Bản tấn công hạm đội Mỹ ở cảng Trân châu (Pearl Harbour) ngày 7-12-1941, Mỹ mới thực sự tham chiến trong phe đồng minh chống phe phát xít Đức - Ý - Nhật, thái độ của Mỹ trở nên kiên quyết hơn với kế hoạch của Tổng thống Mỹ Ru-dơ-ven về chế độ quản trị quốc tế (International Trusteeship) nhằm phá thế độc quyền của Anh và Pháp ở Đông Nam Á, trong đó có Đông Dương.

Là một chính khách tư sản sâu sắc, tỉnh táo và thực dụng, Ru-dơ-ven sớm hiểu rằng chiến tranh sẽ làm nổ ra một cuộc nổi dậy qui mô toàn thế giới chống chủ nghĩa thực dân châu Âu, trong đó có Đông Dương. Các nước đế quốc nếu muốn duy trì quyền lợi của mình thì không thể áp đặt một chế độ thực dân như thời kỳ trước chiến tranh được mà phải có sự thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình. Chế độ quản trị của Ru-dơ-ven về thực chất chính là sự áp đặt chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ vào các nước vốn là thuộc địa của các nước thực dân kiểu cũ như Anh và Pháp. Hơn nữa về phương diện cá nhân, Ru-dơ-ven có một thái độ không mấy thiện cảm với Pháp khi ông nhận xét về quá trình thực dân Pháp thống trị Đông Dương: “Nước Pháp đã cai trị nước này gần một trăm năm, 30 triệu dân ở đây đã sống khổ sở hơn trước...người Đông Dương có quyền được hưởng những gì tốt hơn”. Thậm chí trong một lần nói chuyện với Xta-lin tại Hội nghị Têhêran (tháng 11-1943), Ru-dơ-ven đã mỉa mai nói rằng: “Người cầm quyền Pháp sẽ không được hưởng bất cứ quyền lợi nào của hòa bình sau này, nếu ta nhìn vào sự hợp tác tội lỗi của họ với Đức... Nước Pháp phải nhiều năm lao động mới khôi phục lại được, không phải chỉ Chính phủ Pháp mà cả người Pháp nói chung nữa, điều cần thiết trước hết đối với họ là phải trở thành người dân lương thiện đã”.

Mặc dầu biết Anh không tán thành hình thức quản trị quốc tế, Tổng thống Ru-dơ-ven đã gây áp lực với Anh, tranh thủ sự đồng tình của Liên Xô và không cần hỏi ý kiến Pháp. Tháng 3-1943, Ru-dơ-ven đã chính thức đề nghị với Ăng-tô-ny I-đơn (Anthony Eden), Bộ trưởng Ngoại giao Anh, là sau chiến tranh thay vào việc trao trả lại Đông Dương cho Pháp thì nên đặt Đông Dương dưới một sự quản trị quốc tế và chuẩn bị cho nền độc lập của Đông Dương sau này. Ngoại trưởng Anh đã trả lời: “Tôi nghĩ vấn đề này là một đòn nặng cho Pháp, Anh không thể chấp nhận việc giảm nước Pháp xuống thành một cường quốc loại hai”. Mặc dù vậy, Ru-dơ-ven vẫn tiếp tục trao đổi ý kiến đó với Tưởng Giới Thạch ở Hội nghị Cai rô và với Xta-lin ở Hội nghị Têhêran tháng 11-1943. Trừ Thủ tướng Anh Sớc-sin (Churchill), cả Xta-lin và Ru-dơ-ven đều nhất trí trong chính sách đối với Đông Dương. Sau khi Xta-lin nêu rõ lập trường của Liên Xô không muốn thấy Đồng minh đổ máu để giải phóng Đông Dương rồi sau đó Pháp sẽ tiếp nhận, tái lập ở đấy chế độ thuộc địa thì Ru-dơ-ven đã hoàn toàn đồng ý như vậy. Tổng thống Mỹ gợi ý “Có lẽ phải chỉ định ba hoặc bốn nước đứng ra bảo trợ cho Đông Dương và chuẩn bị cho các dân tộc Đông Dương có đủ điều kiện tự trị sau 30 hoặc 40 năm nữa”.

Mặc dù bị Chính phủ Anh và Pháp phản đối quyết liệt và ngay cả nhiều quan chức trong bộ máy chính quyền Mỹ không đồng tình. Tổng thống Ru-dơ-ven vẫn kiên trì quan điểm của mình. Sau Hội nghị Têhêran, Thủ tướng Anh Sớc-sin đã chỉ thị cho Ha-li-phac (Lord Halifax) đại sứ Anh tại Mỹ yêu cầu sự xác nhận của Bộ Ngoại giao Mỹ về vấn đề này. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Coóc-đen Hun-lơ (Cordell Hull) báo cáo với Ru-dơ-ven và đề nghị nên trả lại Đông Dương cho Pháp với điều kiện là Pháp để cho Đông Dương được tự chủ (Self Government). Ru-dơ-ven đã trả lời dứt khoát và rõ ràng trong Giác thư ngày 24-1-1944: “Tôi đã gặp đại sứ Anh Lo Ha-li-phac và đã nói thẳng rằng : đúng là hơn một năm nay, tôi có ý kiến là Đông Dương không thể trả lại cho Pháp nhưng có thể đặt dưới chế độ quản trị quốc tế... Tôi không có lý do gì để chia sẻ với Bộ Ngoại giao Anh được. Chỉ có một lý do mà Anh chống lại việc quản trị quốc tế là vì Anh sợ ảnh hưởng đến thuộc địa của họ”.

Tiếp đó, ngày 17-2-1944, khi trả lời những vấn đề do Bộ Ngoại giao nêu lên về thái độ của Chính phủ Mỹ đối với các hoạt động quân sự của Pháp ở Đông Dương, Ru-dơ-ven đã nói với Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ rằng, bất kỳ các đội quân nào của Pháp cũng sẽ không được sử dụng trong các kế hoạch tác chiến ở Đông Dương và nhấn mạnh rằng các hoạt động quân sự ở Đông Dương sẽ được quân Anh, Mỹ thực hiện và bước tiếp theo là sẽ lập một Ủy ban quản trị quốc tế đối với các thuộc địa của Pháp.

Gần đến giai đoạn cuối của chiến tranh, Tổng thống Ru-dơ-ven càng quan tâm đến vấn đề Đông Dương. Ông thường nhắc đến chế độ quản trị quốc tế đối với Đông Dương sau chiến tranh và chống lại việc Pháp dùng vũ lực tái chiếm Đông Dương, lập lại chế độ thực dân. Đến Hội nghị Yanta (2-1945), Ru-dơ-ven đã thể hiện thái độ dứt khoát của mình về chính sách đối với Đông Dương, ông chống lại ý đồ mời Pháp tham dự Hội nghị này và đưa ra đề nghị thành lập Hội đồng quản trị ở Đông Dương gồm một đại diện của Pháp, một hoặc hai đại diện của Đông Dương, một đại diện Phi-líp-pin, một đại diện Trung Quốc, một đại diện Liên Xô và một đại diện của Mỹ. Nhưng tất cả ý đồ của Ru-dơ-ven đều không dẫn tới một quyết định nào do Anh kiên quyết chống lại và “coi đó như là một ý định nhằm vào cả thuộc địa của Anh”. Ru-dơ-ven phải đối phó với sự chống đối từ nhiều phía, cả ở trong và ngoài nước. Để thoả hiệp với Anh và Pháp nhằm tập trung vào những vấn đề khác, từ đó trở đi Ru-dơ-ven không đặt lại vấn đề quản trị quốc tế đối với Đông Dương nữa. Cho đến trước khi chết (12-4-1945), Tổng thống Mỹ vẫn không có một quyết định dứt khoát nào về vấn đề này.

Sau khi Ru-dơ-ven chết, người kế nhiệm ông là Tổng thống Tru-man, trước những biến động lớn ở nước Đức, Đông Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, và đặc biệt là để đối phó với cái gọi là “nguy cơ Nga” đã dần dần ủng hộ Pháp quay lại chiếm đóng Đông Dương. Trong chuyến viếng thăm nước Mỹ (từ 22 đến 25-8-1945), Đờ Gôn đã nhận được sự khẳng định của Tru-man: “Về Đông Dương, tôi xác nhận là Chính phủ Mỹ sẽ không làm gì để cản trở sự trở lại của nước Pháp”. Bốn ngày sau, 29-8-1945 Tống Mỹ Linh, vợ Tưởng Giới Thạch thăm Mỹ, khi gặp Tru-man đã hỏi về chính sách của Mỹ đối với Đông Dương sau khi nhắc lại ý định của Ru-dơ-ven về vấn đề này và nhận được câu trả lời dứt khoát của Tổng thống Mỹ: “Không có vấn đề quản trị quốc tế cho Đông Dương nữa”. Ngày 5-10-1945, khi tướng Pháp
Lơ-cléc cho quân viễn chinh Pháp đổ bộ lên Sài Gòn, Quốc hội Mỹ đã gửi cho đại sứ Mỹ ở Trùng Khánh (Trung Quốc) bức điện sau đây: “Hoa Kỳ không hề có ý định chống lại việc khôi phục sự thống trị của Pháp ở Đông Dương và không có một quan điểm chính thức nào của Chính phủ Mỹ động đến, dù là gián tiếp, chủ quyền của Pháp ở Đông Dương” . Cũng trong tháng 10-1945, khi gặp tướng Lơ-cléc, đô đốc Anh Mao-bét-tơn (Mounbatten) đã nói rằng: “Với cái chết của Ru-dơ-ven, Pháp có thể quay trở lại Đông Dương, vấn đề quản trị quốc tế cho Đông Dương đã trở thành vô nghĩa” .

* Chính quyền Tưởng Giới Thạch đối với vấn đề Đông Dương và Việt Nam

Mặc dù tuyên bố không có tham vọng về lãnh thổ với Việt Nam nhưng thực chất vấn đề Việt Nam luôn được chính quyền Tưởng Giới Thạch coi là một món hàng, một điều kiện đặc biệt để trao đổi và mặc cả, giành quyền lợi với các nước lớn, nhất là Pháp.

Giữa chính quyền Tưởng Giới Thạch và Pháp đã tồn tại nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Đó là các tô giới, nhượng địa ở Thiên Tân, Thượng Hải, Vũ Hán, Sa Điện, Quảng Châu Loan, Côn Minh... mà Pháp đã chiếm của Trung Quốc từ những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Đặc biệt là vấn đề kiểm soát tuyến đường xe lửa Vân Nam, được Pháp xây dựng từ năm 1904 đi từ Cảng Hải Phòng của Việt Nam lên Hà Nội - Lào Cai - Côn Minh (Trung Quốc). Đây là con đường huyết mạch cực kỳ quan trọng đối với các tỉnh miền Nam Trung Quốc, nhất là tỉnh Vân Nam. Trước khi quân Nhật vào Đông Dương, từ năm 1938 - 1940 Pháp đã cho Tưởng sử dụng tuyến đường này để vận chuyển hàng viện trợ quân sự, bán than... Bên cạnh đó, các vấn đề khác cũng không kém phần quan trọng như vấn đề quyền lợi của 50 vạn Hoa kiều sống ở Đông Dương, vấn đề quyền lãnh sự tài phán của Pháp trên đất Trung Quốc...

Trong những năm Chiến tranh thế giới thứ Hai, với sự ủng hộ của Mỹ, thế lực và tiếng nói của Chính phủ Tưởng Giới Thạch ngày càng được khẳng định và củng cố trên trường quốc tế. Chính phủ Tưởng đã đạt được vị trí là một trong năm cường quốc (đứng trên cả Pháp). Toàn bộ các hoạt động quân sự ở chiến trường Trung Quốc và Đông Dương được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đích thân Tưởng Giới Thạch và tướng Mỹ Oe-đơ-mây-ơ (Wedermeyer). Tại Hội nghị Cai-rô (tháng11-1943), Tổng thống Mỹ Ru-dơ-ven đã chính thức giao chiến trường Đông Dương cho Tưởng. Để tranh thủ sự ủng hộ của Liên Xô về quyết định này, Ru-dơ-ven đã nói với Xta-lin rằng: “Tưởng Giới Thạch tỏ ý không muốn nắm giữ Đông Dương với lý do là người Việt Nam không phải là người Trung Hoa, không thể đồng hóa được”. Tưởng cũng luôn luôn tán đồng và ủng hộ kế hoạch quản trị quốc tế của Ru-dơ-ven vì kế hoạch đó hoàn toàn phù hợp với mưu đồ và tham vọng của Tưởng đối với Đông Dương trong việc tranh giành quyền lợi với nước Pháp. Mỹ - Tưởng đã hạn chế và vô hiệu hóa các hoạt động của phái bộ quân sự Pháp ở Trung Quốc cũng như các hoạt động của Phái đoàn 5 (Mission 5) của Xanh-tơ-ny ở Côn Minh.

Để thực hiện tham vọng của mình, ngay từ rất sớm, Tưởng đã chỉ đạo xúc tiến chuẩn bị một kế hoạch toàn diện về quân sự và chính trị đối với Việt Nam. Về quân sự, kế hoạch “Hoa quân nhập Việt” đã được Tưởng giao cho tướng Trương Phát Khuê - Tư lệnh đệ tứ chiến khu của Tưởng ở vùng Lưỡng Quảng (Quảng Đông, Quảng Tây) và tướng Tiêu Văn, phụ trách phòng chỉ đạo Việt Nam phụ trách.
Thậm chí sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), đạo quân bại trận của tướng Pháp Alessandri chạy từ Đông Dương sang Vân Nam đã bị Mỹ -Tưởng quản chế tại một nơi và cấm mọi hoạt động trở lại Đông Dương. Ngày 20-3-1945, tướng Sê-nôn, chỉ huy quân đoàn không quân 14 của Mỹ đóng ở Trung Quốc đã nhận được chỉ thị từ Bộ chiến tranh cấm ông không được sử dụng máy bay để cung cấp vũ khí và đạn dược cho tàn quân Pháp còn sót lại ở Đông Dương sau cuộc đảo chính.

Để thực hiện tham vọng của mình, ngay từ rất sớm, Tưởng đã chỉ đạo xúc tiến chuẩn bị một kế hoạch toàn diện về quân sự và chính trị đối với Việt Nam. Về quân sự, kế hoạch “Hoa quân nhập Việt” đã được Tưởng giao cho tướng Trương Phát Khuê - Tư lệnh đệ tứ chiến khu của Tưởng ở vùng Lưỡng Quảng (Quảng Đông, Quảng Tây) và tướng Tiêu Văn, phụ trách phòng chỉ đạo Việt Nam phụ trách. Nội dung của kế hoạch này là nhằm đưa lực lượng quân đội chính quy của Tưởng vào Việt Nam, phối hợp với hoạt động của bọn tay sai mà Chính phủ Trùng Khánh đã nuôi dưỡng từ lâu, như Hoàng Lượng, Đặng Văn Ý, Ngô Văn Hợp, Nông Quốc Long, Nguyễn Hữu Thanh (là những phần tử thuộc Đảng Phục quốc thân Nhật bị Pháp và Nhật đàn áp chạy sang Liễu Châu, Trung Quốc từ cuối năm 1940) được tướng Trương Phát Khuê cung cấp lương thực, tiền bạc và chuẩn bị đưa về Việt Nam để đón quân Tưởng sang. Về mặt chính trị, Trương Phát Khuê và Tiêu Văn đã tích cực xây dựng lực lượng tay sai từ những người Việt Nam lưu vong phản động thuộc các tổ chức Việt Nam Quốc dân Đảng, Việt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội như Trương Bội Công, Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Hải Thần để đưa về Việt Nam, nhằm thành lập một chính quyền tay sai thân Tưởng, chống cộng, chống phá cách mạng Việt Nam.

Nhưng Tưởng cũng hiểu rằng, muốn thực hiện được tham vọng của mình, không thể không có sự bàn bạc và thoả thuận với Pháp. Chính vì vậy, mà khi Chính phủ lâm thời của nước cộng hòa Pháp được thành lập do Đờ Gôn đứng đầu, Tưởng đã công nhận và bày tỏ thái độ hợp tác. Tống Tử Văn, Bộ trưởng ngoại giao của Tưởng đã gửi công hàm cho Đờ Gôn để “bày tỏ tình hữu nghị và hứa sẵn sàng giải quyết trên tinh thần thân ái tất cả các vấn đề liên quan giữa Trung Quốc và Pháp. Ngày 10-10-1944, Tưởng Giới Thạch đã gặp đại sứ Pháp Pếch-cốp (Pechkoff) ở Trùng Khánh và bày tỏ quan điểm của mình: “Tôi xin khẳng định lại một lần nữa với ngài rằng bất luận đối với Đông Dương hoặc lãnh thổ của Đông Dương, chúng tôi đều không có ý đồ gì...Nếu như chúng tôi có thể giúp quý quốc xây dựng chính quyền nước Pháp trên mảnh đất thuộc địa này thì chúng tôi rất vui lòng”. Thực chất, đây là sự mặc cả bước đầu của Tưởng Giới Thạch đối với Pháp. Nếu Pháp muốn giành lại những đặc quyền và hiện diện trở lại Đông Dương thì phải đáp ứng những yêu cầu về kinh tế và chính trị của Tưởng. Mục đích của Tưởng trong việc giúp Pháp trở lại Đông Dương không những là để bảo vệ những quyền lợi của Tưởng ở trong nước và ở Đông Dương, mà còn tạo điều kiện cho Chính phủ Trùng Khánh tập trung sức đối phó với Đảng cộng sản Trung Quốc. Hơn nữa Tưởng Giới Thạch không bao giờ muốn có một chính quyền cộng sản ở ngay sát biên giới phía nam Trung Quốc, có liên hệ mật thiết với Mao Trạch Đông.

Hội nghị Pốt-xđam (7-1945) quyết định để cho Trung Quốc là người duy nhất được quyền đứng ra tiếp nhận sự đầu hàng và giải giáp quân đội Nhật ở Bắc vĩ tuyến 16 ở Đông Dương chính là cơ hội cực kỳ thuận lợi để Tưởng thực hiện âm mưu đó. Tưởng cũng nhanh chóng nhận thức được điều thuận lợi ở vai trò cường quốc quốc tế sẽ mang lại cho Trung Quốc trong việc chiếm đóng Đông Dương - đó chính là việc ép Pháp phải chấp nhận các điều kiện của Tưởng để giải quyết các xung đột Trung - Pháp trước khi Pháp muốn quay trở lại thuộc địa cũ của mình. Tưởng đã triệu tập Hội nghị quân sự bàn việc tiếp nhận sự đầu hàng của Nhật ở Trung Quốc, Bắc Đông Dương. Hà Ứng Khâm, Bộ trưởng Quốc phòng, chủ trì Hội nghị với sự tham dự của các cố vấn Mỹ. Thay cho Trương Phát Khuê như kế hoạch trước đây, Lư Hán, viên tướng thuộc phái quân phiệt Vân Nam đã được chỉ định làm đại diện cho Thống chế Tưởng Giới Thạch để tiếp nhận sự đầu hàng của quân đội Nhật ở miền Bắc Đông Dương. Tưởng Giới Thạch cũng đã đề ra 14 nguyên tắc chỉ đạo quân đội Quốc dân Đảng Trung Hoa vào Bắc Đông Dương giải giáp quân đội Nhật, nội dung chủ yếu là: Liên hệ chặt chẽ với Mỹ và Pháp, thương lượng với Pháp về cơ sở giao thông, công nghiệp vận tải đường sắt và các cửa biển, giữ thái độ trung lập trong quan hệ Pháp và Việt Nam...

Những quyết định trên của chính quyền Tưởng nhằm mục đích : Thứ nhất, tập trung được lực lượng của Trương Phát Khuê cùng với các lực lượng tinh nhuệ khác vào việc chiếm giữ Quảng Châu và các vị trí hiểm yếu nhằm ngăn chặn hoạt động của lực lượng cộng sản do Mao Trạch Đông lãnh đạo. Thứ hai, với việc đưa tay chân thân tín của Long Vân vào Việt Nam (Lư Hán là cháu của Long Vân) sẽ tạo điều kiện cho Tưởng thanh trừng tướng Long Vân, tổng đốc Vân Nam đã nhiều lần thách thức và chống đối lại quyền lực của Chính phủ Trung ương Trùng Khánh. Thứ ba, buộc Pháp phải chấp nhận các điều khoản về kinh tế và chính trị của Tưởng. Thứ tư, thực hiện những vụ “trấn lột về chính trị”, bòn rút Việt Nam càng nhiều càng tốt. Và bao trùm lên tất cả là mục đích “diệt Cộng, cầm Hồ”, nhằm thành lập một chính quyền tay sai thân Tưởng ở Việt Nam.

* Pháp đối với Đông Dương và Việt Nam

Sau Chiến tranh thế giới thứ Hai, về mặt đối ngoại, thế và lực của nước Pháp bị suy yếu nghiêm trọng, khiến cho vị trí của nước Pháp bị sa sút rõ rệt trên trường quốc tế. Còn ở trong nước, Chính phủ của Đờ Gôn cũng phải đối mặt với những khó khăn và hậu quả chiến tranh nặng nề. Vậy mà ngay sau khi lên nắm chính quyền, chính phủ Đờ Gôn vội vàng phái quân viễn chinh sang Đông Dương để “khôi phục lại thuộc địa cũ của mình.

Mưu đồ tái thiết lập sự thống trị của Pháp ở Đông Dương đã có từ rất sớm. Mặc dù là một nước bị phát xít Đức chiếm đóng từ tháng 6-1940 nhưng ở nước ngoài, tướng Đờ Gôn - người đứng đầu Uỷ ban Giải phóng nước Pháp luôn tuyên bố sẽ khôi phục toàn bộ lãnh thổ Pháp cùng các thuộc địa của Pháp và đã ráo riết cho xúc tiến việc tái lập lại quyền thống trị của Pháp ở Đông Dương. Tháng 6-1943 tại Angiêri, Ủy ban giải phóng dân tộc Pháp được thành lập, công cuộc chuẩn bị càng được tiến hành khẩn trương. Một đường dây liên lạc bí mật đã được thiết lập với chính quyền Pháp ở Hà Nội. Ngày 21-7-1943, Đờ Gôn ra chỉ thị có tính chất định hướng cho hoạt động này: “Một cuộc vận động quân sự bên ngoài chính quốc nhưng được xếp ưu tiên trước mọi cuộc khác, đó là việc giải phóng Đông Dương”.

Ngày 8-12-1943, Đờ Gôn ra một bản tuyên bố về chính sách của Nước Pháp tự do đối với Đông Dương, khẳng định quyết tâm của Pháp sẽ “giải phóng Đông Dương và bảo vệ những quyền lợi của Pháp ở bán đảo này. Với tuyên bố này, thực dân Pháp không chỉ nhằm giành lại một thuộc địa giàu có mà chúng buộc phải chia sẻ với phát xít Nhật từ tháng 9-1940, mà còn nhằm bảo vệ hệ thống thuộc địa rộng lớn của chúng đã bị lung lay và có nguy cơ tan rã khi nước Việt Nam giành được độc lập.

Để chuẩn bị cho việc thực hiện mưu đồ trên, từ tháng 8-1943, Đờ Gôn quyết định xây dựng dần một đạo quân viễn chinh cho Viễn Đông từ các đơn vị Pháp đóng tại Angiêri, Madagatxca và Xây lan, tướng Bledô (Blaizot) được chỉ định làm chỉ huy đạo quân này. Tiếp đó Phái đoàn quân sự Pháp đã được thành lập ở Trùng Khánh, Trung Quốc với đầy đủ các phương tiện thông tin liên lạc với hai mục tiêu hoạt động chính là vừa giúp đỡ Đồng minh tiến hành các hoạt động quân sự chống Nhật, vừa thông tin với nước Pháp Tự do về tình hình diễn biến ở Đông Dương.

Được sự giúp đỡ của Anh, Đờ Gôn cho tổ chức Phân đội Pháp nằm trong Lực lượng đặc biệt 136 của Bộ chỉ huy Đông Nam Á của Anh (South East Asia Command - SEAC) để hoạt động tình báo, chuẩn bị cơ sở chính trị và quân sự cho quân đội Pháp trở lại Đông Dương. Đồng thời, Đờ Gôn cũng cho thực hiện việc bắt liên lạc với lực lượng Pháp kháng chiến ở Đông Dương “để tránh cho Pháp khỏi bị gạt ra rìa, tụt hậu, khỏi lỡ thời cơ may mắn khi quân đồng minh đổ bộ vào Đông Dương”. Ngày 6-7-1944 Phân đội Pháp cho Đờ Lăng-glát (De Langlade) nhảy dù xuống Lạng Sơn rồi về Hà Nội bí mật gặp tướng Moóc-đăng (Mordant), Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương đưa lệnh của Đờ Gôn và bản kế hoạch chống Nhật. Ngày 2-9-1944 Đờ Gôn chỉ định Tướng Moóc-đăng làm đại diện của Đờ Gôn tại Đông Dương và ra thỉ thị thành lập Hội đồng Đông Dương (Conseil de L’Indochine), trong đó buộc toàn quyền Đông Dương là đô đốc Đờ-cu phải hợp tác và chuẩn bị cho việc “trở lại” của quân đội Pháp. Cuối năm 1944, Đờ Gôn cho thành lập Ủy ban hành động giải phóng Đông Dương do Bộ trưởng bộ thuộc địa Rơnê Plêven làm Chủ tịch để hỗ trợ toàn diện cho Hội đồng Đông Dương của Moóc-đăng.

Sang đầu năm 1945 khi thấy Đông Dương có nguy cơ rơi hoàn toàn vào tay Nhật, Manaen, người đứng đầu cơ quan tình báo DGER (Direction Generale d’Etude et Recherche) đã quyết định điều Xanh-tơ-ny (Jean Sainteny) trở lại Đông Dương phụ trách phái đoàn 5 (Mission 5). Nhiệm vụ của Xanh-tơ-ny là chỉ huy các nhóm quân Pháp kháng chiến đang hoạt động lẻ tẻ ở dọc biên giới Việt - Trung, vùng Thượng Lào, vùng biển Đông Bắc Việt Nam (Quảng Ninh) để thu thập tin tức về hoạt động của quân đội Nhật ở Đông Dương, và theo dõi tình hình phát triển của phong trào giải phóng dân tộc ở khu vực này, nhất là ở Bắc Kỳ và Lào để giúp Đờ Gôn chuẩn bị kế hoạch tái chiếm Đông Dương.

Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945) Đờ Gôn xúc tiến ráo riết về chính trị, quân sự cho việc trở lại của Pháp ở Đông Dương. Ngày 24-3-1945, Chính phủ lâm thời của Đờ Gôn ra bản tuyên bố Những điều kiện tổng quát của qui chế Đông Dương sẽ được hưởng với những nội dung chủ yếu là: Liên bang Đông Dương gồm 5 xứ (Bắc Kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ, Ai lao và Cao miên) sẽ nằm trong khối Liên hiệp Pháp, có một chính phủ Liên bang do một viên Toàn quyền người Pháp đứng đầu và đại diện cho quyền lợi của 5 xứ và của nước Pháp trong mọi quan hệ đối ngoại...

Đờ Gôn đã cho thiết lập một hệ thống thông tin liên lạc suốt từ Pari - Can-cút-ta - Côn Minh - Đông Dương và cử tướng Sabattier làm Tổng đại diện Chính phủ và Tổng tư lệnh quân đội Pháp ở Đông Dương.

Để quay trở lại Đông Dương, việc quan trọng nhất lúc này đối với Pháp là phải gấp rút tập hợp một đạo quân viễn chinh và nhanh chóng đưa sang Đông Dương.

chúng ta càng thấy rõ hơn về những mưu đồ và toan tính của các nước lớn đối với Việt Nam thời kỳ Cách mạng tháng Tám. Và qua đó, chúng ta cũng càng thấy rõ hơn bản lĩnh, trí tuệ của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc chớp thời cơ, phát động và lãnh đạo nhân dân cả nước tiến hành khởi nghĩa thắng lợi với quyết tâm “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà – Nhà nước Dân chủ Nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra một kỷ nguyên mới của lịch sử dân tộc: Kỷ nguyên độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội.
Tháng 6-1945 nhiệm vụ này được Đờ Gôn giao cho tướng Lơ-cléc. Ngày 17-8-1945 Đờ Gôn triệu tập Ủy ban quốc phòng Pháp để thông qua Kế hoạch giải phóng Đông Dương với những nội dung chính như sau : Cử đô đốc Đác-giăng-li-ơ (D’Argenlieu) làm Cao ủy kiêm Tổng tư lệnh hải, lục, không quân Pháp ở Viễn Đông và tướng Lơ-cờ-léc (Leclec) làm tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Viễn Đông: Cấp tốc chuẩn bị lực lượng để có thể đưa sang Đông Dương làm ba đợt vào các tháng 9, 10 và 11-1945 (với số quân cần thiết dự tính vào khoảng 60.000 quân); Chính thức đổi tên Lực lượng viễn chinh Pháp ở Viễn Đông (FEFEO) thành “Đạo quân viễn chinh Pháp ở Viễn đông"(CEFEO).

Cùng với quyết định trên đây, Đờ Gôn còn gửi điện cho Xanh-tơ-ny ở Côn Minh và phái bộ Pháp ở Can-cút-ta yêu cầu nhanh chóng nắm lấy thời cơ hành động gấp bằng cách thả dù ngay các quan cai trị xuống một số vùng ở Bắc bộ, Đông Nam Bộ và Thượng Lào để kịp thời làm chủ tình hình. Ngày 22-8-1945 một máy bay không quân Hoàng gia Anh đã thả một nhóm nhân viên quân sự và dân sự xuống Tây Ninh, trong đó có đại tá Xêđin (Cédille) - người được chỉ định làm Ủy viên cộng hòa Pháp tại bộ. Cùng ngày, Metxme - Ủy viên cộng hòa Pháp tại Bắc kỳ cũng đã được thả xuống Tam Đảo, Bắc bộ.

Để tranh thủ sự ủng hộ của Anh và Mỹ, ngày 22-8-1945, Đờ Gôn thăm Mỹ và kết quả của chuyến thăm này là đã được Chính phủ Mỹ thừa nhận bằng văn bản cụ thể chủ quyền của nước Pháp ở Đông Dương. Với Anh, Đờ Gôn còn giành được sự ủng hộ đặc biệt : Một thỏa hiệp Pháp - Anh về nguyên tắc và cách thức khôi phục lại chủ quyền của Pháp ở Đông Dương.

Với sự giúp đỡ của quân Anh, ngày 24-8-1945 Lơ-cléc cùng Bộ tham mưu quân viễn chinh Pháp vạch ra một kế hoạch trở lại Đông Dương. Kế hoạch này đã được Ủy ban Đông Dương (cải tổ từ Ủy ban hành động giải phóng Đông Dương) thông qua với các nội dung: Dựa vào sự có mặt của quân đội Anh để xâm chiếm từ nam vĩ tuyến 16; Thả dù các nhân viên dân sự và lực lượng quân sự xuống vùng quân Tưởng kiểm soát ở miền Bắc Việt Nam; Duy trì và xác nhận chủ quyền của Pháp ở Đông Dương; Từng bước giành lại những vùng do quân Tưởng kiểm soát.

Như vậy, cho đến tháng 8-1945 âm mưu và hành động nhằm tái lập nền thống trị của Pháp đã được chuẩn bị kỹ càng và đầy đủ, bất chấp cuộc Cách mạng tháng Tám đã bùng nổ và sự thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 2-9-1945.

Thái độ và giải pháp đối với Đông Dương sau chiến tranh phản ánh đường lối chính trị lỗi thời của giới thực dân Pháp mà Đờ Gôn là đại biểu, xuất phát từ nhận thức sai lầm. Họ đã không hiểu được rằng những biến đổi sâu sắc về chính trị trong chiến tranh thế giới Hai đã đặt đế quốc Pháp trước một xứ Đông Dương đã nhận thức được sức mạnh của chính mình và đang quyết tâm đứng lên giành độc lập, không thấy được rằng những nguyên tắc về chế độ thuộc địa mà người ta quan niệm trước đây đã không thể đứng vững trước những rung chuyển về mặt xã hội do cuộc Chiến tranh thế giới thứ Hai gây ra. Không nhận thức được một cách đúng đắn những thay đổi về thời cuộc, họ đã “tự tách mình ra khỏi những biến cố trên thế giới và cứ tưởng như mình đang sống vào năm 1939..”. Bản Tuyên bố 24-3-1945 đã ra đời trong sự nhận thức như vậy. Một bản tuyên bố mà nhà Sử học Philíp Đờvile nhận xét là “đã lỗi thời về mặt chính trị, không những nó chỉ lạc hậu vài tuần lễ mà đã lạc hậu chừng 15 năm rồi”; Còn cựu toàn quyền Đông Dương Anbe Xarô (Albert Sarraut) thì nhận xét rằng đó là một bản tuyên bố “không thông minh, vừa nói đến chính sách mới của Pháp về thuộc địa lại vừa xác nhận một cách ảo tưởng về chủ quyền của Pháp ở Đông Dương, cứ như trên mảnh đất đó, từ năm 1939, không hề có sự thay đổi nào đã diễn ra”. Đối với Đờ Gôn, việc chiếm lại Đông Dương sau khi Nhật Bản đầu hàng là một việc dễ dàng, miễn là có các điều kiện: quân viễn chinh Pháp có mặt ở Đông Dương, quân Nhật về nước, quân ngoại quốc khác (Tưởng) rút đi. Ông ta không chú ý và không cần quan tâm tới một phong trào giải phóng dân tộc mạnh mẽ đang diễn ra tại đây dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh.

Chính vì vậy mà ngày 25-7-1945 qua phái bộ OSS của Mỹ ở Côn Minh, lần đầu tiên Mặt trận Việt Minh gửi cho nhà chức trách Pháp bản đề nghị làm cơ sở cho việc thỏa thuận Việt - Pháp về tương lai của Việt Nam sau chiến tranh đã không được nhà cầm quyền Pháp trả lời.

Thậm chí, một tuần sau ngày nhân dân thủ đô Hà Nội khởi nghĩa giành chính quyền (19-8-1945), tướng Đờ Gôn gửi sang Đông Dương một bức điện vừa đầy vẻ trịch thượng, bề trên, vừa sặc mùi thực dân và lừa bịp: Mẫu quốc gửi đến những người con trong liên bang Đông Dương niềm hân hoan và lòng biết ơn... Những người con Đông Dương đã tỏ ra xứng đáng với một thực thể quốc gia rộng rãi hơn và tự do hơn, do thái độ của họ trước đây đối với quân thù, do lòng trung thành của họ đối với nước Pháp!...nước Pháp tuyên bố sẵn sàng thực hiện những điều cam kết, vì lợi ích to lớn của mọi người...

Chính những quan điểm thực dân như vậy sẽ trở thành vật chướng ngại không thể vượt qua trong cuộc bang giao Việt - Pháp 1945 - 1946.

Trong âm mưu và hành động chuẩn bị của Pháp có sự ủng hộ tích cực của Anh - một đế quốc có nhiều thuộc địa nhất. Thủ tướng Anh W.Sớc-sin luôn chống lại và phản đối kịch liệt chế độ quản trị quốc tế do Ru-dơ-ven đề xướng vì lo ngại rằng hình thức này sẽ được áp dụng ở các thuộc địa của Anh và không muốn Mỹ tranh giành quyền lợi và gây ảnh hưởng ở vùng Đông Nam Á, trong đó có Đông Dương, một vùng nằm trong ảnh hưởng truyền thống của Pháp và Anh. Mặt khác, việc Anh tích cực giúp Pháp trở lại tái chiếm Đông Dương còn nhằm mục đích góp phần dập tắt phong trào đòi độc lập ở đây vì sợ rằng phong trào đó sẽ ảnh hưởng đến các thuộc địa của Anh ở Đông Nam Á.

Với các mục đích trên, Anh từng bước giúp Pháp trở lại Đông Dương bằng cách giúp Pháp trang bị cho các đơn vị quân đội Pháp để đưa sang Viễn đông, cho đặt Phái bộ quân sự và tình báo Pháp nằm trong Bộ chỉ huy Đông Nam Á của Anh, luôn ủng hộ và bênh vực lập trường của Pháp về vấn đề thuộc địa trong các Hội nghị quốc tế... Ngày 24-8-1945 Anh ký với Pháp một thỏa hiệp về nguyên tắc và cách thức khôi phục lại chủ quyền của Pháp ở Đông Dương. Tiếp đó ngày 9-10-1945 Anh lại ký với Pháp hiệp định quy định về “quyền hành chính” của Pháp ở Việt Nam, bất chấp chủ quyền của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Và ngày 1-1-1946, Anh ký tiếp với Pháp hiệp định “Nhường quyền tiếp phòng” cho Pháp ở vùng Nam Đông Dương. Có thể nói, khác với Mỹ và Tưởng, thực dân Anh chính là kẻ mở đường cho những hành động vũ lực của Pháp nhằm tái chiếm Việt Nam ngay sau cách mạng tháng Tám.

Như vậy, qua những điều đã trình bày ở trên, chúng ta càng thấy rõ hơn về những mưu đồ và toan tính của các nước lớn đối với Việt Nam thời kỳ Cách mạng tháng Tám. Và qua đó, chúng ta cũng càng thấy rõ hơn bản lĩnh, trí tuệ của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc chớp thời cơ, phát động và lãnh đạo nhân dân cả nước tiến hành khởi nghĩa thắng lợi với quyết tâm “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà – Nhà nước Dân chủ Nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra một kỷ nguyên mới của lịch sử dân tộc: Kỷ nguyên độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội.

TS. Nguyễn Trọng Hậu