Yakov Dzhugashvili sinh ngày 18-3-1907, là con của Stalin với người vợ cả Ekaterina Svanidza. Bà Ekaterina qua đời do đột quỵ khi Yakov chưa đầy một tuổi. Stalin đã gửi con về bên ngoại ở vùng Gruzia nhờ người em gái vợ nuôi.

Năm 1921, khi dì Aliosa Svanidza đưa Yakov lên Moscow gặp Stalin, người cha không vui vì thấy con trai nói tiếng Nga kém và tính tình trầm lặng, nhút nhát. Yakov cảm thấy xa lạ trong nhà của cha, nhưng may mắn khi đó có người vợ thứ hai của Stalin-bà Nadezhda Sergeevna đối xử với Yakov rất tốt. Bà Nadezhda hơn Yakov chỉ 7 tuổi.

Năm 1925, Yakov tốt nghiệp phổ thông, song anh không muốn học lên đại học. Thời gian này, vì muốn có cuộc sống độc lập, Yakov đã giấu cha, yêu và muốn cưới Zoya Gunnina, một người bạn cùng lớp, con gái của linh mục. Stalin cấm con thực hiện ý định này. Bị cha cấm đoán nên có lúc Yakov đã tự tử nhưng được phát hiện kịp thời. Sau vụ việc này, Stalin nổi giận, nói với Nadezhda: “Kệ nó! Nó muốn sống thế nào, ở đâu và với ai cũng được...”. Yakov cùng người tình Zoya đến thành phố Leningrad, ở nhà người thân của người mẹ kế Nadezhda. Tại đây, Yakov học và trở thành công nhân sửa chữa điện. Năm 1929, Zoya sinh con gái, nhưng đứa bé chết ngay. Sau đó, cuộc hôn nhân giữa Yakov với Zoya đổ vỡ.

leftcenterrightdel
Stalin (thứ hai, từ trái sang) cùng các con: Vasily (đầu tiên, bên trái), Svetlana (đứng) và Yakov (đầu tiên, bên phải); người thứ hai, từ phải sang là Andrei Zhdanov - “cánh tay phải” của Stalin. Ảnh tư liệu.

Không đầu hàng số phận, Yakov trở lại Moscow và thi đỗ vào Đại học Giao thông. Tốt nghiệp đại học, Yakov làm việc tại nhà máy mang tên Stalin. Anh yêu nữ diễn viên múa ballet Yulia Melzer và cưới cô. Tháng 2-1938, họ có con gái Galina.

Theo lời khuyên của cha, Yakov đã theo học lớp buổi tối của Học viện Pháo binh. Yakov đã ra mặt trận ngay trong những ngày đầu tiên của cuộc chiến. Ngày 27-6-1941, Yakov chỉ huy một đại đội thuộc Trung đoàn Pháo số 14 chống lại tập đoàn xe tăng số 4 của phát xít Đức. Trong trận chiến ngày 7-7-1941, gần sông Chernogostnitsa ở tỉnh Vitebsk, Yakov đã chỉ huy đại đội chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, xứng đáng được trao tặng Huân chương Cờ đỏ, nhưng Yakov không kịp nhận. Ngày 16-7-1941, Yakov bị bắt trong khi phá vòng vây. Nguyên soái Zhukov kể lại rằng: Stalin đã kiên quyết nói: “Yakov phải chấp nhận bất kỳ cái chết nào, không phản bội Tổ quốc”, và Yakov đã hành động đúng như lời phán quyết của cha. Trong cuộc thẩm vấn, Yakov đã nêu tên và xác nhận rằng ông là con trai của Stalin. Yakov liên tục bị hỏi cung, bị chuyển từ trại giam này đến trại giam khác. Nhưng dù có thế nào, ông vẫn giữ vững tinh thần kiên định của một sĩ quan Hồng quân. Tháng 2-1943, Yakov bị đưa đến trại tập trung Sachsenhausen. Khi đó, Đức đề nghị đổi Yakov lấy Thống chế Paulus bị Hồng quân bắt ngày 31-1-1943. Lời đề nghị này được chuyển qua ông Bernadotte, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Thụy Điển. Câu trả lời của Stalin đã trở nên nổi tiếng: “Tôi không đánh đổi một thống soái lấy một người lính”. Không những thế, Stalin còn nói: “Chúng tôi không có tù binh mà chỉ có những kẻ phản bội Tổ quốc”. Ngày 14-4-1943, Yakov lao qua hàng rào dây thép gai để tẩu thoát, song bị lính canh trại giam bắn chết.

Người vợ thứ hai của Stalin sinh cho ông được hai người con: Một trai và một gái.

Người con trai Vasily sinh ngày 24-3-1920. Khi còn nhỏ, Vasily học trong trường kiểu mẫu số 25 ở Moscow. Tháng 11-1938, ông được ghi tên vào Trường Không quân ở Kachin. Theo nhận xét của các giáo viên, Vasily học kém phần lý thuyết, nhưng trong thực hành, anh là một học viên giỏi.

Sau khi tốt nghiệp Trường Không quân, chàng sĩ quan trẻ Vasily được điều về Phòng Kiểm soát bay thuộc Bộ Tham mưu Quân chủng Không quân, Bộ Quốc phòng Liên Xô. Vasily không thích công việc này và sau khi chiến tranh nổ ra, anh nằng nặc xin đi chiến đấu ngoài mặt trận. Mùa hè năm 1942, nguyện vọng của anh được đáp ứng. Sư đoàn Không quân dưới quyền chỉ huy của Vasily đã tham gia các trận chiến giải phóng Minsk, Vilnius, Grodno... và Berlin. Sau chiến tranh, ông tiếp tục phục vụ trong Hồng quân. Năm 1948, với quân hàm Trung tướng, ông được bổ nhiệm làm Tư lệnh Không quân của Quân khu Moscow. Chỉ tiếc rằng, người sĩ quan phi công Vasily đẳng cấp và dũng cảm đã bị hủy hoại bởi hai thứ: Rượu và tính vô kỷ luật.

Bệnh nát rượu chính là nguyên nhân dẫn đến những rắc rối trong cuộc sống gia đình của Vasily. Ông có 4 người vợ và 4 đứa con, nhưng không ai trong số những người phụ nữ đó có thể chịu được tính nóng nảy, cục cằn cũng như bệnh nghiện rượu của Vasily.

Vasily còn trở thành vấn đề đau đầu đối với những người lãnh đạo mới của Liên Xô. Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô Nicolai Bulganin đã đề nghị điều ông đến một trong những quân khu xa xôi, hy vọng Vasily sẽ không thể gây ra nguy cơ đe dọa nào. Nhưng vị tướng bướng bỉnh đã từ chối, và ngày 26-3-1953, ông đã bị cho về phục viên, cấm mặc quân phục.

Một tháng sau, ông bị bắt vì tội vu khống các lãnh đạo đất nước, tội hành hung, lạm dụng chức vụ và một danh sách dài dằng dặc những tội danh khác. Ông bị tạm giam hơn hai năm để chờ kết án. Cuối cùng, tòa tuyên án Vasily bị kết án 8 năm tù giam vì tội “tuyên truyền chống Nhà nước Xô viết”.

Tháng 1-1960, Vasily được trả tự do sớm, nhưng vào tháng 4 năm đó, KGB lại bắt Vasily “vì tiếp tục các hoạt động chống Liên Xô”. Mùa xuân năm 1961, ông được thả nhưng bị cấm sống ở thủ đô cũng như ở quê cha tại Gruzia. Nơi sinh sống tiếp theo của vị tướng thất sủng là thành phố Kazan. Ngày 19-3-1962, Vasily trút hơi thở cuối cùng khi chỉ còn 5 ngày nữa là tròn 42 tuổi. Theo kết luận của các bác sĩ, ông chết do ngộ độc rượu.

Khi Vasily mới hơn một tuổi, ngày 24-7-1921, một thảm kịch đã xảy ra với người bạn rất thân của Stalin-ông Phedor Ardeevich Sergeev (mật danh là Artem).

Phedor Ardeevich Sergeev đã thiệt mạng trong vụ tai nạn đường sắt trên đoàn tàu đặc biệt chở đoàn cán bộ cao cấp đến Tula gặp gỡ các thợ mỏ. Đoàn tàu đang trên đường từ Tula về Moscow thì gặp nạn. Sau khi người bạn cố tri qua đời, Stalin đã đưa con trai của bạn về nuôi dưỡng trong gia đình và gọi người con nuôi bằng cái tên Artem-mật danh của người cha đã mất. Con trai thứ hai của Stalin đã viết trong hồi ký của mình: “Tôi nhận thấy anh Artem là một người anh. Thực tế, anh ấy không phải là con trai riêng của cha, mà là con nuôi, nhưng chúng tôi như anh em ruột, là bạn từ thời thơ ấu. Cha tôi rất yêu Artem và khuyên tôi phải theo gương anh ấy”.

Cuộc sống của Artem thành công hơn cuộc sống của Vasily. Anh trở thành một sĩ quan pháo binh. Năm 1941, Artem bị bắt ở Đức, nhưng ông đã trốn thoát và ở trong một đơn vị du kích. Sau đó, ông vượt qua chiến tuyến về với đơn vị của Hồng quân Liên Xô bảo vệ Stalingrad, tham gia trận chiến giải phóng Dnepr, giải phóng Đông Pruxi, Hungary, Đức. Artem bị thương 24 lần. Sau chiến tranh, ông hai lần được vào học tại Học viện Pháo binh và là Trung đoàn trưởng Trung đoàn Pháo binh, sau này nghỉ hưu với cấp hàm Thiếu tướng. Ông mất năm 2008.

Svetlana sinh ngày 28-2-1926, là con gái duy nhất của Stalin và được cha quan tâm nhiều, trong đó có vấn đề học tập. Năm 1949, Svetlana ở tuổi 23 đã tốt nghiệp Đại học Moscow và được ở lại trường dạy các môn văn học Liên Xô và ngôn ngữ Anh.

Svetlana sớm đến với hôn nhân. Ở tuổi 16, Svetlana yêu Aleksei Kapler, một nhà làm phim người Do Thái đã 40 tuổi. Stalin kịch liệt phản đối mối tình này. Một năm sau, Svetlana nhận lời cầu hôn của Grigory Morozov, một sinh viên cùng trường. Hai năm sau, năm 1943, Stalin miễn cưỡng cho phép cuộc hôn nhân đó. Năm 1947, vợ chồng Svetlana ly hôn, nhưng vẫn là bạn thân trong nhiều thập niên.

Cuộc hôn nhân thứ hai của Svetlana do cha sắp xếp cho cô lấy Yuri Zhdanov, con trai của Andrei Zhdanov-“cánh tay phải” của Stalin. Họ đã kết hôn vào năm 1949 và sau một năm có một con gái tên là Yekaterina. Nhưng cuộc hôn nhân tan vỡ ngay sau đó.

Cuộc hôn nhân thứ ba vào năm 1963, Svetlana sống không giá thú với một chính trị gia Cộng sản Ấn Độ tên là Brajesh Singh. Vì là con của Stalin nên khi “người chồng” chết, Svetlana được phép sang Ấn Độ để làm đám tang. Tại New Delhi, Svetlana tìm mọi cách và với sự giúp đỡ của các quan chức Mỹ, cô đã đào thoát sang Hoa Kỳ vào mùa xuân năm 1967 và nhập quốc tịch Mỹ, đổi tên là Marganet Maters. Năm 1970, Svetlana kết hôn với kiến trúc sư người Mỹ William Wesley Peters và có với nhau một cô con gái tên là Olga. Nhưng vào năm 1973, họ chia tay nhau.

Đột nhiên vào năm 1984, Svetlana quyết định trở về Liên Xô. Svetlana được phục hồi quốc tịch Liên Xô, được đáp ứng và cung cấp tất cả điều kiện để sống thoải mái. Tuy nhiên, năm 1986, Svetlana quyết định trở về Mỹ. Lần này, Tổng thống Mikhail Gorbachev đã ra lệnh để cho con gái Stalin được tự do ra khỏi đất nước.

Trở về Mỹ, không thể sắp xếp cuộc sống của mình, bà phải sống trong một viện dưỡng lão ở thành phố Madison. Năm 2011, Svetlana qua đời ở viện dưỡng lão vì bệnh ung thư ruột kết, thọ 86 tuổi. Theo yêu cầu của cô con gái Olga, thi thể của bà được hỏa táng và gửi đến Oregon.

Người con thứ năm-con ngoài giá thú của Stalin-Aleksandr là câu chuyện bí mật.

Năm 1956, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Khrushev được trao một bức thư công vụ. Nội dung thư nói về một người con trai ngoài giá thú của Stalin. Theo đó, năm 1914, Stalin bị lưu đày ở Kureika thuộc vùng Turukhansk và đã chung sống với Lydia Pereprygina mới 13 tuổi. Năm 1917, hai người có đứa con trai Aleksandr. Sau đó, Lydia trở thành thợ làm tóc ở Igarka. Lydia kết hôn với Yakov Davydov, một ngư dân địa phương. Yakov nhận nuôi cậu bé Aleksandr.

Trong một báo cáo bí mật của Thiếu tướng Serov, Chủ tịch KGB Liên Xô gửi Khrushev nói rằng “Stalin không bao giờ giúp đỡ Lydia Pereprygina”. Aleksandr trở thành người đưa thư. Năm 1935, Aleksandr được triệu tập đến Krasnoyarsk và yêu cầu ký cam kết không bao giờ nói về nguồn gốc của mình. Aleksandr đã tham gia chiến đấu trong cuộc chiến tranh ái quốc. Hai lần ông bị thương, được thăng cấp đến Thiếu tá. Sau chiến tranh, ông làm giám đốc một nhà ăn ở Novokuznetsk. Aleksandr có 3 người con. Ông mất năm 1987.

NINH CÔNG KHOÁT (tổng hợp)