Dù với thước đo nào, năm 1975 sẽ là một mốc quan trọng, là một bước ngoặt nổi bật trong lịch sử Việt Nam. Cho dù điều này không dễ nhận biết ngay với các nhà quan sát nước ngoài, nhưng đối với người Việt, các sử gia về lịch sử Việt Nam và những người cộng sản Việt Nam, thất bại của cuộc xâm lược của Mỹ vào Việt Nam là tối quan trọng. Đối với thế giới bên ngoài Việt Nam, sự kiện cuối tháng 4-1975 là thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản, là sự đổ nhào của chế độ Nguyễn Văn Thiệu, sự tháo chạy của Mỹ khỏi Việt Nam chỉ có ý nghĩa ở mức độ nhất định. Một số chính khách lo sợ, với việc chấm dứt sự có mặt của Mỹ ở Việt Nam, những cân nhắc về chính sách của họ sẽ không còn tính đến được sự can thiệp quân sự của Mỹ, vốn được bảo đảm trước đó. Nhưng điều mà các nhà quan sát không nhìn nhận đầy đủ, chính là đây không chỉ là một sự giảm thiểu ảnh hưởng của Mỹ lên các vấn đề quốc tế mà còn có nghĩa rằng kỷ nguyên của người phương Tây áp đặt lên Đông Nam Á cũng đã kết thúc. Đây là tầm vóc lịch sử của các sự kiện mùa xuân 1975 tại Việt Nam.

leftcenterrightdel
Bìa cuốn sách Chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam 1925 - 1945

Nhìn dưới góc độ lịch sử Việt Nam, giải phóng  miền Nam-một từ thông dụng hôm nay ở Việt Nam, cũng chính là phi thực dân hóa hoàn toàn Việt Nam. Các sự kiện của tháng 4-1975 đã tạo nên một cực điểm của quá trình kháng chiến ở Việt Nam chống lại các nỗ lực của phương Tây nhào nặn số phận và phân xử công việc nội bộ của Việt Nam. Với trang sách viết về phi thực dân hóa đã khép lại, lịch sử Việt Nam từ đây sẽ được viết bằng ngọn bút khác. Số phận của Việt Nam sẽ được quyết định bởi hành động có tính kết hợp của người dân Việt Nam, không phải là hành động của các nhà thống trị ngoại bang. Sự tự quyết của người Việt Nam đã trở thành một thực tế lịch sử. Điều gì nước Việt Nam làm kể từ năm 1975 về sau hoàn toàn thuộc về trách nhiệm riêng của người Việt.  

Sự phi thực dân hóa của Việt Nam chính là một trường ca dài về sự hy sinh của những người theo trào lưu cộng sản, cũng như về sự phản bội của những kẻ đã cộng tác với các thế lực chinh phạt nước ngoài. Tuy nhiên, nó còn là chuyện dài được đúc nên bởi những nghịch lý và những sự kiện tình cờ. Nếu không có những áp đặt không mong đợi của lịch sử vào năm 1954, Việt Nam lẽ ra đã có cơ hội để trở thành một quốc gia độc lập và thống nhất từ thời điểm đó. Năm 1954, tại Hội nghị Geneva, Việt Nam trở thành nạn nhân của nền chính trị thực dụng quốc tế. Việt Nam lúc đó không có mắc mớ gì với nền ngoại giao châu Âu, nhưng việc chia cắt tại Vĩ tuyến 17 là cái giá nước này phải chịu bởi sự can thiệp của các cường quốc...

Đặt sang một bên những trớ trêu của lịch sử, sẽ nhận thấy những nét quan trọng của thực tế đọng lại: Quá trình phi thực dân hóa triệt để ở Việt Nam là một kỳ công của những người cộng sản Việt Nam. Thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam đánh dấu một đỉnh cao của các nỗ lực cách mạng trong nửa sau thế kỷ 20. Trong giai đoạn này, lịch sử phi thực dân hóa ở Việt Nam và lịch sử của chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam đã song hành. Vào năm 1925, khi Nguyễn Ái Quốc thành lập tổ chức cộng sản, đó là một chi bộ chỉ gồm 9 người trí thức lưu vong gọi là Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (sau này lịch sử còn gọi là Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội). 50 năm sau đó, tổ chức này đã trải qua một sự lớn mạnh đầy ấn tượng về số lượng, kinh nghiệm và quyền năng. Đảng Cộng sản Việt Nam đã thành công trong vai trò chủ đạo, nếu không nói là độc tôn, trong phong trào chung phi thực dân hóa ở Việt Nam, tuy có thời điểm bị chững lại bởi sự can thiệp của các cường quốc bên ngoài. Trong nghĩa này, sự phi thực dân hóa hoàn toàn Việt Nam vào tháng 4-1975 là một bước ngoặt đối với phong trào cộng sản ở Việt Nam. Kể từ điểm xuất phát của mình, phong trào này đã phấn đấu cho một cuộc cách mạng kép ở Việt Nam, một cuộc cách mạng dân tộc để giải phóng Việt Nam khỏi sự thống trị của phương Tây, và một cuộc cách mạng tạo ra một trật tự xã hội mới. Cuộc cách mạng dân tộc đã thành công khi giải phóng được miền Nam.

Suốt nửa thế kỷ hoạt động tới năm 1975, phong trào cộng sản ở Việt Nam bất chấp các địch thủ quốc tế hùng mạnh, đã trình diễn được một ưu thế nổi bật về ảnh hưởng lên đấu trường chính trị ở Việt Nam. Từ năm 1925 đến 1930, dù còn chưa mang danh cộng sản, phong trào này đã có được vai trò dẫn dắt đối với hầu hết các tổ chức chống thực dân ở Việt Nam. Từ năm 1930 trở đi, sau khi phong trào trở thành một đảng lấy tên công khai là cộng sản, đó là Đảng Cộng sản Việt Nam. Tháng 8-1945, thừa lúc Nhật Bản đầu hàng Đồng minh, Đảng Cộng sản Đông Dương, thông qua Mặt trận Việt Minh, đã giành chính quyền và lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chính phủ này là nội các cộng sản duy nhất lộ diện tại một thuộc địa cũ của châu Âu.

Thành công rất ấn tượng của chủ nghĩa cộng sản Việt Nam là không thể phủ định. Từ một hạt nhân chỉ có 9 người năm 1925, tới năm 1966 đã trở thành một đảng đông đảo với 766.000 đảng viên, được hiệp trợ bởi 1,2 triệu thành viên của các hội đoàn người lao động khác nhau. Từ một hội kín của những người trí thức lưu vong thường xuyên bị truy nã bởi chế độ thực dân, tới năm 1951 đã trở lại hoạt động công khai với tư cách đảng cầm quyền, hội tụ được một sự ủng hộ có quy mô toàn dân. Từ năm 1946 đến 1954, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dẫn dắt quốc dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống lại toan tính đô hộ Việt Nam một lần nữa, trong “cuộc chiến Đông Dương lần thứ nhất”, như người ta vẫn gọi. Chiến thắng quân tinh nhuệ nhất của Pháp đã đem lại cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa một tầm vóc quốc tế. Vào tháng 7-1954, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã giành được sự công nhận của thế giới tại Hội nghị Geneva như những người cầm quyền trên thực tế tại một nửa phía Bắc của Việt Nam. Từ năm 1954 đến tháng 4-1975, phong trào cộng sản Việt Nam đã thành công trong việc loại bỏ nỗ lực của người Mỹ áp đặt một ách thuộc địa trá hình ở Việt Nam thông qua những người Việt tay sai của họ. Sự sụp đổ của ngụy quyền Sài Gòn vào tháng 4-1975 là hiển thị của cả thất bại của Mỹ lẫn thắng lợi của những người cộng sản Việt Nam…

Lê Đỗ Huy (trích dịch) 

Tiến sĩ Huỳnh Kim Khánh sinh năm 1936 tại Quảng Nam, trong một gia đình Công giáo. Ông là Phó giáo sư Khoa Quản trị Nhà nước, Đại học Cornell, Hoa Kỳ.

Bắt đầu làm luận án Tiến sĩ khoa học chính trị giữa thập niên 1960, Huỳnh Kim Khánh nhận thấy cuộc chiến tranh cục bộ của Mỹ ở Việt Nam là phi đạo lý và là sai lầm chính trị nên đã sang Canada. Ông đã dạy tại các Trường Đại học Dalhousie và Western Ontario của Canada, rồi sang làm nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore, đồng thời làm công tác biên tập cho Tạp chí Các vấn đề Đông Nam Á. Sau đó, ông trở thành Giám đốc dự án nghiên cứu Đông Dương tại Trung tâm Nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương của Canada từ năm 1986...