QĐND- Cách đây không lâu, hàng loạt phương tiện thông tin đại chúng tại Nga rộ lên giả thiết rằng người con trai cả của Sta-lin là Ya-cốp Giu-gát-vi-li (Yakov Dzhugashvili) đã không bị quân Đức bắt làm tù binh trong cuộc chiến tranh Vệ quốc, mà đó là kịch bản do cơ quan Mật vụ của Hít-le (Hitler) dựng lên. Vậy sự thực là thế nào và số phận người con trai cả của Sta-lin ra sao?
Ya-cốp Giu-gát-vi-li sinh ngày 30-3-1907 tại Bacu, là con trai cả của Sta-lin với người vợ đầu tiên là Ê-ca-tê-ri-na Sva-nít-de (Ekaterina Svanidze) (bà qua đời khi Ya-cốp chưa tròn 1 tuổi). Năm 1936, Ya-cốp đã tốt nghiệp xuất sắc Trường giao thông công trình đường sắt và được cử tới làm việc tại Nhà máy ô tô ZIS. Một năm sau, Sta-lin khuyên con trai vào Học viện quân sự, binh chủng pháo binh. Bởi đã tốt nghiệp đại học (điều rất hiếm vào thời đó) nên Ya-cốp được chuyển thẳng từ năm thứ nhất sang năm thứ 4 và anh học rất giỏi. Ngày 22-6-1941, Ya-cốp ra mặt trận không kịp gặp mặt cha nên chỉ gọi điện thoại. Sta-lin đã chúc con “Hãy lên đường và hãy chiến đấu”. Người vợ của Ya-cốp là Giu-li-a Men-sơ (Yulia Melzer) đã khóc suốt ngày sau khi đi tiễn có lẽ bởi linh cảm chồng mình sẽ không trở về nữa. Từ nhà ga Bi-át-dma (Biazma), Ya-cốp đã gửi một dòng thư về nhà: “ Giu-li-a thân yêu! Em hãy chăm sóc Ga-li-na và bản thân. Đừng lo lắng cho anh. Ya-sa của em”.

Ya-cốp Giu-gát-vi-li.

Tù binh Ya-cốp Giu-gát-vi-li

Vào thời kỳ đầu chiến tranh Vệ quốc, quân đội Xô viết có tới 1 triệu quân nhân bị chết và bị thương, 724 nghìn người là tù binh, trong số đó có Thượng uý Ya-cốp Giu-gát-vi-li. Theo lệnh của Nguyên soái Giu-cốp (G.Zhukov), đã có những nhóm đặc biệt được phái đi tìm con trai của Sta-lin nhưng không có kết quả. Ngày 16-7, đài phát thanh Béc-lin và báo chí của Đảng Quốc xã đưa tin Ya-cốp Giu-gát-vi-li đang bị bắt làm tù binh. Chiều ngày 18-7, chúng đã đưa Ya-cốp lên máy bay về ban chỉ huy Quân đoàn 4 để thẩm vấn. Bởi trước đó Ya-cốp đã được nhận dạng nên việc giấu giếm anh là con trai của lãnh tụ Xô viết là vô ích. Khi được thẩm vấn, Ya-cốp đã nói: “Tôi thấy xấu hổ với cha vì tôi vẫn còn sống”. Vào tháng 8-1941, máy bay Đức đã rải khá nhiều truyền đơn có ảnh của Ya-cốp Giu-gát-vi-li, nói rằng con trai Sta-lin cùng với hàng nghìn quân lính Xô viết và sĩ quan đã đầu hàng ở Vi-tép-xki (Vitebski) và hiện đang hợp tác với quân đội Đức. Chúng khuyên các chiến sĩ Hồng quân theo gương họ hạ vũ khí. Theo con đường ngoại giao, phía Đức đã chuyển cho Mát-xcơ-va bức thư của Thượng uý Ya-cốp gửi cho cha được viết ngày 19-7 nói rằng, anh vẫn sống và khỏe mạnh, được đối xử tốt. Chỉ đến ngày nay, các chuyên gia của Trung tâm giám định hình sự mới xác định được bức thư từ trại tù binh là giả mạo. Mặc dù phần nào có sự giống nhau về bút pháp, nhưng vẫn có những sự khác biệt so với nét chữ trong bức thư Ya-cốp gửi cho vợ và những cuốn vở viết khi anh còn là học viên của học viện quân sự.

Thẩm vấn

Ông Va-xi-li Crít-xphô-rốp (Vaxili Khrisforov)- Cục trưởng Cục lưu trữ của FSB (Cơ quan an ninh LB Nga) cho biết, trong cơ quan của ông có đủ tài liệu với chứng cứ xác đáng khẳng định rằng, con trai của Sta-lin quả thật từng là tù binh của quân Đức. Trong các tài liệu này còn có sự xác nhận của những cựu tù binh đã ở cùng Ya-cốp Giu-gát-vi-li. Tất cả đều nói rằng, Ya-cốp đã xử sự một cách xứng đáng.

Một trong những cuộc thẩm vấn Ya-cốp Giu-gát-vi-li đã diễn ra tại Bộ chỉ huy tập đoàn quân “Trung tâm” của Thống chế Phôn Bốc (Von Bock) vào ngày 18-1-1941. Thực hiện cuộc thẩm vấn này có Thiếu tá Oan-tơ Hôn-tơ (Walter Holters), một sĩ quan tình báo chuyên nghiệp, sau chiến tranh đã phục vụ trong cơ quan tình báo Mỹ, bốn thành viên Áp-oe (Abwehr) (cơ quan tình báo quân sự và phản gián Đức), các sĩ quan của ban tham mưu, một số phiên dịch và sĩ quan liên lạc thông tin Sác-ten-đoóc-phơ (Shattendorf) của bộ chỉ huy tối cao của quân Đức với Bộ Ngoại giao Đức, sau đó báo cáo kết quả thẩm vấn cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Rít-ben-trốp (Ribbentrop).

Cuộc thẩm vấn đã được ghi âm lại và ghi tốc ký. Nội dung bản tốc ký như sau:

- Anh tự nguyện làm tù binh hay là bị dùng vũ lực?

- Người ta dùng vũ lực bắt tôi.

- Bằng cách nào?

- Ngày 12-7, đơn vị tôi đã bị bao vây. Bắt đầu là cuộc không kích dữ dội. Tôi quyết định vượt vòng vây nhưng đã bị đánh đến choáng váng. Tôi đã muốn tự bắn mình nếu như có thể.

- Anh cho rằng làm tù binh là một sự nhục nhã?

- Đúng, tôi cho là vậy.

- Anh có cho rằng quân đội Xô viết còn cơ hội đảo ngược trong chiến tranh không?

- Đúng, tôi cho là thế. Chiến tranh còn lâu mới kết thúc.

- Thế điều gì sẽ xảy ra, nếu sắp tới chúng tôi chiếm được Mát-xcơ-va?

- Tôi không thể tưởng tượng được điều đó.

- Thế nhưng chúng tôi đã ở gần Mát-xcơ-va rồi đấy thôi.

- Các ông sẽ không bao giờ chiếm được Mát-xcơ-va đâu.

 

 

- Các chính ủy Hồng quân làm nhiệm vụ gì?

 

- Bảo đảm tinh thần chiến đấu và chỉ đạo chính trị!

- Anh cho rằng chính quyền mới ở nước Nga sẽ đem lại lợi ích cho công nhân và nông dân hơn là thời Nga hoàng?

- Chẳng có gì phải nghi ngờ cả.

- Anh nói chuyện với cha mình vào khi nào?

- Vào ngày 22-6 qua điện thoại. Khi biết tôi sẽ ra mặt trận, ông đã nói: "Hãy lên đường và hãy chiến đấu!".

Ya-cốp trên đường chuyển trại giam.
Những câu trả lời của Ya-cốp Giu-gát-vi-li với quân thù đã chứng tỏ phẩm chất đạo đức và sự trung thành tuyệt đối của anh đối với Tổ quốc. Giu-gát-vi-li đã được đề nghị viết thư cho gia đình, phát biểu trên đài phát thanh, chấp nhận để in truyền đơn có tên của anh kêu gọi binh sĩ Xô viết đầu hàng. Song anh đã kiên quyết từ chối tất cả những điều đó. Tuy nhiên, bộ máy của Gơ-ben (Goebbels) đã làm mọi chuyện phao tin đồn nhảm. Các loại truyền đơn hô hào đã được in ra, những tập sách có hình ảnh của Giu-gát-vi-li cũng được rải khắp.

Số phận của con trai Sta-lin

Theo một số tài liệu thì ban đầu Ya-cốp bị đưa vào trại tập trung ở Ba-ra-vi (Baravi), đến mùa Xuân 1942 bị chuyển đến trại khác tại Liu-béc (Liubec). Đến tháng 2-1943, theo giả thiết chính thức, do từ chối tham gia vào việc tuyên truyền chống Xô viết, sau thất bại của quân Đức tại Sta-lin-grát (Stalingrad) và theo lệnh của đích thân Him-le (Himmler), tù binh Ya-cốp đã bị chuyển vào trại tập trung Sát-sen-hao-sen (Sachsenhausen) cách Béc-lin 20km. Trong thời gian này, Hội Chữ thập đỏ đã nỗ lực tiến hành việc trao đổi tù binh, đổi Thượng uý Giu-gát-vi-li bằng tên Thống chế Pao-luýt (Paulus) bị phía Nga bắt tại Xta-lin-grát (Stalingrad). Theo một giả thiết đã trở thành truyền thuyết thời đó thì Sta-lin đã kiên quyết từ chối: “Tôi không đổi một tên thống chế lấy một người lính!”.

Thoạt đầu Ya-cốp bị giam trong tù, sau đó ở trong nhà gỗ tại một nơi đặc biệt, cách ly với trại giam chính bằng bức tường gạch cao và hàng dây thép gai có điện cao thế. Canh giữ anh là những tên SS Đức thuộc Trung đoàn “Chiếc đầu tử thần”. Trong hồ sơ lưu trữ của phòng phản gián “Xme”(Smers) còn lưu những ghi chép cuộc thẩm vấn đối với tên tù binh Đức là Tướng SS Kan-đơ (Kandl). Theo lời khai của hắn, từ phòng số 5 của Cục an ninh Đức, Ya-cốp đã bị đưa vào trại tập trung của bác sĩ Sun-xe (Sulse). Vậy rút cục thì Ya-cốp có hợp tác với quân Đức hay không? Tên Kan-đơ cho biết, chính Him-le (Himmler) thường xuyên quan tâm đến số phận của Ya-cốp Giu-gát-vi-li. Thực ra Him-le “muốn sử dụng con trai của Sta-lin phòng khi có các cuộc thương lượng riêng với Liên Xô, hoặc để đổi lấy những tướng lĩnh Đức bị phía Nga bắt làm tù binh”. Nhưng Thượng uý Ya-cốp không sa bẫy tâm lý và không chịu làm theo mục đích của quân Đức. Tháng 4-1943, anh đã cố chạy trốn, sau khi thoát ra được đến hàng rào kẽm gai thì đã bị lính canh bắn chết. Tên lính Đức đã bắn phát súng định mệnh đó là Con-rát Háp-phơ (Conrad Harf).

Sự công nhận muộn màng

Đồng thời, theo ông Cơ-rít-xphô-rôp (Khrisforo) thì các cơ quan mật vụ Đức có thể đã sử dụng những ghi chép cuộc thẩm vấn Thượng uý Ya-cốp để tuyên truyền và tạo ra nhiều cớ khiêu khích Liên Xô trong thời kỳ chiến tranh Vệ quốc. Ya-cốp bị áp chế về tâm lý nhưng anh đã không đầu hàng trước quân thù. Điều này được khẳng định bởi những luận chứng xác đáng. Đó là các tài liệu lưu trữ sau này đã được các quan chức Mỹ giao cho gia đình của lãnh tụ Xô viết. Tờ Niu Yoóc Tai-mơ (New York Time) thông báo rằng, cháu gái của Sta-lin là Ga-li-na (Galina) đã nhận được từ phía Mỹ bản sao các tài liệu khẳng định cha bà là Ya-cốp Giu-gát-vi-li đã chết trong trại tử thần Đức quốc xã. Quả thật là từ Mát-xcơ-va, Ga-li-a Ia-cốp-lê-na Giu-gát-vi-li (Galina Ykovlevna Dzugavsili) đã nhận được một chiếc cặp tài liệu màu xanh. Người giao nó là Gie-ry Gien-ninh (Jerry Jennings), trợ lý của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về vấn đề tù binh và người mất tích trong chiến tranh. Trong chiếc cặp có gần 30 trang tài liệu bằng các thứ tiếng Đức, Anh và Nga. Cụ thể là có một số tài liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ, các bản phô-tô giấy tờ của Đức, biên bản thẩm vấn Ya-cốp Giu-gát-vi-li của Đức, chứng nhận của bác sĩ và các giám thị trại tập trung và cả chứng thực về cái chết của Ya-cốp có chữ ký của chính tên Tướng SS Hen-rích Him-le (Henrich Himmler). Những tài liệu này đã được người Mỹ và người Anh tìm thấy tại Đức sau khi quân Đức đầu hàng. Hơn nữa, tại Cục lưu trữ Quốc gia ở Oa-sinh-tơn (Washington) đã phát hiện thấy bản sao thư trao đổi giữa các cơ quan tình báo Anh và Mỹ về việc khi đó hai bên đã thỏa thuận không báo tin cho Sta-lin về cái chết của con trai ông.

Như vậy, giả thiết về việc Ya-cốp Giu-gát-vi-li không phải là tù binh của Đức là không xác đáng. Đúng là anh đã bị bắt làm tù binh nhưng đã không hề phản bội Tổ quốc và không phản lại lời tuyên thệ của mình. Năm 1977, Đoàn Chủ tịch Xô viết Tối cao Liên xô đã ra sắc lệnh truy tặng Ya-cốp Giu-gát-vi-li Huân chương chiến tranh Vệ quốc hạng nhất. Thế nhưng không rõ vì nguyên nhân gì mà sắc lệnh này không được dư luận biết đến.

NGỌC BÍCH

 (Theo Báo Độc lập- Nga)