QĐND - 1. Ngày 9-3-1076, với việc cử Quách Quỳ làm chánh tướng, Triệu Tiết làm phó tướng, công cuộc chuẩn bị xâm lược nước Việt của vua Thần Tông và triều đình nhà Tống, khởi động từ nửa năm trước đấy, đến đây coi như đã hoàn thành bộ khung của cái tổ chức viễn chinh phương Nam là: “An Nam hành doanh”. Dọc đường tiến binh từ Hoa Bắc xuống Hoa Nam, “An Nam hành doanh” còn được phép, và đã tuyển mộ thêm được nhiều đơn vị lính tráng người địa phương nữa, nâng tổng số quân chiến đấu lên thành 10 vạn người, trong đó có một vạn quân kỵ mã, với một vạn ngựa chiến.
Đạo quân viễn chinh khổng lồ và cồng kềnh này, nhất là lại đi viễn chinh nước Việt ở phương Nam xa xôi, hiểm trở, nóng nực và ẩm thấp, cần rất nhiều quân khí, quân lương, quân nhu, cả quân y nữa, cho nên phải huy động rất đông phu phen khuân vác, phục dịch, lúc đầu đã tính đến con số 40 vạn, sau chốt lại thành 30 vạn.
|
Minh họa: Phùng Minh |
Chỗ yếu chết người của đạo quân đông đúc đến 30 vạn này còn là: Chỉ quen đánh bộ, mà chiến trường ở nước Việt phương Nam lại chủ yếu là sông nước, nên vua quan nhà Tống vội vã ra lệnh thành lập bổ sung một đạo thủy quân cho “An Nam hành doanh”. Các tướng Dương Tùng Tiên, Tô Tử Nguyên, được cử phụ trách công việc này. Nhưng vướng vào sở đoản cố hữu, chậm trễ cả về thời gian lẫn mức độ phát triển, nên sau khi vơ vét cả những thuyền chở hàng, thuyền đánh cá ở ven biển đông nam nước Tống làm thuyền chiến, bắt dân chài làm lính thủy, bọn này cũng chỉ tổ chức được một lực lượng thủy quân kém cỏi, làm nhiệm vụ hỗ trợ từ xa cho đại quân ở ngoài Biển Đông, và nếu có thể thì cử một bộ phận vào đất liền, giúp chở bộ binh qua sông mà thôi.
Trong khi đó, do đã tổ chức được một mạng lưới tình báo hiệu quả, người đứng đầu cuộc kháng chiến của nước Việt là Thái úy Lý Thường Kiệt đã nắm được rất chắc địch tình, cả về ý đồ chiến tranh và lực lượng chiến đấu. Lý Thường Kiệt chỉ tổ chức một tuyến phòng thủ tiền phương ở biên giới còn tuyến phòng thủ chủ chốt, thì được xây dựng ở dọc bờ nam dòng sông Cầu, từ “Thượng Đu Đuổm chí Lục Đầu” (từ Phú Lương-Thái Nguyên, đến Chí Linh-Hải Dương) với trường độ khoảng 80km, trọng tâm và trung tâm là đoạn dài ba chục cây số, từ bến đò Như Nguyệt đến núi Nham Biền. Đó là công trình quân sự đã được nhiều người nói tới, với tên gọi phổ thông là “Phòng tuyến sông Cầu”-dùng sông Cầu (ngày đó đang còn rất to, rộng) làm chiến hào, củng cố tuyến đê nam ngạn kết hợp với chông chà và hàng rào ở mặt trước, làm thành chiến lũy. Tuy nhiên, trong khi đã để tâm đến phần xây đắp thổ mộc như thế này, thì, một phần hữu cơ của cấu trúc phòng thủ cũng như là của cả cuộc chiến đấu quyết liệt rồi sẽ diễn ra ở phòng tuyến này, lại chưa được nhiều người chú ý. Ấy là: Đã có một lực lượng thủy quân, gồm tới 300 chiến thuyền, được Lý Thường Kiệt cho bố trí trên mé nước bờ nam đoạn sông Cầu này.
Đấy là bộ phận của lực lượng thủy quân hùng mạnh triều Lý, mà chủ lực là 500 chiến thuyền nữa, do các hoàng tử Chiêu Văn và Hoằng Chân chỉ huy, đóng chốt ở căn cứ Vạn Xuân trên ngã sáu Lục Đầu Giang. Chỗ này là khu vực phòng thủ tuyến gần của thủy quân, liên kết với “phòng tuyến sông Cầu”, trong khi phòng thủ ở tuyến xa là ở ngoài Biển Đông, hoạt động lên đến tận gần địa đầu phía bắc, đó là đạo quân của tướng Lý Kế Nguyên, đóng ở vùng Vân Đồn.
Với cách bố phòng-toàn cục và tổng thể như thế này-gồm hai tuyến phòng thủ gần và xa, cả trên bộ lẫn dưới nước, nhưng ở đâu cũng có vai trò quan trọng của thủy quân, rõ ràng là thống soái Lý Thường Kiệt đã rất “biết mình-biết người”, khi khai thác đúng chỗ mạnh của quân ta mà đối phó nhằm vào chỗ yếu của bên địch.
2. Sau các trận đánh mở màn, chiếm các đầu cầu: Trại Ngọc Sơn (Trà Cổ-Quảng Ninh) và Châu Quảng Nguyên (Quảng Uyên-Cao Bằng) vào giữa và cuối năm 1076, đại quân xâm lược nhà Tống bắt đầu tràn qua biên giới từ ngày 8-1-1077, theo hai đường bây giờ là Quốc lộ số 1 và số 3, tiến xuống.
Nhanh chóng vượt qua tuyến phòng thủ tiền phương do các thủ lĩnh người dân tộc thiểu số đảm trách, để rồi sẽ nhận được những đòn đánh tập hậu về sau, từ ngày 18-1-1077, các cánh quân địch đều đã dồn được đến chỗ tập kết ở bờ bắc sông Cầu, đối ngạn với đoạn “phòng tuyến sông Cầu” ở bờ nam, trên một tuyến trận có độ dài 30km, với hai trọng điểm ở hai đầu, là: Bến Như Nguyệt và núi Nham Biền. Từ những chỗ này mà vượt qua được “phòng tuyến sông Cầu”, thì thông thống trước mặt đã là đất phát tích của nhà Lý-phủ Thiên Đức và kinh đô Thăng Long. Các tướng Quách Quỳ, Triệu Tiết nóng lòng, đỏ mắt chờ đạo thủy quân của các tướng Dương Tùng Tiên, Tô Tử Nguyên đến phối hợp chiến đấu, chí ít thì cũng là đưa một bộ phận chiến thuyền đến hỗ trợ: Chở quân vượt sông.
Nhưng, chính vào lúc này thì đã lộ diện chỗ non yếu của quân xâm lược Tống triều, là: Toàn bộ đạo thủy quân đang được chờ mong, trông ngóng ấy, đã bị đạo quân thủy Lý triều, do tướng Lý Kế Nguyên chỉ huy, chặn cứng bằng một loạt đến 10 cuộc hải chiến ở ngay trên vùng biển phía bắc Vân Đồn. Chỗ ấy, một bên là bờ biển, một bên là các dãy đảo biển chạy dọc mà cạp theo bờ ở mé xa, nên dải biển rước ở giữa lại được sử sách cổ truyền phương bắc gọi là “sông Đông Kênh”!
Ở chỗ “sông Đông Kênh” này, hơn 200 năm trước trận Vân Đồn do tướng Trần Khánh Dư đời Trần chỉ huy, cả phá đoàn thuyền tải lương Trương Văn Hổ của quân xâm lược Nguyên Mông vào đầu năm 1288, dẫn tới thảm bại Bạch Đằng của cuộc xâm lược nước Đại Việt lần thứ ba của nhà Nguyên, thì, đạo thủy quân nhà Lý của tướng Lý Kế Nguyên, vào đầu năm 1077, đã lập nên đại võ công: Do giam chân được toàn bộ đạo quân thủy của giặc ở đấy, mà phá tan được cuộc dự định phối hợp-hỗ trợ giữa hai đạo quân thủy và bộ của nhà Tống, khiến bại vong cả cuộc xâm lược cuối năm 1076-đầu năm 1077 của chúng.
Chờ mãi không thấy quân thủy đến hỗ trợ, các tướng Quách Quỳ, Triệu Tiết ở bờ bắc sông Cầu, đành phải mạo hiểm, “tự cung tự cấp” mà cho bộ binh tổ chức những cuộc vượt sông, hòng xuyên thủng “phòng tuyến sông Cầu” mà tiến chiếm phủ Thiên Đức và Kinh đô Thăng Long. Lần vượt sông thứ nhất, giặc bắc cầu phao, cho một cánh quân kỵ bộ phóng qua. Nhưng Lý Thường Kiệt đã lệnh cho các quân giữ phòng tuyến, chờ cho bộ phận tiền quân của giặc qua được hết sông, mới xông vào vây đánh, trong khi thủy quân (300 chiến thuyền) ém trực ở bờ nam, lúc này mới tiến ra phá cầu, cắt đứt bộ phận hậu quân-còn đang ở đầu cầu bên bờ bắc, chưa kịp sang sông-với bộ phận tiền quân đã quá giang. Do đó, phá tan trận vượt sông thứ nhất của giặc.
Lần vượt sông thứ hai, giặc dùng cách đóng bè mảng lớn, mỗi chiếc, một lần chở được đến 500 quân từ bờ bắc sang bờ nam, rồi lại quay về, chuyển vận tiếp. Nhưng, ngay ở đợt chuyên chở đầu tiên, những phương tiện vượt sông cồng kềnh và chậm chạp ấy, vừa áp mạn bờ nam, mới kịp thả quân lên phá bãi chông chà và hàng rào trước lũy, thì đã bị các chiến thuyền cơ động linh hoạt của ta xông ra áp sát, chặn đường về, không thể tiếp tục đưa quân sang sông các đợt sau nữa. Vậy là đám quân đã qua sông, lại bị trơ vơ mà tiêu diệt.
Hai lần tự tổ chức vượt sông của đại quân nhà Tống đều bị thất bại thảm hại. Chủ tướng Quách Quỳ đành hậm hực “án binh bất động” và ra lệnh: Ai bàn việc tiếp tục vượt sông nữa, sẽ bị chém đầu!
Chính vào lúc đó, cùng với việc dùng lời thơ thần “Nam quốc sơn hà” khống chế tinh thần quân địch, khích lệ ý chí quân ta, Lý Thường Kiệt đã ra lệnh đánh đòn phản công “quyết chiến chiến lược”: Đạo thủy quân 500 chiến thuyền ở căn cứ Vạn Xuân, do các hoàng tử Chiêu Văn, Hoằng Chân chỉ huy, ngược dòng sông Cầu, tiến lên, đánh thẳng vào căn cứ đầu não ở núi Nham Biền của giặc; trong khi ở đầu đằng kia trận tuyến, 300 chiến thuyền trú đóng ở bờ nam, bên “phòng tuyến sông Cầu”, rầm rộ đưa đại quân ta-do chính Lý Thường Kiệt chỉ huy-vượt sông sang bờ bắc, cả phá tan tành căn cứ đầu cầu Như Nguyệt của giặc.
Trận “quyết chiến chiến lược” này, tuy đạo thủy quân Vạn Xuân có bị tổn thất nặng nề, nhưng đạo thủy quân Như Nguyệt lại đại thắng, khi vừa đưa quân sang sông, vừa hỗ trợ đắc lực trận đại tập kích của quân nhà.
Kết quả tổng thể của đòn đánh quân sự này là: Đã khiến cả lực lượng lẫn ý chí xâm lược của đại quân địch bị lung lay đến tận gốc. Đúng lúc đó, Lý Thường Kiệt đưa ra sáng kiến kết hợp đánh đòn ngoại giao: Cử sứ giả sang doanh trại giặc, khiêm tốn “bàn hòa”, nhận sẽ “tạ tội” và “tu cống”, nếu quân Tống rút ngay về nước!
Thế là, trong một đêm đầu tháng 3-1077, Quách Quỳ-Triệu Tiết đã ra lệnh rút quân. Tàn quân Tống cuống cuồng xéo đạp lên nhau mà chạy thoát thân. Đến lúc kiểm điểm binh mã thì thấy chỉ còn 23.400 lính và 3.174 ngựa, chiến phí thì đã tiêu hao mất 5.190.000 lạng vàng. Còn đạo thủy quân, suốt mấy tháng trời ngấp nghé, giẫm chân ở chỗ đầu “sông Đông Kênh” ngoài biển, nay thấy bại binh đã rút, cũng cuộn buồm chạy theo, một mạch luồn về nước!
GS LÊ VĂN LAN