QĐND - Khi được giao nhiệm vụ trực tiếp vào chiến trường nắm địch, các cán bộ ngành binh, địch vận của ta đã có nhiều hình thức tiếp cận để thu thập thông tin và có được hồ sơ của các sĩ quan cao cấp trong Quân đội Sài Gòn. Thông qua việc tiếp cận nguồn tài liệu của Phòng Địch vận (Cục Chính trị Miền), bài viết dưới đây khắc họa phần nào chân tướng Tôn Thất Đính, một viên tướng ba sao từng được Ngô Đình Diệm đánh giá là kẻ "thức thời" trong số các sĩ quan dòng dõi hoàng tộc.

Được sinh ra trong một gia đình thuộc dòng họ Tôn Thất của triều đình Huế, nên ngay từ nhỏ, Tôn Thất Đính đã được gia đình cho ăn học và đạt trình độ tú tài Pháp. Năm 1948, khi mới 22 tuổi, Đính quyết định bỏ nghề Thư ký công nhật ở Ty Hiến binh Đà Lạt để trở thành học viên sĩ quan tại Trường sĩ quan Huế, một trong những ngôi trường nhận nhiệm vụ đào tạo học viên sĩ quan người Việt của Quân đội Liên hiệp Pháp. Ra trường, Đính tiếp tục được cử sang Pháp đào tạo hai năm. Về nước, Đính đã phát huy "gốc gác" hoàng tộc Tôn Thất của mình, tỏ thái độ tôn sùng Bảo Đại. Do gần gũi Bảo Đại nên Đính được Nguyễn Văn Hinh-một viên tướng thân Pháp-nâng đỡ, coi như đàn em thân tín. Khi Ngô Đình Diệm về nước, thấy gia đình họ Ngô có triển vọng quyền lực lớn hơn, Đính lại quay ra ca ngợi, ủng hộ Diệm và sau đó được anh em Diệm-Nhu coi là kẻ "thức thời" trong số các sĩ quan dòng dõi hoàng tộc.

Tôn Thất Đính khi đang là Trung tướng, Tư lệnh Quân đoàn 3.  Ảnh tư liệu

Qua khai thác tù binh Quân đội Sài Gòn, được biết Tôn Thất Đính nổi danh khá sớm và giữ những chức vụ lớn trong ngụy quân, ngụy quyền. Trong thời gian làm Tư lệnh Quân đoàn 2, mặc dù đại bản doanh ở Tây Nguyên, nhưng Đính lại dành khá nhiều thời gian về Sài Gòn để ăn chơi. Những lúc về đô thành du hí, Đính thường giao cho các phó tướng của mình trách nhiệm báo cáo tình hình hằng ngày, trường hợp có chiến sự thì phải cấp tốc cử một sĩ quan tham mưu về Sài Gòn với đầy đủ hồ sơ, bản đồ để ông ta vào trình Ngô Đình Diệm.

Thực tâm rất cung phụng nhà họ Ngô, nhưng với bản tính "gió chiều nào theo chiều ấy", Đính sẵn sàng trở mặt khi thấy tình thế chính trường diễn ra bất lợi với anh em Diệm-Nhu. Cuối năm 1960, khi Nguyễn Chánh Thi dùng lực lượng dù làm đảo chính, cũng là lúc Tôn Thất Đính đang ăn chơi tại một khách sạn tại Sài Gòn. Nghe tiếng súng nổ, biết là có binh biến, song Đính không rời khách sạn mà gọi điện nhờ người em trai đi quan sát tình hình. Sau khi rõ thực hư là lực lượng dù muốn lật Diệm, Đính vẫn không dám lộ tung tích, cũng không liên lạc về Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 vì ngại phải tỏ thái độ, khi mà kết cục cuộc đảo chính vẫn còn chưa ngã ngũ. Chọn giải pháp an toàn, Đính đã bàn với em trai thuê tắc-xi bỏ trốn lên Đà Lạt. Trên đường đi, tới cầu Bình Lợi, thấy lính dù đang đứng lố nhố hai bên cầu, Đính liền xuống xe từ xa, nhanh trí tới bên một phụ nữ để giúp người này bế cháu nhỏ. Đính bình tĩnh bước qua cầu, tay cầm ô, tránh không để cho những sĩ quan dù nhìn rõ mặt. Qua cầu Bình Lợi, Đính lại tiếp tục lên xe tắc-xi về Đà Lạt. Đến nơi, sau khi nghe đài và biết chắc cuộc đảo chính thất bại, Đính mới ra lệnh cho lực lượng thiết giáp ở Buôn Ma Thuột phải cấp tốc đưa quân về Sài Gòn "tiếp ứng". Đính còn ra lệnh cho các đơn vị và các tỉnh thuộc Vùng chiến thuật 2 phải làm một bản "Kiến nghị" nhằm ủng hộ Diệm, lên án "bọn phản động đảo chính". Sau đó, Đính nhanh chóng bay về Sài Gòn nhóm họp lực lượng để thành lập cái gọi là "Phong trào chống đảo chính". Đính cố làm ra vẻ ồn ào để lấy lòng Diệm và che đậy sự im hơi lặng tiếng của mình trong thời gian trước đó. Vì vậy, sau cuộc đảo chính không thành của Nguyễn Chánh Thi, Đính đã được Diệm tin cậy điều về làm Tư lệnh Quân đoàn 3 và Vùng chiến thuật 3, kiêm Tổng trấn Sài Gòn-Gia Định.

Là sĩ quan gốc hoàng tộc, Tôn Thất Đính đã chứng tỏ mình là một kẻ "thức thời" cả trong việc vun vén, tư lợi. Leo tới lon Trung tướng và giữ chức vụ mới ở Vùng chiến thuật 3, Đính lại càng có cơ hội ăn chơi và kiếm tiền từ các chức vụ của mình. Khi rời quân đội để khoác áo Nghị sĩ, rồi Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của Thượng viện, Đính vẫn "nhạy bén" tìm cách làm giàu. Năm 1974, khi Nguyễn Văn Thiệu cần sự ủng hộ của đám tướng lĩnh hồi hưu, Đính đã cùng Trần Văn Đôn đứng ra tổ chức, vận động để kiếm lời bằng cách gửi thư mời các bạn cũ tới nhà dùng cơm thân mật nhằm "trình bày về hiện tình đất nước". Từ cuộc nhậu mang danh "kiến nghị", Tôn Thất Đính đã có được khoản tiền lớn sau khi trừ chi phí cho cánh báo chí tới đưa tin về một "bản kiến nghị" mà nội dung trong đó đã chứa đựng sẵn lập trường cứng rắn của Tổng thống Thiệu… Lần khác, khi Nguyễn Văn Thiệu cần Thượng viện thông qua một sắc luật, Đính cũng đứng ra nhận thầu lấy chữ ký với điều kiện: Mỗi chữ ký ủng hộ, Thiệu phải chi tối thiểu 500.000 đồng. Dĩ nhiên là Đính đã bỏ túi một số tiền không nhỏ…

Trong đội ngũ sĩ quan Quân đội Sài Gòn, mẫu người thực dụng như Tôn Thất Đính không phải là cá biệt, và như những gì họ thú nhận sau này, sự "thực dụng" ấy đã làm cho Quân đội Sài Gòn ngày một suy yếu, nhất là từ khi quan thầy Mỹ đã không còn hiện diện ở miền Nam để "cầm tay chỉ việc"…

QUANG HUY