Trần Bá Di. Ảnh tư liệu

QĐND - Trong số các viên tướng của Quân đội Việt Nam Cộng hòa, Trần Bá Di không phải là một tên tuổi nổi bật bởi trước khi chế độ Sài Gòn sụp đổ, Di đang là Chỉ huy trưởng Trung tâm huấn luyện Quang Trung. Song trong những ngày ở lớp cải huấn dành cho sĩ quan cấp tướng, viên tướng 2 sao này lại gây chú ý cho các cán bộ ở lớp cải huấn bởi một “bài thu hoạch” dài tới 15 trang viết tay. Trong bản “tổng kết chiến tranh” ấy, Di đã rút ra một số “kinh nghiệm” và không ít những bài học đắt giá trong quãng đời binh nghiệp của mình...

Hồ sơ “Khai thác sĩ quan Quân đội Sài Gòn” của Cục Địch vận (tháng 11-1973) có ghi: Trần Bá Di sinh năm 1931, quê ở tỉnh Định Tường (nay là tỉnh Tiền Giang). Tháng 8-1951, Di đi lính cho Pháp và sau đó theo học Trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt. Năm 1957, Di được cử làm Tiểu khu trưởng Gò Công rồi leo lên chức Trưởng phòng 3 Quân khu Thủ Đức. Các năm 1958-1961, Di lần lượt được cử làm Phó tỉnh trưởng, rồi Tỉnh trưởng tỉnh Phong Dinh (nay là tỉnh Hậu Giang). Năm 1966, Di được cử đi học Tham mưu cao cấp ở Mỹ, hai năm sau về làm Tham mưu trưởng Quân đoàn 4; đến tháng 7-1968, là Đại tá, Tư lệnh Sư đoàn 9 bộ binh (thế chỗ của Lâm Quang Thơ được cử về làm Chỉ huy trưởng Trường Sĩ quan Đà Lạt). Tháng 4-1970, Trần Bá Di được thăng cấp chuẩn tướng, một năm sau được điều về làm Phó tư lệnh Quân đoàn 4 và nhận lon thiếu tướng.

 Trần Bá Di luôn ra vẻ là một viên tướng có tác phong giao tiếp đàng hoàng, đứng đắn. Nhưng theo thông tin của binh lính dưới quyền và qua khai thác tù binh, được biết: Trong cuộc hành quân sang Cam-pu-chia năm 1970, Di đã tranh thủ vơ vét nhiều tài sản của nhân dân Cam-pu-chia về để làm giàu.

Trong nỗ lực thay tướng nhằm “đổi vận”, ít tháng trước khi chế độ Sài Gòn sụp đổ, chính quyền Sài Gòn đã đưa Trần Bá Di về Trung tâm huấn luyện Quang Trung làm Chỉ huy trưởng, để rồi sau ngày 30-4-1975, viên tướng hai sao này đã trở thành học viên trong các lớp cải huấn của chính quyền cách mạng... Giống như các học viên cấp tướng khác, trong lớp cải huấn, Trần Bá Di đã có nhiều thời gian “nghiền ngẫm” để viết ra những bản đánh giá, tổng kết chiến tranh theo yêu cầu của lớp học.

“Kinh nghiệm” từ Sư đoàn 9

Những năm nắm quyền chỉ huy Sư đoàn 9 bộ binh là thời gian mà Trần Bá Di có nhiều va chạm với thực tế, vì thế Di đã rút ra một số “kinh nghiệm” nhằm “nâng cao tinh thần chiến đấu” cho binh sĩ của mình.

Di sớm nhận rõ điểm mạnh, điểm yếu của hai loại binh sĩ dưới quyền, đó là lính quân dịch và lính tình nguyện. Số lính quân dịch được viên Tư lệnh Sư đoàn chia ra thành hai loại: Quân dịch loại A là những thanh niên tự ý trình diện để thi hành nghĩa vụ, số này thường cam chịu số phận, ít đào ngũ, nhưng lại tham chiến rất chiếu lệ, chỉ mong được sống sót chờ ngày giải ngũ; quân dịch loại B là số bị bắt trong các cuộc hành quân, các đợt kiểm soát đột xuất của cảnh sát trên các trục lộ giao thông, số này do sợ hoặc không thích đi lính nhưng do bị cưỡng ép nên thường tìm đủ mọi cách để tự hủy hoại thân thể hoặc trốn tránh. Trần Bá Di đã không lạ lẫm với việc binh sĩ dưới trướng từng tìm cách hủy hoại thân thể bằng cách tự bắn vào chân, vào lòng bàn tay; cho lựu đạn nổ giữa hai ngón chân; buộc dây cao su ở ngón chân để ngón chân bị hoại tử, phải cắt bỏ hoặc bày trò lấy mủ cây xương rồng chà vào mắt để gây hỏng một mắt...

Khi phần đông binh sĩ trong Sư đoàn chủ yếu là lính quân dịch (chiếm 60%-70% quân số tác chiến), Di đã hạn chế tình trạng đào ngũ bằng cách cho kiểm soát chặt chẽ số lính quân dịch thông qua các tổ “đồng tâm”, tức tổ ba người, gồm: Một lính tình nguyện, hai lính quân dịch. Trong các đơn vị trực thuộc, Di còn thường xuyên “hâm nóng” các sắc luật trừng phạt tội đào ngũ và chỉ cho số binh sĩ của mình những “tấm gương” là các “lao công chiến trường” đang bị kỷ luật ngay tại đơn vị để họ từ bỏ ý định đào ngũ. Ngoài ra, Di còn xây dựng một đội ngũ hạ sĩ quan nòng cốt và bắt buộc các cấp chỉ huy từ Tư lệnh sư đoàn cho tới chỉ huy trung đội đều phải quan tâm, đảm bảo từ quân trang cho tới thực phẩm hằng ngày, tìm cách để các binh sĩ có gia đình riêng được vào hết trong trại gia binh... bởi theo Trần Bá Di, cách làm hiệu quả nhằm nâng cao tinh thần binh sĩ chính là dùng quyền lợi vật chất để lôi kéo và đề cao cá nhân thông qua những đợt khen thưởng đột xuất trong chiến đấu; cùng đó là một hệ thống “kìm kẹp” lẫn nhau bằng chính các binh sĩ và bộ máy an ninh chìm.

Bản “tổng kết chiến tranh” do Trần Bá Di viết trong thời gian ở trại cải huấn. Ảnh: Vũ Minh

Nhằm mục đích “lên dây cót tinh thần” cho binh sĩ, Sư đoàn 9 của Di còn tổ chức những buổi nói chuyện do các “hồi chánh viên” lên lớp với nội dung chính là cách thức đưa người vào hoạt động nội tuyến của đối phương, những hình thức mua chuộc, lôi kéo binh sĩ hoạt động cho cách mạng và một nội dung không thể thiếu là phần mô tả về “đời sống cực khổ” của người dân miền Bắc…

 Thất trận vì tướng-quân “rệu rã”

Trong “bản thu hoạch” của mình, Di đã dành khá nhiều trang để kể về các hoạt động đấu tranh, phản chiến trong binh lính dưới quyền và khái quát thành 3 hình thức chính là: Chống hành quân; binh biến khởi nghĩa; đứng về phía nhân dân nhằm chống lại âm mưu của Mỹ và chính quyền Sài Gòn.

Khi Trần Bá Di về làm Tư lệnh Sư đoàn 9, cũng là khoảng thời gian chiến sự đang trở nên khốc liệt và các lực lượng từ quân chủ lực cho tới quân địa phương đều ghi nhận nhiều trường hợp binh sĩ tham gia vào các hoạt động phản chiến. Tại sư đoàn của Di, đã có biểu hiện một số sĩ quan cấp úy thường cố tình trình diện muộn lúc bắt đầu xuất phát hành quân hoặc giả ốm vào phút chót. Một số khác lấy lý do bỏ đơn vị không xin phép ngay trước lúc chuẩn bị hành quân rồi ở trong tình trạng vắng mặt trái phép tới 14 ngày (vì 15 ngày vắng mặt sẽ bị báo cáo đào ngũ và bị đưa ra tòa án quân sự). Sau 14 ngày, số này trở về đơn vị để rồi sau đó tiếp tục diễn lại trò “vắng mặt” trước khi có đợt hành quân mới...

Trong các năm từ 1969-1973, ở các tỉnh: Vĩnh Bình, Vĩnh Long, Chương Thiện, Sóc Trăng, Cần Thơ, Cà Mau, Định Tường, Kiến Hòa – những nơi mà Sư đoàn 9 thường đến tăng cường, chính Trần Bá Di đã phát hiện nhiều lần tại những đơn vị quân địa phương – nhất là cấp đại đội – có tình trạng binh sĩ tránh né các vùng căn cứ của cách mạng. Trên đường hành quân, chỉ cần gặp sự kháng cự nhỏ từ phía Quân giải phóng thì các đơn vị này đã tìm cách né sang hướng khác. Di viết: “Có tới 2/3 số báo cáo của các đơn vị trực thuộc sư đoàn thường hay phóng đại hoặc báo cáo hoàn toàn sai về các cuộc chạm súng để xin yểm trợ hỏa lực hoặc tăng viện. Nhiều lúc các bản báo cáo còn cho ra những số liệu “ẩu” là đã tới mục tiêu, trong khi họ vẫn còn ở cách mục tiêu chạm súng với Quân giải phóng tới 1-2 cây số...”. Theo Di, sở dĩ quân lính dám làm ẩu như vậy là vì họ biết lợi dụng những lúc sư đoàn không có máy bay lên thẳng hoặc máy bay kiểm soát vị trí của các đơn vị dưới mặt đất.

Năm 1973, khi hoạt động ở vùng Lái Hiếu (Long Mỹ, Chương Thiện) và vùng Hồng Ngự (Kiến Văn, Kiến Phong), có từ 4-6 tiểu đoàn của Sư đoàn 9 đã tìm cách tiến quân một cách chậm chạp. Lúc chạm súng, số này chỉ tham gia lẻ tẻ rồi ém quân nằm một chỗ, sau đó xin hỏa lực yểm trợ, tới sáng hôm sau khi Quân giải phóng ngưng nổ súng thì mới tiến vào trận địa trống. Khoảng tháng 3-1974, Tiểu đoàn quân địa phương thuộc Tiểu khu Phong Dinh xuất phát từ Hòa An hành quân vào vùng Xáng Bộ (Long Mỹ, Chương Thiện) có 30 lính và hạ sĩ quan đã bỏ súng, quân trang, lẩn trốn về nhà để tránh hành quân. Tình trạng này sau đó xảy ra đều khắp ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, trầm trọng nhất là tại các tỉnh: Chương Thiện, Phong Dinh, Sóc Trăng, Cà Mau, Vĩnh Bình.

Trần Bá Di chua chát thừa nhận: “Khi Mỹ rút, quân lính Việt Nam Cộng hòa bắt đầu lo ngại, tinh thần chống đối cách mạng có khuynh hướng giảm. Trước những chiến thắng dồn dập của cách mạng ở Quân khu 2, Quân khu 3, áp lực nặng nề đã ảnh hưởng lên khắp miền Tây Nam Bộ, cả chỉ huy lẫn binh sĩ đều mất tinh thần. Số quân chủ lực tuy vẫn còn nòng cốt kìm kẹp nhưng phần lớn đã không còn muốn chiến đấu nữa. Tình trạng đào ngũ tăng vọt, cộng với việc tuyển mộ khó khăn, nên quân số ở các đơn vị chiến đấu đã trở nên hết sức bi đát”. Trong phần cuối bản “báo cáo tổng kết chiến tranh” của mình, Trần Bá Di còn nêu lên một thực trạng ở thời điểm những năm 1973-1975: “Số lính quân dịch vẫn còn bị kiểm soát nhưng trong thực tế họ không còn tinh thần chiến đấu nữa; với số lính bảo an, dân vệ, tình trạng còn bi đát hơn, họ rút khỏi các vùng chiến sự hoặc tìm cách tiếp xúc với Quân giải phóng cả bằng cách gặp trực tiếp lẫn qua máy truyền tin”.

Những lời thú nhận của viên tướng hai sao Trần Bá Di đã cho thấy phần nào nguyên nhân thất trận của một bộ máy mà trong đó các “tướng” đã từng được huấn luyện, đào tạo bài bản còn “quân” thì luôn được lên dây cót tinh thần bằng đủ mọi hình thức. Vậy mà bộ máy ấy đã sớm rệu rã và trở thành “đứa con rơi” ngay sau khi các “quan thầy” rút lui khỏi chiến trường miền Nam…

Bùi Quang Huy