QĐND - Ngày 19-12-1946, thời khắc lịch sử, Hà Nội nổ súng, mở đầu Toàn quốc kháng chiến. 70 năm đã trôi qua, ký ức của các nhân chứng mà chúng tôi gặp dẫu chưa thể nói hết được một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc nhưng hy vọng có thể giúp thế hệ hôm nay hiểu thêm về một thời cha ông ta ghi tạc lời thề “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”!

leftcenterrightdel
 Trung tướng Đặng Kinh.

Ngày 22-11-1946, chúng tôi được lệnh hành quân vượt sông đến trú quân tại một làng thuộc huyện lỵ An Dương. Đến nơi lập tức đại đội tổ chức chiếm lĩnh trận địa, triển khai làm công sự, chuẩn bị chiến đấu. Ngày 28-11, lực lượng địch có khoảng một đại đội tấn công thăm dò vào trận địa của đại đội và 2 trung đội của vệ quốc đoàn. Khi quân địch đến gần khoảng 30m, đồng loạt súng máy, súng trường của 4 trung đội nổ vào đầu địch, chúng bị thương vong một nửa, còn một nửa bỏ chạy. Đến ngày 10-12, địch lại huy động một tiểu đoàn có pháo binh yểm trợ, tấn công trên toàn tuyến phòng thủ Cam Lộ, trận đánh quyết liệt  kéo dài 6 tiếng đồng hồ, có lợi thế công sự vững chắc ta tiêu diệt 126 tên địch, địch chuẩn bị rút lui, chúng tôi cho bộ đội truy kích, nhưng pháo địch bắn chặn, ta không thể tiến được.Trung tướng ĐẶNG KINH, nguyên Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam: Qua những thông tin và đài phát thanh về các vụ khiêu khích của quân đội Pháp ở Hải Phòng và Hà Nội, cảm nhận của tôi là cuộc đọ súng của nhân dân ta với quân đội viễn chinh Pháp chẳng sớm thì muộn, nhất định sẽ xảy ra. Tôi đã xin trên cho thành lập ở Kiến An một đại đội tự vệ, tổ chức huấn luyện để sang phía An Dương, đường 5 và đường sắt chiến đấu với quân địch.

8 giờ sáng 20-12, tôi thấy khu vực Nhà máy xi măng Hải Phòng, tiếng xe tăng ầm ầm, tiếng ca-nô rung động, rồi hàng loạt đại bác dồn dập bắn về trận địa Cam Lộ. Cuộc chiến đấu của đại đội với địch trở nên ác liệt. 12 giờ trưa, quân địch vượt sông Tam Bạc thọc thẳng cầu Rế tấn công Cam Lộ. Để bảo toàn lực lượng, Ban chỉ huy Đại đội thống nhất rút toàn bộ lực lượng sang vùng an toàn. Ngay buổi chiều ngày 20, chúng tôi được văn phòng liên Tỉnh ủy thông báo toàn bộ nội dung lời kêu gọi của Bác Hồ phát động toàn quốc kháng chiến...

DUY ĐÔNG (ghi)

leftcenterrightdel
Thiếu tướng Hoàng Dũng. 

Thiếu tướng HOÀNG DŨNG, nguyên Chánh văn phòng Bộ Tổng tham mưu: Tháng 12-1946, tôi tham gia Tự vệ chiến đấu thành Hoàng Diệu, trên cương vị là Tiểu đội trưởng. Vì bản thân là đảng viên nên tôi được cấp trên cho biết trước giờ nổ súng vào tối 19-12 theo ký hiệu: Đúng 20 giờ, Hà Nội tắt điện. Nhiệm vụ của đơn vị tôi là phối hợp với một Tiểu đoàn Vệ quốc quân đánh vào một địa điểm của thực dân Pháp ở phố Bạch Mai, sau đó tập kích địch ở một số địa điểm của phố Bạch Mai, phố Khâm Thiên… Đúng thời gian hiệp đồng, pháo binh của ta bắn vào các địa điểm trú quân của Pháp. Các lực lượng cơ động bố trí, tổ chức chiến đấu theo kế hoạch chuẩn bị trước, đơn vị tôi ở Liên khu 3, đánh ép địch vào bên trong, còn Liên khu 1 ở nội thành sẽ đánh địch bung ra ngoài. Ban đêm, chúng tôi tổ chức đánh phục kích, tập kích địch. Sự giao tranh giữa ta và địch rất ác liệt. Pháo binh và máy bay địch cũng bắn phá nhưng những ngày đầu không phát huy hiệu quả vì chúng ở thế bị động. Sáng 20-12, nghe Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi và mọi người xúc động nhìn nhau, ai cũng hừng hực khí thế chiến đấu với tinh thần “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Điều khiến tôi cảm động nhất chính là sự cưu mang của người dân lao động ở Hà Nội. Họ sẵn sàng phục vụ nấu ăn, cung cấp lương thực, quần áo cho bộ đội và lực lượng kháng chiến. Chính tinh thần, khí thế của những ngày toàn quốc kháng chiến đã theo tôi suốt quá trình hoạt động cách mạng, trở thành động lực giúp tôi hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

HÙNG KHOA (ghi)

leftcenterrightdel
Thiếu tướng Phạm Văn Kha. 

Thiếu tướng PHẠM VĂN KHA, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Lâm Đồng: Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, tôi là Đại đội trưởng Đại đội 9, Tiểu đoàn 53, Trung đoàn 120, Khu 5, đóng tại Phù Mỹ, Bình Định. Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân, dân Bình Định đã nổi dậy phá hủy các cơ sở kinh tế, quân sự, giao thông quan trọng, như: Thành Bình Định, xưởng dệt Phú Phong, đề-pô xe lửa ga Diêu Trì... gấp rút thành lập các đơn vị vũ trang, tự vệ; đẩy mạnh công tác huấn luyện; xây dựng hệ thống trận địa, phòng tuyến, công sự chiến đấu… Lúc này Khu 5 là vùng tự do nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được cuộc chiến tranh đang đến rất gần. Cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị có cả người Bắc và người địa phương, những tin tức về cuộc chiến đấu của quân và dân ta từ Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn liên tục gửi về khiến anh em rất phấn chấn, nóng lòng muốn ra trận địa một phen sống mái với kẻ thù. Tuy nhiên, do chưa có lệnh của cấp trên nên anh em động viên nhau cố gắng giữ bí mật, tham gia huấn luyện thật tốt để chuẩn bị cho những trận đánh lớn. Điều hết sức đặc biệt của Trung đoàn 120 lúc ấy là Trung đoàn trưởng của chúng tôi là người Đức, tên Việt là Hồ Chí Long, trước đây tham chiến trong quân đội Pháp nhưng khi cách mạng Việt Nam nổ ra, ông đã bỏ sang hàng ngũ của ta. Đồng chí không nói được tiếng Việt nên chúng tôi phải sử dụng tiếng Pháp. Còn Trung đoàn phó, Tham mưu trưởng Nguyễn Mạnh Thường từng là sĩ quan phục vụ cho quân đội Pháp (lính khố đỏ) nhưng cũng đã bỏ hàng ngũ của địch về với Việt Minh. Dù khác biệt về xuất thân, ngôn ngữ nhưng tình cảm giữa chỉ huy và chiến sĩ đều rất nồng ấm, tin tưởng.

VŨ ĐÌNH ĐÔNG (ghi)

leftcenterrightdel
 GS, Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Tài Thu.

GS, Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân NGUYỄN TÀI THU: Từ tháng 11-1946, ở Hà Nội, thực dân Pháp tăng cường gây hấn, khiêu khích. Những vụ đổ máu ngày càng gia tăng. Các trường học ở Hà Nội buộc phải đóng cửa. Tôi khi đó mới 16 tuổi, là học sinh Trường Chu Văn An. Các bạn học, có người về quê, có người ở lại Hà Nội. Anh trai tôi là Nguyễn Tài Châu và anh họ Nguyễn Tài Châm đều là quyết tử quân. Được các anh dìu dắt, tôi xung phong gia nhập Đội tuyên truyền xung phong, làm nhiệm vụ liên lạc, tuyên truyền ở khu Hoàn Kiếm, từ Bờ Hồ, Hàng Gai, Hàng Bông, Cửa Nam. Ngay đêm 19-12, Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, anh Châm hy sinh trong trận đánh giữa trung đội tự vệ chiến đấu của anh với quân Pháp ở đường Hai Bà Trưng. Thề trả thù cho anh, tôi hăng hái nhận bất cứ nhiệm vụ nào. Ban đầu, tôi được giao nhiệm vụ chuyển công văn, giấy tờ, tin tức chiến đấu, tiếp tế lựu đạn, chai cháy cho các tổ chiến đấu. Sau tôi được trực tiếp tham gia chiến đấu các trận Trường Ke, trận Đồng Xuân... Để tiết kiệm đạn dược và uy hiếp tinh thần quân địch, chúng tôi dùng pháo ném vào đội hình chúng thay vì dùng lựu đạn hoặc cho các bánh pháo đùng vào thùng sắt rồi đốt, giả tiếng súng liên thanh. Mỗi lần như thế, địch lại bắn như đổ đạn mà chẳng sát thương được quân ta. Cuộc chiến đấu ngày càng ác liệt. Bộ đội ta giành giật với quân Pháp từng con đường, góc phố. Tôi được nghe kể về những tấm gương chiến đấu, hy sinh anh dũng của những cảm tử quân ôm bom ba càng, của người chính trị viên Lê Gia Định, liên lạc viên nhỏ tuổi Trần Văn Lai... Cảm phục chiến công của các anh, tôi càng cố gắng để trưởng thành trong chiến đấu.

HÀ THU (ghi)

leftcenterrightdel
 Ca sĩ Hồ Quỳnh Hương.

Ca sĩ Hồ Quỳnh Hương: Lớp nghệ sĩ trẻ chúng tôi sinh ra và trưởng thành trong giai đoạn đất nước đổi mới, mở cửa, hội nhập quốc tế; được biết đến khí thế Toàn quốc kháng chiến, mùa đông năm 1946 qua sử sách. Mỗi lần được nghe lại tiếng Bác Hồ đọc Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến trên các phương tiện truyền thông, tôi lại thấy tim mình rạo rực, thôi thúc. Lời của Bác đã trở thành ngọn lửa truyền thống, trở thành giá trị văn hóa linh thiêng truyền đời; thể hiện khát vọng yêu chuộng hòa bình, tinh thần yêu nước, đại đoàn kết toàn dân và ý chí quyết tâm đánh đuổi giặc ngoại xâm bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, nền độc lập tự do của nhân dân, dân tộc Việt Nam. Tinh thần ấy, ý chí, khát vọng ấy luôn là bài học nóng hổi tính thời sự trong giai đoạn cách mạng mới. Đó cũng là nguồn cảm hứng lớn lao của văn học nghệ thuật, là sức mạnh tinh thần, nguồn cổ vũ, động viên giới nghệ sĩ trong các hoạt động sáng tác, biểu diễn, đào tạo lớp trẻ, vì một nền văn hóa văn nghệ hội nhập tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Tôi tự hào là nghệ sĩ trưởng thành từ môi trường đào tạo nghệ thuật trong quân đội. Quá trình hoạt động nghệ thuật, tôi luôn tâm huyết mảng đề tài truyền thống, lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng. Hiện nay, ngoài hoạt động nghệ thuật, tôi còn dành thời gian tham gia giảng dạy thanh nhạc cho Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội (cơ sở 2). Hằng năm, đất nước ta có nhiều ngày lễ lớn, kỷ niệm các sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc. Thông qua ngôn ngữ nghệ thuật và cộng hưởng của truyền thông, tôi mong rằng giới nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ trẻ, cùng nhau thổi bùng lên ngọn lửa truyền thống, làm lan tỏa tinh thần, ý chí, sức mạnh của lòng yêu nước đến với muôn triệu trái tim đồng bào, đồng chí...

PHAN TÙNG SƠN (ghi)