QĐND - Năm 1397, khi Hồ Quý Ly rục rịch dời kinh đô Thăng Long vào động An Tôn, phủ Thanh Hóa, thì đã dấy lên giữa triều đình một đợt sóng ngăn can phản đối. Có chứng cứ lý lẽ nhất là chức khu mật chủ sự Nguyễn Như Thuyết. Lời thư can gián của Nguyễn Như Thuyết đã được chép vào bộ “Đại Việt sử ký toàn thư” (Bản kỷ, quyển 8) đại lược như sau: “Nay thì đất Long Đỗ (là nơi đang đóng đô Thăng Long) có núi Tản Viên, có sông Lô Nhị, núi cao sông sâu, đất bằng phẳng rộng rãi. Từ xưa, các bậc đế vương mở nền dựng nước, không đời nào không lấy đất ấy làm nơi sâu gốc bền rễ. Hãy nên noi theo việc trước: Khi ấy quân Nguyên bị giết, giặc Chiêm phải nộp đầu. Xin nghĩ lại điều này để làm thế vững vàng cho nước nhà”.
Thật là cả một thuyết lý về lịch sử, địa lý, cả đạo lý nữa. Nhưng ở đây, hãy chỉ nói về ba địa danh quanh Thăng Long-Hà Nội lúc bấy giờ, là: Long Đỗ,
Tản Viên và Lô Nhị (Long Đỗ là tên đất-địa danh; còn Tản Viên là tên núi, “chẻ hoe” ra thì đó là sơn danh; cũng thế, Lô Nhị: Thủy danh).
 |
Lan can đá tạc hình rồng trước điện Kính Thiên trong Hoàng thành Thăng Long. Ảnh chụp lại |
1. Long Đỗ: Nghĩa nôm na là rốn rồng. Địa danh này, đầu tiên thấy chép trong sách “Việt điện u linh” nói rằng đấy là dẫn lại từ hai sách cổ Trung Hoa: “Giao châu ký” và “Báo cực truyện”. Và được dùng để chỉ một hương (nghĩa là làng, nhưng ngày ấy hương rộng hơn làng về sau nhiều). Theo đó thì hương Long Đỗ ở vào khoảng đầu Công nguyên-đã dựa vào một cao điểm-một quả gò nhô đội lên trên vùng doi đất ven một dòng sông cổ, về sau có tên là sông Tô Lịch-mà thành lập. Gò đất này, cũng có tên là Long Đỗ-Rốn Rồng.
Sách “Việt điện u linh” đã thần thánh hóa gò đất đó, không chỉ bằng cách gọi tên là Rốn Rồng, mà còn mô tả nhiều điều kỳ bí, linh diệu của quả gò, như: Có một huyệt đạo, từ đỉnh gò, thông sâu tới tận Âm ty địa phủ; miệng của huyệt đạo thì mở thông mãi lên cao tới Cửa trời. Hương Long Đỗ dựa vào gò đất Long Đỗ mà hình thành và phát triển, là vì thế.
Nhưng cụ thể và về mặt con người, thì hương Long Đỗ thuở đó trở thành một chốn danh hương, được các sách “Giao châu ký” và “Báo cực truyện” ở tận phương Bắc nói đến là nhờ có vị già làng họ Tô, tên Lịch, vừa là người nhân ái, hết lòng vì quê hương, thường đem của nhà san sẻ cho xóm giềng khi gặp cảnh đói khó, lại là người hiếu thuận, khéo thu xếp việc gia đình, sống “ngũ đại đồng đường” mà cửa nhà vẫn êm ấm. Vì thế, sau khi mất, được tôn làm thần thành hoàng của hương Long Đỗ. Và cho con sông chảy qua phía Bắc của hương mượn tên luôn, thành ra là sông Tô Lịch.
Đến thời gian các thế kỷ từ 7 đến 9 sau Công nguyên thì các viên quan đô hộ nhà Đường nhận ra vị thế đặc biệt của gò đất Long Đỗ và dòng sông Tô Lịch, đã nhắm vào đấy mà xây thành đắp lũy, làm trị sở “An Nam đô hộ phủ” của chúng, gọi bằng các tên: La Thành, rồi Đại La Thành.
Khéo biết khai thác, lợi dụng văn hóa tín ngưỡng cổ truyền của dân bản địa, những kẻ thống trị đầu sỏ ngoại bang này, nhân việc đã sẵn có sự tôn sùng Tô Lịch làm thần thành hoàng của hương Long Đỗ, bèn phong cho thần làm “Đô phủ thành hoàng thần quân” luôn. Nghĩa là “đề bạt” già làng Tô Lịch, từ chỗ ban đầu chỉ là thần thành hoàng của hương Long Đỗ thôi, nay thì trở thành thần thành hoàng của cả đô phủ-trung tâm trấn trị cả “An Nam đô hộ phủ”, là tòa La Thành, rồi Đại La Thành.
Tuy nhiên, sự “đề bạt” cao nhất, phải thuộc về Vua Lý Thái Tổ. Năm 1010, dời đô từ Hoa Lư ra định đô Thăng Long ở ngay chỗ tòa Đại La Thành được quan đô hộ Cao Biền xây vào năm 866 trên đất của hương Long Đỗ, có quả gò Long Đỗ ở chính tâm, nhà vua đã hào phóng ban cho thần Tô Lịch danh hiệu mới: “Quốc đô Định bang Thành hoàng Đại vương”, với nghĩa: Vị Đại vương giữ vai trò là thần thành hoàng của cả tòa kinh đô một đất nước vừa được định hình.
Như thế, bắt đầu hình thành quan niệm và danh hiệu của cặp biểu tượng núi sông ở Kinh đô Thăng Long, là: Gò núi Long Đỗ và dòng sông Tô Lịch.
Về sau, vì gò núi Long Đỗ còn có thêm tên gọi nữa, là Núi Nùng (“Nùng”, nghĩa là “tươi tốt”), nên cặp biểu tượng núi sông của Thăng Long còn được gọi (tắt) là: Núi Nùng-sông Tô (Nùng Sơn-Tô Thủy).
2. Tản Viên: Mang nghĩa “Cái tán tròn”, là hình thù của chỗ đỉnh ngọn và dải núi, vốn gốc, nôm na được quen gọi là Ba Vì, theo sự tích “Sơn Tinh-Thủy Tinh” mà không ai không biết, đây vừa là thần điện số một của nước và dân Việt cổ (thờ “Đệ nhất Tứ bất tử” Sơn Tinh) lại vừa là một vùng căn cứ chiến lược, được “trời cho”, và người của đất nước, qua các đời xây thêm.
3. Lô Nhị: Đây là tên gọi của một dòng sông, ghép lại từ hai trong số rất nhiều kiểu mệnh danh trong lịch sử của nó, là: Lô Thủy và Nhị Hà, có từ rất lâu trước khi người Pháp, từ thế kỷ 19, gọi nó là “Fleuve Rouge”, chuyển sang Hán ngữ, thì đó là “Hồng Hà”, còn tiếng Việt-cũng mới chỉ từ thế kỷ 19-gọi là “sông Hồng”. Còn nôm na và phổ biến, qua các đời, thì đó là tên gọi “sông Cái” (với ít nhất là 3 nghĩa, của chữ “Cái” và nghĩa nào cũng đúng với hiện thực của dòng sông, là: Mẹ; to; chính).
Núi Tản Viên và sông Lô Nhị (tức núi Ba Vì và sông Cái (sông Hồng) xuất hiện trong lịch sử và đất nước ta có thể đã từ rất lâu, trước núi Long Đỗ và sông Tô Lịch. Nhưng trở thành cặp biểu tượng núi sông của Thăng Long-Hà Nội, thì lại ở vào thời gian sau. Tức: Chỉ vào lúc có điều kiện tảng nền, là sự mở rộng của Thăng Long, rồi của Hà Nội.
Mọi người đều biết, vào mùa xuân năm 1010, trước khi dời đô Hoa Lư-định đô Thăng Long vào mùa thu năm ấy, vua Lý Thái Tổ đã tự tay viết chiếu chỉ, hỏi ý kiến quần thần. Trong 214 chữ (từ) của tờ thủ chiếu này, có 7 chữ (từ) là: “Tiện giang sơn hướng bối chi nghi” (Tiện hình thế hướng (mặt) ra sông, tựa (lưng) vào núi) để nói về vị thế phong thủy của tòa thành Đại La mà nhà vua muốn định đô (sau đấy sẽ có tên là Thăng Long) của mình ở đấy.
Thành Đại La và thành Thăng Long, vào năm 1010-như vừa nói ở trên-có núi Nùng (Long Đỗ) ở chính tâm và sông Tô (Tô Lịch) bao quanh phía trước. Trong điều kiện và thực tế ấy, Long Đỗ-Tô Lịch (núi Nùng, sông Tô) trở thành cặp biểu tượng núi sông của tòa Kinh đô nước Việt thuở ban đầu.
Nhưng, từ năm 1014, vua Lý Thái Tổ đã cho mở rộng Thăng Long, xây đắp thêm vòng lũy đất Kinh thành lớn rộng (chu vi hơn 30km) bao quanh mé ngoài tòa thành cũ (chu vi khoảng 6km). Các đời vua và triều đại sau đấy cũng nhiều lần cho tiến hành việc mở rộng này. Đến thế kỷ 20 và 21, thủ đô Hà Nội lại càng hoành tráng và quy mô lớn lao hơn nhiều nữa, thực hiện công cuộc và sự nghiệp này.
Trong một điều kiện-lịch sử và thực tiễn như thế, bài văn can gián Hồ Quý Ly của Nguyễn Như Thuyết năm 1397, có lẽ là công trình đầu tiên nói rõ và cụ thể về vị thế phong thủy học của Thăng Long-Hà Nội, là lấy không phải sông Tô mà là sông Cái (sông Hồng) làm “tiền án” và không phải núi Nùng (Long Đỗ) nữa, mà Ba Vì (Tản Viên) mới chính là “hậu chẩm” của miền Kinh thành-thủ đô.
Tản Viên và Lô Nhị (Ba Vì và sông Cái) trở thành cặp biểu tượng núi sông của Thăng Long-Hà Nội (như “sông Hương-núi Ngự” của Huế, “sông Vân-núi Thúy” của Ninh Bình, “non Côi-sông Vị” của Nam Định, “núi Ấn-sông Trà” của Quảng Ngãi…) là từ trong hoàn cảnh lịch sử đó.
GS LÊ VĂN LAN