Trong tiến trình của cuộc khủng hoảng Triều Tiên hiện nay, các nhà quan sát phương Tây càng chú ý tới các bài học của chiến dịch ném bom dịp Giáng sinh năm 1972 xuống Bắc Việt Nam của Mỹ.
Tại phần mở đầu của nghiên cứu này, tác giả Nicholas Matuscha viết:
Trong lĩnh vực chính trị quốc tế, một trong những chủ đề thường được nghiên cứu và phân tích là quan điểm về tạo sức ép, hoặc răn đe, hoặc áp dụng vũ lực để buộc đối thủ phải thay đổi lập trường. Các hình thức thực thi sự ép buộc là gây sức ép về ngoại giao, chủ yếu bằng hành động răn đe, dọa nạt, hoặc chiến tranh tổng lực…
“Xôi hỏng bỏng không”
Vào mùa đông năm 1972, Tổng thống Nixon ra lệnh tiến hành một cuộc không kích ồ ạt được gọi là Linebacker II. Chiến dịch này nhằm đánh phá các thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội và Hải Phòng với cường độ chưa từng có, nhằm buộc Việt Nam dân chủ cộng hòa (DCCH) phải chấp nhận ba thỏa hiệp chính do Mỹ chính thức đề xuất trên bàn đàm phán ở Hội nghị Paris. Tuy nhiên, cuối cùng cả ba điểm này, gồm: Thay đổi cơ cấu của Hội đồng Hòa giải và hòa hợp dân tộc (NCRC); hiệu lực dân sự của khu phi quân sự; vấn đề Quân đội nhân dân Việt Nam có mặt ở Nam Việt Nam, đều không đạt được…
    |
 |
Một số truyền đơn được máy bay Mỹ thả xuống, tuyên truyền sức mạnh của B-52 hòng đe dọa tinh thần chiến đấu của quân và dân Việt Nam. |
Vì sao Hoa Kỳ không đạt được bất kỳ một nhượng bộ quan trọng nào của Hà Nội thông qua sức ép bằng không quân chiến lược? Nghiên cứu này sẽ trình bày lý do chính: Hoa Kỳ không sở hữu các năng lực cần thiết để gây được ảnh hưởng đáng kể lên ý chí của Việt Nam DCCH. Thiếu thành tố cơ sở nói trên của Lý thuyết ép buộc, Hoa Kỳ đã không có khả năng giành được các mục tiêu của mình, và Linebacker II là bài học quan trọng cho những ai lựa chọn cách gây sức ép để đạt được sự nhượng bộ của đối phương.
Ở phần kết luận, Nicholas Matuscha viết:
Liệu Linebacker II có phải là một ví dụ về ép buộc thành công? Có thể trả lời là hoàn toàn không! Nó quả là đã giúp thuyết phục chính quyền Sài Gòn là Mỹ đã tỏ ra sẵn sàng hỗ trợ họ bằng không lực, dù như tôi đã đề cập trong chương 4 của nghiên cứu này, đây chỉ là một mối bận tâm thứ yếu khi Mỹ lên kế hoạch không kích bằng không quân chiến lược. Nhìn lại toàn bộ quá trình Linebacker II đã không đạt được bất kỳ kết quả cụ thể nào nếu xét văn bản được đưa ra ký kết, trong khi nguyên cớ trọng tâm cho lựa chọn của phía Mỹ là cố gắng ép buộc Việt Nam DCCH phải tuân theo những thay đổi thuận cho phía Mỹ. Nguyên nhân chính khiến hội đàm bị đổ bể chính là do Mỹ đã tìm cách chỉnh sửa hiệp định theo hướng đưa những yêu sách của chính quyền Sài Gòn vào trong nội dung hiệp định-điều làm cho các nhà thương lượng Việt Nam DCCH giận dữ. Trong trường hợp hành động ép buộc thành công, người ta có thể thấy Việt Nam DCCH nhượng bộ, ít ra là một vài điểm sau khi cuộc không kích ngừng lại. Trên thực tế đã xảy ra điều ngược lại: Hoa Kỳ đã trở lại lập trường của mình ở thời điểm trước khi nước này đưa ra những yêu sách mới. Như tôi đã viết ở chương 2 của nghiên cứu này, những yêu sách mới của Hoa Kỳ gồm ba điểm: Bảo đảm Hội đồng Hòa giải và hòa hợp dân tộc được cơ cấu sao cho giữ lại được Việt Nam cộng hòa (chính quyền Sài Gòn); duy trì khu vực phi quân sự trong vai trò hàng rào trung lập dân sự; đưa bộ đội Bắc Việt Nam ra khỏi Nam Việt Nam. Cuối cùng, Hội đồng Hòa giải và hòa hợp dân tộc vẫn giữ cơ cấu ba thành phần như trên, chỉ thay đổi chút về tên gọi; khu phi quân sự vẫn do Bắc Việt Nam kiểm soát; quân đội của họ vẫn ở lại miền Nam. Hà Nội quả là có một số nhượng bộ tối thiểu để làm vì, nhưng không hề nhiều hơn những gì họ đã làm trong quá trình của 61 cuộc đàm phán trong khuôn khổ bàn đàm phán tại Paris kể từ năm 1968.
Nói cách khác, Việt Nam DCCH chưa hề bị ép buộc phải làm bất cứ điều gì ngoài ý muốn. Họ đồng ý với những thay đổi trong văn bản cuối cùng của hiệp định đâu phải vì cuộc không kích của Mỹ, mà chỉ vì nguyện vọng chấm dứt cuộc chiến tranh.
Nhập nhằng về mục tiêu
Có một thực tế là Nixon, Kissinger và các trợ lý của hai ông này đã nhanh chóng thay đổi lập trường của họ, từ chỗ đòi một hiệp định phải được ký trước khi chấm dứt không kích, sang đơn thuần kêu gọi Hà Nội quay lại bàn đàm phán. Điều này cho thấy cả Nixon lẫn Kissinger đã nhận thức được ngay sau khi cuộc không kích bắt đầu, Linebacker II đã không đạt được mục đích ép buộc Việt Nam DCCH thay đổi lập trường tới mức độ mà Nixon và Kissinger mong muốn. Không có ai trong hai ông thú nhận điều này trong hồi ký của mình; tuy nhiên, họ đã ngụ ý điều thất bại của Linebacker II trong các cuộc điện đàm với nhau trong thời gian chiến dịch diễn ra. Có thể thấy rằng, hai vị không muốn lịch sử sẽ nhìn nhận họ như những kẻ thất bại.
    |
 |
Các phi đội B-52 tại căn cứ không quân Utapao (Thái Lan). Ảnh tư liệu. |
Việc Nguyễn Văn Thiệu cuối cùng buộc phải chấp nhận văn bản Hiệp định Paris không thay đổi theo hướng có lợi cho Mỹ cho thấy các đòn của Linebecker II là vô ích. Vì thế, Linebacker II không thể là ví dụ cho một sự ép buộc thành công, dù rằng cuộc ném bom có đặt cọc được cho vài mục tiêu của Mỹ thuộc dạng sản phẩm phụ đi nữa.
Vì sao Hà Nội lại không chịu chấp nhận những thay đổi do Mỹ đề xuất trong hiệp định? Câu trả lời thuộc về thực tiễn, như đã nêu ở chương 3 của công trình này, là Việt Nam DCCH tin tưởng rằng họ sẽ đứng vững được trước các chiến dịch ném bom của Mỹ, trong khi đó, Quốc hội Mỹ muốn cắt các khoản tài trợ cho cuộc chiến tranh Việt Nam sớm nhất có thể. Nói cách khác, Hà Nội đã không xem trọng đe dọa của Mỹ về việc sẽ tiếp tục không kích quy mô lớn. Điều này là một thất bại rõ ràng về thành tố “độ tin cậy” trong chiến dịch Linebacker II. Trong khi lợi ích của mình bộc lộ rõ ràng, Mỹ vẫn không có được thành tố tiên quyết bảo đảm cho một tín nhiệm vững chắc, đó là hành động chiến tranh có hiệu quả. Tới ngưỡng năm 1973 ấy, cả thế giới thấy rõ, Mỹ đang tìm cách thoát ra khỏi tình thế của mình tại Việt Nam bằng mọi phương cách có thể, nên những đe dọa rằng sẽ đánh phá trở lại, đánh phá dài ngày càng khó có trọng lượng.
Hoa Kỳ đã bộc lộ một cách yếu kém về năng lực khi không có khả năng dấn lên một cách có hiệu quả đến mức làm tổn thương được ý chí của Việt Nam DCCH. Trong sách “Ném bom để giành thắng lợi” (NXB Cornell University Press, 1996), tác giả Robert Pape cho rằng: “Mục đích của Linebacker II là hủy hoại khả năng chiến đấu của miền Bắc trong thực hiện chiến lược chiến tranh quy ước của họ nhằm đè bẹp quân lực Việt Nam cộng hòa”. Thực ra với những bằng chứng, gồm cả những gì các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ nói vào năm 1972 cũng như viết trong hồi ký của họ, mục tiêu trọng tâm của Linebacker II lại là thuyết phục Hà Nội nên tiếp nhận những thay đổi quan trọng trong Hiệp định Paris hơn là để cho công dân và quân nhân của mình phải chịu những cuộc ném bom tiếp theo. Linebacker II không những đã không thể thuyết phục được Hà Nội thay đổi lập trường, trái lại nó trở thành một “bộ tiếp điện”, khuyến khích ý chí chiến đấu của Việt Nam DCCH. Điều này có nghĩa là Hoa Kỳ đã chọn sai phương pháp để tác động lên tinh thần chiến đấu của đối phương. Chọn đúng phương pháp để gây áp lực là thành tố căn bản cho sự thành công trong lĩnh vực thể hiện năng lực gây sức ép, và với phạm trù này, Hoa Kỳ đã thất bại trong tháng Chạp năm 1972.
Như vậy, Hoa Kỳ đã thất bại, cả trong vấn đề độ tin cậy lẫn trong vấn đề năng lực, do đã không chọn được các phương tiện có hiệu quả để tạo ảnh hưởng tiêu cực lên ý chí chiến đấu của đối phương. Điều đáng nhận thức được nhất trong những yếu kém này là, lẽ ra các nhà hoạch định chiến lược Hoa Kỳ phải dự đoán được chúng với một tầm nhìn xa hơn. Bài học thiết yếu phải rút ra từ Linebacker II và các hậu họa của nó là các nhà hoạch định cả trong lĩnh vực chính trị và quân sự cần phải chắc chắn được rằng, tất cả ba yếu tố của tạo sức ép, tức là năng lực, độ tin cậy và sự rõ ràng của mục đích phải phối hợp được với nhau mới dẫn tới thành công. Chỉ cần một trong ba thành tố trên “lạc nước” là chiến lược tổng thể sẽ đổ bể.
LÊ ĐỖ HUY (trích dịch)