Quân đội Xô viết đã gây cho đối phương những thiệt hại to lớn về sinh lực và phương tiện chiến tranh. Kế hoạch Barbarossa chớp nhoáng đánh chiếm Liên Xô của Hitler đã thất bại.

Chiến đấu đến người cuối cùng

Tham mưu trưởng lục quân quân đội Đức Quốc xã, Thượng tướng Franz Halder viết trong nhật ký ngày 11-7-1941: “Bộ chỉ huy quân đối phương hành động một cách đầy năng lực và thông thạo. Đối phương chiến đấu quyết liệt và ngoan cường. Các đơn vị xe tăng của ta đã phải chịu những thiệt hại đáng kể về quân số và về trang bị. Lính tráng mệt mỏi”.

Ở trên không, quân đội Đức Quốc xã cũng vấp phải một “bức thành đồng”. “Trình độ tác chiến của phi công Liên Xô là cao hơn hẳn mức mà Đức từng đánh giá”, Hoffman von Waldau, Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Không quân Đức trong nhật ký ngày 31-6-1941 ghi nhận. Theo các thống kê, có tới 9 phi công Xô viết đã dùng máy bay của mình đâm vào máy bay đối phương ngay từ ngày đầu chiến tranh. Waldau nhận định: “Các phi công Xô viết rất quyết tử, họ chiến đấu đến cùng…”.

leftcenterrightdel
Một đơn vị Siberia lên tham gia phòng thủ Moscow, mùa đông năm 1941.

Tướng Quốc xã Kurt von Tippelskirch, một tư lệnh kỳ cựu cấp quân đoàn của Hitler, sau khi đầu hàng quân Anh năm 1945, trở thành sử gia của Tây Đức về Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Về các trận đánh trong những ngày đầu chiến tranh ngay sau ngày 22-6-1941, Tippelskirch viết: “Tới ngày 3-7-1941, trên toàn mặt trận đã diễn ra những trận đánh quyết liệt. Người Nga chỉ chịu rút lui rất chậm về phía đông, sau những đòn phản kích dữ dội vào lực lượng xe tăng làm nhiệm vụ đột phá, thọc sâu của quân Quốc xã”. 

Paul Carell (tên thật là Paul Karl Schmidt), phát ngôn viên cho Bộ trưởng ngoại giao Quốc xã Ribbentrop, cựu sĩ quan SS (Lực lượng cận vệ và quân cảnh Quốc xã), viết trong sách “Hitller đông tiến, 1941-1943” xuất bản năm 1966 về bộ đội Xô viết trên chiến trường Belorussia cuối tháng 6-1941: “Người Nga chiến đấu một cách ngoan cường. Dưới sự lãnh đạo cương quyết của các chỉ huy và chính ủy, những sĩ quan này đã không bị rơi vào tình trạng hoảng loạn xuất hiện sau những thiệt hại đầu tiên”.

Franz Halder viết tiếp trong trang nhật ký đề ngày 29-6-1941: “Quân Nga ở khắp nơi đều chiến đấu đến người cuối cùng…”.

Sẽ thảm bại như Napoleon

Trong sách Binh lính của đế chế Đức thứ ba xuất bản gần đây, tác giả người Anh Robert Kershaw đã phỏng vấn nhiều lính cũ của Đức Quốc xã, nhân chứng Đức thời Hitler, dẫn các hồ sơ lưu trữ và nguồn sử liệu như nhật ký chiến tranh. Theo sách này, hồi ức của một binh nhất của quân Quốc xã, Erich Szutkowski, thuộc một trung đoàn bộ binh dã chiến, cho thấy tham vọng của tập đoàn Hitler trong kế hoạch Barbarossa: “Chúng tôi được cho biết là cuộc chiến tranh chống Liên Xô sẽ kéo dài khoảng 3 tuần. Một số nguồn khác dự báo cẩn thận hơn, cho rằng sẽ mất 2-3 tháng. Có một người cho rằng sẽ mất một năm, nhưng tất cả những lính Đức khác đều cười nhạo”.

Erich Mende, Thượng úy thuộc Sư đoàn bộ binh 8 Trung Âu, đơn vị từng tham chiến trong các chiến dịch đánh chiếm Ba Lan (1939) và Pháp (1940), nhớ lại những phút cuối trước khi quân Đức bất ngờ tiến công Liên Xô, đêm 22-6-1941: “Chỉ huy của tôi nhiều tuổi gấp đôi tôi, và ông ta từng tác chiến chống quân Nga ở Narva năm 1917, khi còn đeo hàm trung úy”. Viên chỉ huy kỳ cựu này tỏ ra bi quan: “Nga là một không gian vô hạn, nơi chúng ta sẽ tìm đến cái chết của mình, như Napoleon”. Mende nói tiếp với tác giả Robert Kershaw, là ba tiếng sau, giờ G, giờ quân Quốc xã bất ngờ tiến công Liên Xô: “Hãy đánh dấu thời khắc ấy, vì đó chính là giờ tận số của nước Đức cũ”.

leftcenterrightdel
Heinz Guderian (hàng đầu, bên trái) -tướng xe tăng và nhà lý luận quân sự của quân đội Đức Quốc xã, là một trong những người đầu tiên nhận thấy năng lực vượt trội của xe tăng quân đội Xô viết. Ảnh tư liệu.

Tiểu đoàn 3, Trung đoàn bộ binh số 18 Quốc xã với quân số 800 lính, đã bị chựng lại bởi hỏa lực của một tốp lính Hồng quân chặn đường quân Đức cho đơn vị mình rút đi. Tốp lính này chỉ gồm một chính trị viên và bốn chiến sĩ Xô viết, đã chiến đấu quyết liệt vô cùng. Chỉ huy tiểu đoàn, Thiếu tá Neuhof chia sẻ: “Tôi chưa từng gặp một điều gì tương tự như trong các cuộc xâm lược trước đó. Đây là một cuộc tiến công quyết tử, chống lại một tiểu đoàn bằng lực lượng của chỉ 5 người lính”.

Khởi đầu cho Sư đoàn quân Quốc xã số 45, đơn vị tiến công pháo đài Brest là đen tối. Ngay từ ngày thứ nhất của cuộc chiến tranh ấy, có 21 sĩ quan và hạ sĩ quan Đức thuộc sư đoàn này đã tử trận, chưa nói đến lính.

Những diễn biến tương tự như thế diễn ra vào bất cứ thời gian nào, ở bất cứ đâu. Một cựu đại úy bộ binh Quốc xã nhận xét: “Chiến sự diễn ra bất cứ đâu, trong rừng, hay trên cánh đồng. Quân Nga giấu trong các đám lúa mạch rất nhiều đạn dược, nằm phục cho tới khi một đội hình chính quân Đức đi qua và bất ngờ khai hỏa”. Trong khi đó, lính xe tăng Quốc xã đã nhanh chóng sứt mẻ niềm tin vào sức mạnh vượt trội của binh chủng mình.

Mai phục trên bờ phía nam sông Dubysa gần Raseiniai, một chiếc xe tăng hạng nặng của Liên Xô đã bắn tan một đoàn xe của Đức gồm 12 chiếc xe tải. Quân Quốc xã điều một khẩu đội pháo chống tăng 50mm tới tiêu diệt chiếc xe tăng này, từ cự ly 600m. Ba viên đạn chống tăng đầu bắn trúng đích, nhưng chiếc xe tăng vẫn không suy xuyển. Pháo chống tăng của Quốc xã tiếp tục giội mưa đạn vào chiếc tăng, nhưng 5 viên đạn đập vào vỏ thép của nó rồi giội ngược vào không trung. Tháp xe tăng bỗng quay vòng về hướng khẩu đội pháo chống tăng của Quốc xã, rồi nòng pháo 76mm của quân Xô viết phát hỏa. Chỉ trong vài phút, khẩu đội pháo chống tăng đã bị bắn tan tành, quân Quốc xã thiệt hại nặng nề. Đêm hôm đó, các lính công binh Đức đột nhập trận địa quân Xô viết, đặt hai khối thuốc nổ lớn vào dưới chiếc xe tăng. Nhưng các khối thuốc nổ này vẫn không loại được nó khỏi vòng chiến đấu. Nó tiếp tục phát hỏa, trợ giúp quân Xô viết bẻ gãy được 3 cuộc tiến công của quân Quốc xã.

Tướng Franz Halder viết: “Trên chiến trường, cụm quân gồm các tập đoàn quân Nam và Bắc đã phát hiện một loại tăng mới của đối phương, với nòng pháo cỡ khoảng 80mm, thậm chí theo báo cáo của cụm tập đoàn quân Bắc, lên tới 150mm-điều chắc là phi thực tế”. Trên thực tế đó là xe tăng KV-1, có cỡ nòng 76,2mm. Tác giả Robert Kershaw thuật tiếp: Sư đoàn 1 quân SS cận vệ mang tên “Adolf Hitler” ngay hôm 21 đã chiếm được Rostov-trên sông Đông. Thành phố này là đầu mối giao thông trên đường tới vùng Kavkaz. Báo chí Quốc xã rầm rộ đề cao chiến quả này của quân đội Hitler. Việc phía Nga mất Rostov-trên sông Đông, Leningrad bị bao vây, và cuộc tiến đánh Moscow của quân Đức có vẻ đã làm trầm trọng thế chiến lược của Liên bang Xô viết đến cực điểm.

Tuy nhiên ngày 28-11-1941, 20 sư đoàn Hồng quân tiến công mãnh liệt các đơn vị của Quân đoàn xe tăng số 3 của Đức ở cận Rostov-trên sông Đông. Tư lệnh quân đoàn này, Eberhard von Mackensen hai tháng rưỡi trước đó đã báo cáo thượng cấp rằng hai sư đoàn dưới quyền tướng cận vệ này, là Sư đoàn SS hạng nhất mang tên Adolf Hitler và Sư đoàn tăng số 13 đã bị đánh tơi bời và mất sức chiến đấu do thiếu từ đôi tất đến chất chống đông (dùng trong thời tiết băng giá), và do tổn thất về vũ khí, khí tài… Ngày 28-11-1941, quân đoàn này đã phải rút khỏi Rostov - trên sông Đông, tiến về phía sông Mius. Đây là cuộc rút lui đầu tiên của quân Đức trong tiến trình chiến dịch tiến công vào Liên Xô.

Mất hết sinh khí, nhuệ khí

Quốc trưởng Đức Quốc xã Adolf Hitler bực tức quan sát diễn biến chiến sự và quyết định cách chức một loạt tướng lĩnh thuộc bộ chỉ huy chiến trường hướng Liên Xô lúc đó. Hitler luôn tự đắc về thiên tài lãnh đạo và khả năng thoát khỏi các tình huống khủng hoảng của mình. Tư lệnh Tập đoàn quân Nam Gerd von Rundstedt bị đẩy về hưu. Cùng chung số phận là Thống chế Walther von Brauchitsch, bị đổ tội là đã chỉ huy tồi kế hoạch Barbarossa, dẫn đến khủng hoảng, sa lầy của quân đội Đức Quốc xã trong mùa đông đầu tiên trên đất Liên Xô. Sau đó đến lượt một thống chế khác, Fedor von Bock, người đã đưa ra dự báo là cụm tập đoàn quân dưới quyền của ông ta rồi sẽ bị đánh tan, nếu không được phép rời khỏi thế tập trung binh lực. Đến ngày 20-12, Fedor von Bock nhận quyết định “nghỉ chữa bệnh dài hạn”. Rồi ngày 26-12-1941, Thượng tướng Heinz Guderian, một trong những người phản ứng quyết liệt nhất với chỉ thị “không lùi một bước” của Hitler về hưu. Tướng Erich Hoepner, viên tư lệnh hiếu chiến của cụm quân đoàn xe tăng số 4 cũng bị thất sủng, vì tháng 1-1942 đã dám không nghe lệnh Hitler, lùi về phía tây để tránh cho hai quân đoàn xe tăng dưới quyền ông khỏi thế bị bao vây. Erich Hoepner bị tước hàm tướng, tất cả các huân chương và bị cấm không được mặc quân phục.

Trong mùa đông cuối năm 1941, đầu năm 1942, đã có hơn 30 tướng soái, tư lệnh quân đoàn và sư đoàn bị mất chức. Bằng việc đuổi về hưu ngần ấy tướng soái, Hitler đã hoàn thành quá trình “lột xác” cho quân Đức trên mặt trận phía Đông.

Bắt đầu từ tháng 6-1941, những gì là tàn dư của Cộng hòa Weimar (nước Đức từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất đến khi Hitler lên cầm quyền) và Bộ tham mưu Đức cũ (từ giai đoạn sau Chiến tranh thế giới thứ nhất) đến thời điểm này, đã tiêu biến. Từ đây, quân đội Quốc xã trở thành thứ vũ khí chỉ còn biết nhắm mắt phục tùng trong tay chính quyền Hitler…

LÊ ĐỖ HUY (lược dịch)