|
Phan Bội Châu (người ngồi) và Cường Để tại Nhật Bản.
|
QĐND - Với từ khóa “Việt Nam Quang Phục hội” bằng tiếng Trung, chỉ sau 0,02 giây, Google tiếng Trung, đã cung cấp 457.000 kết quả liên quan đến từ khóa này.
Và với từ khóa “Phan Bội Châu” bằng tiếng Trung, chỉ sau 0,19 giây, Google tiếng Trung, đã cung cấp 36.900 kết quả liên quan đến cụm từ này.
Qua đó, chúng tôi được biết, rất nhiều sách báo in và điện tử Trung Quốc nói về sự kiện lịch sử Việt Nam Quang Phục hội, một tổ chức cách mạng của Việt Nam chống thực dân Pháp và vị lãnh tụ của tổ chức yêu nước này.
Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tân Hợi, trang thông tin điện tử “Cách mạng Tân Hợi” (www.xhgmw.org) là cổng thông tin điện tử công ích cỡ lớn đầu tiên trên toàn cầu với chủ đề “Cách mạng Tân Hợi” có đăng tải một tư liệu quý “Mối quan hệ giữa Phan Bội Châu với Lương Khải Siêu và Tôn Trung Sơn”, người đọc càng thấy rõ tầm cỡ vượt ra ngoài quốc gia của chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu, lãnh tụ tối cao của tổ chức cách mạng Việt Nam Quang Phục hội.
Việt Nam Quang Phục hội
Việt Nam Quang Phục hội là tổ chức cách mạng của Việt Nam chống ách thống trị của thực dân Pháp vào cuối thế kỷ 19.
Từ năm 1885, nước Pháp và triều đình nhà Thanh đã ký Hiệp ước Thiên Tân, từ đó thực dân Pháp hoàn toàn thống trị Việt Nam, thực hiện chính sách “chia để trị”: Coi Bắc Kỳ (Đông Kinh), Trung Kỳ (An Nam) là lãnh địa bảo hộ của nước Pháp; coi Nam Kỳ (Giao Chỉ Chi Na) là đất thuộc địa trực tiếp cai trị, cử một tổng đốc đồn trú tại Hà Nội; một phó tổng đốc đồn trú tại Sài Gòn.
Khi ấy, ý thức “tôn vương nhưỡng di” (kính vua khinh giặc) của nhân dân Việt Nam lên rất cao, hành động chống Pháp của một loạt trung thần chí sĩ nổi lên ở khắp nơi. Trong hoàng tộc có Thân vương Cường Để cùng các chí sĩ: Phan Bội Châu, Nguyễn Thượng Hiền, Đặng Thái Thân, Tăng Bạt Hổ v.v.. liên kết thành một tổ chức, bí mật hoạt động khôi phục đất nước, thế lực lớn mạnh nhất.
|
Phan Bội Châu (1867-1940).
|
Năm 1905, Cường Để đông du sang Nhật Bản, mong muốn xin viện trợ. Do nước Pháp đã ký kết hiệp định với Nhật Bản, nội dung liên quan đến vấn đề dẫn độ những người cách mạng Việt Nam tại Nhật Bản về Việt Nam, cho nên những người Việt Nam như Cường Để, Phan Bội Châu và những người khác phải rời khỏi Nhật Bản, sau đó di chuyển đến Trung Quốc, thành lập Việt Nam Quang Phục hội tại Quảng Châu.
Sau khi thành lập, Việt Nam Quang Phục hội tích cực liên lạc với các chí sĩ cách mạng ở khắp nơi, tiến hành hoạt động chống Pháp, khôi phục đất nước.
Mùa thu năm 1910, Hội đã thực hiện kế hoạch xây dựng quân đội, đưa khí giới về Việt Nam, phát động khởi nghĩa. Do tin tức bị bại lộ nên kế hoạch không được thực hiện.
Năm 1912, Việt Nam Quang Phục hội đổi tên thành Việt Nam Quốc dân Cách mạng Đảng, do Phan Bội Châu làm Tổng bí thư (Tổng lý). Cùng năm, có chí sĩ Lương Ngọc Quyến từ Thượng Hải đi qua Hương Cảng bí mật trở về Việt Nam, Tổng lãnh sự Pháp tại Hương Cảng biết tin, tìm cách bắt dẫn độ. Sau đó, Lương Ngọc Quyến bị kết án tù 10 năm, giam giữ tại nhà tù Thái Nguyên. Trong nhà tù thực dân Pháp, chí sĩ Lương Ngọc Quyến tuyên truyền cách mạng và mật mưu khởi sự, cuối cùng cướp được súng của binh lính gác ngục, phá nhà tù thoát ra ngoài, giương cao cờ nghĩa, thu phục được Thái Nguyên, tiến công về Hà Nội. Nước Pháp điều động trọng binh ứng phó, lực lượng của Lương Ngọc Quyến không có viện trợ phía sau, thất bại, rút lui vào trong rừng núi. Sau đó không lâu, Lương Ngọc Quyến vì bị thương nặng mà qua đời.
Năm 1914, nổ ra Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, nước Pháp không còn lực lượng quản lý vùng thuộc địa phía Đông, những đảng viên của Việt Nam Quốc dân Cách mạng Đảng lại thừa cơ thành lập Quang Phục quân tại Quảng Châu. Thân vương Cường Để cũng về Quảng Đông tham gia, tự nhận trách nhiệm quyên mộ binh lính và quân nhu, quân lương.
Kế hoạch khi ấy chia làm ba cánh quân tiến đánh quân Pháp ở Việt Nam: Cánh quân thứ nhất từ Long Châu, Quảng Tây tiến vào Lạng Sơn, do Nguyễn Đức Công là Tư lệnh; Cánh quân thứ hai từ Thái Lan tiến về Trung Kỳ, do Nguyễn Thức Đường làm Tư lệnh; Cánh quân thứ ba từ Đông Hưng, Quảng Đông tiến vào Hải Dương, do Nguyễn Trọng Thường làm Tư lệnh. Tổng bộ đặt tại Quảng Châu, do Phan Bội Châu chủ trì.
Sau đó, hai cánh quân thứ nhất và thứ ba đều lần lượt gặp khó khăn trở ngại.
Sự tiến công của cánh quân thứ hai tuy thuận lợi, nhưng thực dân Pháp tìm cách tranh thủ sự hiệp trợ của chính phủ Thái Lan, nên Tư lệnh Nguyễn Thức Đường bị bắt dẫn độ về Việt Nam, sau đó anh dũng hy sinh vì nghĩa lớn tại Hà Nội, cùng một ngày với Tư lệnh Nguyễn Đức Công.
Các cánh quân Quang Phục đều lần lượt tan rã do không được tiếp tế lương thực, đạn dược.
Năm 1925, tại Thượng Hải, Phan Bội Châu bị mật thám Pháp lùng sục, tìm cách truy bắt, dẫn độ về Việt Nam. Nhà cầm quyền thực dân Pháp thay đổi chủ trương, áp dụng sách lược mềm dẻo, tuyên bố Phan Bội Châu vô tội. Việt Nam Quốc dân Cách mạng Đảng cử Nguyễn Đại đảm nhiệm chức vụ quyền Tổng bí thư, đồng thời tiến hành cải tổ chính đảng.
Phan Bội Châu: Chí sĩ yêu nước Việt Nam
Phan Bội Châu là chí sĩ yêu nước Việt Nam. Tên khai sinh Phan Văn San, hiệu Sào Nam.
Ông sinh ra trong một gia đình hương sư, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Từ nhỏ đã theo cha học tập Kinh Thư, tinh thông Hán văn, đã từng thi đỗ Giải nguyên.
Năm 1882, khi được tin thực dân Pháp đã xâm chiếm Bắc Kỳ, ngay trong đêm, Phan Bội Châu viết xong Hịch bình Tây thu Bắc.
|
Bìa sách “Truyện Phan Bội Châu” xuất bản tại Nhật Bản. Ảnh tư liệu
|
Năm 1885, Phan Bội Châu tập hợp hơn một trăm bạn học, tổ chức thành Học sinh quân “hưởng ứng Phong trào Cần Vương”.
Bắt đầu từ năm 1900, Phan Bội Châu bắt liên lạc với những người yêu nước khắp nơi trong toàn quốc, tiến hành hoạt động chống Pháp.
Tháng 5-1904, ông thành lập Việt Nam Duy Tân hội. Tôn chỉ, mục đích của tổ chức này nhằm khôi phục Việt Nam, kiến lập nước quân chủ lập hiến.
Đầu năm 1905, ông sang Nhật Bản, lần lượt quen biết kết bạn thân với các nhà yêu nước cách mạng Trung Quốc đang hoạt động tại Nhật Bản, như: Lương Khải Siêu, Tôn Trung Sơn, Chương Thái Viêm v.v.., ông chịu ảnh hưởng rất sâu sắc tư tưởng của Lương Khải Siêu, Tôn Trung Sơn.
Đồng thời, qua Tôn Trung Sơn và Hoàng Hưng, Phan Bội Châu cũng liên hệ với những nhà cách mạng dân chủ Nhật Bản: Hầu tước Okuma Shigenobu (Đại Ôi Trọng Tín, 11-3-1838/10-1-1922); Ki Inukai (Khuyển Dưỡng Nghị, 4-6-1855/15-5-1932, năm 1905 là Đại thần Bộ Văn hóa, từ tháng 12-1931 đến tháng 5-1932 làm Thủ tướng thứ 29 của Nhật Bản); Miyazaki Torazo (Cung Kỳ Thao Thiên, 1871-1922) v.v.. tranh thủ sự giúp đỡ của họ, triển khai công tác chuẩn bị lực lượng cách mạng tại Nhật Bản.
Trong thời gian này, Phan Bội Châu viết những bài báo chống Pháp: Hải ngoại huyết thư, Ai Việt điếu Điền v.v.. Sau đó, nhiều lần qua lại giữa Trung Quốc và Nhật Bản, bí mật liên hệ với những nhân sĩ yêu nước chống Pháp trong nước, tổ chức thanh niên học sinh sang lưu học tại Nhật Bản, phát động Phong trào Đông Du nổi tiếng.
Với ảnh hưởng của nhà yêu nước Phan Bội Châu, tại Hà Nội đã thành lập Đông Kinh Nghĩa Thục, Trung Kỳ đã nổi lên Phong trào Duy Tân.
Tháng 11-1907, thực dân Pháp ra lệnh đóng cửa Đông Kinh Nghĩa Thục, trấn áp Phong trào Duy Tân, câu kết với giai cấp thống trị Nhật Bản phá hoại Phong trào Đông Du.
Năm 1909, bị Chính phủ Nhật Bản trục xuất khỏi biên giới, Phan Bội Châu rời Nhật Bản đến Quảng Châu, năm 1910 đi sang Thái Lan. Tháng 1-1912, Phan Bội Châu từ Thái Lan lại bí mật sang Quảng Châu (Quảng Đông, Trung Quốc).
Với ảnh hưởng của Cách mạng Tân Hợi, tháng 2-1912, Phan Bội Châu cải tổ Duy Tân hội, thành lập Việt Nam Quang Phục hội và nhậm chức Tổng bí thư (Tổng lý).
Khi Tôn Trung Sơn ra nhậm chức Đại tổng thống Chính phủ lâm thời Nam Kinh, nhà yêu nước Phan Bội Châu đã từng đến Nam Kinh gặp gỡ Tôn Trung Sơn và Hoàng Hưng.
Năm 1913, Phan Bội Châu bị bắt giam tại Quảng Châu, ông đã viết tác phẩm Ngục trung thư, ghi chép lại những hoạt động chống Pháp của ông. Năm 1916, ông được trả tự do. Năm 1918, tại Hàng Châu, ông làm biên tập Binh sự tạp chí.
Tháng 6-1925, Phan Bội Châu bị đặc vụ Pháp bắt cóc tại Thượng Hải, dẫn độ áp giải về nước, giam lỏng tại Bến Ngự, thành phố Huế.
Tác phẩm nổi tiếng của Phan Bội Châu có Phan Bội Châu niên biểu v.v…
Ngày 29-10-1940, cụ Phan Bội Châu ốm nặng, từ trần.
Vũ Phong Tạo