Những tên gọi khác

Theo các nhà nghiên cứu, trong lịch sử của dân tộc thì vùng đất Thăng Long-Hà Nội mang nhiều tên gọi khác nhau. Nó được chia thành hai loại: Chính quy và không chính quy.

Tên chính quy là những tên được chép trong sử sách, do các triều đại phong kiến, nhà nước Việt Nam chính thức đặt ra. Các tên khác Thăng Long và Hà Nội của loại này, bao gồm: Long Đỗ, Tống Bình, Đại La, Đông Đô, Đông Quan, Đông Kinh, Bắc Thành...

Tên không chính quy là những tên trong văn thơ, ca dao, khẩu ngữ… dùng để chỉ thành Thăng Long-Hà Nội. Đó là: Trường An (Tràng An), Long Biên, Long Thành, Hà Thành, Hoàng Diệu…

Xuất xứ của tên gọi Thăng Long và Hà Nội

Trước hết, Thăng Long là tên gọi gắn liền với truyền thuyết về việc dời đô của vua Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) năm 1010. Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Mùa thu, tháng 7, vua dời kinh đô từ thành Hoa Lư sang kinh đô lớn là Đại La của Kinh phủ. Thuyền tạm đỗ ở dưới thành, có rồng vàng hiện ra ở bến ngự, vì thế đổi gọi là thành Thăng Long. Đổi chân Cổ Pháp làm phủ Thiên Đức, thành Hoa Lư làm phủ Trường Yên, sông Bắc Giang làm sông Thiên Đức. Xuống chiếu phát tiền kho hai vạn quan thuê thợ làm chùa ở phủ Thiên Đức 8 sở, đều dựng bia ghi công”.

leftcenterrightdel
Tượng đài Lý Thái Tổ - vị vua khai sáng triều Lý với quyết định lịch sử dời kinh đô từ Hoa Lư về Đại La với tên gọi mới: Kinh đô Thăng Long. Ảnh: VĨNH THĂNG

Có thể thấy, Thăng Long có nghĩa “rồng bay lên” là một cái tên đẹp, hàm chứa đầy niềm tin tưởng và lòng tự hào về vùng đất vua chọn để đóng đô. Sách Tổng tập nghìn năm văn hiến Thăng Long cũng luận giải và khẳng định: “Tên gọi Thăng Long chứa đựng một ý nghĩa lớn. Trước hết, tên gọi rồng bay (Thăng Long) gợi tả được khí thế mạnh mẽ vươn lên của kinh thành. Nhưng tên gọi rồng bay còn thể hiện một khát vọng hòa bình, đời sống hạnh phúc, tự do của dân tộc Việt Nam thời bấy giờ… Hơn thế nữa, biểu tượng rồng bay còn chứa đựng ý niệm thiêng liêng trở về cội nguồn Rồng-Tiên và mơ ước về nguồn nước, mưa thuận gió hòa của cư dân văn minh nông nghiệp trồng lúa nước” (tập 1, tr.1222).

Rất lưu ý, Thăng Long ngoài nghĩa “rồng bay lên” như giải thích ở trên, trong lịch sử tên gọi đó còn được đổi sang một nghĩa khác, đó là “thịnh vượng lên”. Sách Lịch sử Thủ đô Hà Nội cho biết: “Năm 1802, Gia Long (Nguyễn Ánh) quyết định đóng đô tại nơi cũ là Phú Xuân (tức Huế), không ra Thăng Long, cử Nguyễn Văn Thành làm Tổng trấn miền Bắc và đổi kinh thành Thăng Long làm trấn thành miền Bắc. Kinh thành đã chuyển làm trấn thành thì tên Thăng Long cũng cần phải đổi. Nhưng vì tên Thăng Long đã có từ lâu đời, quen dùng trong nhân dân toàn quốc nên Gia Long thấy không tiện bỏ đi ngay mà vẫn giữ tên Thăng Long, nhưng đổi chữ “long” là rồng thành chữ “long” là thịnh vượng, lấy cớ rằng rồng là tượng trưng cho nhà vua, nay vua không ở đây thì không được dùng chữ “long” là “rồng” (tr.81).

Còn tên gọi Hà Nội thì sao? Theo cách hiểu khá phổ biến thì Hà Nội nghĩa là “thành phố bên trong sông”. Tên gọi này được chính thức định danh từ năm 1831, thời vua Minh Mạng. Năm đó, Minh Mạng cải tổ lại bộ máy hành chính, bỏ các trấn, chia cả nước làm 29 tỉnh, trong đó có tỉnh Hà Nội gồm kinh thành Thăng Long cũ và huyện Từ Liêm, phủ Ứng Hòa, phủ Lý Nhân và phủ Thường Tín, lấy khu vực kinh thành xưa kia làm tỉnh lỵ và lấy thành mới xây làm tỉnh thành của Hà Nội. Trấn thành Thăng Long bị hạ xuống làm tỉnh thành Hà Nội và cái tên Hà Nội cũng bắt đầu từ đó.

Năm 1835, Minh Mạng ra lệnh hạ thấp thành Hà Nội vì nó quá cao so với hoàng thành ở Huế. Do đó, tường thành bị xén bớt 1 thước 8 tấc (0,72m), nghĩa là chỉ còn cao hơn 3m. Năm 1848, Tự Đức cho phá dỡ những cung điện còn lại trong thành Hà Nội, những đồ chạm trổ mỹ thuật bằng gỗ, bằng đá để đưa vào Huế.

Sau cuộc Tổng khởi nghĩa giành độc lập tháng 8-1945, bộ mặt và vị thế của Hà Nội đã thay đổi. Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hà Nội được chọn là Thủ đô của nước Việt Nam mới.

TRẦN PHI LONG