Câu chuyện chúng tôi thể hiện dưới đây được lấy từ tài liệu con cháu cụ Năm Vân cung cấp, chỉ thay đổi cách diễn đạt cho phù hợp với yêu cầu của một bài báo.
Nguyễn Trân là một trong những thuộc hạ thân tín của anh em nhà họ Ngô (Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu), được bổ nhiệm làm tỉnh trưởng Định Tường (nay thuộc địa phận tỉnh Tiền Giang) những năm cuối thập niên 1950, đầu thập niên 1960. Là người tham vọng quyền lực, tự cao tự đại, Nguyễn Trân luôn tự cho mình tài giỏi, coi thường người khác. Trong cuộc đấu trí với tên cáo già sừng sỏ này, các chiến sĩ tù cộng sản ở nhà lao Định Tường đã khai thác tối đa điểm yếu của đối phương, nhiều lần cho hắn “knock out”. Năm 1963, Nguyễn Trân bị Diệm cách chức tỉnh trưởng Định Tường, một phần cũng vì lý do này.
Tháng 12-1957, Năm Vân bị giải từ Sài Gòn về nhà lao Định Tường. Hình thức tâm lý chiến ở đây được bè lũ Nguyễn Trân tổ chức rất bài bản, đó là phong trào “tố cộng”, gắn với chính sách “diệt cộng” hà khắc và tàn ác của Diệm. Ngoài việc học tập tập trung, anh chị em tù nhân còn bị phân chia ra thành các nhóm, tổ, đội… tổ chức học tập, thảo luận theo tài liệu do chính quyền Diệm biên soạn, dưới bàn tay đạo diễn của Mỹ. Bị cách ly với đời sống xã hội, hằng ngày, hằng giờ nhồi nhét tư tưởng chống cộng, ca ngợi tính ưu việt của chính phủ quốc gia…, số ít anh chị em đã lung lay ý chí. Những ai không chấp hành học tập “tố cộng”, lập tức phải chịu những hình phạt hà khắc hoặc tống giam vào xà lim. Một số cán bộ của ta trước đây có khả năng về lý luận chính trị, sau khi vào tù đã bị lung lay bởi đòn tâm lý chiến, bị kẻ thù lợi dụng, ép buộc làm giáo viên giảng bài “tố cộng” trong lao…
    |
 |
Đồng chí Năm Vân (ngoài cùng, bên phải) cùng các đồng đội trong chuyến công tác tại Biển Hồ (Campuchia) năm 1970. Ảnh do gia đình nhân vật cung cấp. |
Với bản chất của một tên cáo già sừng sỏ về tâm lý chiến, Nguyễn Trân đã sắp xếp sẵn một kịch bản nhằm khuất phục Năm Vân ngay sau khi nhận bàn giao ông từ ty công an Định Tường. Hắn tập trung anh chị em tù nhân lại, tổ chức một buổi học tập, thảo luận về “sự thất bại tất yếu của Việt cộng”. Khi dẫn giải Năm Vân đi qua hội trường, chúng cố tình mở to loa phóng thanh để Năm Vân nghe bài thuyết giảng của một tù nhân. Nghe giọng nói quen quen, Năm Vân nhận ra, người đang ra rả những luận điệu phản động, sai trái đó là Lê Phiếm, một cán bộ từng hoạt động ở Sài Gòn-Chợ Lớn mấy năm trước. Nhìn thấy Năm Vân, Phiếm sững lại giây lát rồi lại tiếp tục bài thuyết giảng của mình một cách gượng gạo. Giả bộ như tình cờ, Nguyễn Trân từ trong hội trường bước ra, khi giáp mặt Năm Vân, hắn cười nhạt:
- Những người mà ông gọi là đồng chí, họ đã giác ngộ cả rồi. Ông có muốn vào xem không khí học tập của họ không?
Năm Vân cũng “đáp lễ” bằng một cái nhếch mép:
- Tôi đang nằm trong tay các ông. Ông muốn làm gì tôi mà chẳng được.
Trân hất hàm sai lính tháo còng, đoạn dẫn ông lên dãy ghế phía trên. Bước dọc hành lang giữa hai dãy ghế trong hội trường, Năm Vân nhìn một lượt khắp tất cả, ước chừng có đến vài trăm người, ngoài ra còn một lũ lố nhố những giám thị, lính gác. Ông cũng nhận ra nhiều gương mặt quen thuộc. Anh chị em cũng nhìn Năm Vân, nhiều người không giấu được vẻ ngạc nhiên, có người thì tỏ vẻ mệt mỏi, cúi mặt tránh cái nhìn của Năm Vân.
Buổi học tập “tố cộng”, ngoài Lê Phiếm giảng chính, còn có một người tên Luân, với vai trò phụ giảng. Gặp Năm Vân, Phiếm và Luân tỏ thái độ e dè. Năm Vân phán đoán nhanh, đa số anh chị em ở đây đang bị chúng ép buộc học “tố cộng” chứ chẳng phải đã được “giác ngộ” như Nguyễn Trân rêu rao. Ông gạt bỏ mọi chuyện để đầu óc ở trạng thái tỉnh táo nhất nhằm đối phó với thủ đoạn của Nguyễn Trân. Từ lúc Năm Vân bước vào hội trường, Nguyễn Trân không rời mắt khỏi ông. Hắn để ý xem trên gương mặt ốm nhom của con người mà hắn cho là đang nắm giữ những bí mật tối quan trọng của Đặc khu Sài Gòn-Chợ Lớn có biểu cảm gì không? Nhận ra một thoáng lưỡng lự của Năm Vân, ngay khi Năm Vân vừa mới ngồi xuống hàng ghế phía trên, ngay cạnh Luân, Nguyễn Trân liền kéo ghế ngồi sát sạt bên Năm Vân, quay sang, nói vừa đủ nghe:
- Về đây, tôi không cần ông khai báo gì cả. Ông chỉ cần hợp tác với tôi, như vậy là đủ.
Nguyễn Trân chỉ về phía bục giảng, nơi Phiếm đang đứng cầm micro. Ý hắn muốn ông chịu đầu hàng, làm giáo viên tuyên truyền tư tưởng chống cộng cho hắn. Không thấy Năm Vân phản ứng gì, hắn vỗ vai ông, hạ giọng:
- Nhưng đó là chuyện của hôm sau. Riêng hôm nay, nếu ông muốn thì cứ ngồi đây nghe, nếu không thì…
Năm Vân cắt ngang lời Nguyễn Trân:
- Thì ông sẽ cho lính đánh đập và tống giam tôi?
Nguyễn Trân lắc đầu:
- Ở ty công an, đám cảnh sát võ biền không hiểu ông
nên mới đối xử tệ với ông vậy. Tôi thì khác. Tôi sẽ dành cho ông những đặc ân…
Thấy Năm Vân im lặng, hắn quay xuống nhìn mọi người:
- Chắc ở đây cũng đang có nhiều người muốn gặp cựu Phó bí thư Khu ủy Sài Gòn-Chợ Lớn. Ông có thể nói với họ vài câu được không?
Năm Vân đáp:
- Tôi phải nói gì bây giờ?
Thấy có vẻ Năm Vân đã xuôi xuôi, Nguyễn Trân không bỏ lỡ cơ hội, dấn thêm một bước nữa:
- Ông sẽ có một cuộc sống sung túc và sẽ sớm trở về với gia đình, nếu ông hợp tác với chúng tôi. Rất đơn giản, tôi muốn ông đứng lên kia chào hỏi những người ở đây rồi hô: “Đả đảo Hồ Chí Minh, đả đảo Cộng sản!”. Chỉ vậy thôi, ông chả mất mát gì cả.
Thì ra là vậy! Trân muốn mượn danh tiếng của cựu Phó bí thư Khu ủy Sài Gòn-Chợ Lớn để đẩy mạnh hoạt động chống cộng, đồng thời nhân cơ hội này làm cho hình ảnh, vai trò cán bộ cấp cao của Đảng trong nhà lao sụp đổ, khiến cho những anh chị em đang dao động, hoang mang càng hoang mang hơn. Phải tương kế tựu kế. Năm Vân vò đầu, bứt tai:
- Ông để tôi suy nghĩ thêm!
Trân cười, lộ vẻ tự mãn:
- Còn nghĩ ngợi gì nữa. Chỉ cần 30 giây thôi, ông sẽ được đối xử như thượng khách!
Nhìn xuống anh chị em, Năm Vân thấy nhiều người lộ sự căng thẳng. Trong đám lính cũng có tiếng xì xầm. Thực ra trong những người lính gác ngục ở đây, có một số đã được Năm Vân cảm hóa từ những ngày họ làm nhiệm vụ ở ty công an. Những người này bề ngoài tỏ vẻ phục tùng mệnh lệnh Nguyễn Trân, nhưng trong lòng họ không còn phục tên tay sai lắm thủ đoạn này nữa. Bởi đã có thiện cảm, nể phục ý chí của Năm Vân nên khi nghe ông nói vậy, họ tỏ ra nghi ngờ. Nguyễn Trân thì hí hửng ra mặt, hắn bước lên bục, cầm micro, dõng dạc:
- Hôm nay các bạn sẽ được gặp một người đặc biệt, đang cùng với chúng ta trở về với chính nghĩa quốc gia. Tôi muốn nhường lời để người từng giữ cương vị Phó bí thư Khu ủy Sài Gòn-Chợ Lớn nói với các bạn mấy câu.
Năm Vân bước lên, cầm micro, bất ngờ hô to:
- Đả đảo quân bán nước và cướp nước!
- Đả đảo bọn đầu hàng phản bội!
- Hồ Chủ tịch vĩ đại muôn năm! Đảng Cộng sản quang vinh muôn năm!
Nguyễn Trân như bị sét đánh, điên tiết lao tới giật micro, đẩy Năm Vân ngã dúi dụi rồi lập tức sai lính vào xốc nách, lôi ông ra ngoài. Theo lệnh của Nguyễn Trân, nhóm lính gác kéo Năm Vân vào phòng giam đánh đập. Rất may, đây là những người lính đã có thiện cảm với ông từ trước, nên họ cũng nương tay. Một anh lính ghé tai Năm Vân thì thầm:
- Ông cứ vậy mà làm tới đi. Ở đây tụi nó cũng chẳng coi tụi tôi ra cái đếch gì đâu.
Năm Vân nắm tay từng người lính, giọng chân thành:
- Cảm ơn các anh nhiều lắm! Đã bị tống vào đây, cái mạng này sống chết thế nào không còn quan trọng với tôi nữa. Điều tôi quan tâm là tương lai của dân tộc, vận mệnh của đất nước. Chúng ta đều là người Việt Nam, giữa chúng tôi và các anh đang có sự khác biệt, đối lập, nhưng dù trong bất cứ hoàn cảnh nào chúng ta cũng không thể làm tay sai cho giặc Mỹ để bán nước. Tôi mong các anh, với cương vị, nhiệm vụ của mình, hãy làm những gì có thể để giúp đỡ những người tù ở đây. Đảng và nhân dân sẽ không quên các anh!
Một người lính đáp:
- Tụi tôi không nghĩ được sâu xa như ông, nhưng giúp được gì cho ông, tụi tôi sẽ cố!
Năm Vân bị tống vào xà lim. Không gian giam cầm tối như đêm Ba mươi nhưng trong lòng Năm Vân thì như được thắp lửa, sáng rực. Màn hạ “knock out” Nguyễn Trân của ông như một cơn sóng lan tỏa tinh thần đấu tranh chống “tố cộng” trong nhà lao. Tinh thần, thái độ đấu tranh, bản lĩnh của ông đã chinh phục được cảm tình của một số lính gác và giám thị, đào sâu thêm mâu thuẫn giữa họ và bè lũ Nguyễn Trân, vốn từ lâu đã hiếp đáp, phân biệt đối xử với họ...
PHAN TÙNG SƠN