QĐND - Trong vỏ bọc của một công nhân mưu sinh ở bến cảng Sài Gòn, ông Lâm Sơn Náo đã cùng đồng đội thực hiện những trận đánh quan trọng làm tiêu hao lực lượng, vũ khí của Mỹ và Quân đội Sài Gòn. 3 giờ sáng 2-5-1964, một tiếng nổ lớn vang lên làm rung chuyển khu bến cảng, chiếc chiến hạm Mỹ tải trọng hơn 16.000 tấn dần chìm xuống đáy sông, đánh dấu thắng lợi của Ba Náo và các thành viên Đội Biệt động 65…

Ông Lâm Sơn Náo sinh năm 1936, quê ở Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh), là người con thứ ba trong gia đình nên thường được gọi là Ba Náo. Đầu năm 1964, Ba Náo nhận nhiệm vụ nghiên cứu, tìm cách đặt bom, đánh chìm chiến hạm USNS Ca-đơ (Card) của Mỹ. Giữa tháng 3-1964, tàu USNS Ca-đơ khởi hành từ Mỹ, hành trình suốt nửa vòng Trái đất đến miền Nam Việt Nam và được Hải quân Sài Gòn gọi với cái tên “Thiết giáp hạm”. Khi con tàu cập cảng đổ vũ khí, cảng Sài Gòn được canh phòng nghiêm ngặt hơn trước. Do tham gia làm công nhân từ sớm nên Ba Náo đã tìm cách tiếp cận cầu cảng và nhiều lần luyện tập việc di chuyển trong đường cống ngầm dưới sân cảng. Rút kinh nghiệm từ lần đánh hụt tàu US Co-ri (Coree) vào tháng 12-1963, Ba Náo đã cải tạo bốn khối thuốc nổ thành hai khối và yêu cầu chi viện thêm 4kg thuốc nổ C4, tăng cường thêm 10 cục pin dẹp (loại 4,5V/ cục), hai chiếc đồng hồ xịn nhất và hai nụ xòe (loại nụ khi giật là nổ ngay) nhằm đề phòng trục trặc. Đây là quyết định táo bạo bởi trong lúc làm nhiệm vụ người thực hiện có thể hy sinh bất cứ lúc nào. 

Tàu USNS Ca-đơ trước khi bị đánh chìm. Ảnh tư liệu.

Tối 1-5-1964, được tin tàu USNS Ca-đơ cập cảng Sài Gòn, Ba Náo cùng đồng đội là ông Nguyễn Phú Hùng (Hai Hùng) bàn kế hoạch đánh tàu. Ba Náo nhớ như in khoảnh khắc chiếc tàu USNS Ca-đơ to lớn từ từ tiến vào cảng. Lúc ấy, nhiều binh lính Mỹ đã đi kiểm tra quanh sàn tàu, thỉnh thoảng chúng lại ném những quả lựu đạn ra xung quanh để đề phòng người nhái xâm nhập. Trên bờ, đoạn dẫn ra cầu cảng cách chiến hạm 200 mét được bao quanh bởi hàng rào kẽm gai, ở đó có một trung đội quân cảnh Mỹ canh gác cẩn trọng.

Ông Lâm Sơn Náo.

Tối hôm đó, Ba Náo và Hai Hùng dùng xuồng câu cá chở thuốc nổ tiến về phía cảng Sài Gòn thì bị binh lính địch phát hiện. Hai ông liền nói rằng mình là thương lái, đang đi “ăn hàng” và hứa khi quay trở lại sẽ “chia phần” cho chúng, lúc đó địch mới cho qua. Khi xuồng len vào gầm cảng một cách dễ dàng, Ba Náo và Hai Hùng liền cởi hết quần áo ngoài (để lúc quay về quần áo nguyên vẹn, không bị địch nghi ngờ) rồi tiến hành đặt thuốc nổ. Do nước cạn, nhiều sình lầy nên cả hai phải vác thuốc nổ ra thân tàu để cài. Hai ông lặn hụp dưới bùn vừa quan sát, vừa tiến dần đến thân tàu rồi đặt một trái thuốc nổ ngay đầu máy, trái còn lại được đặt ở khu chứa máy bay, vũ khí cách đó 10 mét. Đặt xong, hai ông quay trở về…

Đúng 3 giờ sáng 2-5-1964, dù đã chuẩn bị sẵn tinh thần nhưng cả Ba Náo và Hai Hùng đều giật mình khi nghe tiếng nổ lớn. Chiếc tàu chiến dài hơn 150m, nặng trên 16.000 tấn chở 39 phi cơ và vũ khí các loại đã bị đánh chìm ở độ sâu 6 mét. Thành tàu bị phá bề ngang 2 mét, chiều dài 8 mét, nước tràn nhanh làm 2/3 thân tàu chìm hẳn dưới đáy, 5 tên địch trên tàu thiệt mạng và 55 tên khác bị thương, toàn bộ số máy bay, vũ khí chưa kịp vận chuyển trên tàu đều bị phá hủy...

Năm 1967, do bị lộ, Ba Náo bị bắt giải về Tổng nha cảnh sát. Dù đã hết sức cảnh giác nhưng Ba Náo vẫn không lường trước được chuyện này. Địch tra tấn Ba Náo dã man để tìm ra căn cứ khu Sài Gòn - Gia Định. Ông nghĩ: nếu mình hé nửa lời thì chúng sẽ lại tiếp tục tra tấn để khai thác, vì thế ông thà chịu đựng chứ không khai.

Đêm Giao thừa Tết Mậu Thân 1968, Ba Náo cùng nhiều tù chính trị khác bị đưa ra Côn Đảo. Năm năm ở Côn Đảo, địch đã giam Ba Náo trong khu “chuồng cọp”, nơi tù nhân bị còng hai chân cố định vào song sắt, phải chịu đựng những sự đầy đọa cả thể xác lẫn tinh thần. “Những ngày bị giam trong “chuồng cọp”, khó có thể kể hết những đòn tra tấn dã man của địch. Có lần chúng rải vôi từ nóc “chuồng cọp” xuống làm vôi xộc vào mắt, mũi người tù. Sau đó, chúng lại giội nước để vôi làm bỏng da thịt, gây đau đớn cho chúng tôi”, ông Náo nhớ lại.

Sau Hiệp định Pa-ri, Ba Náo cùng các tù nhân khác được trao trả. Sau khi hồi phục sức khỏe, ông lại tiếp tục hoạt động cách mạng và tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Hiện ông đang sống hạnh phúc, vui vẻ cùng con cháu tại phường Tân Kiểng, quận 7, TP Hồ Chí Minh.

Bài và ảnh: LÊ HÙNG KHOA