Bà giới thiệu: “Đây là ảnh ông Thu chụp với chị Raymonde Dien dịp chị được mời sang thăm Việt Nam năm 1956. Chị ấy nổi tiếng vì có hành động anh hùng khi nằm trên đường ray để ngăn cản chuyến tàu chở vũ khí, đạn dược sang Đông Dương...”. Tôi đã xin phép bà Phiên chụp lại bức ảnh và lật giở những thông tin có được về hai con người trong ảnh.

Chị Raymonde Dien sinh ra và lớn lên tại thành phố Tours, Pháp. Chiến tranh thế giới lần thứ hai, bố chị là tù binh trong trại của phát xít Đức. Một người chị của chồng chị cũng bị bắt vào trại của phát xít Đức nhưng may mắn trở về được. Ông nội của chị bị bọn phát xít Đức bắt ngửi chất độc trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Lúc chết, ông vô cùng đau đớn. Được nghe kể và tận mắt chứng kiến những cảnh tượng ấy khiến chị luôn tâm niệm rằng phải làm điều gì đó để chấm dứt chiến tranh, bởi chiến tranh là đau thương, mất mát, khổ cực vô bờ… Do có nhận thức chính trị sâu sắc và tích cực hoạt động, năm 1947, khi 18 tuổi, chị đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ những người cộng sản Pháp.    

leftcenterrightdel
Đại tá Ngô Mạnh Thu.

Đầu giờ chiều 23-2-1950, được tin có một đoàn tàu chở vũ khí sang chiến trường Đông Dương sắp đi qua nhà ga Tours, đảng ủy thành phố Tours, Pháp liền thông báo gấp cho các đảng viên, các quần chúng ưu tú ra ga biểu tình, ngăn chặn. Theo lịch trình, đoàn tàu này sẽ đi qua nhà ga Tours, tới bến cảng để chuyển vũ khí lên tàu thủy đưa sang chiến trường Đông Dương giết hại những người dân vô tội. Mặc cho tiếng hô đả đảo vang lên, những biểu ngữ vẫy liên hồi, con tàu-khối sắt đen sì vẫn lạnh lùng trườn qua sân ga. Bỗng, bóng một cô gái lao xuống đường ray nằm chắn ngang trước mũi tàu. Quá bất ngờ trước hành động ấy, người lái tàu phải dùng phanh khẩn cấp. Khi tàu dừng lại, mũi tàu chỉ cách cô gái vài gang tay. Người con gái dám lấy tấm thân mình chặn đoàn tàu chở vũ khí trên sân ga Tours ấy chính là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp Raymonde Dien.

Hành động của chị làm chính quyền thực dân tức tối. Chị bị cảnh sát bắt. Ngày 1-6-1950, sau hơn 3 tháng bị tra khảo nhưng không có kết quả, phiên tòa xét xử Raymonde Dien diễn ra tại thành phố Bordeaux. Raymonde Dien bị kết tội “vi phạm nghiêm trọng an ninh quốc gia”, bị phạt tù một năm và giam ở nhà tù Bordeaux. Cuộc đấu tranh của Đảng Cộng sản Pháp, nhân dân tiến bộ Pháp và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới đã mang lại kết quả tích cực. Ngày 23-12-1950, Raymonde Dien được trả tự do…

Lần đầu tiên năm 1956, Raymonde được mời sang thăm Việt Nam và là khách mời danh dự của Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ II. Lần ấy, chị được gặp Bác Hồ, được Bác hỏi thămân cần…

Trong bức ảnh nói ở trên, anh bộ đội cười rất tươi đi bên chị Raymonde Dien chính là trợ lý thanh niên thuộc Cục Tổ chức, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam Ngô Mạnh Thu. Vì biết tiếng Pháp nên anh được phân công hướng dẫn hai thanh niên cộng sản Pháp là chị Raymonde Dien và anh Henri Martin đến gặp gỡ, giao lưu với thanh niên quân đội ngay sau khi Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ II kết thúc.

Trợ lý thanh niên Ngô Mạnh Thu sinh năm 1926 tại thôn Lương Xá, xã Tiên Thắng, huyện Duy Tiên, nay thuộc phường Yên Bắc, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Ông sớm giác ngộ và tham gia các hoạt động yêu nước trước Cách mạng Tháng Tám. Cuối năm 1945, ông nhập ngũ. Đầu năm 1946, ông được kết nạp Đảng. Trong kháng chiến chống Pháp, ông là Đại đội trưởng Đại đội bảo vệ cơ quan Trung ương và Bộ Quốc phòng trên Chiến khu Việt Bắc. Năm 1953, ông được cử sang Trung Quốc học tập và tiếp thu pháo cao xạ. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông là Chính trị viên Tiểu đoàn pháo cao xạ, trực tiếp chỉ huy chiến đấu đánh trả máy bay địch. Sau hòa bình năm 1954, ông được điều về Tổng cục Chính trị, là một trong những trợ lý thanh niên đầu tiên của Quân đội ta. Năm 1959, ông được phong quân hàm Đại úy. Năm 1966, đang là cán bộ của Cục Tổ chức Tổng cục Chính trị, Thiếu tá Ngô Mạnh Thu vào Trường Sơn làm Phó chính ủy rồi Chính ủy Binh trạm 36, Bộ tư lệnh 559. Tháng 9-1973, ông được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 471, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy sư đoàn.

leftcenterrightdel

Trợ lý thanh niên Ngô Mạnh Thu và chị Raymonde Dien, năm 1956. Ảnh do gia đình Đại tá Ngô Mạnh Thu cung cấp

Ngày ấy, tôi phụ trách Bản tin của Sư đoàn 471 nên có những chuyến xuống Binh trạm 36 công tác. Tôi được làm việc nhiều lần với ông Ngô Mạnh Thu. Khi ông về làm Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 471 thì tôi thường xuyên trực tiếp được làm việc với ông về nội dung các số Bản tin. Lẽ ra, bản thảo của mỗi số Bản tin tôi phải thông qua trưởng ban tuyên huấn, nhưng ông quyết định: “Từ nay, cậu làm việc trực tiếp với tôi, không phải qua trưởng ban nữa”.

Ông là một người nghiêm túc. Ban đầu tôi hơi e ngại, nhưng rồi thấy tác phong tỉ mỉ và chân tình của ông, tôi ngày càng thấy làm việc với ông rất thoải mái, dễ chịu. Nhiều năm từng làm việc tại Cục Tổ chức, lại được học hành cẩn thận thời Pháp thuộc nên ông viết lách có kinh nghiệm, câu văn chặt chẽ, gọn gàng, rất chuẩn về ngữ pháp. Bản thảo các bài viết của Bản tin tôi trình duyệt, ông sửa khá kỹ. Nhiều lần tôi được ông khen: Cậu có năng khiếu về viết lách đấy. Chiến tranh kết thúc, hãy cố gắng mà theo nghiệp viết nhé. Thú thật, ông là người đầu tiên phát hiện và nhận xét về chuyện viết lách của tôi. Tôi rất vui!

Dù gặp muôn vàn khó khăn, thiếu thốn trong điều kiện ở chiến trường nhưng dưới sự dẫn dắt trực tiếp của ông, hằng tháng, chúng tôi đều đặn cho ra mắt Bản tin của sư đoàn. Mỗi số Bản tin từ 20 đến 30 trang, được in roneo 300 bản để gửi tới tất cả các đại đội và tương đương của sư đoàn. Hiện nay, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam còn lưu giữ hàng chục Bản tin của Sư đoàn 471 trong thời kỳ chiến tranh. Năm 1999, ông và tôi đi xem triển lãm “50 năm Bộ đội Trường Sơn”. Khi ngắm những tờ Bản tin Sư đoàn 471-đơn vị duy nhất của Bộ đội Trường Sơn có tờ Bản tin được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, ông vô cùng xúc động...

Khi Bộ tư lệnh Khu vực 471 được tổ chức thành Sư đoàn Ô tô vận tải chiến đấu 471 Trường Sơn, ông tiếp tục làm Chủ nhiệm Chính trị sư đoàn. Ông rất quan tâm phát triển lực lượng tuyên truyền xung kích và lực lượng điện ảnh của sư đoàn. Đội Văn công Sư đoàn 471 được ông và lãnh đạo sư đoàn chăm lo đầu tư cơ sở vật chất và con người nên là một đơn vị mạnh ở chiến trường Trường Sơn. Văn công và 3 đội điện ảnh sư đoàn đã phục vụ rất hiệu quả, góp phần động viên tích cực bộ đội. Đặc biệt, mùa mưa năm 1973, ông đã đề xuất với Đảng ủy sư đoàn tổ chức hai lớp bồi dưỡng bí thư chi bộ cho hơn 300 đồng chí cấp ủy và cán bộ chính trị toàn sư đoàn, thời gian một tháng/lớp. Đây là một quyết định sáng suốt trong việc bồi dưỡng kiến thức cơ bản cho đội ngũ cán bộ chính trị ở cơ sở mà trong điều kiện chiến tranh ác liệt trước đó chưa có điều kiện thực hiện…

Đầu năm 1976, đồng chí Ngô Mạnh Thu được điều về Ban Tổng kết lịch sử Trường Sơn thuộc Tổng cục Xây dựng kinh tế, Bộ Quốc phòng. Năm 1986, Đại tá Ngô Mạnh Thu nghỉ hưu. Năm 1995, ông cùng với Đại tá Nguyễn Lạn, nguyên Tư lệnh Sư đoàn 471 tổ chức thành lập Ban liên lạc truyền thống Sư đoàn 471. Ông là Phó trưởng ban liên lạc đầu tiên của sư đoàn cho đến khi qua đời ngày 3-11-2002, sau một cơn suy tim đột ngột.

Thời gian đã qua gần 65 năm nhưng đến nay, bức ảnh người trợ lý thanh niên quân đội chụp cùng chị Raymonde Dien vẫn được gia đình Đại tá Ngô Mạnh Thu coi như một kỷ vật quý và luôn trân trọng giữ gìn.

PHẠM THÀNH LONG

(Nguyên Tổng Biên tập Báo Thiếu niên tiền phong, Trưởng ban Tuyên truyền-Thi đua, Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam)