Kể về sự ra đời của bức ảnh, NSNA Hoàng Kim Đáng cho biết: “Trưa hôm đó, đang cùng đồng đội hành quân vào sâu chiến trường thì tôi gặp một nhóm các chiến sĩ công binh đang vui vẻ bước bên nhau đi về trung đoàn bộ sau buổi sáng hăng say phá đá, mở đường. Sau buổi làm việc, bất chấp bàn tay chai sần, rớm máu, vẫn thấy niềm vui, sự lạc quan, tin tưởng qua nụ cười tươi rói của các anh, chị, tôi đã bấm máy trong niềm xúc động dạt dào”. Ông đã đặt trọn hình ảnh 4 chiến sĩ công binh trong khuôn hình giữa khung cảnh núi rừng Trường Sơn hùng vĩ, hậu cảnh là cây cầu phao dã chiến do Trung đoàn 30 mới bắc xong.

leftcenterrightdel
Bức ảnh “Nhiệm vụ của chúng tôi: Đường thông xe chạy”. Ảnh: HOÀNG KIM ĐÁNG.

Sau đó, NSNA Hoàng Kim Đáng gửi về hậu phương để đăng trên một số báo, tạp chí. Ông không hề biết tấm ảnh đã bị nhầm tên tác giả cũng như câu chuyện xúc động của các nhân vật xuất hiện trong đó. Gần 40 năm sau, câu chuyện về các nhân vật trong tấm ảnh mới được hé lộ khi Đại tá Phùng Nhật Minh, Trưởng ban liên lạc Thông tin Sư đoàn 472 quyết tâm đi tìm các nhân vật trong bức ảnh. Ông Minh kể rằng, sau chiến tranh, bức ảnh được rất nhiều đơn vị sử dụng đưa lên phông nền hội nghị trong các cuộc gặp mặt. Trong một lần dự buổi giao lưu với các đồng đội tại Nghệ An năm 2013, ông được một người bạn cho biết tấm hình do đồng chí Tống Ban-nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Trung đoàn 30, Sư đoàn 472 chụp, trong đó, hai cô gái bên trái ở quê lúa Thái Bình.

Trăn trở với thông tin của người bạn, trở về, Đại tá Phùng Nhật Minh quyết tâm đi tìm các nhân vật trong bức ảnh. Ông đến nhiều thư viện để tìm tư liệu và được biết, năm 1974, tấm ảnh trên được đăng trên Báo Phụ nữ Việt Nam trong bài viết: “Những cô gái đảm trên tuyến đường Trường Sơn” và trang bìa của Tạp chí Văn nghệ Quân đội tháng 2-1975, với dòng chú thích: “Chị Nguyễn Thị Luyện-Vũ Thư, Thái Bình trên tuyến Bung Chao. Ảnh do Tống Ban chụp...”. Đại tá Phùng Nhật Minh cũng tìm tới gia đình đồng chí Tống Ban để hỏi thông tin nhưng được biết ông đã mất nên tưởng như cuộc tìm kiếm trở nên vô vọng.

Thật tình cờ, tháng 8 năm đó, qua đồng đội, Đại tá Phùng Nhật Minh đã tìm ra cô gái vác cuốc đi đầu trong bức ảnh là Nguyễn Thị Ngọc Luyện, ở xã Phúc Thành, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Ông kể: “Khi tìm về quê gặp Ngọc Luyện, tôi càng xúc động hơn khi được nghe câu chuyện ấm tình đồng đội của hai cô gái Thái Bình trong tấm ảnh năm xưa. Sau chiến tranh, trở về với nhiều vết thương trên cơ thể cùng di chứng của chất độc da cam, chị Phạm Thị Quý-cô gái đi sau chị Luyện trong ảnh đã mất sớm. Chị Luyện đã tình nguyện thay bạn chăm sóc người cháu ngoại của chị Quý, khi đó mới hơn 2 tuổi để bố mẹ cháu yên tâm công tác”.

Sau đó không lâu, Đại tá Phùng Nhật Minh đã tìm ra thông tin của hai nhân vật còn lại trong bức ảnh. Người con gái đi bên phải là Trịnh Thị Dưỡng ở Quảng Xương, Thanh Hóa, sau về công tác tại Viện Hải dương học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Nha Trang, Khánh Hòa), còn người con trai đi sau là họa sĩ Nguyễn Quốc Vinh, công tác ở Sở Văn hóa-Thông tin (nay là Sở Văn hóa-Thể thao) Hà Nội. Khi được Đại tá Phùng Nhật Minh thông báo về tình hình của hai cô gái Thái Bình năm xưa, ngay lập tức, bà Dưỡng đã đề nghị nuôi cháu thay đồng đội vì biết mình có điều kiện hơn. Tuy nhiên sau đó, cháu vẫn được bà Luyện chăm sóc và được tất cả những người đồng đội của bà ngoại yêu thương, đùm bọc. “Sau này, qua nhiều đồng đội, tôi đã biết được người chụp tấm ảnh trên là NSNA Hoàng Kim Đáng chứ không phải đồng chí Tống Ban chụp mà do nhầm lẫn, nhiều người đã hiểu sai. Bức ảnh rất có ý nghĩa với chúng tôi bởi đã ghi lại một thời cống hiến anh dũng, kiên cường của công binh Sư đoàn 472”-Đại tá Phùng Nhật Minh nhấn mạnh. 

Tháng 5-2019 vừa qua, nhân kỷ niệm 60 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh-Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn, bức ảnh đã được trưng bày tại Triển lãm “Kiêu hãnh Trường Sơn” do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Hội Nữ chiến sĩ Trường Sơn tổ chức. 

THU THỦY