Đến Bến Tre, tôi tìm gặp người chiến sĩ trong ảnh “Ngày hội ngộ” -ông Lê Văn Thức ở ấp 6, xã Tân Thạch, huyện Châu Thành. Trong căn nhà cấp bốn nhỏ nhắn, đơn sơ nằm giữa vườn dừa, bức ảnh chụp ngày hai mẹ con gặp mặt được ông treo ở vị trí trang trọng. Mẹ ông - cụ Trần Thị Bích đã qua đời vì tuổi già, còn ông năm nay cũng đã bước vào tuổi 74 và thường xuyên đau ốm do di chứng của các vết thương từ những năm tháng trong nhà tù Mỹ-ngụy. Vừa chuẩn bị những ly nước dừa đá mát lạnh-đặc sản nhà trồng được, ông vừa cho chúng tôi xem những vết sẹo do đòn thù và cho biết: “Năm 1968, tôi bị địch bắt và di lý về nhà lao Mỹ Tho. Hằng đêm, bọn chúng mang roi da, ghế điện, kìm, dao, kéo… tra tấn tôi thừa sống thiếu chết. Sau đó, chúng tuyên án tử hình tôi và đày ra nhà tù Côn Đảo”.

leftcenterrightdel
Bức ảnh “Ngày hội ngộ” được trưng bày tại Bảo tàng Quân khu 9. Ảnh chụp lại.

Ông Lê Văn Thức sinh năm 1945. Năm 1965, ông trốn quân dịch, tham gia cách mạng, sau đó được huấn luyện nghiệp vụ điệp báo. Sau khóa huấn luyện, ông vinh dự được kết nạp  Đảng và được tổ chức giao nhiệm vụ tối mật: “Tình nguyện đăng ký học trường sĩ quan bộ binh Thủ Đức của chính quyền Sài Gòn để chui sâu vào hàng ngũ địch. Mật danh là Thanh Tâm, ký danh “TT”.

“Khi nhận nhiệm vụ, tôi rất băn khoăn vì đã đứng vào hàng ngũ địch không ít thì nhiều cũng có nợ máu với cách mạng, với nhân dân” - ông Thức nói. Thế nhưng, rất may mắn, chỉ huy các cấp của địch thấy Thức học giỏi nên tiếp tục cho đi đào tạo và sau đó chúng cử ông làm sĩ quan huấn luyện chiến thuật tại Trung tâm huấn luyện Hùng Vương trong cụm căn cứ quân sự Bình Đức tại Mỹ Tho (Tiền Giang).

Cuối năm 1967, đồng chí Thanh Tùng, một cán bộ cách mạng đã nhận lệnh của cấp trên tiếp cận Lê Văn Thức để giao nhiệm vụ. “Lúc ấy, tôi đang ở ngoài thao trường xem lính tập luyện thì có một người bán kem đến gần và mời: “Mời ông thầy ăn. Kem lạnh tê tê lưỡi, đã lắm”. Tôi giật mình, vì ký danh của tôi là “TT”. Nhưng tôi nghĩ nhỡ đâu đó chỉ là người bán kem bình thường hay mật thám ngụy tiếp cận và chỉ tình cờ nói đúng ký danh nên tôi vờ như không biết. Thấy vậy, người bán  tiếp tục mời: “Kem Thanh Thảo ăn ngon lắm!”. Đúng là người của cách mạng rồi. Cuộc móc nối đã thành công”-ông Thức kể lại.

Sau đó, đồng chí Thanh Tùng đã chuyển cho ông Thức mệnh lệnh: “Bằng mọi giá phải vẽ chính xác sơ đồ căn cứ quân sự Bình Đức”. Nhận lệnh, ông điều nghiên và vẽ chi tiết căn cứ quân sự Bình Đức từ địa bàn Trung tâm huấn luyện Hùng Vương đến các căn cứ kho xăng, pháo binh Nỏ Thần, bộ chỉ huy hành quân biệt động quân, bộ chỉ huy trung đoàn 11… giao cho cơ sở. Nhưng không may, trên đường về căn cứ, người cán bộ mang tấm bản đồ hy sinh và tấm bản đồ đó lọt vào tay giặc. Qua giám định chữ viết, kẻ địch đã cho bắt Lê Văn Thức vì tình nghi ông vẽ tấm bản đồ. Tra tấn mà không thu được thông tin gì, địch kết án và đày ông ra Côn Đảo vào tháng 11-1968. “Tôi bị chúng gán cho số tù 268, mang thẻ bài 2 màu: Xanh, đỏ. Ở trong lao tù, chúng tôi vẫn tổ chức sinh hoạt Đảng và học tập, đồng thời đấu tranh với kẻ địch. Đến ngày 4-5-1975, tôi là một trong những người tù đi chuyến tàu đầu tiên rời Côn Đảo về đất liền. Ngày 5-5, khi vừa đặt chân xuống bến tàu Rạch Dừa, Vũng Tàu, tôi gặp lại mẹ. Lúc ấy, hai mẹ con chỉ biết ôm chầm lấy nhau mà khóc trong niềm hạnh phúc dâng trào” - ông Thức kể.

HUY HÂN