Những ngày cuối thu, đầu đông năm 1989, chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị liên tục nhận được điện thông tin bọn phản động lưu vong đã tập hợp lực lượng, chuẩn bị kế hoạch vượt sông Mê Công, xâm nhập qua Lào về Việt Nam. Phía bạn Lào đã tổ chức đốt lửa dọc đoạn sông biên giới để phản ứng với phía Thái Lan. Theo tin nắm ngày 15-12-1989, chúng đã tung một toán sang Lào...

Không khí ở Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị như sôi lên. Đồng chí Chỉ huy trưởng triệu tập các cuộc họp với lãnh đạo bộ phận chức năng để quán triệt điện chỉ đạo của cấp trên và bàn kế hoạch đối phó. Sau khi phân tích, đánh giá tình hình đều thống nhất nhận định: Thông tin về hoạt động của các tổ chức phản động lưu vong người Việt tại Thái Lan là hoàn toàn chính xác. Những động thái chuẩn bị kế hoạch, huấn luyện, tổ chức diễn tập để xâm nhập Việt Nam là hoàn toàn có cơ sở. Vấn đề còn lại là hướng xâm nhập, địa bàn cụ thể, nhất là thời gian xâm nhập, ta vẫn chưa nắm được chính xác. Đồng chí Chỉ huy trưởng đã điện chỉ đạo các đồn tuyến núi Quảng Trị tăng cường công tác nắm tình hình ngoại biên, kịp thời phát hiện hoạt động của đối tượng. Đồng thời, Chỉ huy trưởng cũng chỉ đạo cử cán bộ tăng cường cho các địa bàn 613, 617, gặp gỡ, sinh hoạt với cơ sở, đặc tình ngoại biên để nắm tình hình phục vụ cho kế hoạch đón bắt của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh.

 Thông qua công tác phát hiện, khai thác đối tượng vượt biên xâm nhập bị bắt, ta tuyển chọn đầu mối xây dựng thành đặc tình nắm tình hình ngoại biên nói chung và đối tượng phản động lưu vong nói riêng. Gần một tháng hoạt động gian khổ, bám bản, bám dân trong điều kiện địa hình ngoại biên núi cao, rừng rậm, thời tiết khắc nghiệt, đi lại khó khăn đã được đền đáp bằng những tin tức bước đầu từ các mũi, hướng liên tiếp báo về sở chỉ huy. Trong đó nổi lên một số tin đáng chú ý:

“16 giờ ngày 4-2-1990, 5 người dân bản Cồn Xử, xã Noọng, huyện Mường Noòng (Savanakhet, Lào) đi làm rẫy gặp một toán 4 người mặc quần áo bộ đội, có một súng K54, 2 AK47, 2 M79, bản đồ, ống nhòm. Toán người này nói được tiếng Lào, Việt và chúng đã bắt 5 dân bản. Sau đó, chúng giữ lại 3 người, cho một người lớn (Tà Đĩ) và một bé gái 10 tuổi về bản, nhưng phải tiếp tế cho chúng 2 típ cơm và 6kg gạo. Chúng dọa nếu báo cho bộ đội, công an thì chúng sẽ giết 3 người mà chúng đang bắt giữ và tiêu diệt cả bản. Vì lo sợ nên ông Tà Đĩ và bé gái về bản tiếp tế cơm, gạo đủ số lượng cho chúng. Bọn chúng trả tiền baht (Thái Lan) cho ông Tà Đĩ nhưng ông không nhận và nói ở đây không tiêu tiền baht mà chỉ tiêu tiền kip của Lào. Chúng lại cho ông 4 miếng xà phòng và 17 viên thuốc tây, chụp ảnh cả 5 người, rồi nói lực lượng chúng có 70 người đang ở trong rừng, ai muốn theo chúng thì ngày 5-2-1990 sẽ gặp tại chỗ đưa gạo...”.

Đêm 7-2-1990, bầu trời đen đặc, gió bấc rít từng cơn, rét buốt tận xương. Tại phòng làm việc của Chỉ huy trưởng, đồng hồ đã chỉ sang con số 12, không khí làm việc giữa các đồng chí lãnh đạo với những bộ phận chức năng vẫn căng thẳng nhưng vô cùng cởi mở, thống nhất quan điểm, phương hướng và biện pháp đấu tranh chuyên án quan trọng này. Cuối cuộc họp, đồng chí Chỉ huy trưởng quyết định: Thứ nhất, điện hạ mệnh lệnh chuyển trạng thái bảo vệ biên giới lên sẵn sàng chiến đấu cao. Thứ hai, giao cho trinh sát xây dựng kế hoạch xác lập chuyên án trinh sát, điều tra, kết luận rõ toán phản động lưu vong xâm nhập (như tin đã nhận), xác định đường hướng, ngày giờ chúng xâm nhập để tổ chức lực lượng phục bắt. Ngày hôm sau, cơ quan nghiệp vụ chức năng xây dựng xong báo cáo kế hoạch đấu tranh chuyên án mang bí số XN42 lên cấp trên.

leftcenterrightdel
Tranh minh họa: QUANG CƯỜNG

Thực hiện kế hoạch được thông qua, Ban chỉ đạo chuyên án chỉ thị cho các đồn biên phòng 613, 617, 621, 625 và 609 tổ chức lực lượng bám địa bàn ngoại biên để nắm di biến động của đối tượng. Lực lượng tỉnh tập trung vào hướng chủ yếu địa bàn các đồn 613, 617 với những nhiệm vụ cụ thể như: Huấn luyện chỉ đạo mạng lưới đặc tình, cơ sở điều tra, phát hiện, câu nhử chúng về biên giới để bắt. Bố trí cho đặc tình Thanh dưới dạng đi thăm thân nhân đón lõng ở Pung Riềng. Đặc tình Xuân đón lõng ở A Sinh. Ngoài ra, trinh sát còn bố trí các cơ sở bí mật vào những băng nhóm thường tổ chức vượt biên ở các vùng sâu hẻo lánh của bạn Lào làm nghề xẻ gỗ, khai thác lâm thổ sản... để điều tra phát hiện địch.

Ban chỉ đạo chuyên án còn giao nhiệm vụ cho trinh sát Đồn 613 theo dõi chặt chẽ các đối tượng trong tổ chức đạo Tin lành ở địa bàn, vì có một số người thường đi lang thang, có quan hệ với nhiều đối tượng nghi vấn như Hồ Leng, Pã-tà-ho, Hồ A Troong... Đội đặc nhiệm trinh sát được triển khai sang địa bàn Sê Pôn, Mường Noòng để điều tra xác minh các tin tức do phía bạn cung cấp. Sau khi xác minh, đội báo cáo: Đêm 10-2-1990 có hai người dân bản Cồn Xử, xã Noọng đi săn gặp địch ở rẫy sắn, chúng đã nổ súng rồi bỏ chạy. Sáng hôm sau, dân quân kiểm tra thu được tại hiện trường 4 vỏ đạn AR15. Ngày 13-2, dân bản Bun, xã Pung Riềng phát hiện 4 người mặc quần áo bộ đội, mang ba lô đi về bản Âm Pay, hướng biên giới Việt-Lào. Ngày 16-2, Đội đặc nhiệm tiếp tục báo cáo: Người dân xã Xoang, huyện Mường Noòng đi làm rẫy phát hiện người lạ băng qua đường đi vào rừng La San thuộc xã Tam Loang (cách biên giới khoảng 40km). Khi đến hiện trường để xác định dấu vết, trinh sát thấy bên bờ suối có vết chân của hai người đi dép tông cỡ số 10 và hai người đi giày vải cỡ 38. Điều này phù hợp với mô tả của 4 người dân bản Xa Vử báo ngày 4-2...

Tổng hợp các nguồn tin thu được, Ban chỉ đạo chuyên án XN42 nhận định: Toán địch có 4 tên về cách biên giới Quảng Trị khoảng 40km, đối diện với đoạn biên giới phía Nam Đường 9. Khả năng chúng sẽ xâm nhập theo hai hướng: Hướng 1, trà trộn trong các toán vượt biên qua lại hai bên cánh gà hoặc sử dụng giấy tờ qua cửa khẩu trên Đường 9. Hướng 2, xâm nhập qua biên giới Đồn 617. Như vậy, tình hình đã đặt ra yêu cầu cho Ban chuyên án phải sử dụng đồng bộ các lực lượng, biện pháp khép kín biên giới thì mới có thể bắt được địch.

Ngày 21-2-1990, đặc tình Xuân báo cáo: Địch xuất hiện ở suối Ta Còi, bản Cheng, xã Keng Cốc, cách biên giới ta 7km. Chúng bắt 4 người dân làm con tin rồi cho một người về lấy gạo, muối tiếp tế cho chúng. 13 giờ ngày 21-2, Thượng úy Nguyễn Hải Đăng (trợ lý trinh sát) đã có mặt tại bản Cheng, xác minh nguồn tin trên hoàn toàn chính xác. Lúc này địch vẫn còn giữ 4 người làm con tin ở rừng. Ban chuyên án lập tức báo cáo Giám đốc Công an tỉnh để chỉ đạo lực lượng công an phối hợp. Đồng chí Chỉ huy trưởng đã ra lệnh cho lực lượng cơ động và tổ phụ trách chó nghiệp vụ triển khai xuống địa bàn hai xã Thanh, Thuận. Đến 16 giờ cùng ngày, toàn bộ đội hình chốt chặn trên các đường mòn, khe suối sẵn sàng phục bắt đối tượng xâm nhập.

Đêm cuối tháng, trời tối đen, mưa gió làm cho đội mật phục ai cũng ướt sũng và rét run. 20 giờ 30 phút, tổ chốt số 2 do Thượng úy Hồ Chí Miết chỉ huy phát hiện có ánh đèn pin lạ ở bờ suối nhưng vì mưa to, trời tối nên mất dấu vết, không truy theo được. Sáng sớm hôm sau, trời vẫn mưa nặng hạt, biên giới âm u, rừng núi chìm trong màn mưa. 8 giờ 30 phút mưa mới tạnh, lực lượng trinh sát phát hiện có làn khói lạ bay lên tại khu rừng Ma, thôn Tà Còi, xã Thanh. Phân đội truy lùng với đội hình chiến thuật 3 tổ thành một vòng khép kín tiếp cận địch. Nhưng do rừng rậm, địch phát hiện thấy ta nên bỏ chạy. Đồn trưởng Đồn 617 chỉ huy phân đội truy lùng đã phát lệnh gọi hàng nhưng chúng vẫn ngoan cố vừa chạy vừa nổ súng đánh trả. Đi đầu phân đội truy lùng là đội cảnh khuyển truy theo dấu vết, áp sát dần vòng vây. Đến 10 giờ 14 phút, lực lượng truy bắt đã tóm gọn 4 tên xâm nhập, gồm: Nguyễn Vui (toán trưởng), Lê Văn Hon (toán phó), Lê Văn Hạng, Nguyễn Văn Hải cùng tang vật.

Cuộc đấu tranh với các đối tượng sau đó cũng diễn ra vô cùng quyết liệt. Bọn chúng không từ một thủ đoạn nào, khai báo gian trá từ lý lịch đến tổ chức, âm mưu, phương thức, thủ đoạn xâm nhập... Nhưng với sự mưu trí, kiên trì, khôn khéo và kiên quyết, ta đã vạch trần chân tướng bọn xâm phạm và cuối cùng chúng phải cúi đầu, dần khai báo sự thật: Chúng là lực lượng thuộc tổ chức lưu vong mang tên “Nhân dân hành động”, bí số N20 do Đặng Văn Thanh (tức Sáu Đặng), nguyên là Phó tỉnh trưởng tỉnh Sóc Trăng thời ngụy chỉ huy, có căn cứ tại Ubon (Thái Lan). Chúng có ban tham mưu gồm 8 tên, dưới đó là 5 khối làm nhiệm vụ huấn luyện quân sự, công tác an ninh, vận động tài chính... Thực hiện kế hoạch “vượt sóng”, chúng chia lực lượng xâm nhập Việt Nam thành 3 toán. Từng toán, từng tên có nhiệm vụ cụ thể. Toán N mà Nguyễn Vui cầm đầu, nhiệm vụ chính là mở hành lang xuyên đất Lào xâm nhập về Việt Nam, tổ chức đưa người từ trong nước ra nước ngoài tham gia tổ chức lưu vong và đưa người từ Thái Lan xâm nhập về Việt Nam theo tuyến đường đã xác định; giữ bằng được tuyến hành lang giao liên, đồng thời tính toán mở tuyến mới. Toán N thất bại, kéo theo sự lộ diện của những kẻ tham gia N20. Chân tướng của tổ chức phản động lưu vong này và âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động chống phá cách mạng nước ta đã bị vạch mặt, ngăn chặn kịp thời.

TRẦN LUẬN - Nguyên cán bộ Cục Trinh sát, Bộ đội Biên phòng