Những chiến công như huyền thoại

leftcenterrightdel
Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình. 
Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, Đặc công, đúng như tên gọi là một cách đánh đặc biệt, một binh chủng đặc biệt tinh nhuệ của Quân đội ta. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, tổ tiên ta từ rất sớm đã rất chú trọng phương châm “lấy ít thắng nhiều, lấy nhỏ thắng lớn”. Tôi nhớ từ thế kỷ 15, Nguyễn Trãi đã từng tổng kết: “Yếu chống mạnh hay đánh bất ngờ/ Ít địch nhiều thường dùng mai phục”. Phải chăng đây là nguồn gốc của cách đánh đặc công chúng ta?

Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình: Đúng như vậy! Cách đánh giặc-nghệ thuật tác chiến đặc công được hình thành từ rất sớm trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc. Đó là sự vận dụng sáng tạo tư tưởng “tiên phát chế nhân” của Lý Thường Kiệt; nghệ thuật “ngày thì ẩn náu, đêm đem quân ra đánh úp” của Triệu Quang Phục; phép dùng thủy binh của Yết Kiêu bí mật lặn vào căn cứ thủy quân đục thuyền giặc; thuật dùng binh “quân cốt tinh, không cốt nhiều” của Trần Nguyên Hãn; phương châm “dùng quân mai phục lấy ít địch nhiều” của Lê Lợi; cách đánh “thần tốc, táo bạo, thọc sâu”  của Hoàng đế Quang Trung; kỹ thuật ngụy trang (cởi trần bôi trát) của Ông Ích Khiêm...

PV: Theo chúng tôi được biết, hiện nay có nhiều loại hình đặc công, trong đó có một loại hình được rất nhiều người quan tâm nhưng lại không rành rẽ lắm, đó là Đặc công Biệt động. Đồng chí có thể nói đôi điều về loại hình này?

Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình: Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ, đối tượng tác chiến trong giai đoạn mới, Đảng ủy-Bộ tư lệnh Đặc công đã tham mưu cho Quân ủy Trung ương-Bộ Quốc phòng xây dựng và phát triển các lực lượng đặc công theo hướng tinh, gọn, mạnh, đủ sức răn đe và hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu trong mọi tình huống. Theo đó, hiện nay có các lực lượng: Đặc công Chống khủng bố, Đặc công Nước, Đặc công Người nhái, Đặc công Dù, Đặc công Bộ và Đặc công Biệt động. Đối với Đặc công Biệt động hiện nay được tổ chức cấp lữ đoàn. Lực lượng Đặc công Biệt động ra đời trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Lúc đầu là những tổ, đội chiến đấu hoạt động trong nội đô thành phố, thị xã. Cuối năm 1967, Bộ tư lệnh Đặc công ra quyết định thành lập Đội Nghiên cứu, huấn luyện Đặc công Biệt động tăng cường lực lượng cho các chiến trường. Ngày 15-4-1968, thực hiện chỉ thị của Tổng Tham mưu trưởng, Bộ tư lệnh Đặc công ra quyết định thành lập Tiểu đoàn Đặc công Biệt động 1 trực thuộc binh chủng (nay là Lữ đoàn Đặc công Biệt động 1). Đặc công Biệt động là một trong các thành phần lực lượng của Binh chủng Đặc công. Chức năng, nhiệm vụ của Đặc công Biệt động là đánh phá các mục tiêu quan trọng, hiểm yếu của đối phương ở các thành phố, thị xã và trong hậu phương chiến lược của chúng...

PV: Ngược lại lịch sử, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, đặc công đã thực hiện hàng vạn trận đánh, trong đó có nhiều trận đánh lớn, vang dội trong nước và quốc tế; đến nay đã được văn học, điện ảnh và nhiều loại hình nghệ thuật khác tái hiện vẫn có sức lôi cuốn và hấp dẫn rất lớn. Đồng chí có thể điểm lại một số trận đánh tiêu biểu đó?         

Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình: Binh chủng Đặc công là binh chủng chiến đấu đặc biệt tinh nhuệ của Quân đội nhân dân Việt Nam. Những chiến công của Bộ đội Đặc công trong chiến tranh giải phóng dân tộc đã đi vào huyền thoại. Trong kháng chiến chống Pháp, Bộ đội Đặc công làm nên những trận đánh tiêu biểu như: Trận tập kích Sân bay Gia Lâm đêm 4-3-1954 của Đặc công Hà Nội; tập kích Sân bay Cát Bi đêm 7-3-1954 của Đặc công Hải Phòng; tập kích kho bom Phú Thọ Hòa đêm 31-5-1954 của Đặc công Sài Gòn-Gia Định.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bộ đội Đặc công tham gia chiến đấu trên khắp các chiến trường. Trực tiếp tham gia chiến đấu trong nhiều chiến dịch lớn với những trận đánh tiêu biểu như: Tòa Đại sứ Mỹ, Bộ Tổng tham mưu ngụy, Tổng Nha cảnh sát, Dinh Độc Lập... của Đặc công-Biệt động trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Các trận đánh trên cảng Cửa Việt-Đông Hà-Quảng Trị của Đặc công Nước Hải quân; các trận tập kích bằng hỏa lực vào sân bay Biên Hòa, phá hủy bí mật Tổng kho Long Bình của Trung đoàn Đặc công bộ 113; trận đánh chìm tàu địch trọng tải lớn trên cảng Nhà Bè của Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác... Trong Chiến dịch Huế-Đà Nẵng, Đặc công Nước Hải quân và đặc công Quân khu 5 đã có các trận tập kích các đảo: Song Tử Tây, Nam Yết, Sinh Tồn, An Bang, giải phóng quần đảo Trường Sa.

Đặc biệt, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, Bộ đội Đặc công được giao đánh trận mở màn then chốt trong Chiến dịch Tây Nguyên (đánh vào Sân bay thị xã Buôn Ma Thuột, Sân bay Hòa Bình, khu kho Mai Hắc Đế)... Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Binh chủng Đặc công được giao đánh chiếm và chốt giữ trước 14 cây cầu huyết mạch và các cứ điểm trọng yếu của địch án ngữ trước cửa ngõ Sài Gòn: Bắn phá, đánh chiếm Sân bay Tân Sơn Nhất, Trung tâm Ra-đa Phú Lâm, Bộ Tổng tham mưu ngụy, Tổng Nha cảnh sát… Nhiều trận đánh diễn ra vô cùng ác liệt, như các trận đánh trên cầu Rạch Chiếc, cầu Sáng, cầu Ghềnh. Riêng tại cầu Ghềnh, hơn 50 đồng chí đã anh dũng hy sinh. Mặc dù vậy, những chiến sĩ đặc công còn lại vẫn kiên cường bám trụ, quyết tử để giữ cầu, tạo huyết mạch giao thông cho năm cánh quân thần tốc tiến vào giải phóng Sài Gòn...

leftcenterrightdel
Thủ trưởng Bộ Tổng tham mưu, Bộ tư lệnh Đặc công và lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc tham quan Bộ đội Đặc công diễn tập chống khủng bố, năm 2015. Ảnh: PHÚ BÌNH 
Khổ luyện để ngày càng đặc biệt tinh nhuệ

PV: Vì là đặc biệt nên đặc công thời chiến cũng như thời bình đều phải huấn luyện, có thể nói là khổ luyện, công tác và chiến đấu trong môi trường mang tính đặc thù. Tính đặc thù ấy, ngày nay có khác trước không, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình: Bộ đội Đặc công thời nào cũng thế, xuất phát từ cách đánh-nghệ thuật tác chiến, tổ chức xây dựng lực lượng, vũ khí trang bị, địa bàn hoạt động, đối tượng tác chiến... nên trong công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu... luôn mang tính đặc thù và đòi hỏi phải có sự đặc biệt khổ luyện để bảo đảm cho mỗi cán bộ, chiến sĩ đặc công phải đạt được yêu cầu cao: Lập trường chính trị phải đặc biệt vững chắc, mưu trí phải đặc biệt linh hoạt, kỹ-chiến thuật phải huấn luyện đặc biệt thuần thục, kỷ luật phải đặc biệt nghiêm minh...

PV: Trong chiến tranh hiện đại, với tác chiến công nghệ cao thì vị trí, vai trò của lực lượng đặc công có thay đổi không? Để đáp ứng với phương thức tác chiến mới, Bộ đội Đặc công cần phải phát triển theo hướng nào?

Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình: Trong giai đoạn mới, trước yêu cầu nhiệm vụ, những diễn biến phức tạp trên thế giới và khu vực, Bộ đội Đặc công luôn có sự bổ sung phát triển về nhiệm vụ, tổ chức lực lượng, nghệ thuật tác chiến và vũ khí trang bị kỹ thuật. Hiện nay, Binh chủng Đặc công được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ trọng tâm là: Huấn luyện, SSCĐ chống bạo loạn lật đổ, chống khủng bố, tác chiến bảo vệ chủ quyền biển, đảo… Đặc biệt, Bộ Quốc phòng đã giao: Binh chủng Đặc công là đơn vị đầu ngành chống khủng bố toàn quân.

Để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ, những năm gần đây, Bộ tư lệnh Đặc công đã làm tốt công tác tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về xây dựng và phát triển các lực lượng đặc công theo hướng tinh, gọn, mạnh; Binh chủng Đặc công “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, tiến lên hiện đại”. Các lực lượng đặc công đã và đang từng bước được “chuyên nghiệp hóa”. Trước mắt, tập trung cho lực lượng Đặc công Chống khủng bố, Đặc công Người nhái, Đặc công Biệt động, Đặc công Dù và một phần Đặc công Bộ.

PV: Công tác ở binh chủng có bề dày truyền thống, chiến công hiển hách, nhìn lại nửa thế kỷ vinh quang, đồng chí có cảm xúc và suy nghĩ như thế nào?

Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình: Trước hết khẳng định rằng, bản thân tôi rất vinh dự, tự hào được học tập, rèn luyện, chiến đấu, trưởng thành trong một binh chủng đặc biệt tinh nhuệ của Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ khi rời ghế nhà trường, nhập ngũ, trở thành một chiến sĩ đặc công, đến nay, trên cương vị là Tư lệnh Đặc công, cá nhân tôi đã trải qua tất cả các cương vị theo ngành dọc chỉ huy trong binh chủng. Vì thế, tôi cũng là một trong những người hiểu biết sâu sắc, có trách nhiệm đóng góp công sức, trí tuệ vào quá trình tổ chức, xây dựng lực lượng, phát triển cách đánh, nghệ thuật tác chiến đặc công.

Nhìn lại chặng đường 50 năm xây dựng, chiến đấu và phát triển của binh chủng với nhiều chiến công hiển hách, nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc mà các thế hệ cha anh đi trước lập được, chúng tôi-thế hệ cán bộ, chiến sĩ đặc công hôm nay rất tự hào và nguyện sẽ kế tục đặc biệt xuất sắc; giữ vững, kế thừa và phát huy thật tốt để truyền thống vẻ vang của Binh chủng Đặc công hai lần anh hùng ngày càng tỏa sáng. Luôn xứng danh với 16 chữ vàng truyền thống: “Đặc biệt tinh nhuệ-Anh dũng tuyệt vời-Mưu trí táo bạo-Đánh hiểm thắng lớn”!

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

HOÀNG TRẦN - HÀ HƯƠNG (thực hiện)