Tháng 7-1965, mới 21 tuổi, cô nữ sinh trường luật Nancy Hollander cùng phái đoàn phụ nữ Hoa Kỳ tham gia cuộc gặp mặt với phụ nữ hai miền Nam-Bắc Việt Nam được tổ chức tại Jakarta (Indonesia). Bà nhớ lại: “Tôi đã đến cuộc gặp mặt với tâm lý e dè bởi chưa biết phụ nữ ở đất nước có chiến tranh, lại do Chính phủ Mỹ gây ra như thế nào, họ sẽ đối xử với mình ra sao? Nhưng kể từ sau chuyến đi ấy, tôi đã hoàn toàn thay đổi về nhận thức và hành động”.

leftcenterrightdel

Bức ảnh bà Nancy Hollander (bên trái) và bà Nguyễn Thị Bình tại Indonesia-một trong những hiện vật được bà trao tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, năm 2019. Ảnh do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cung cấp

 

Cuộc gặp là sự kiện ngoại giao nhân dân đầu tiên thông qua nước thứ ba giữa Tổ chức Phụ nữ đấu tranh vì hòa bình (WSP) với phái đoàn phụ nữ hai miền Nam-Bắc Việt Nam. Bà Nancy kể rằng, tại cuộc gặp, khi được nghe những câu chuyện xúc động của phụ nữ Việt Nam về bạn bè, người thân hay chính cuộc đời họ; những nỗi đau của sự chia cắt, sinh ly tử biệt, sự tàn phá khốc liệt của chiến tranh... đã khiến bà hiểu thêm về cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Trong tuyên bố chung sau quá trình làm việc, các bên đều đồng ý rằng, Mỹ đã vi phạm Hiệp định Geneva. Cùng với những văn bản và nguồn tài liệu được cung cấp bởi phái đoàn phụ nữ Việt Nam, phụ nữ Mỹ đã có thêm luận cứ để cùng đấu tranh vì hòa bình, tự do và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Trở về Mỹ, bà Nancy thấy có thêm động lực để tham gia vào phong trào phản đối chiến tranh. Bà trở thành thành viên tích cực trong nhiều chiến dịch hoạt động của WSP, ủng hộ hòa bình ở Việt Nam cho đến ngày thống nhất năm 1975.

Trong câu chuyện, bà Nancy Hollander nhắc đến bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, với sự kính phục đặc biệt. Nữ luật sư kể: “Tôi vẫn nhớ lúc đó bà Bình nói hai miền Nam-Bắc là một, nhưng không thể thống nhất tại Việt Nam do chiến tranh. Cuộc chiến tranh do Mỹ tiến hành ở Việt Nam là phi nghĩa. Chúng tôi đã dần tìm được sự đồng cảm và trao cho nhau những cái ôm nồng thắm, hẹn sẽ gặp nhau khi hòa bình lập lại ở Việt Nam”. Họ đã có cuộc gặp thân tình vào năm 1998, lần đầu tiên bà Nancy Hollander có chuyến thăm chính thức đến đất nước mà bà rất yêu mến và năm 2019, khi bà trở lại thăm Việt Nam lần thứ hai.

leftcenterrightdel

 Bà Nancy Hollander (giữa) trao hiện vật tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, tháng 1-2023. Ảnh: KHÁNH AN 

Đặc biệt, sau cuộc gặp mặt với phụ nữ hai miền Nam-Bắc Việt Nam tại Jakarta năm 1965, bà Nancy đã lưu giữ tất cả tài liệu, hiện vật liên quan đến cuộc gặp. Những hiện vật này tiếp tục dày lên bởi những hoạt động liên lạc, trao đổi thư từ giữa phụ nữ hai nước. Bà kể rằng, dù chuyển nhà nhiều lần nhưng bà luôn mang theo những hiện vật này bên mình và mong muốn một ngày nào đó sẽ đem chúng quay trở lại Việt Nam. Vào năm 2019, bà đã trao 450 tài liệu, hiện vật tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Lần thứ ba trở lại Việt Nam, tham dự sự kiện “Khát vọng hòa bình”, bà Nancy Hollander khẳng định: “Là một luật sư, cả cuộc đời tôi đã đấu tranh vì công lý và hạnh phúc cho những người yếu thế. Tôi cũng vô cùng hạnh phúc vì đã góp một phần công sức bé nhỏ cho tự do, hòa bình ở Việt Nam-đất nước mà tôi yêu mến, trân trọng”.

LÊ THỊ THẢO