Sinh năm 1947, khi vừa tròn 18 tuổi, chàng trai xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Đông (nay là TP Hà Nội) Nguyễn Trí Huân cất đi tấm bằng tốt nghiệp cấp 3 rồi hăng hái lên đường nhập ngũ và trở thành cây viết của Quân chủng Phòng không-Không quân. Năm 1971, anh được cử tham gia học lớp viết văn tại Hà Nội. Giảng viên của khóa học 6 tháng này là những nhà văn, nhà báo từ chiến trường ra, như: Thu Bồn, Nguyễn Văn Bổng, Phan Tứ... Lớp do nhà văn Nguyên Hồng phụ trách.

Khi kết thúc lớp học, ngoài các học viên Quân đội, nhiều học viên của lớp sung vào Quân đội và được cử đi B (chiến trường miền Nam). Nguyễn Trí Huân cùng Phạm Minh Lợi được cử vào Khu 5, còn Triệu Bôn đi sâu hơn, tới tận B2 (miền Đông Nam Bộ). Từ Trạm giao liên Cự Nẫm (Quảng Bình), nhóm nhà văn xuống xe đi bộ theo đường Trường Sơn. Nhà văn trẻ Nguyễn Trí Huân vào tới Quảng Nam thì được đón về Quân khu bộ khi đó đóng ở miền Tây Quảng Nam. Những tưởng vào tới chiến trường rồi là sẽ được ra trận, ai dè lại được phổ biến: “Lên trại tăng gia của Quân khu ở Kon Tum để sản xuất cái ăn trước đã”. Đang hừng hực khí thế mà được thông báo như vậy nên Nguyễn Trí Huân thấy hơi hẫng. Nhất là khi vào tới Quân khu bộ, mọi người ùa ra chào đón và chờ quà Tết từ ngoài Bắc vào, nhưng dọc đường hành quân, trong ba lô có bao nhiêu thuốc lá, bánh kẹo, anh đã chia cho bộ đội hết. Nhà văn Nguyễn Trí Huân giọng hơi nghèn nghẹn nói: “Tôi cứ ân hận mãi. Tết năm ấy vẫn là khoai sắn thôi”.

Sau Tết Nhâm Tý 1972, nhóm văn nghệ sĩ Khu 5 được lệnh rời trại tăng gia để về đơn vị chuẩn bị đi chiến dịch. Nguyễn Trí Huân khi ấy 25 tuổi, hăng hái đi với Sư đoàn 3-Sao Vàng. Thế là suốt nhiều chiến dịch, Nguyễn Trí Huân gắn bó với Sư đoàn 3 như người của chính đơn vị vậy. Ngược lại, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn cũng coi Nguyễn Trí Huân là người của đơn vị mình. Anh không chỉ đi theo để viết bài mà còn trực tiếp tham gia chiến đấu như một người lính chiến thực thụ và đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba ngay tại mặt trận.

Cuối năm 1972, các cây viết đi theo đơn vị chiến đấu được gọi về tập trung ở một trại tăng gia của bộ đội ta ở Bình Định để phổ biến nhiệm vụ viết bài phản ánh tinh thần chiến sĩ ta và chuẩn bị cho số báo Tết của Tạp chí Văn nghệ Quân Giải phóng Trung Trung Bộ. Nhà văn Nguyễn Trí Huân kể: “Năm đó, chúng ta vừa giải phóng 3 huyện phía Bắc Bình Định. Đồng thời ở các đơn vị đẩy mạnh hoạt động mở rộng vùng giải phóng trước khi Hiệp định Paris được ký kết. Chúng tôi về đây được 3 ngày, viết tổng kết đợt đi chiến dịch rồi trở lại chiến trường ngay”.

leftcenterrightdel
 Nhà văn Nguyễn Trí Huân. 

Nhà văn Nguyễn Trí Huân lại về với Sư đoàn 3, đi theo Tiểu đoàn 6 của Trung đoàn 12. Đây là quãng thời gian ta và địch giao tranh ác liệt. Bên nào cũng muốn giành được nhiều đất, nhiều dân. Tháng Chạp mưa lạnh nhưng không khí chiến đấu lại nóng hừng hực. Một hôm, khi đang trong hào chiến đấu của Tiểu đoàn 6 thì Nguyễn Trí Huân nhận được điện thoại của Sở chỉ huy tiền phương Quân khu 5: “Huân về Quân khu gấp. Có nhiệm vụ mới”. Thế là lại ngược lên Sở chỉ huy tiền phương. Tới nơi thì nghe tin Hiệp định Paris đã được ký tắt và sẽ sớm được ký chính thức. Trong tâm trạng vui mừng, nhà văn trẻ đã mường tượng ra nhiệm vụ mới nên phấn khởi lắm. Mọi khi từ Sở chỉ huy tiền phương phải đi hơn chục ngày mới tới Quân khu bộ, nhưng lần này “dọc đường thấy bộ đội đi cuồn cuộn nên mình đi miết mà không thấy mệt”. Sau 6 ngày đi liên tục thì Nguyễn Trí Huân về tới Cục Chính trị Quân khu. Chưa kịp nghỉ ngơi thì được lệnh khẩn trương vào trại tăng gia của Quân khu gùi gạo nếp cùng thịt, rau và các nhu yếu phẩm tăng gia được để đón Tết...

Vẹn nguyên cảm xúc háo hức như 50 năm trước, nhà văn Nguyễn Trí Huân kể rằng, mọi người như được tiếp thêm động lực nên gùi hàng đi cũng nhanh mà về cũng rất nhanh, người nào vào việc nấy. Ai cũng hối hả vì chỉ lo Mồng Một Tết chưa có mâm cỗ thắp hương. Cuối cùng mọi thứ đã hoàn tất. Dù ai cũng thấm mệt nhưng nhìn mâm cơm ngày đầu năm mới đầy đặn lại thấy khỏe hẳn ra. Anh em văn nghệ sĩ của Quân khu kịp về đông đủ, có Nguyễn Bảo, Vũ Thị Hồng, Thái Bá Lợi, Ngân Vịnh, Nguyễn Hồng, rồi cả Lương Tử Miên, Vũ Phong Tạo và họa sĩ Hoàng Sơn nữa. Nhà văn Nguyễn Chí Trung cũng đã về kịp để chủ trì lễ đón năm mới và chúc Tết mọi người. Nhà văn Nguyễn Trí Huân cười vui: “Mồng Một Tết Quý Sửu lại chính là ngày 3-2-1973, Đảng ta bước vào tuổi 43 đầy sung mãn. Và dĩ nhiên còn có cả Tạp chí Văn nghệ Quân Giải phóng Trung Trung Bộ còn tươi màu mực. Đó là một cái Tết của chiến thắng và anh em có mặt đầy đủ, vui lại càng vui!”.

Bài và ảnh: MIÊN ĐÔNG