“Cuộc đời quân ngũ có rất nhiều kỷ niệm vui buồn, nhưng kỷ niệm mà tôi nhớ nhất là chuyện về một bà má đã cứu sống 4 anh em chúng tôi trong một lần hành quân dọc biên giới về miền Tây Nam Bộ”. Cựu chiến binh Đinh Minh Mạnh, 82 tuổi, ở tiểu khu Đồng Tân, thị trấn Đồng Lê, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, nguyên Đại đội phó Đại đội 16, Trung đoàn 1, Sư đoàn 1 (Đoàn Phước Long), bắt đầu câu chuyện với tôi như vậy.

“... 7 giờ tối 30-9-1969, đơn vị tôi hành quân về vùng Bảy Núi, xuất phát từ Rôm, tỉnh Ta Keo (còn gọi là Tà Keo, Campuchia), cách kênh Vĩnh Tế (An Giang) khoảng 5km. Vĩnh Tế là con kênh đào làm ranh giới giữa hai nước Việt Nam và Campuchia.

Đêm cuối tháng, trời tối như bưng, người sau bám người trước đi trong im lặng. Tới kênh Vĩnh Tế, mỗi người làm một cái khung bằng cây sậy để làm thuyền vượt kênh. Đường từ kênh Vĩnh Tế vào vùng Bảy Núi khoảng 10km, nếu đi bình thường theo đường dọc kênh thì khoảng 2,5 giờ đồng hồ là tới nơi. Nhưng vì sợ lộ nên cả đơn vị cứ theo góc phương vị mà đi giữa đồng. Ruộng ở đây nước sâu, chỗ nông nhất cũng quá đầu gối nên vừa đi vừa lội, vừa bơi rất vất vả. Tôi là đại đội phó, đi sau cùng. Đến gần sáng, nhóm đi cuối của chúng tôi vì phải vác 3 quả đạn cối 120mm khá nặng nên vẫn còn ở giữa đồng. Lúc này tôi chỉ đạo 3 đồng chí mang 3 quả đạn đi giấu, rồi tất cả lên ruộng khô hành quân tiếp. Ở đây vào mùa khô, dân gặt lúa xong là họ xếp rơm lại thành từng cột để giữa đồng, có khi thóc cũng để tại đồng luôn. Đồng ruộng rộng mênh mông, các cột rơm nhiều vô kể. Trời đã sáng, 4 anh em chúng tôi không thể đi tiếp, đành chui vào các cột rơm, 2 người một cột, ở gần để cảnh giới cho nhau. 4 người chỉ có 4 quả lựu đạn, tôi có thêm khẩu K54 và một quả lựu đạn mỏ vịt, sẵn sàng chiến đấu với địch nếu chúng phát hiện.

Khoảng 7 giờ, chúng tôi ngồi trong cột rơm nghe tiếng tụi trẻ lùa bò ra đồng, nhưng không hiểu sao một lúc chúng lại lùa về. Khoảng 30 phút sau, nghe tiếng trực thăng phành phạch trên đầu, sau đó lính của đại đội bảo an gần đó ra lùng sục, chúng nghi ngờ chỗ nào là bắn vào chỗ đó... mãi cho đến 11 giờ mới lặng yên. Đến 12 giờ thì nghe có tiếng xe bò cót két mỗi lúc một gần. Rồi có người đến cột rơm tôi đang nấp, giật rơm để cho lên xe bò. Chúng tôi nín thở, sẵn sàng chiến đấu. Một lúc sau thì cả người tôi lộ ra, tôi nhìn thấy một bà má mặc quần áo đen và một cháu nhỏ. Tôi hoảng hốt nói: “Chúng con là Quân Giải phóng vào đây đánh Mỹ-ngụy để giải phóng miền Nam chứ không làm gì hại dân, má hãy che chở chúng con! Đội ơn má!”.

leftcenterrightdel
Cựu chiến binh Đinh Minh Mạnh ôn lại kỷ niệm xưa.

Má không nói gì, vội vơ rơm nơi khác lấp vào chỗ chúng tôi ngồi và đi ra cột khác lấy rơm đưa lên xe bò chở về. Má về rồi, trong lòng tôi rất lo lắng, nhưng do mệt quá nên tôi ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Tỉnh dậy thì đã 4 giờ chiều, không thấy có động tĩnh gì, tôi yên tâm ngủ tiếp để lấy sức đêm hành quân tiếp. Đến sẩm tối, tôi tỉnh lại, nghe có người đi đến mỗi lúc một gần, rồi giọng của phụ nữ: “Tụi bây đâu rồi?”. Tôi đoán bà má lúc sáng và khẽ nói: “Dạ, chúng con đây!”. Má lại gần đưa cho tôi một vắt cơm to và nói: “Các con cứ ở đó, chút nữa du kích tới dẫn đường cho các con đi!”. Rồi má ra về. Bấy giờ, lòng chúng tôi tràn ngập niềm vui vì biết chắc chắn đã gặp được cơ sở cách mạng.

Trời tối dần, cả 4 anh em chúng tôi chia cơm ra ăn thì cũng vừa lúc có tiếng chân người đi tới cùng với tiếng huýt sáo. Tôi nằm xuống quan sát thì thấy có người mang quần áo rằn ri, súng AR-15, mũ phớt đi tới không khác gì lính ngụy, nhưng được má dặn, biết là du kích nên tôi huýt sáo lại thì nghe có tiếng nói: “Các anh đâu cả rồi, ra khẩn trương để đi!”. Vậy là đồng chí du kích đến dẫn đường đưa chúng tôi vào tập kết ở núi Dài thuộc vùng Bảy Núi an toàn trong đêm đó...

Đến bây giờ, tôi cũng không biết tên má. Năm 1972, gặp lại du kích ở vùng Tịnh Biên (An Giang), tôi có hỏi thì các anh cho biết, cơ sở cách mạng vùng này năm 1971 bị lộ và bị địch bắt, người thì bị giết, người thì bị tù đày... Trong lòng tôi rất đau xót, nhưng thâm tâm khôn nguôi hy vọng má vẫn còn sống cho đến ngày toàn thắng...”.

Bài và ảnh: HỒ DUY THIỆN