Tôi sinh ngày 23-9-1953, tại thôn Yến Vỹ, xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, trong gia đình có 5 anh em trai. 19 tuổi, tôi xung phong nhập ngũ và được biên chế, huấn luyện ở Đại đội 3, Tiểu đoàn 770, Trung đoàn 15, Quân khu 4. Đinh ninh huấn luyện xong sẽ được đi chiến đấu ngay, nhưng mãi đến tháng 3-1974, tôi mới được “đi B” và bổ sung vào Đại đội 3, Tiểu đoàn 303, Trung đoàn U Minh đang làm nhiệm vụ ở chiến trường Tây Nam Bộ.

Trung đoàn U Minh bấy giờ gồm 3 tiểu đoàn, hoạt động chủ yếu ở địa bàn các huyện: Long Mỹ, Phụng Hiệp, Kế Sách của tỉnh Cần Thơ (nay là TP Cần Thơ). Vừa về đơn vị, tôi được chứng kiến khí thế chiến đấu, lập công của các tiểu đoàn bạn trong hai ngày liên tiếp. Ngày 16-5-1974, Tiểu đoàn 307 nổ súng tiêu diệt gọn đồn Cái Sơn. Sáng hôm sau (ngày 17-5-1974), Tiểu đoàn 309 cũng lập công diệt đồn Lái Thiêu do một đại đội bảo an thuộc Tiểu đoàn Bảo an 407 ngụy đóng giữ. Vì thế, tôi rất nóng lòng được tham gia chiến đấu. Rồi tôi được đại đội giao nhiệm vụ tham gia mũi tiến công chủ yếu trong trận đánh đồn Cái Cao thuộc huyện Kế Sách. Thế nhưng rất không may, tôi bị thương ngay trận chiến đấu đầu tiên và được bộ phận cáng thương chuyển về bệnh xá của trung đoàn đang đóng tại huyện Kế Sách. Hơn một tháng điều trị vết thương ở bệnh xá, thấy sức khỏe đã hồi phục tốt, tôi xin được trở lại đơn vị đang đóng quân ở Khu 8, Trà Vinh.

leftcenterrightdel
 Cựu chiến binh Tống Minh Chương (ngoài cùng, bên phải, hàng thứ nhất) trong một lần gặp mặt bạn đồng ngũ. Ảnh: TUẤN TÚ

Sau này, tôi được đồng đội cho biết, tôi là một trong những người đầu tiên của xã Hà Long nhập ngũ tháng 12-1972, bị thương. Nhưng tôi may mắn hơn nhiều anh em khác là còn đủ sức khỏe và được trở lại đội hình chiến đấu cùng đồng đội trong các trận đánh tiếp theo. Nhớ nhất là trận tiến công đồn Nhà Thờ lúc 0 giờ 15 phút ngày 15-9-1974. Tôi biên chế ở trung đội trinh sát lên bổ sung cho đội hình chiến đấu ở mũi thứ yếu. Chưa đầy 20 phút sau pháo lệnh tấn công, ta chiếm toàn bộ đồn địch, bắt sống nhiều sĩ quan ngụy, trong đó có cả tên đồn trưởng. Hay trận đánh đêm mồng 9, rạng sáng 10-1-1975, Tiểu đoàn 303 tiêu diệt Phân chi khu Long Toàn, gồm 4 đồn nhỏ bố trí liên hoàn. Đại đội 3 của tôi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đánh mở cửa trước 3 phút so với kế hoạch, sau đó phối hợp với Đại đội 2 là đơn vị đầu tiên làm chủ đồn tiền duyên của địch, tạo điều kiện để các mũi tiến công thuận lợi. Sau những trận đánh như thế, tôi hoàn toàn thoát khỏi nỗi ám ảnh của lần bị thương trước, tự tin cùng đồng đội xung phong chiến đấu...

leftcenterrightdel

Tác giả, cựu chiến binh Tống Minh Chương. Ảnh: TUẤN TÚ 

Năm 1978, tôi được xuất ngũ và đi học tại Trường Trung cấp Đường sắt của Bộ Giao thông vận tải, ngành lao động tiền lương. Ngày 1-1-1993, khi đang là Trưởng phòng Lao động tiền lương của Xí nghiệp đá Chúc Mai, Liên hiệp Giao thông 1, Bộ Giao thông vận tải, tôi được nghỉ hưu theo chế độ. Vợ chồng tôi hiện nay đều là công chức nghỉ hưu, sinh sống tại quê nhà, con cái cũng trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định. Do di chứng vết thương chiến tranh cũng như ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin dẫn tới sức khỏe giảm sút, tôi ít có điều kiện tham gia các hoạt động tại địa phương, nhưng vẫn luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của đồng chí, đồng đội. Những tình cảm ấy thật trân quý, khiến tôi nhớ mãi.

TỐNG MINH CHƯƠNG