Tháng 9-1973 nhập ngũ thì tháng 4-1974 chúng tôi có quyết định đi B, tăng cường cho chiến trường Tây Nam Bộ. Xuất phát bằng tàu hỏa từ ga Thường Tín, đến Vinh thì chúng tôi hành quân bộ vượt đường Trường Sơn để vào Nam. Tới nơi, khó khăn đầu tiên với lính Hà Nội là phải học bơi xuồng, bởi nếu không thành thạo việc bơi xuồng thì chả làm được gì hết giữa mênh mông sông nước, ngửa mặt lên là thấy rừng tràm, rừng đước ba bề tứ phía. Sau một tháng làm quen với địa hình bằng việc bơi xuồng vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí trang bị, tôi được biên chế về Trung đoàn 20, Sư đoàn 4, Quân khu 9.

Hoạt động trong vùng địch hậu ở Rạch Giá (nay thuộc tỉnh Kiên Giang), trung đoàn chúng tôi nhiều phen làm cho địch “kinh hồn bạt vía”. Từ đó đến trung tuần tháng 4-1975, chúng tôi được lệnh rút về hậu cứ nhận nhiệm vụ mới. Về đến nơi, được học tập nghị quyết và lắng nghe truyền đạt chỉ thị của cấp trên, chúng tôi đều hiểu rất rõ, phải nắm lấy thời cơ lịch sử lúc này, chiến thắng đã ở rất gần.

leftcenterrightdel

Cựu chiến binh Nguyễn Công Bình (hàng đầu, thứ tư, từ phải sang) trong ngày gặp mặt đồng đội, tháng 9-2018.Ảnh do nhân vật cung cấp

Khi ấy, chúng tôi được giao nhiệm vụ thọc sâu đánh chiếm sân bay Trà Nóc, Cần Thơ-căn cứ của sư đoàn không quân số 4 ngụy. Đêm 24-4, chúng tôi được lệnh xuất phát. Càng vào sâu căn cứ, đồn, bốt địch càng dày đặc. Hành quân chủ yếu là lội ruộng, cắt hướng mà đi, đánh thẳng vào các mục tiêu chính. Pháo sáng từ các đồn, bốt địch và đèn pha công suất lớn từ máy bay trực thăng vũ trang của chúng soi rọi, lùng sục, bắn phá suốt đêm. Ban ngày, máy bay trinh sát L-19 quần thảo liên tục, chỉ điểm cho pháo địch bắn vào đội hình ta. Mặc, chúng tôi vẫn hành quân theo phương hướng đã định.

Rạng sáng 29-4 thì đến lộ Vòng Cung-con lộ “khét tiếng”, rào cản lớn nhất để tiến vào Cần Thơ, chúng tôi triển khai ngay đội hình chiến đấu. Trận đánh diễn ra hết sức ác liệt, trên là máy bay địch quần thảo phóng rốc-két, đại liên xuống, dưới thì pháo binh địch thi nhau nã pháo khoan, pháo chụp, M72... vào trận địa ta. Từ các công sự, chúng tôi chiến đấu, đánh bật nhiều đợt phản kích của địch. Đeo hai giá đạn B41 với 8 quả đạn đằng trước, sau lưng, thêm một quả trên tay, tôi vác khẩu B41 bình tĩnh điểm xạ. Nhớ lời dặn của Trung đội trưởng Hải: Bắn B41 luôn phải chú ý giữ an toàn tính mạng cho mình và đồng đội, cứ mỗi lần bắn, tôi lại nhảy 3 bước để tránh bị lộ mục tiêu. Mặt đất bom đạn cày xới, cây cối bị phạt gãy trơ gốc, đổ ngổn ngang, mùi thuốc súng nồng nặc. Bắn đến quả thứ ba thì chợt một tiếng kêu khiến tôi giật thót: “Bình ơi, tớ bị mất mắt rồi!”…

Tôi chết điếng, quay lại! Là Phát, cậu bạn đồng hương nhà ở phố Hàng Bồ, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Máu chảy xối xả, Phát ôm mặt lăn lộn. Thì ra công sự của Phát cách chỗ tôi không đầy 5m, sau khi tôi bắn xong bị lộ mục tiêu nên trúng ngay quả đạn M72 địch câu vào. Sau một phút định thần, tôi chạy lại chỗ Phát, quân y đơn vị cũng kịp thời tới nơi băng bó và đưa Phát về phía sau. Quả đạn ấy đã lấy đi một mắt của Phát. Nhưng thật may sau này, với một mắt còn lại, anh vẫn đảm trách tốt nhiệm vụ của một người kiểm sát viên thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội.

Để trả thù cho bạn, tôi và đồng đội càng hăng hái tiến công, đánh bại nhiều đợt phản kích của địch. Đến sẩm tối thì chúng rút chạy. Chúng tôi lên khỏi hầm, tranh thủ chuẩn bị bữa tối, xốc lại đội hình chiến đấu rồi tiến về mục tiêu đã định: Sân bay Trà Nóc.

Trưa 30-4, chúng tôi đã chiếm lĩnh được sân bay. Vượt qua hàng chục lớp rào thép gai vừa bị phá, chúng tôi đã chứng kiến sự hoảng loạn của quân địch khi khắp nơi là các loại máy bay, xe cộ, súng đạn, quần áo, mũ phi công… vứt loạn xạ. Hơn 300 tên lính ngụy ở sân bay đã ra hàng Quân Giải phóng. Đêm 30-4, cả đơn vị không ai ngủ. Trong niềm vui chiến thắng, chúng tôi không thể giấu được niềm thương xót những đồng đội đã hy sinh ngay trước giờ đất nước ca khúc khải hoàn.

KHÁNH AN