Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, làm phóng viên Báo Quân đội nhân dân, sau chuyển sang công tác tại Tạp chí Văn nghệ quân đội cho đến khi về hưu và mất tại TP Hồ Chí Minh ngày 4-1-1990. Nhà thơ Xuân Miễn là tác giả của các tập thơ: Rung động (1938), Lửa binh (1946), Khói lửa phương Nam (1948), Gói đất miền Nam (1960), Chặng đường hành quân (1971), Một tiếng Xamakhi (in chung với Duy Khán, Phạm Ngọc Cảnh, 1981), An Phú Đông (1982) và nhiều tập văn khác.
Nói đến Xuân Miễn, bạn đọc nhớ tới những bài thơ về miền đất phương Nam, về Nam Bộ, nơi ông đã gắn bó cả một thời trai trẻ, đặc biệt là bài Nhớ miền Đông viết tại Sóc Mây Tầu ngày 21-10-1952 với lời đề “Thân tặng chiến sĩ miền Đông Nam Bộ”. Bài thơ là tình cảm da diết và đằm thắm của tác giả đối với mảnh đất “miền Đông gian lao và anh dũng”; đồng thời là bức tranh sinh động về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở vùng đất Nam Bộ thành đồng-nơi mà bộ đội ta “có lúc tương tư một tán đường”, lại có khi phải “mẩu thuốc tàn chia, bập mấy người”. Bài thơ có những câu làm ta nhớ mãi:
Chưa chi mà đã nhớ miền Đông
Cứ muốn ôm ghì lấy núi sông
Ôi tiếng chim Hoàng kêu buổi sáng
Nỉ non trong lá vượn ru con
Ta sắp xa rồi, ta sắp xa
Những chiều rừng thẳm gió bao la
Bập bùng ngọn lửa trong lều nhỏ
Vang tiếng bầy voi giữa rú già ..
Nhưng Xuân Miễn không chỉ có Nhớ miền Đông mà ông còn được bạn đọc miền Bắc biết đến như là một người con của miền Nam thực sự với bài thơ Gói đất miền Nam. Bài thơ đó, tôi thuộc lòng nhiều đoạn từ khi học ở trường làng và đến nay còn nhớ. Lúc bấy giờ, hai miền Nam Bắc còn bị chia cách, nhân dân miền Bắc hân hoan sống trong hòa bình xây dựng, còn miền Nam thì trong lửa khói chiến tranh và sự đàn áp của chế độ Mỹ và tay sai. Theo Hiệp định Geneva, nhiều cán bộ, chiến sĩ phải tạm xa quê hương, gia đình ra Bắc tập kết. Anh chiến sĩ vào Nam chiến đấu Xuân Miễn năm nào cũng có mặt trong đoàn quân tập kết ấy. Bài thơ Gói đất miền Nam được viết tháng 10-1954 tại Cao Lãnh như thể là một câu chuyện chân thực kể về cuộc hành trình ra Bắc ấy. Hôm anh bộ đội chia tay mẹ, tạm biệt quê hương miền Nam, mẹ tiễn anh ra tận bến tàu và gửi anh một gói quà dâng Bác Hồ kính yêu:
Tiễn con ra tận bến tàu
Đưa con một gói đất nâu
Vịn vai mẹ dặn:
Con về Thủ đô
Đem dâng Cụ Hồ
Gói đất miền Nam
Và cùng món quà là những lời dặn dò của người mẹ, cũng là những lời thưa của đồng bào, chiến sĩ miền Nam với Bác. Thưa rằng:
Thưa dù núi cách, sông ngăn
Đồng bào Nam Bộ vẫn gần bên Cha
Tình yêu thắm thiết đậm đà
Nam là của Bắc, Bắc là của Nam
Chín năm gian khổ
Giữ vững đất đai
Con dâng lên Cụ đất này
Sẫm dòng máu đỏ những ngày đau thương
Đồng thời cũng thưa với Bác, đây là nắm đất của miền Nam ruột thịt, đất của tổ tiên Lạc Hồng để lại, đồng bào quê hương thành đồng quyết giữ cho bằng được, Bác hãy tin như thế:
Đất này đất của quê hương
Cùng chung máu thịt giang sơn Lạc Hồng
Xin dâng Cụ cả tấm lòng
Cụ tin ở bức thành đồng miền Nam
(Rút trong tập Thơ Việt Nam 1945-1975, Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội-1976, tr. 237)
Bài thơ đã thể hiện một tấm lòng, một ý chí, một nguyện vọng và một quyết tâm của đồng bào, đồng chí miền Nam là thống nhất đất nước, là Nam Bắc một nhà. Bài thơ cũng đồng thời nói lên tình cảm và biểu lộ niềm tin với Đảng, với Bác Hồ: Xin dâng Cụ cả tấm lòng / Cụ tin ở bức thành đồng miền Nam!
Lời thưa của đồng bào và chiến sĩ nơi thành đồng Tổ quốc cũng là lời hứa sắt son, lòng tin theo cách mạng, theo Đảng và Bác Hồ vì Bác là Cha già của toàn dân tộc, là biểu tượng của nước Việt Nam hòa bình, thống nhất. Người từng nói: “Miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim tôi”... Và vườn nhà Bác vẫn luôn tỏa bóng dừa, bóng vú sữa bên hồ nước ngay trước cửa nhà. Bác bảo, Bác trồng những cây ấy cho đỡ nhớ miền Nam! Cho đến ngày sắp đi xa, Bác vẫn theo dõi từng giờ, từng phút cuộc chiến đấu của đồng bào miền Nam...
|
|
"Nắm đất miền Nam" - tượng của nhà điêu khắc Phạm Xuân Thi. Ảnh tư liệu |
Bài thơ Gói đất miền Nam nhiều năm đã được đưa vào các tuyển thơ, vào sách giáo khoa. Và hình ảnh “Gói đất miền Nam” trong bài thơ của Xuân Miễn sau này đã trở thành “cái tứ”, thành nguồn cảm hứng sáng tạo cho nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh, nghệ sĩ tạo hình làm nên những tác phẩm “còn mãi với thời gian”.
Nhà điêu khắc Hà Nội Phạm Xuân Thi (1917-1998) đã phản ánh trong một tác phẩm mỹ thuật bức tượng “Nắm đất miền Nam” sống mãi với thời gian. Với lối tạo hình độc đáo và sâu sắc, nhà điêu khắc đã miêu tả một bà má miền Nam thật thà, chất phác, giàu lòng yêu nước thiết tha và tình cảm sâu nặng dành cho cách mạng và Bác Hồ khi tiễn đưa người con ra miền Bắc tập kết và gửi con món quà là một nắm đất miền Nam. Năm 1957, tại triển lãm mỹ thuật được tổ chức tại Khu triển lãm Vân Hồ, Hà Nội, cùng với một số tượng khác, bức tượng “Nắm đất miền Nam” được tặng giải nhất về điêu khắc. Bức tượng được sao thành nhiều phiên bản và đang trưng bày tại một số bảo tàng như: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam và Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bến cảng Nhà Rồng.
Nhà thơ Xuân Miễn đã đi xa, nhưng nhắc tới đội ngũ những nhà báo, nhà văn-chiến sĩ, nói về “văn học miền Nam trong lòng miền Bắc” những năm của thập niên 1960 chưa xa, và nói về lịch sử 70 năm Báo Quân đội nhân dân (1950-2020), lịch sử Tạp chí Văn nghệ quân đội không thể không nhắc tới ông với những bài thơ một thời đã làm lay động nhiều trái tim người đọc.
HOÀNG THỤY LÂM