QĐND - Trước khi mất, Trung tướng Lê Quang Đạo, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đã trao tặng cho Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam một số kỷ vật đã gắn bó thân thiết trong cuộc đời hoạt động cách mạng và binh nghiệp của ông. Một trong số đó là chiếc điện thoại CZ-2A. Kỷ vật này ông đã từng sử dụng khi là Chính ủy Chiến dịch Đường 9-Nam Lào...
Theo nhà văn Nguyệt Tú, phu nhân của Trung tướng Lê Quang Đạo thì từ cuối tháng 12-1970 ông đã nhận lệnh vào chiến trường với cương vị là Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Chiến dịch Đường 9-Nam Lào. Ông chỉ kịp chia tay vợ vì các con đang đi sơ tán ở xa. Đường hành quân khá vất vả vì xấu và máy bay Mỹ bắn phá ác liệt. Tại Sở chỉ huy chiến dịch, Bộ tư lệnh thông tin lắp đặt cho Chính ủy chiến dịch chiếc điện thoại CZ-2A để ông giữ liên lạc với Tổng hành dinh và nắm tình hình, chỉ đạo các sư đoàn trực thuộc và cơ quan, đơn vị liên quan.
 |
Chính ủy Lê Quang Đạo đang liên lạc bằng điện thoại CZ-2A. Ảnh tư liệu |
Trong thời gian tham gia chiến dịch, Chính ủy Lê Quang Đạo và anh em đã túc trực ngày đêm bên chiếc điện thoại. Tình hình ngày một khẩn trương. Điện tới tấp gọi đi, gọi về. Hàng trăm, hàng nghìn các tin tức, báo cáo, chỉ thị, điện của Chính ủy chiến dịch thông qua CZ-2A đã về Bộ và tới các đơn vị, tới bộ đội đang giáp mặt với quân thù. Trong cuốn “Người lữ hành lặng lẽ” nhà văn Hữu Mai viết: “Chỉ cần chậm một chút, địch kịp rút chạy, là lỡ thời cơ. Đã suốt một tháng, hai cơ quan tham mưu, chính trị hầu như thức trắng đêm. Tấn (Lê Trọng Tấn) và Đạo chỉ nằm nghỉ tại chỗ. Khi có điện khẩn cấp, các thư ký Minh và Khôi đánh thức hai anh. Điện từ các đơn vị, các chiến dịch, các Bộ tư lệnh phối hợp, từ Quân ủy, Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị... Mỗi lần nghe điện xong, Tấn và Đạo đều nhắc các thư ký của mình tranh thủ chợp mắt lấy năm, mười phút”.
Nhiều lúc, bom đạn của địch làm đứt đường dây. Các cán bộ, chiến sĩ thông tin không quản hy sinh, gian khổ kịp thời nối dây, bảo đảm liên lạc thông suốt cho máy của Chính ủy và Bộ Tư lệnh chiến dịch. Lúc sinh thời, ông đã có lần tâm sự: “Chiếc máy điện thoại này đã giúp tôi liên lạc với Bộ Tư lệnh chiến dịch trao đổi tình hình tác chiến, bố trí lực lượng và trao đổi tình hình tư tưởng của bộ đội tại các đơn vị tham gia chiến đấu. Nhiệm vụ của Bộ Tư lệnh ngoài việc chỉ huy tác chiến còn phải giáo dục, động viên chiến sĩ hiểu được trận này có ý nghĩa quyết định về chiến lược. Trận này không những để giữ vững tuyến vận chuyển chiến lược của ta, mà còn tạo điều kiện đánh bại một bước âm mưu “Việt Nam hóa chiến tranh”, đẩy cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước tiến lên mạnh mẽ, giải phóng miền Nam bảo vệ miền Bắc, làm tròn nhiệm vụ quốc tế. Mọi chỉ thị, nghị quyết về công tác Đảng, công tác chính trị kịp thời được truyền đạt tới các đơn vị. Gần 3 tháng, tôi đã nhận và gọi đi hàng nghìn cuộc gọi. Nhiều chuyện vui buồn từ chiếc điện thoại CZ-2A… Có lúc nghe tin chiến sĩ bị hy sinh do máy bay B-52 của Mỹ rải thảm, mình lặng đi... khiến người ở đầu dây bên kia cũng khóc”.
Sau Chiến dịch Đường 9-Nam Lào, cũng với chiếc điện thoại này, Trung tướng Lê Quang Đạo đã tham gia cuộc tiến công chiến lược với cương vị Chính ủy chiến dịch giải phóng Quảng Trị năm 1972. Cuộc chiến ở thành cổ diễn ra rất ác liệt, nhiều thời điểm quân ta gặp khó khăn, tổn thất lớn. Là Chính ủy chiến dịch, ông theo dõi sát sao tình hình chiến sự, các tin tức, báo cáo của các hướng mũi báo về qua chiếc điện thoại và kịp thời chỉ đạo, động viên bộ đội giữ vững tinh thần, chiến đấu kiên cường suốt 81 ngày đêm đỏ lửa.
Từ chiến trường, ông đã mang chiếc điện thoại CZ-2A về Hà Nội và trong nhiều năm vẫn đặt trên bàn làm việc. Mỗi lần sử dụng hoặc ngắm nhìn nó, ký ức một thời hoa lửa ở chiến trường Đường 9, chiến trường Quảng Trị… với biết bao kỷ niệm vui buồn, những chiến công và đồng đội đã ngã xuống vẫn còn in đậm trong ông.
Vĩnh Thăng