Cuộc đối đầu giữa tên lửa SAM-2 (của Việt Nam-ND) và máy bay B-52 của Mỹ được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 tương ứng với 3 đêm Mỹ ném bom đầu tiên (ngày 18, 19 và 20-12). Mỹ sử dụng chiến thuật không thay đổi: Các máy bay nối đuôi nhau trên cùng một tuyến đường bay ở cùng độ cao (một phi công Mỹ miêu tả rằng, những chiếc máy bay giống như đàn kiến ??đi dã ngoại). Trong đêm 18 rạng sáng 19-12, ba chiếc máy bay B-52 bị bắn rơi nhưng chỉ có 1 chiếc bị bắn rơi trong đêm 19, rạng sáng 20-12. Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) tổ chức cuộc họp khẩn cấp với sự tham dự của các chỉ huy tiểu đoàn tên lửa. Cuộc họp đã tìm ra điểm yếu của Mỹ và lập tức các tiểu đoàn tên lửa SAM-2 được triển khai. Quân chủng PK-KQ tin rằng, máy bay Mỹ sẽ đi theo cùng một tuyến đường bay trong đêm thứ ba liên tiếp. Dự đoán trên đã đúng. Ngay trong đợt tấn công đầu tiên, 3 chiếc máy bay B-52 bị bắn rơi. Trước tình hình đó, tướng John Vogt, Tư lệnh lực lượng Không quân 7 của Mỹ đã hủy ngay đợt tấn công thứ hai nhằm tránh tổn thất. Tuy nhiên, trước áp lực của các quan chức SAC (Strategic Air Command-Bộ tư lệnh Không quân Chiến lược Mỹ-ND) cho rằng, máy bay ném bom Mỹ chưa bao giờ hủy nhiệm vụ vì đối phương. Tướng Meyer-Chỉ huy SAC, buộc phải nhượng bộ và ra lệnh tổ chức đợt tấn công tiếp theo. Thêm nhiều chiếc máy bay B-52 bị tiêu diệt. Như vậy, chỉ trong 3 ngày, 6% trong tổng số máy bay tham chiến của Mỹ bị bắn hạ. Nếu tình hình trên tiếp tục được duy trì thì chỉ trong 10 ngày, một nửa số máy bay ném bom chiến lược của Mỹ ở châu Á sẽ bị tiêu diệt...
Giai đoạn 2 của Chiến dịch Linebacker II vẫn nhắm mục tiêu miền Bắc Việt Nam, nhưng với số lượng máy bay tham chiến hạn chế hơn. Nếu trong 3 ngày 18, 19 và 20-12-1972, Mỹ sử dụng lần lượt 90, 87 và 93 lượt chiếc B-52 thì trong các ngày 21, 22, 23 và 24-12 chỉ còn khoảng 30 lượt/ngày. Phiên bản mới nhất của máy bay B-52, được gọi là B-52G, đã bị rút khỏi hoạt động do tải trọng bom thấp hơn và quan trọng hơn là các biện pháp đối phó điện tử (ECM) chưa được hiện đại hóa. Tuy nhiên, Mỹ không khuất phục được ý chí của quân và dân Việt Nam. Liên tiếp những “siêu pháo đài bay” B-52 bị bắn rơi, gây tổn thất nặng nề cho Mỹ.
Trước thất bại nặng nề, vào lúc 24 giờ ngày 24-12, lấy cớ nghỉ lễ Noel, Nixon cho tạm ngừng tập kích để củng cố tinh thần, lực lượng và tìm thủ đoạn đánh phá mới.
Ngày 26-12-1972 bắt đầu giai đoạn 3 và cũng là giai đoạn cuối của Chiến dịch Linebacker II. Trong cuộc không kích ngày 26-12, Mỹ đã huy động rất nhiều lượt máy bay B-52 với quyết tâm giành thắng lợi. SAC ủy nhiệm việc lập kế hoạch tác chiến cho lực lượng Không quân 8. Tất cả máy bay ném bom tập trung cùng một lúc, nhưng theo các tuyến đường bay và độ cao khác nhau hướng về Hà Nội và các khu vực lân cận. Vào thời điểm đó, Việt Nam không còn nhiều tên lửa SAM-2. Tuy nhiên, lực lượng phòng không của Việt Nam đã đánh một trận tiêu diệt lớn, bắn rơi 8 máy bay B-52, riêng Hà Nội Bắn rơi 5 chiếc, có 4 chiếc rơi tại chỗ và 10 máy bay chiến thuật khác. Đây là trận đánh then chốt quyết định bắn rơi nhiều máy bay chiến lược B-52 nhất trong 9 ngày qua. Trận đánh làm suy sụp tinh thần và ý chí của Lầu Năm Góc và giặc lái Mỹ...
19 giờ, giờ Washington, ngày 29-12-1972 (tức 7 giờ, giờ Hà Nội, ngày 30-12-1972), Tổng thống Nixon buộc phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và họp lại Hội nghị Paris về Việt Nam. Cuộc tập kích chiến lược quy mô lớn bằng máy bay B-52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh miền Bắc kéo dài 12 ngày đêm đã bị thất bại hoàn toàn...
Theo các tướng lĩnh Mỹ như Đô đốc Sharp, tướng Momyer hay LeMay, Chiến dịch Linebacker II của Mỹ là cuộc tấn công nhằm đè bẹp mọi sức phản kháng của Hà Nội và chứng tỏ kẻ có sức mạnh là kẻ chiến thắng. Ngược lại, Việt Nam đã cho thấy họ thực sự là một thách thức đối với người Mỹ. Việt Nam đã bị lôi cuốn vào một chiến dịch mà ở đó tinh thần và ý chí quyết thắng của họ được thử thách tối đa.
|
|
Máy bay B-52 của Mỹ tham gia Chiến dịch Linebacker II. Ảnh: USAF
|
Chiến dịch Linebacker II của Mỹ vào miền Bắc Việt Nam dịp Giáng sinh năm 1972 có thể được nhìn nhận theo hai khía cạnh. Thứ nhất, sự kiện này tiêu biểu cho việc chấm dứt can thiệp quân sự của Mỹ tại Việt Nam, một chiến thắng vang dội của Chiến dịch “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” và có ý nghĩa quan trọng đối với Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Nhưng, đây cũng có thể được xem là khởi đầu của sự hòa giải giữa người dân Mỹ và Việt Nam. Câu chuyện về Đại tá Keith R.Heggen có thể là minh chứng rõ nhất cho điều này. Đại tá K.R.Heggen bị thương nặng khi tham gia không kích miền Bắc Việt Nam ngày 21-12-1972 và qua đời 5 ngày sau đó. Năm 1974, thi thể của ông được đưa về an táng tại Arlington (bang Texas, Mỹ) kèm theo một hòn đá từ ngôi mộ tại Việt Nam. Vợ của K.R.Heggen phát hiện ra rằng, bỏ qua thù hận, một người Việt Nam nào đó đã dành thời gian tỉ mỉ chạm khắc lên hòn đá một bông hoa nhỏ để viếng ông. Câu chuyện này cho thấy, chúng ta có thể phải trải qua nhiều đau thương, nhưng sự vĩ đại của một con người hay một dân tộc nằm ở việc biết vượt qua những đau thương đó.
Giáo sư Jean-Christophe Noel hiện là nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu an ninh thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (Ifri). Ông là cựu sĩ quan không quân Pháp, từng là thành viên Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington DC (Mỹ) năm 2009; chuyên gia tại Trung tâm Phân tích, dự báo và chiến lược thuộc Bộ Ngoại giao Pháp (2012-2017). |
(*) Tham luận của Giáo sư JEAN-CHRISTOPHE NOEL tại Hội thảo khoa học quốc tế “Hiệp định Paris 1973: 40 năm nhìn lại” do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức ngày 17-1-2013.
THU AN (lược dịch)