QĐND - Trong 12 ngày đêm từ 18-12-1972 đến 29-12-1972, quân dân Hà Nội đã lập một kỳ tích lịch sử: bắn rơi 23 máy bay B-52, bắt sống nhiều phi công Mỹ. Dư luận thế giới cho đây là một “Điện Biên Phủ trên không” tại Hà Nội. Sau sự kiện này, Tổng thống Mỹ phải tuyên bố ngừng ném bom trên toàn miền Bắc Việt Nam từ 30-12-1972, đi đến việc ký kết Hội nghị bốn bên về “chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam” tại Pa-ri ngày 27-1-1973.
|
Hệ thống phòng không S-75 trong trận “Điện Biên Phủ trên không” (1972) đã bắn rơi nhiều máy bay B-52 của Mỹ, bảo vệ bầu trời miền Bắc. Ảnh: Tuấn Tú.
|
Trước những thất bại nặng nề ở cả hai miền Nam Bắc Việt Nam, ngày 22-10-1972, Tổng thống Ních-xơn phải ra lệnh ngừng ném bom và bắn phá từ Bắc vĩ tuyến 20 trở ra.
Thời gian này, Hội nghị bốn bên ở Pa-ri đã họp đến gần 160 phiên nhưng phía Mỹ vẫn dây dưa, lật lọng. Bộ Tổng tư lệnh đã lệnh cho các lực lượng vũ trang:
“Có nhiều khả năng địch sẽ đánh phá trở lại toàn miền Bắc với mức độ ác liệt hơn kể cả việc dùng B-52 đánh vào Hà Nội, Hải Phòng. Do đó nhiệm vụ của Quân chủng Phòng không-Không quân là tập trung mọi khả năng, nhằm đúng đối tượng B-52 mà tiêu diệt”.
Đúng vậy, ngày 14-12-1972, Tổng thống Mỹ Ních-xơn ký phê chuẩn chiến dịch Lai-nơ Bếch-cơ 2, ra lệnh sẽ bắt đầu tập kích trên không vào Bắc Việt Nam bằng B-52 vào 7 giờ sáng ngày 18-12-1972 (giờ Hà Nội là 19 giờ ngày 18-12-1972).
B-52 là loại “siêu pháo đài bay chiến lược” do hãng Bô-inh sản xuất, chiếc đầu tiên được đưa bay thí nghiệm vào 16-4-1952 nên được gọi B-52. Sau 20 năm, năm 1972, B-52 đã được qua 8 lần cải tiến từ B-52A đến B-52G, B-52H. Mỗi chiếc B-52G hoặc H (loại bị bắn rơi tại Hà Nội tháng 12-1972) có thể mang trên dưới 100 quả bom với trọng lượng từ 17 đến 30 tấn cùng nổ chỉ trong phạm vi 3 đến 10 giây đồng hồ. Mỗi B-52 được trang bị 15 máy điện tử phát nhiễu chống các loại ra-đa của đối phương. Khi B-52 tấn công mục tiêu còn có máy bay EB66 gây nhiễu phía ngoài và nhiều tốp F4 thả nhiễu tiêu cực là những bó sợi hợp kim nhôm trong khu vực độ dài từ 40km đến 70km, dày khoảng 2km để gây nhiễu. Trung bình mỗi B-52 đi chiến đấu có 7 máy bay chiến thuật đi kèm.
Hoa Kỳ cho rằng “Đối phương không thể có cách chống đỡ và không còn một sinh vật nào tồn tại nổi dưới những trận mưa bom kinh khủng của loại B-52 bất khả xâm phạm”.
Thượng tướng, Phó tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài nhớ lại: “Từ mùa xuân năm 1968, Bác Hồ đã nói: sớm muộn đế quốc Mỹ cũng sẽ dùng B-52 ném bom Hà Nội rồi có thua mới chịu thua. Trước đây, trước khi ký hiệp định đình chiến ở Triều Tiên, Mỹ đã cho không quân hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.
Đêm 18 rạng sáng ngày 19-12-1972, đế quốc Mỹ cho 87 lần chiếc B-52, 135 lần chiếc máy bay chiến thuật ném bom Hà Nội. Đêm 19-12, chúng tổ chức tiếp 3 đợt bắn phá dã man Hà Nội với 93 lần chiếc B-52 và 163 lần chiếc máy bay chiến thuật. Đêm 20 rạng sáng 21-12-1972, không quân Mỹ đánh phá Hà Nội với 8 tốp B-52 (24 chiếc), gần 170 chiếc máy bay chiến thuật. Đêm đầu, quân dân Hà Nội đã bắn rơi 3 B-52 Mỹ, 4 máy bay chiến thuật, bắt sống 6 giặc lái. Chiếc B-52G đầu tiên rơi tại chỗ ở Phù Lỗ, Đông Anh. Sau đó ta hạ tiếp 7 B-52, bắt sống nhiều giặc lái. Tuy nhiên, tổn thất của ta cũng khá lớn: riêng Hà Nội đêm 18 rạng sáng 19-12-1972 đã có 300 người chết, 156 người bị thương.
Trong phiên 171 của hội nghị bốn bên ở Hội nghị Pa-ri tại Klê-be ngày 21-12-1972, vừa vào họp, trưởng đoàn Việt Nam dân chủ cộng hòa tuyên bố:
“Để biểu thị sự phản đối những cuộc ném bom cực kỳ dã man và thái độ đàm phán lật lọng của phía Mỹ, đoàn đại biểu Việt Nam dân chủ cộng hòa với sự đồng ý của đoàn đại biểu Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam quyết định bỏ phiên họp lần thứ 171”.
Cả 2 đoàn Việt Nam rời hội nghị bỏ ra về. Cuộc họp chỉ kéo dài 58 phút.
Đêm 28-12-1972, được thông báo có B-52, Thượng úy phi công Vũ Xuân Thiều nhận lệnh xuất kích. Anh báo cáo với trung đoàn trưởng: “Bắn mà B-52 địch không rơi tại chỗ, tôi sẽ xin lao thẳng vào nó”.
21 giờ 45 phút ngày 28-12-1972, Vũ Xuân Thiều bắn bị thương chiếc B-52D của Lơ-uýt rồi anh đã lao thẳng chiếc Mig của mình vào B-52 địch. Phía Hoa Kỳ công nhận đây là chiếc máy bay cuối cùng của Mỹ bị không quân Bắc Việt bắn hạ tại chỗ.
Sau này liệt sĩ Vũ Xuân Thiều đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Một đường phố ở Hà Nội đã mang tên anh: phố Vũ Xuân Thiều.
Tính ra, trong những đợt không kích năm 1972, đế quốc Mỹ đã huy động hơn 40.000 lần máy bay bắn phá miền Bắc Việt Nam trong đó có hơn 3.250 lần chiếc B-52.
Với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, đến ngày 29-12, riêng Hà Nội đã bắn rơi 23 B-52, nhiều chiếc bị rơi ngay tại chỗ, bắt sống nhiều giặc lái.
Những chiến thắng này thuộc công lao của toàn thể cán bộ, chiến sĩ Phòng không-Không quân, từ Tư lệnh đến anh em các đơn vị tên lửa, cao xạ, ra-đa; của toàn thể lực lượng vũ trang, công an, tự vệ...
Ngoài ra, không thể quên công lao của các chiến sĩ áo trắng ngành Y. Ngay khi có báo động B-52, mặc cho bom rơi đạn nổ trên đầu, anh chị em không ngại hy sinh, nhanh chóng từ nhà đến bệnh viện cấp cứu những người bị thương do bom đạn giặc Mỹ. Hàng chục bác sĩ, dược sĩ, công nhân viên các bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức..., sinh viên Trường Đại học Y thực tập tại các bệnh viện đã trở thành liệt sĩ.
Trước những đống gạch đổ nát của Bệnh viện Bạch Mai, nữ bác sĩ Y-vo-nơ, chuyên gia huyết học người Pháp đã không cầm nổi nước mắt nói:
- Tôi chỉ là một bác sĩ, một người làm khoa học nhưng lúc này thấy cần phải làm chính trị để tố cáo tội ác man rợ của đế quốc Mỹ đã ném bom tàn phá một bệnh viện mà ở đó chỉ có tình thương.
Cũng tại đây, chị Giên Phôn-đa, một nghệ sĩ nổi tiếng người Mỹ bày tỏ:
- Tôi sẵn sàng từ bỏ những thu hoạch kinh tế lớn đến hàng trăm nghìn đô-la mỗi lần hợp đồng đóng phim của tôi để dành cho một việc làm chính trị: đấu tranh chấm dứt cuộc chiến tranh tàn bạo ở Việt Nam, chấm dứt những hành động bất nhân của những tên G.I. (có nghĩa là sen đầm quốc tế) khét tiếng.
Tổng thư ký Hội đồng hòa bình thế giới, ông Rô-mét Chan-đra nói:
- Cuộc chiến tranh của các bạn Việt Nam đã trở thành cuộc chiến tranh mới trong lịch sử, trong từ điển của tất cả các thứ tiếng. Nó có nghĩa là lòng dũng cảm tuyệt vời, lòng quyết tâm và chủ nghĩa anh hùng, nó có nghĩa là tất cả những gì mà mọi người mong muốn tìm trên thế giới này.
Trước những thắng lợi to lớn của ta, ngày 30-12-1972, Hoa Kỳ buộc phải tuyên bố chấm dứt ném bom trên toàn miền Bắc Việt Nam.
Và đến 18-1-1973, Hội nghị bốn bên ở Pa-ri họp phiên công khai lần thứ 174, phiên họp cuối cùng tiến tới thắng lợi hoàn toàn của phía ta.
Ngày 27-1-1973, Bộ trưởng ngoại giao bốn bên dự Hội nghị Pa-ri ký Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.
Sau ngày thắng lợi giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, tôi đã có một số lần được gặp một số nhân chứng trong những sự kiện vừa nói ở bài viết này. Đó là Trung tướng Hoàng Phương, nguyên Chính ủy Bộ tư lệnh Phòng không-Không quân, Trung tướng Anh hùng phi công Phạm Tuân, người Việt Nam đầu tiên bay vào vũ trụ, Đại tá Anh hùng phi công Nguyễn Tiến Sâm, nguyên Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Phòng không-Không quân, Đại tá không quân Vũ Đình Rạng, các Đại tá Nguyễn Bắc, Nguyễn Thân, nguyên Phó tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Phòng không-Không quân, Đại tá Trần Quốc Hanh, nguyên bí thư Đảng ủy Học viện Không quân... các Giáo sư Đỗ Doãn Đại, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai; Trần Đỗ Trinh, nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia Việt Nam; Tôn Thất Bách, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Y; Đặng Hanh Đệ, nguyên Chủ nhiệm khoa ngoại Bệnh viện Hữu nghị... là những người đã luôn có mặt tại bệnh viện cấp cứu cho những người bị thương do B-52 Mỹ gây ra trong những ngày “Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972.
Những liệt sĩ đã vĩnh viễn ra đi như Anh hùng Không quân Vũ Xuân Thiều thì được các bạn chiến đấu và gia đình kể chuyện lại.
Toàn là những câu chuyện đã trở thành những bài ca không bao giờ quên của mười hai ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” của miền đất Thăng Long-Hà Nội vừa tròn 1000 năm tuổi.
Đỗ Sâm