Từ những chiến công lừng lẫy...

Nhà báo Nguyễn Phước đã ngoài 70 tuổi nhưng vẫn còn khỏe mạnh. Ông là phóng viên chiến trường của Đài Truyền hình Việt Nam, tác nghiệp ở Mặt trận Trị Thiên Huế những năm 1972-1974, có mặt tại những sự kiện nóng bỏng trong giai đoạn đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, là nhân chứng của những chiến thắng lừng lẫy của quân dân ta. Nhiệt huyết của một phóng viên chiến trường giúp ông có được những tư liệu quý về sự kiện và nhân chứng trong giai đoạn giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, đỉnh cao là Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972. “Ở TP Hồ Chí Minh hiện nay, tôi quen biết nhiều người từng lập công xuất sắc trong giai đoạn giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc. Có một người tôi rất yêu quý và nể trọng...”, nhà báo Nguyễn Phước nói và đưa chúng tôi đến thăm nhân vật.

Người cựu phi công ấy là Trung tá, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Thanh Xuân (bí danh Hai Xuân), sinh năm 1947 tại huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang; ngụ tại quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh. Căn nhà ấm áp của ông nằm sâu trong một con hẻm gần sân bay Tân Sơn Nhất. Trên các bức tường có nhiều hình ảnh chiến sĩ phi công trẻ bên máy bay chiến đấu MiG-21 với nụ cười tỏa nắng. “Thời trẻ, ông ấy đẹp trai có tiếng trong hàng ngũ phi công, lại chiến đấu anh dũng, ngoan cường, lập chiến công xuất sắc nên được nhiều cô gái mê lắm. Vợ ông ấy là văn công, xinh nức tiếng”, nhà báo Nguyễn Phước mở đầu câu chuyện. Ở tuổi 75, ông Hai Xuân vẫn rất tráng kiện. Ông kể về thời trai trẻ của mình với tính cách rổn rảng của người Nam Bộ:

- Tôi mê làm phi công chiến đấu từ nhỏ. Năm 1965, tôi trúng tuyển phi công, nhập ngũ vào đoàn dự khóa bay không quân. Năm 1967, tôi được tuyển chọn đi đào tạo phi công lái máy bay chiến đấu tại Liên Xô. Đoàn học viên phi công đi Liên Xô đợt ấy có 103 đồng chí, nhưng chỉ có 25 người đủ tiêu chuẩn đào tạo phi công MiG-21. Số còn lại đào tạo phi công MiG-17, MiG-19. Theo lời tiên đoán của Bác Hồ, giặc Mỹ chỉ chịu thua khi chúng thực sự thua trên bầu trời Hà Nội, nên thế hệ phi công chúng tôi ngày ấy lãnh sứ mệnh rất vẻ vang, chuẩn bị tốt nhất cho chiến đấu và chiến thắng ở những trận quyết chiến chiến lược trên bầu trời. Chúng tôi nỗ lực tiếp thu một cách tốt nhất những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm chiến đấu được các thầy ở Liên Xô truyền dạy. Năm 1970, chúng tôi về nước và được biên chế vào Trung đoàn 921. Chúng tôi lao vào huấn luyện, luyện tập các phương án chiến đấu dưới sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô và các phi công đàn anh. Hằng ngày cất cánh từ sân bay Đa Phúc, nhìn bầu trời mênh mang và hình ảnh đất nước, quê hương mình tươi đẹp dưới cánh bay, trong lòng dậy lên cảm xúc thật tự hào...

leftcenterrightdel

 Cựu chiến binh Nguyễn Thanh Xuân kể lại kỷ niệm bắn hạ máy bay Mỹ trên bầu trời Hà Nội. Ảnh: THẾ TRUNG

Tháng 4-1972, khi Mỹ mở lại chiến dịch ném bom phá hoại miền Bắc lần thứ hai, Hai Xuân được đưa vào lực lượng trực ban chiến đấu, bảo vệ vùng trời Hà Nội. Mỗi lần nhận lệnh xuất kích, Hai Xuân cùng phi đội MiG-21 của mình lại cất cánh. Máy bay mang theo tên lửa như mũi tên xé gió vút lên bầu trời. Có lần cất cánh nhưng không gặp địch. Cũng có lần bắt được tín hiệu máy bay địch từ xa nhưng chưa chạm mặt không chiến thì địch đã rút lui. Đến ngày 8-6-1972, Hai Xuân lần đầu tiên chạm mặt “quạ đen” (máy bay tiêm kích RF-4 của Mỹ) trên bầu trời Hà Nội. Sáng hôm ấy, khi đơn vị đã sẵn sàng ở vị trí chiến đấu thì phi đội Nguyễn Đức Soát-Hai Xuân nhận lệnh xuất kích nghênh chiến “quạ đen”. Anh Soát bay số 1. Hai Xuân bay số 2. Đúng 10 giờ, phi đội cất cánh. Khi máy bay đạt độ cao hơn 6.000m, phi đội Soát-Xuân chạm mặt phi đội RF-4 của Mỹ. Bằng chiến thuật đã được luyện tập kỹ lưỡng và sự nhanh nhạy, quyết đoán, Hai Xuân phóng tên lửa trúng ngay một “con quạ”. Chiếc máy bay địch như bó đuốc khổng lồ rơi nhanh xuống đất. Chiếc còn lại bị thương, bay lết về hướng Lào. Hai tên phi công địch nhảy dù, bị dân quân bắt sống. Sau trận không chiến xuất sắc bắn rơi máy bay địch, hai phi công Nguyễn Đức Soát-Hai Xuân được tặng thưởng Huy hiệu Bác Hồ và danh hiệu Chiến sĩ thi đua năm 1972.

... đến niềm tin thắng lợi

Những trận đánh giành thắng lợi ngoạn mục trên bầu trời Hà Nội và các tỉnh phía Bắc như trận “giáp lá cà” của Hai Xuân và đồng đội có ý nghĩa như những mồi lửa làm bùng lên đám cháy của niềm tin chiến thắng và ý chí quyết chiến, quyết thắng khi đánh địch trên không. Đó là những nhân tố quan trọng góp phần tạo sức mạnh tổng lực cho trận quyết chiến chiến lược 12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội, làm nên một “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”. Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Nghĩa, đồng đội thân thiết và sau này là thủ trưởng trực tiếp của Hai Xuân ở Trung đoàn 935 chính là người “mở hàng” cho chiến thắng của các phi đội MiG-21 trong chiến dịch Hà Nội 12 ngày đêm. Đó là trận xuất kích ngày 23-12-1972. Phi đội Nguyễn Văn Nghĩa-Lê Văn Kiền đã bắn cháy “quạ đen”, mở màn cho những chiến thắng liên tiếp của các đồng đội trên bầu trời Hà Nội. Cùng với hệ thống phòng không hùng mạnh trên mặt đất, những “con én bạc” trên bầu trời quê hương dưới sự điều khiển của những phi công dũng cảm, tài năng đã góp công to lớn làm nên bản hùng ca Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” lừng lẫy.

Sau ngày đất nước thống nhất, Hai Xuân và những đồng đội phi công MiG-21 như: Trần Thi, Nguyễn Văn Nghĩa, Hoàng Hữu Hiền, Đỗ Viết Nhã, Nguyễn Văn Nuôi... được điều động vào miền Nam công tác, tham gia chiến đấu làm nhiệm vụ quốc tế, cứu giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng. Ông gắn bó với Thành phố mang tên Bác và bầu trời phương Nam từ đó, xuất kích làm nhiệm vụ liên tục. TP Hồ Chí Minh trở thành quê hương thứ hai của Hai Xuân và những đồng đội mà chiến công của họ đã đi vào sử sách như những huyền thoại giữa đời thường. Nay, dù tuổi tác đã cao nhưng những con người đã làm nên chiến thắng vẫn luôn đề cao lối sống đẹp, không ngừng cống hiến. Đồng chí Nguyễn Hữu Phúc, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Quận ủy Tân Bình khẳng định: “Các bác là những tấm gương sáng về tinh thần vượt khó, là những nhân tố giàu sức thuyết phục giáo dục lòng yêu nước, truyền lửa nhiệt huyết cách mạng cho thế hệ trẻ”.

leftcenterrightdel

Các giá trị truyền thống là động lực tinh thần giúp TP Hồ Chí Minh phục hồi mạnh mẽ thời kỳ “hậu Covid-19”. Ảnh: TRUNG TRỰC 

Nói về vai trò của những nhân chứng lịch sử như cựu phi công MiG-21 Hai Xuân, nhà báo lão thành, cựu phóng viên chiến trường Nguyễn Phước cho rằng: “TP Hồ Chí Minh được xây dựng, phát triển theo tiêu chí văn minh-hiện đại-nghĩa tình, vai trò của giáo dục truyền thống, phát huy sức mạnh từ các nguồn lực truyền thống, hơn lúc nào hết cần phải được đẩy mạnh, tiến hành thường xuyên. Những con người của chiến thắng là nhân chứng sống, là nguồn lực vô giá giúp chúng ta thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục”.

Đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết: Hòa chung với không khí thi đua kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, Đảng bộ, quân và dân Thành phố mang tên Bác gắn việc thực hiện phong trào thi đua với nhiệm vụ quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đông Nam Bộ, trong đó, TP Hồ Chí Minh giữ vai trò là đầu tàu phát triển. Hào khí Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” là nguồn động lực tinh thần lan tỏa đến các thành phần kinh tế, các tầng lớp nhân dân, phấn đấu hoàn thành và vượt chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2022.

NGUYỄN THẾ TRUNG