Hạnh phúc khi giúp nông dân làm giàu

Về xã Hương Đô, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, hỏi trang trại nhà ông Đinh Văn Oánh, ai cũng biết và tấm tắc khen ngợi. Người ta gọi ông là “vua cam”, bởi từ cây cam, ông không chỉ thoát nghèo mà còn trở thành tỷ phú. Có thời điểm với 20ha trồng cam, gia đình ông đã có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

Hỏi chuyện, ông chia sẻ: “Tôi làm giàu được là nhờ cô Thúy ở Viện Di truyền Nông nghiệp đấy”. Rồi ông kể lại cơ may tìm được giống cam giúp ông đổi đời cách đây 13 năm. Qua báo chí, biết được giống cam của Viện cho năng suất cao nên ông lặn lội thuê xe tải di chuyển trong đêm ra Hà Nội, vào Viện Di truyền Nông nghiệp xin gặp TS Hà Thị Thúy. Trò chuyện, biết ông chỉ có đủ tiền để mua 100 cây giống, TS Hà Thị Thúy đã “bảo lãnh” để ông mua được 500 cây giống, khi nào cây ra quả, thu được lãi mới phải trả tiền.

leftcenterrightdel

Phó giáo sư, Tiến sĩ Hà Thị Thúy. Ảnh: THỦY TIÊN 

Bốn năm sau, ông Oánh đem mấy thùng cam và gói tiền được bọc cẩn thận mang ra Hà Nội vừa để cảm ơn, vừa trả nợ ân nhân. Quả ngọt đã đến với gia đình ông đúng theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Tìm hiểu, chúng tôi được biết, đã có rất nhiều hộ dân trên địa bàn các tỉnh: Hưng Yên, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Tuyên Quang, Yên Bái, Hà Giang, Bắc Kạn, Phú Yên, Quảng Bình... thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ các giống cam, quýt lấy từ Viện Di truyền Nông nghiệp. Tác giả của những giống cây ấy là PGS, TS Hà Thị Thúy.

Đem câu chuyện của gia đình ông Oánh kể lại với TS Hà Thị Thúy, nhà khoa học có gương mặt thật đôn hậu tủm tỉm cười. Sau khi nhấp ngụm trà ấm nóng, bà bảo: “Hạnh phúc của người nông dân là có thể làm giàu được trên chính mảnh đất của mình. Còn hạnh phúc của chúng tôi là giúp các quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc giống cây để họ làm được điều đó!”.

Chặng đường gian khó

Sinh ra ở vùng quê lúa Kiến Xương, Thái Bình, năm 1969, mới 6 tuổi, Hà Thị Thúy đã mồ côi bố khi ông hy sinh ở chiến trường Đường 9-Nam Lào. Sớm lam lũ từ bé, bà hiểu nỗi vất vả của người nông dân một nắng hai sương trên đồng ruộng. Vì thế mà ngay từ ngày học cấp 3, bà đã ấp ủ ý tưởng sẽ học, nghiên cứu sâu về dinh dưỡng, sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Sau khi tốt nghiệp Khoa Sinh học, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Khoa Sinh học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội), bà được về công tác ở Phòng Nuôi cấy mô và công nghệ tế bào thực vật, Trung tâm Di truyền Nông nghiệp (nay là Viện Di truyền Nông nghiệp). Chính từ nơi đây, ước mơ cháy bỏng giúp nông dân làm giàu của bà đã được “chắp cánh” bay cao.

Cho đến bây giờ, sau hơn 30 năm cùng đồng nghiệp làm nghiên cứu, lao động trí óc không ngừng để tạo nên các giống cây trồng mới và nhân nhanh nguồn nguyên liệu với hơn 60 giống cây các loại, trong đó có 29 giống cây trồng đạt năng suất cao được công nhận là giống quốc gia, 25 giống được công nhận sản xuất thử, 12 quy trình công nghệ cùng 78 bài báo khoa học trong nước và quốc tế, TS Hà Thị Thúy vẫn phải thừa nhận, đây là công việc không hề dễ dàng với phụ nữ.

“Hồi mới về công tác, tôi có lẽ là người vất vả nhất trung tâm, khi mỗi ngày phải đạp xe 25km đi làm trên chiếc xe đạp cà tàng, lốp quấn đầy dây chun. Có lần, đi làm từ 5 giờ sáng mà 9 giờ mới đến nơi vì xe hỏng dọc đường, phải dắt bộ. Lúc nào tôi cũng đem theo cặp lồng cơm độn khoai hay bo bo. Nhưng niềm say mê nghiên cứu những giống cây thì lúc nào cũng cháy bỏng trong tôi”, TS Hà Thị Thúy kể.

Sau một thời gian công tác, bà xin cấp trên cho đi học cao học để nâng cao nghiệp vụ. Nhưng có lãnh đạo lại khuyên: Phụ nữ thì không nên học nhiều quá, để dành thời gian chăm lo cho gia đình. Bà thất vọng nhưng không nhụt chí. Bà quyết định bí mật ôn luyện và đăng ký thi. Kết quả đỗ cao học với sổ điểm cao của bà đã thuyết phục được cấp trên thay đổi quan điểm, ủng hộ bà trên bước đường phấn đấu chuyên môn.

leftcenterrightdel
 Tiến sĩ Hà Thị Thúy làm việc tại phòng thí nghiệm. Ảnh: THỦY TIÊN

Năm 2000, bà Thúy bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ với đề tài “Nghiên cứu quy trình nhân nhanh các giống mía mới bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào”. Bà trở thành người đầu tiên nhân giống mía K84-200 và phát triển quy trình nhân giống cây cho hiệu quả cao. Nói về đề tài này, TS Hà Thị Thúy bảo rằng, tuổi thơ của bà đã gắn bó với cây mía khi theo mẹ đi làm ở nhà máy đường. Thấy người nông dân trồng mía vất vả mà cây phát triển không đều, năng suất thấp nên bà muốn tìm ra giống cây mới để giúp bà con.

Đề tài luận văn thạc sĩ của bà được đánh giá xuất sắc, có thể chuyển tiếp làm nghiên cứu sinh, nhưng bà lại từ chối vì muốn làm sang loại cây khác, đó là cây ăn quả có múi không hạt. Bởi trong thâm tâm, bà khao khát “làm cái mới, cái chưa ai làm để giúp người nông dân”. Bà được GS, TS Đỗ Năng Vịnh và GS, TS Lê Huy Hàm-hai người thầy cũng là hai thủ trưởng trực tiếp dìu dắt, hướng dẫn nghiên cứu. Các thầy khuyên bà suy nghĩ kỹ, bởi loại cây này khó hơn cây mía rất nhiều với biết bao khó khăn về quy trình xử lý tạo cây tứ bội thuần, lai cây tứ bội với cây nhị bội để tạo cây tam bội. Thời gian nghiên cứu dài cũng là một khó khăn lớn. Nhưng bà đã quyết tâm phải làm cho bằng được!

Lúc thực sự bắt tay vào việc, bà mới thấy hết những gian khó. Hoa cam chỉ nở một lần trong năm, nếu điều kiện thời tiết không thuận lợi sẽ không lai được giống cây như mong muốn. Bà đã gặp thất bại nhiều lần. Như lần một mình mang theo phấn hoa cùng mì ăn liền, cơm nắm đi tàu hỏa vào Phúc Trạch, Hà Tĩnh. Đến nơi, trời mưa như trút cả mấy ngày, bà nhìn vườn cây tả tơi, bùn đất nhão nhoét dưới mưa mà ứa nước mắt, đành phải quay về. Rồi có khi nhân được giống, cây đã ra quả nhưng gặp thời tiết xấu lại rụng kín gốc. Có chuyến cùng các đồng nghiệp đi khảo sát ở vùng sâu, thuê xe máy vào bản, gặp đường xấu, trơn trượt, mấy xe va vào nhau lao xuống ao, cả nhóm ướt hết...

Và rồi, “trời đã không phụ lòng người”. Khi thời tiết thuận lợi, bà đã lai tạo thành công các giống cam không hạt cho năng suất cao. Năm 2004, sau 4 năm miệt mài nghiên cứu, cùng những kết quả thực tế được công nhận, bà đã bảo vệ thành công đề tài luận án tiến sĩ “Nghiên cứu đặc tính không hạt và phương pháp tạo dòng đa bội ở cây ăn quả có múi”.

Công việc nghiên cứu không thể chỉ làm theo giờ hành chính vì hoàn toàn phụ thuộc vào chế độ sinh trưởng, phát triển của cây. Có lúc TS Hà Thị Thúy ở lại phòng thí nghiệm đến khuya để mỉm cười khi nhìn thấy hạt cây nảy mầm. Mọi công việc gia đình, bà nhờ cả vào ông xã. Bà cho biết, mình may mắn và hạnh phúc vì chồng là người rất thông cảm và chia sẻ việc nhà với vợ cũng như động viên bà kiên trì với các đề tài nghiên cứu. Hai con trai cũng rất hiểu công việc của mẹ, đã có thói quen tự lập từ bé và học hành rất giỏi giang. Bây giờ các con của ông bà đều đã trưởng thành, còn bà vẫn say mê, miệt mài ở phòng thí nghiệm và đi khảo sát, triển khai kết quả nghiên cứu của mình đến các địa phương.

Nỗ lực phát triển nền nông nghiệp Việt Nam

Hơn 30 năm gắn bó với công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật, bà trăn trở với nhiều giống cây từ cây hoa, cây công nghiệp, lương thực, cây ăn quả đến cây dược liệu. Bà trải lòng: “Nghiên cứu ở phòng thí nghiệm mới chỉ thành công một nửa. Nửa còn lại là thuyết phục được người trồng tin theo mình. Cái đó khó hơn nhiều lần. Cuộc đời làm khoa học của tôi thật may mắn vì gặp được những “quý nhân” như thế”.

leftcenterrightdel
 Tiến sĩ Hà Thị Thúy bên vườn cam trĩu quả của một nông dân ở Hòa Bình, năm 2022. Ảnh do nhân vật cung cấp

Khi đưa các giống cây mới từ phòng thí nghiệm ra trồng ở thực địa, đã có nhiều đơn vị, địa phương ủng hộ bà, như: Công ty Cổ phần Nông công nghiệp 3/2 ở Quỳ Hợp (Nghệ An), Công ty rau quả nông sản Cao Phong (Hòa Bình), Công ty Cổ phần Mía Đường Lam Sơn (Thanh Hóa)...

Đến nay, bà và đồng nghiệp vẫn tích cực hợp tác với các công ty nông nghiệp có uy tín như: Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Tổng công ty Cổ phần Giống cây trồng Thái Bình... để chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng cây trồng các giống hoa, cây công nghiệp, cây dược liệu, đưa vào sản xuất các giống lúa Japonica, Indica cho năng suất và chất lượng tốt.

Bà cũng có những kinh nghiệm “thương đau” trong lần chuyển giao hàng nghìn cây cam giống đến một huyện miền núi ở Tây Bắc. Lúc giao cây và chuyển giao quy trình kỹ thuật thì cây xanh tốt, nhưng năm sau quay lại thì cây chết hết. Hỏi ra mới biết, bà con dân bản còn phụ thuộc vào tự nhiên mà chưa biết thực hiện theo các quy trình kỹ thuật và công nghệ. Rút kinh nghiệm, từ những lần sau, bà cử cán bộ theo sát bà con, hướng dẫn tận tình, cụ thể đến khi cho hiệu quả như mong muốn mới thôi. TS Hà Thị Thúy vui mừng thông tin, đến nay, bà đã chuyển giao các giống cam, lúa chất lượng cao đến nhiều địa phương trong cả nước cho hiệu quả cao.

TS Hà Thị Thúy khẳng định: “Với các mô hình canh tác cũ, nông dân phải phụ thuộc nhiều vào tự nhiên. Tôi luôn nỗ lực nghiên cứu tạo ra những giống cây có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, nông dân ít phải phụ thuộc vào thuốc bảo vệ thực vật và cho năng suất cao. Khát khao nông dân làm giàu được từ nông nghiệp là động lực để tôi mãi đam mê và trăn trở với nghề”. 

PHẠM THU THỦY