Đến phường An Tịnh vào những ngày cuối năm, chúng tôi thấy rõ sự trù phú của một vùng quê với cây trái sum suê, nhiều căn nhà mới xây khang trang... Nhưng nơi đây còn nguyên dáng dấp của vùng sản xuất nông nghiệp của huyện Trảng Bàng xưa. Vẫn còn đó con đường ở khu phố An Đước nhỏ hẹp, gập ghềnh, lầy lội khi mưa xuống. Cựu chiến binh Trần Minh Tâm (thường gọi Sáu Tâm) cùng các bạn chiến đấu năm xưa thả bộ trên con đường ấy. Họ sôi nổi kể về những trận đánh ác liệt, chỉ rõ vị trí những hầm bí mật, những kho vũ khí của ta, những nơi xe thiết giáp của Mỹ-ngụy bị bắn, bị đánh mìn, bốc cháy, khói ngùn ngụt và cả những trận càn quét ác liệt, đẫm máu của quân thù...

Ông Sáu Tâm xúc động nói: “Nơi đây, mỗi tấc đất đều gợi nhớ những chiến công, gợi nhớ những kỷ niệm chiến đấu của anh em chúng tôi và thấm đẫm máu xương đồng đội, bà con mình... Bởi vậy, gia đình tôi mong muốn đầu tư làm con đường này thật khang trang để ghi nhớ công ơn nhân dân An Tịnh đã chở che bộ đội và trực tiếp chiến đấu bảo vệ quê hương. Con đường mang tên “Đền ơn đáp nghĩa”.

leftcenterrightdel

Cựu chiến binh Trần Minh Tâm (ngoài cùng, bên phải) cùng đồng đội và cán bộ phường An Tịnh khảo sát con đường trung tâm của phường trước khi khởi công xây dựng. 

Ông Đặng Văn Dìa, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu phố An Đước, nói với tôi: “Trong kháng chiến chống Mỹ, riêng khu phố này có hơn 100 hầm bí mật; 10 bà mẹ được tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Anh Sáu Tâm quê ở khu phố này, có ba là ông Trần Văn Hải, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Tây Ninh, má anh hoạt động bí mật, nuôi giấu những đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy các thời kỳ...”.

Ông Trương Hoài Sơn (thường gọi Sáu Sơn), nguyên cán bộ quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh, từng là cán bộ chỉ huy biệt động, đi cùng đoàn còn khỏe mạnh. Ông nắm tay ông Sáu Tâm nói: “Đoạn đường này gần 60 năm trước tôi hướng dẫn cho Sáu Tâm cách gài mìn tự tạo, cách ném lựu đạn và bắn súng...”. Ông Sáu Tâm tươi cười nói: “Thời gian trôi đi nhanh quá, đúng như vậy. Nhờ anh chỉ dẫn mà chúng ta đã phối hợp cùng nhau lập nhiều chiến công trên mảnh đất này”... Các ông Năm Thành (nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tây Ninh), Lê Minh Trọng (nguyên Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Tây Ninh), Đại tá Trần Văn Viễn (nguyên Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Tây Ninh)... là những người bạn chiến đấu, đều kể về những kỷ niệm thời đánh giặc trên quê hương An Tịnh và nhắc đến những đồng chí lãnh đạo, chỉ huy kháng chiến của tỉnh đã bám trụ ở đây.

Mở bản vẽ sơ đồ thiết kế con đường dài hơn 1.000m, rộng 6m, trải nhựa, ông Sáu Tâm nói: “Ban đầu dự kiến đầu tư hơn 800 triệu đồng, nay tôi thấy cần thiết làm thêm hai nhánh đường kết nối và hệ thống đèn đường, gia đình tôi sẽ đầu tư hơn 2 tỷ đồng. Đây là nguồn tiền tích lũy từ Công ty TNHH Cựu chiến binh H67 của tôi cùng sự đóng góp của các con và một số đồng đội”.

H67 là tên Cụm tình báo chiến lược H67 thời chống Mỹ, cứu nước, đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân, đơn vị mà ông Sáu Tâm gắn bó nhiều năm và tham gia chỉ huy chiến đấu. Khi về đây, gia đình ông Sáu Tâm đã làm việc cụ thể với đơn vị thi công để gấp rút khởi công, tranh thủ làm ngày làm đêm cho kịp xong trước Tết Nguyên đán Quý Mão. Trên con đường lầy lội và nhỏ hẹp, chúng tôi còn gặp nhiều cụ ông, cụ bà là cán bộ, chiến sĩ du kích năm xưa, gương mặt tươi vui, nói cười cởi mở. Họ vui vì gặp lại bạn chiến đấu năm xưa, vui vì con đường chạy qua trung tâm phường An Tịnh sắp được mở rộng và vươn xa. Và vui nhất là bà con nhận thấy ông Sáu Tâm cùng gia đình không quên vùng đất chiến địa anh hùng năm xưa, không quên những người dân kiên cường đánh giặc và quên mình chở che cho bộ đội giải phóng. Nghĩa tình ấy thật trân quý biết bao!

Bài, ảnh: ĐÀO VĂN SỬ