Giờ đây, đánh giá về nguyên nhân sụp đổ của Liên Xô, các nhà nghiên cứu chính trị trên toàn thế giới đều có cách lý giải riêng của mình. Những người nghiên cứu trong lĩnh vực xây dựng đảng cộng sản cho rằng, sự sụp đổ của Liên Xô là do Đảng đã xa rời nguyên tắc tập trung dân chủ-nguyên tắc sống còn của tất cả các đảng cộng sản. Ngược lại, các lý luận gia tư sản lại ra sức tuyên truyền xuyên tạc về tập trung dân chủ, cho rằng nguyên tắc tập trung dân chủ của các đảng cộng sản tất yếu dẫn đến độc tài, độc đoán?

Nguyên tắc tập trung dân chủ do lãnh tụ Vladimir Ilyich Lenin xây dựng và chính Người đã đấu tranh kiên cường để bảo vệ nguyên tắc. Chính từ cuộc đấu tranh bảo vệ nguyên tắc đó mà Đảng Bolshevik Nga được thành lập, nắm quyền lãnh đạo Liên Xô. Đáng tiếc là những người kế tục sự nghiệp của V.I.Lenin, vì nhiều lý do khác nhau, cả khách quan lẫn chủ quan, đã từng bước vi phạm nguyên tắc dẫn đến tình trạng ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô dần dần bị quan liêu hóa, ngày càng xa rời quần chúng nhân dân. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, khi giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương (năm 2002) đã nhận xét: “Những người đòi xóa bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ chứng tỏ họ không hiểu đúng hoặc cố tình xuyên tạc nội dung và bản chất của nguyên tắc này. Họ tưởng đâu như nguyên tắc tập trung dân chủ chỉ là kỷ luật, là tập trung mà quên mất nội dung rất căn bản và quan trọng của nguyên tắc này là dân chủ. Họ dẫn ra những ví dụ (chưa nói là có phần thổi phồng) về sai lầm quan liêu, độc đoán, mất dân chủ của một số người lãnh đạo như: Stalin, Ceaușescu (Romania)... để phê phán và kết tội nguyên tắc tập trung dân chủ mà không biết rằng đấy chính là hậu quả của việc vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ”(1).

Ngày nay, tròn 30 năm sau sự kiện Liên Xô tan rã, chúng ta có điều kiện để nghiên cứu về hoạt động tấn công có chủ đích của Mikhail Sergeyevich Gorbachev khi nắm quyền Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô (tháng 3-1985) vào nguyên tắc tập trung dân chủ.

Gorbachev thấy rõ, sự vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ theo hướng biến quyền lực của tập thể lãnh đạo sang quyền lực cá nhân ở Liên Xô đã kéo quá dài, gây nên tình trạng “thèm khát” dân chủ trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân. Ông ta đã lợi dụng điều đó, quyết định cải tổ theo hướng phát huy dân chủ. Thực chất, Gorbachev đã chuyển từ thái cực vi phạm này sang thái cực vi phạm khác, từ chỗ những người tiền nhiệm quá nhấn mạnh vấn đề “tập trung quyền lực” sang lối “dân chủ vô nguyên tắc”. Khẩu hiệu “dân chủ hóa tính công khai, dư luận đa nguyên hóa” mà ông ta lấy làm chìa khóa đột phá trong công cuộc cải tổ đã đẩy Đảng Cộng sản Liên Xô đến miệng vực tan rã. Thoạt tiên, chủ trương “chuyển quyền lực nhà nước từ tay Đảng sang Xô viết” có vẻ hợp lý, hợp lòng dân. Nhưng sâu xa, điều đó hoàn toàn là khẩu hiệu dân túy, đi ngược nguyên tắc tập trung dân chủ, phủ nhận hoàn toàn vai trò hạt nhân lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước và xã hội. Bằng hàng loạt thủ đoạn vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ của Gorbachev, Đảng Cộng sản Liên Xô đã “tự giải giáp”. Từng bước một, Gorbachev đã tước bỏ thứ vũ khí sắc bén nhất của Đảng, biến Đảng Cộng sản hùng mạnh nhất thế giới chỉ còn là cái xác không hồn.

Đòn tấn công trực diện của Gorbachev vào nguyên tắc tập trung dân chủ thể hiện tại Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương tháng 2-1990. Tại hội nghị, ông ta nêu ra chủ trương nhận thức lại nguyên tắc tập trung dân chủ với trọng điểm ưu tiên dân chủ hóa và ưu tiên quyền lợi của quần chúng, đảng viên. Một điểm cốt lõi của nguyên tắc là tổ chức đảng cấp dưới phải phục tùng cấp ủy đảng cấp trên thì ông ta lại chủ trương: Trong quan hệ Trung ương với địa phương, nếu Trung ương Đảng ở các nước cộng hòa trong Liên bang không đồng ý với nghị quyết của Bộ Chính trị và Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô thì có thể không thực hiện. Điều đó có nghĩa là Đảng đã trở thành một “siêu câu lạc bộ”, kỷ luật và sự thống nhất trong Đảng trở thành vô nghĩa. Đáng tiếc, những tiếng nói đấu tranh bảo vệ nguyên tắc trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô quá yếu ớt, giúp Gorbachev đạt được cột mốc quyết định trong tiến trình phá hủy Liên Xô. Từ quyết định này, quá trình tan rã của Đảng diễn ra với tốc độ khủng khiếp mà không ai có thể ngờ tới; cùng với đó là quá trình tư hữu hóa, đa nguyên, đa đảng nở rộ ở các nước cộng hòa. Cuộc cải tổ mang danh hiệu vì dân chủ và tự do tuyệt đối, trên thực tế là sự mở toang cánh cửa cho chủ nghĩa tư bản tràn vào Liên Xô.

Tháng 3-1990, Đại hội đại biểu bất thường Đảng Cộng sản Liên Xô do Gorbachev triệu tập đã quyết nghị hai nội dung vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ. Một là thông qua nghị quyết về sửa đổi Hiến pháp Liên Xô, trong Lời đề tựa, xóa đi phần vai trò lãnh đạo của Đảng; trong Điều 6, xóa bỏ cơ sở pháp lý quy định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước và xã hội. Cả hai nội dung này đều hoàn toàn trái ngược với Chủ nghĩa Mác-Lênin về sứ mệnh, vai trò của đảng cộng sản. Hậu quả tức thì là hàng chục đảng chính trị đối lập cấp liên bang, hàng trăm đảng chính trị đối lập ở các nước cộng hòa mọc lên “như nấm sau mưa”. Các phương tiện truyền thông đại chúng ngang nhiên xuyên tạc lịch sử, viết lại lịch sử, phủ nhận chế độ xã hội chủ nghĩa, công kích Đảng Cộng sản Liên Xô. 

Tháng 7-1990, Đảng Cộng sản Liên Xô tổ chức Đại hội lần thứ 28. Gorbachev ngang nhiên đòi xóa bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ đã khẳng định trong Điều lệ Đảng. Ông ta phát biểu rằng, từ lâu, tâm tư đội ngũ đảng viên đã muốn xóa bỏ nguyên tắc này vì nguyên tắc này là nguyên nhân gây ra tình trạng mất dân chủ tồi tệ trong Đảng. Đau đớn thay, với chiến thuật cài bẫy tinh vi và nham hiểm, các đại biểu dự Đại hội 28 đã biểu quyết thông qua, chính thức xóa bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ. 

Ngày 24-8-1991, Gorbachev hiện nguyên hình là kẻ chống cộng giảo hoạt, từ chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, thúc ép Ban Chấp hành Trung ương tự giải tán. Lúc này, Đảng đã mất đi vũ khí sắc bén nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ nên chỉ một câu tuyên bố của Gorbachev cũng khiến Đảng Cộng sản Liên Xô tan rã.

Sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991, dưới góc nhìn xây dựng Đảng, là do đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong đó then chốt là vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ. Điều này càng củng cố niềm tin của chúng ta khi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng ta (tháng 1-2021) nhấn mạnh phải kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; trong đó nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức và hoạt động cơ bản của Đảng. Như lời khẳng định của đồng chí Nguyễn Phú Trọng: “Trong hoàn cảnh mới ngày nay, chúng ta phải hiểu và thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ một cách đúng đắn, theo tinh thần mới của thời đại, không máy móc, giáo điều, càng không được đi theo vết xe đổ của thời kỳ trước đây”(2).

--------

(1), (2) Hội đồng Lý luận Trung ương, “Vững bước trên con đường đã chọn”, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, năm 2002, tr.202 và tr.205-206.

NGUYỄN HỒNG HẢI