QĐND - Để ghi nhớ Chiến thắng phát xít Đức, Đoàn Chủ tịch Xô-viết Tối cao Liên Xô đã ra Sắc lệnh về phong tặng danh hiệu vinh dự “Thành phố anh hùng” cho 13 thành phố. Danh hiệu vinh dự này được phong tặng cho những thành phố mà những người bảo vệ nó đã thể hiện chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lòng dũng cảm và kiên cường trước quân thù trong những năm Chiến tranh vệ quốc vĩ đại chống phát xít Đức xâm lược...

Ngày 8-5-1965, 7 thành phố: Mát-xcơ-va, Lê-nin-grát, Xta-lin-grát, Ki-ép, Ô-đe-xa, Xê-va-xtô-pôn và Pháo đài Brét đã được Đoàn Chủ tịch Xô-viết Tối cao Liên Xô ra Sắc lệnh phong tặng danh hiệu Anh hùng. Ngày 14-9-1973, hai thành phố: Nô-vô-rô-sích và Kerch; ngày 26-6-1974: thành phố Min-xcơ, ngày 7-12-1976: Thành phố Tu-la, ngày 6-5-1985: Hai thành phố Múc-man-xcơ và Xmô-len-xcơ tiếp tục được xét tặng danh hiệu cao quý này.

Quần thể tượng đài kỷ niệm trên đồi Ma-mai-ép tại thành phố Vôn-ga-grát.

Sau đây là 4 trong số 13 thành phố Anh hùng tiêu biểu:

* Thành phố-Pháo đài Anh hùng Brét

Pháo đài Brét được xây dựng vào năm 1833-1842 thời nước Nga Sa hoàng, cách thị trấn Brét 2km về phía Tây, bên hữu ngạn sông Buga-Tây, sát biên giới với Ba Lan. Thời Liên Xô đây là nơi đồn trú của quân đội biên phòng Xô-viết.

Ngay từ ngày đầu quân Đức bội ước tấn công Liên Xô (22-6-1941), quân số của quân đội Xô-viết ở đây kể cả lực lượng thuộc Bộ Nội vụ không tới 3,5 nghìn chiến binh. Quân phát xít với lực lượng vượt xa cả về quân số và vũ khí-quân đoàn 12 thuộc “Cụm quân Trung tâm” cùng 3 trung đoàn pháo binh phối hợp, đã hùng hổ tấn công tưởng rằng nhanh chóng nuốt chửng pháo đài này. Trước sức tấn công của bộ binh, pháo binh, xe tăng và không quân Đức, Brét bị rơi vào vòng vây chặt của quân thù. Trong tình thế hiểm nghèo, các chiến sĩ bảo vệ Brét đã thành lập Bộ chỉ huy phòng thủ, đứng đầu là Đại úy I.N. Giu-ba-chốp và chính ủy E.M. Pô-min. Từ ngày 22 cho tới 30-6-1941, quân địch với lực lượng đông gấp rất nhiều lần và vũ khí đủ loại đã nhiều đợt tấn công đồng loạt từ các hướng vào Brét.

Các chiến sĩ Xô-viết với tinh thần quả cảm và mưu trí đã giữ vững được trận địa nhiều ngày, đồng thời mở những đợt phản công quyết liệt, gây cho địch nhiều thiệt hại lớn. Tuy nhiên ở vào thế bị cô lập và không được bổ sung quân số, đạn dược cũng như thiếu thức ăn, nước uống, thuốc men... do những khó khăn lớn và thiệt hại nặng nề của quân đội Xô-viết những ngày đầu chiến tranh, pháo đài Brét dần dần bị quân thù đánh lấn. Các chiến sĩ bảo vệ phải chia lẻ lui dần vào các hang hốc, hầm ngầm để chống cự cho đến hơi thở cuối cùng. Tới ngày 20-7-1941, nhiều chiến sĩ đã hy sinh, một số vì kiệt sức và bị thương đã rơi vào tay giặc, số ít còn lại thoát được vòng vây trở về tham gia phong trào du kích.

* Thành phố anh hùng Mát-xcơ-va - trái tim của đất nước Xô-viết

Từ ngày 30-9-1941, bắt đầu trận chiến ngoại ô thủ đô Mát-xcơ-va, một trong những chiến dịch lớn nhất của Chiến tranh thế giới thứ II. Với ý đồ chiến lược là chiếm cho được Mát-xcơ-va, theo kế hoạch “chiến tranh chớp nhoáng”, Bộ Tổng chỉ huy Đức đã tung vào đây một lực lượng vượt trội so với quân đội Xô-viết: Quân số gấp 1,4 lần (1,8 triệu so với 1,25 triệu); Vũ khí lớn gấp 1,8 lần (14.000 đơn vị so với 7.600); Xe tăng gấp 1,7 lần (1.700 chiếc so với 990); máy bay gấp 2 lần (1.390 chiếc so với 677).

Các đơn vị của Phương diện quân miền Tây, Quân khu Mát-xcơ-va, nhân dân lao động nội và ngoại thành đã kiên cường đánh trả quân thù. Từ các vùng, miền, các nước Cộng hòa trong Liên bang đã nhanh chóng đưa tới mặt trận này những đội quân, những đoàn tàu, xe chở vũ khí để góp sức cùng quân, dân Mát-xcơ-va đánh địch. Dựa vào hậu phương vững chắc, với tinh thần quả cảm, các chiến binh Xô-viết hết đợt này tới đợt khác giành giật với quân thù từng tấc đất, ngôi nhà, từng thôn xóm, làng mạc ở ngoại ô thành phố.

Báo “Sự thật” - Cơ quan trung ương của Đảng Cộng sản Liên Xô ra lời kêu gọi: “Không để quân thù tiến thêm một bước tới Mát-xcơ-va!”. Ngày 5 đến 6-12-1941 bắt đầu cuộc phản công của các lực lượng vũ trang Xô-viết. Khắp nơi trên ngoại thành Mát-xcơ-va mịt mù lửa đạn. Các phương diện quân Miền Tây, Ka-li-nin, Bri-an-xcơ, Tây-Nam, các tập đoàn không quân đã phối hợp chiến đấu, từng bước đẩy lùi quân phát xít ra khỏi ngoại ô Thủ đô và các vùng rộng lớn bao quanh hơn 11 nghìn điểm dân cư. 38 sư đoàn thiện chiến thuộc “Cụm quân Trung tâm” của địch bị đánh tan. Hơn nửa triệu lính và sĩ quan Đức bị tiêu diệt. 1.300 xe tăng, 2.500 đại bác, hơn 15 ngàn xe quân sự, 1.600 máy bay địch bị phá hủy và bắn rơi. Quân Đức bị đẩy lùi khỏi vùng Mát-xcơ-va từ 100 đến 350km.

* Thành phố mang tên Lê-nin - cái nôi của cách mạng Tháng Mười Nga

Là một trong những trung tâm chính trị, kinh tế, khoa học và văn hóa lớn nhất của Liên Xô, do vậy khi vạch kế hoạch tấn công Liên Xô, phát xít Đức đã đặt mục tiêu xâm chiếm Lê-nin-grát (Xanh Pê-téc-bua) trong thời gian gần và nhanh nhất. Với mục tiêu chính trị và chiến lược: xóa bỏ khỏi bản đồ thế giới “cái nôi” cách mạng này, Hít-le đã đưa vào chiến dịch “Cụm quân Bắc” gồm 23 Sư đoàn bộ binh, 6 Sư đoàn xe tăng-cơ giới và Tập đoàn không quân số 1 (760 máy bay chiến đấu các loại). Ngoài ra, một lực lượng hùng hậu của quân đội Phần Lan và Na Uy cũng phối hợp với quân Đức tập kích từ phía Bắc và Tây Bắc thành phố. Bộ Tổng tư lệnh Tối cao Xô-viết đã dùng một lực lượng lớn không-hải-lục quân phía Bắc đất nước cho chiến dịch phòng thủ đặc biệt. Toàn thể cư dân thành phố, từ trẻ em, phụ nữ, người già đến công nhân, viên chức nhà nước... đều dũng cảm chịu đựng mọi hy sinh gian khổ để bảo vệ thành phố.

Trong 900 ngày đêm bao vây Lê-nin-grát, quân phát xít đã trút xuống thành phố hơn 100.000 quả bom cháy, bom na-pan, hơn 4000 quả đạn phá, gần 150 nghìn đạn đại bác; hơn 16.000 người bị giết, hơn 33.000 người bị thương; hơn 10 nghìn ngôi nhà bị phá hủy và hỏng nặng, song quân và dân của thành phố mang tên Lê-nin đã dũng cảm, kiên cường đánh trả kẻ thù, từ phòng thủ dần chuyển sang thế chủ động phản công.

Người chiến sĩ giải phóng” – tượng của Vút-xê-tích. Ảnh tư liệu

Từ ngày 12-1-1943, các cánh quân của Phương diện quân Lê-nin-grát, Phương diện quân Vôn-khốp cùng Hạm đội Ban-tích và Giang đoàn hồ La-đôi bắt đầu phản công để giải vây thành phố. Vào cuối tháng 1-1944, thành phố đã hoàn toàn được giải phóng sau 900 ngày đêm bị quân thù bao vây phong tỏa.

* Thành phố Anh hùng Xta-lin-grát (Vôn-ga-grát) - nơi diễn ra trận thắng tạo bước ngoặt quyết định

Là trung tâm công nghiệp và văn hóa, đầu mối giao thông nối miền Nam với vùng Trung tâm của Liên Xô, Xta-lin-grát là một vị trí chiến lược rất quan trọng. Do vậy, trong lúc đang bao vây Lê-nin-grát và đang bị đánh trả quyết liệt ở ngoại ô Mát-xcơ-va, Bộ Tổng chỉ huy Đức vẫn dùng một lực lượng rất lớn là “Cụm tập đoàn quân B”, trong đó có Tập đoàn quân số 6 thiện chiến do Thống chế F. Paulus chỉ huy hòng mau chóng chiếm được thành phố này, để từ đó làm chủ được vùng rộng lớn phía Nam Liên Xô.

Sau 125 ngày phòng thủ, cầm cự, từ 19-11-1942, quân đội Xô-viết chuyển sang phản công, chia cắt và bao vây quân địch từng cụm để tiêu diệt chúng. 75 ngày đêm tiếp theo là cuộc phản công chiến lược của quân đội Liên Xô. Cho tới ngày 2-2-1943, quân dân Xta-lin-grát đã đánh tan Tập đoàn quân số 6, Tập đoàn xe tăng số 4 của Đức, Tập đoàn quân số 3 và 4 Ru-ma-ni, Tập đoàn quân số 8 I-ta-li-a. Kết quả là 1,5 triệu binh lính, sĩ quan và tướng tá Đức, Ru-ma-ni và I-ta-li-a bị tiêu diệt và bắt sống (trong đó có Thống chế Paulus); phá hủy 2 ngàn xe tăng, hơn 10 ngàn đại bác vào pháo; bắn rơi gần 3000 máy bay các loại.

Chiến thắng Xta-lin-grát đã tạo bước ngoặt lịch sử quyết định của cuộc chiến. Từ đây, quân đội Liên Xô chuyển sang tấn công toàn diện quân xâm lược Đức trên khắp các mặt trận. Ngày 28-11-1943, tại Tê-hê-ran (thủ đô I-ran) đã diễn ra hội nghị các nguyên thủ của 3 cường quốc Liên Xô, Mỹ và Anh. Tại đây, Thủ tướng Anh Sớc-sin (Churchill) đã chuyển món quà đặc biệt - là thanh kiếm danh dự của nhà vua Anh Gê-oóc-ghi (Gheorghi) VI tặng quân và dân Xta-lin-grát. Trên thanh kiếm khắc dòng chữ: “Quà của vua Gheorghi VI tặng những người có trái tim thép, các công dân Xta-lin-grát với lòng kính trọng của nhân dân Anh dành cho họ”. Xta-lin đã nhận và chuyển món quà đầy ý nghĩa đó cho các công dân thành phố Anh hùng này ngay sau khi từ hội nghị trở về.

Xuân Hữu