Chuyện người anh hùng là "anh nuôi"

HOÀNG TRUNG

Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Cục Hậu cần Quân khu 4 (16-11-1961 / 16-11-2021), chúng tôi đến thăm gia đình Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Mão, ở xóm 5, xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ở tuổi 82, nhắc lại những kỷ niệm thời chiến đấu, ông như trẻ lại.

Ông kể: "Tháng 2-1965, tôi xung phong nhập ngũ vào Đại đội pháo cao xạ thuộc Trung đoàn 214, lúc này đang chiến đấu ở chiến trường Bình-Trị-Thiên. Thời gian đầu chiến đấu ở đèo Ngang, rồi vào sông Gianh (tỉnh Quảng Bình) và vào chiến trường Quảng Trị. Về đơn vị chưa kịp làm quen với cuộc sống quân ngũ, tôi đã trực tiếp đối mặt với máy bay Mỹ...

Khẩu đội trưởng giao cho tôi nhiệm vụ chuyển đạn, tôi không để đồng đội thiếu một viên. Khi đại đội tôi nhận loại pháo mới và được điều lên chốt ở đỉnh đèo, việc đưa cơm lên cho bộ đội gặp nhiều khó khăn. Chỉ huy đơn vị cần một đồng chí có tinh thần trách nhiệm cao, sức khỏe tốt để ngày ngày đưa cơm lên trận địa trên đỉnh đồi. Tôi vinh dự được cấp trên chỉ định đảm nhận nhiệm vụ này...”.

Từ đó, Binh nhì Nguyễn Văn Mão bắt đầu lập những chiến công trên “mặt trận hậu cần”. Giờ nhớ lại, ông bảo vẫn còn thấy thú vị, vì thời điểm nhận nhiệm vụ, ông chưa hề biết nấu ăn. Thế là ông tận dụng thời gian nghỉ ngơi ít ỏi nhờ đồng đội dạy mình nấu nướng. Nhiệm vụ chính của ông là vận chuyển cơm nước cho đồng đội. Dọc đường lên trận địa dài 3km, nhiều hố bom, vết đạn, nhiều hôm trên đầu máy bay địch gầm rú, những đoạn dốc dựng đứng, ông vẫn thoăn thoắt gánh cơm nặng trĩu, bước phăng phăng lên đồi. Những lúc rảnh rỗi, ông thường chèo thuyền dọc bờ sông tìm rau ngon, cá tươi. Chất lượng bữa ăn của bộ đội vì thế mỗi ngày một khá hơn. Ông thường xuyên thức khuya, dậy sớm lo cho đơn vị có những bữa cơm ngon để anh em có sức khỏe chiến đấu.

leftcenterrightdel
Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Mão (giữa) kể lại những kỷ niệm thời chiến đấu với người thân

Cuối năm 1966, trong một trận chiến bảo vệ bến phà sông Gianh, một quả bom nổ gần hầm pháo, ông và đồng đội bị vùi kín. Mọi người chưa kịp đến cứu, ông đã tự đội đất ngoi lên. Không chút chậm trễ, ông dùng tay đào bới cứu những người còn lại. Đưa đồng đội ra khỏi trận địa, khi trở lại vị trí chiến đấu, ông bị thương lần thứ hai. Lần này, tai trái ông bị điếc, sức ép của bom làm chân tay ông cứng đờ, ông được chuyển về bệnh viện. “Nằm trong viện nhưng đầu óc tôi vẫn nghĩ đến những việc ở đơn vị. Cứ nhìn thấy đạn pháo bay đầy trời là lòng lại sôi sục, tôi xin xuất viện sớm. Năn nỉ mãi bác sĩ cũng phải đồng ý", ông Mão kể.

Trong một trận đánh vào tháng 4-1968, ông Nguyễn Văn Mão được cử làm khẩu đội trưởng. Trong lúc chỉ huy, sức ép của bom hất văng ra xa khiến ông bị thương nặng. Chiếc chân bị tụ máu tê cứng không cử động được nhưng ông nhất quyết tự mình bò ra khu vực tập kết của thương binh, vì “còn nhiều anh em cần dùng cáng hơn mình”. Ông nói: “Lần đó, tôi vào viện mất 3 tháng, ngoài chân ra còn rụng mất 5 cái răng, phổi cũng bị thương. Nằm trong viện nhưng lòng tôi như lửa đốt khi nhận tin từ chiến trường, mong sớm được xuất viện, quay trở lại cùng đồng đội chiến đấu...”.

Với ý chí kiên cường, anh dũng, lập nhiều thành tích xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, tháng 8-1970, Thượng sĩ Nguyễn Văn Mão được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Đến năm 1987, ông Mão rời quân ngũ trở về địa phương. Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, ông luôn cố gắng lao động sản xuất, nâng cao sức khỏe, là hội viên hội cựu chiến binh tiêu biểu của xã Xuân Hòa.

Đại tá Đinh Viết Liệu, Trưởng phòng Quân nhu, Cục Hậu cần Quân khu 4 nói với chúng tôi: Cán bộ, chiến sĩ của đơn vị nghe ông Nguyễn Văn Mão kể chuyện càng thêm tự hào về người “anh nuôi” trên quê hương Bác. Noi gương anh hùng Nguyễn Văn Mão, cán bộ, chiến sĩ Cục Hậu cần Quân khu 4 luôn khắc phục mọi khó khăn, chủ động, sáng tạo trong lao động sản xuất, bảo đảm tốt lương thực, thực phẩm cho bộ đội trong chiến đấu và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc…

Bài và ảnh: HOÀNG TRUNG