QĐND-Những viên sỏi nhiều màu sắc khác nhau, đường kính trung bình 1,5cm đã được một chiến sĩ nuôi quân trong kháng chiến chống Pháp biến hóa thành “tiền”- một công cụ giúp anh hoàn thành nhiệm vụ của mình. Đó là sáng kiến của Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Phùng Văn Khầu.
Sinh năm 1930 trong một gia đình nông dân nghèo người dân tộc Nùng ở xã Đức Hồng, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, nên đến khi nhập ngũ tháng 6-1946, Phùng Văn Khầu vẫn chưa biết chữ. Khi được cấp trên giao đảm nhiệm việc nuôi quân ở Đại đội 755, Tiểu đoàn 275, Trung đoàn 675, Đại đoàn 351, Phùng Văn Khầu rất lo lắng. Ông kể: “Hằng ngày tôi phải đi chợ mua thực phẩm phục vụ bữa ăn cho hơn 120 cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Số tiền chi tiêu qua từng ngày cứ dần nhiều lên, tôi không biết ghi chép sổ sách ra sao vì một chữ bẻ đôi cũng không biết. Nỗi lo gặp chuyện nhầm lẫn số lượng, giá cả ngày một lớn mà đơn vị chưa cử được người thay”.
|
Những viên sỏi của Phùng Văn Khầu được Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam lưu giữ. |
Căng thẳng với suy nghĩ làm thế nào để hoàn thành công việc mà không xảy ra sai sót khiến ông nhiều đêm ăn không ngon ngủ không yên. Sáng kiến dùng những viên sỏi với các kích cỡ khác nhau để phân biệt các loại tiền (đồng, hào, xu) nảy sinh sau những ngày trăn trở ấy. Thay cho việc dùng sổ ghi chép tính toán bằng việc nhặt những viên sỏi ở khu vực làng Keng Riềng xã Vi Hải, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng, Phùng Văn Khầu tự quy định “mệnh giá tiền”: Một viên sỏi loại to có giá trị là 1 đồng; 1 viên sỏi loại vừa có giá trị là 5 hào và cứ thế các viên sỏi cũng nhỏ dần theo giá trị của loại tiền 2 hào, 1 hào cho đến những viên sỏi nhỏ nhất có giá trị là 5 xu. Để đựng những viên sỏi, ông phải tự khâu một cái túi đeo bên người mang theo khi đi chợ. Nhưng rồi số lượng viên sỏi mỗi lúc một nhiều và nặng, nên Phùng Văn Khầu lại phải tính toán đến phương án khác. Trong lúc đi chợ, quan sát thấy bà con dân tộc có các loại ngô vàng, trắng, tím, ông nhặt và xin mỗi loại một ít cho vào túi đeo bên người thay cho những viên sỏi để ghi nhớ các loại tiền đã chi tiêu.
Theo quy định hằng tháng đơn vị tổ chức họp công khai tài chính một lần. Nhưng vì không biết chữ nên ông đã đề nghị thủ trưởng đơn vị cho được công khai tài chính theo ngày vì nếu để một tháng thì ông không nhớ được. Đồng thời Phùng Văn Khầu cũng xin thêm một người biết chữ hỗ trợ để hằng ngày giúp ghi chép số liệu lên bảng. Sau khi đã ghi chép lên bảng, trong vòng 24 giờ, ai thắc mắc về bữa ăn ngày hôm đó, ông sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm. Với cách làm đó, Phùng Văn Khầu đã vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong thời gian làm quản lý nuôi quân không những ông không làm thất thoát của công mà còn làm lợi cho đơn vị 200 đồng.
|
Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Phùng Văn Khầu. Ảnh: Ngọc Tiến.
|
Cuối năm 1949, Phùng Văn Khầu được học chữ, tham gia huấn luyện và trở thành chiến sĩ pháo binh. Từ đó đến năm 1954, ông cùng đơn vị đã tham gia nhiều trận đánh lớn. Đặc biệt trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, khẩu đội Phùng Văn Khầu làm nhiệm vụ bắn phá đồi E, ông đã chỉ huy khẩu đội bắn 22 phát đạn đều trúng mục tiêu, góp phần tích cực tiêu diệt sinh lực địch tại đồi này. Khi nhận nhiệm vụ chuyển sang phòng ngự, Phùng Văn Khầu đã cùng anh em tích cực đào trận địa. Suốt 35 ngày đêm, mặc dù pháo binh địch bắn phá rất ác liệt, có lúc tiểu đội chỉ còn 2 người, bản thân nhiều lần bị sức ép và bị thương, nhưng ông vẫn chiến đấu ngoan cường, bám trận địa yểm trợ đắc lực cho bộ binh chiến đấu ở các điểm cao 203, 207, 507 và đồi C. Có lần đơn vị hết người, bản thân Phùng Văn Khầu vừa làm pháo thủ ngắm bắn, vừa quan sát mục tiêu và điểm nổ để điều chỉnh, liên tiếp bắn trúng 2 khẩu pháo 105mm và 1 khẩu đại liên của địch. Tính tổng cộng trong thời gian phòng ngự ở đồi E, với một khẩu sơn pháo 75mm, Phùng Văn Khầu đã bắn phá hủy 5 khẩu pháo 105mm, 6 đại liên, 1 lô cốt, 1 kho đạn, diệt hàng trăm lính địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho bộ binh chiến đấu thắng lợi. Với thành tích này, ngày 30-5-1955, Phùng Văn Khầu vinh dự được tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ đến nay, qua nhiều cương vị công tác, những “viên sỏi anh nuôi” luôn được Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Phùng Văn Khầu trân trọng. Chính những viên sỏi đó đã giúp người lính ấy hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình trong những ngày đầu quân ngũ để có động lực học tập và phấn đấu.
Song Thanh