Dấu ấn khu ủy trong ký ức người dân

Được đi tìm hiểu thực tế, chúng tôi vô cùng ấn tượng trước bề dày lịch sử truyền thống của một vùng quê cách mạng và dấu ấn Khu ủy Sài Gòn-Gia Định trong giai đoạn ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Dọc con đường liên xã từ trung tâm huyện Càng Long về các vùng quê ven bờ sông Cổ Chiên, đến địa bàn ấp Đại Đức, xã Đức Mỹ, chúng tôi dừng xe, đi bộ men theo các rặng dừa và vườn cây ăn trái đang vào kỳ chín rộ. Gió từ sông Cổ Chiên thổi dọc các rặng dừa mang theo hơi nước mát rượi. Vừa đi, nhà thơ, cựu chiến binh Phạm Thanh Long, nguyên cán bộ Sư đoàn 5, nguyên cán bộ Ban Đối ngoại Thành ủy TP Hồ Chí Minh vừa giới thiệu: Xã Đức Mỹ có bề dày truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nơi đây là trọng điểm càn quét, đánh phá của địch. Với đặc thù địa hình thuận lợi, nhân dân Đức Mỹ đã triệt để tận dụng lợi thế sông nước, kênh rạch và những rặng dừa nước rậm rịt để xây dựng các tuyến giao thông, địa điểm vận chuyển, cất giấu lương thực, vũ khí phục vụ chiến đấu. Đức Mỹ trong kháng chiến, mỗi xóm ấp là một “pháo đài”, mỗi gia đình là một cơ sở cách mạng, mỗi người dân là một chiến sĩ. Hàng trăm gia đình đã làm hầm nuôi giấu cán bộ, chứa vũ khí, trở thành cơ sở cách mạng quan trọng của Đảng ở miền sông nước. Trong những năm 1969-1972, khi cuộc kháng chiến bước vào giai đoạn vô cùng ác liệt, gian khổ, Khu ủy Sài Gòn-Gia Định đã chọn Đức Mỹ xây dựng căn cứ kháng chiến bí mật.

Các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng như: Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt, Trần Bạch Đằng, Trần Hải Phụng... đã lần lượt về đây trực tiếp chỉ đạo phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân trong vùng. Nhờ sự cưu mang, đùm bọc, nuôi giấu của những cơ sở cách mạng kiên trung nên mặc dù địch tung mạng lưới thám báo, sử dụng bọn chiêu hồi chỉ điểm ở khắp nơi, nhưng các cơ sở cách mạng trọng yếu vẫn không bị lộ. Các đồng chí lãnh đạo Khu ủy Sài Gòn-Gia Định được người dân bảo đảm bí mật, bảo vệ an toàn tuyệt đối. Đó là cơ sở để chúng ta mở rộng địa bàn xây dựng cơ sở, đưa phong trào đấu tranh của quân và dân các vùng quê dọc hai bờ sông Cổ Chiên phát triển mạnh mẽ, góp phần đập tan các âm mưu, chiến lược của địch...

leftcenterrightdel

Địa điểm dự kiến xây dựng Bia lưu niệm Căn cứ Khu ủy Sài Gòn-Gia Định tại ấp Đại Đức, xã Đức Mỹ, huyện Càng Long (Trà Vinh). 

Đất nước đã thống nhất hơn 47 năm, nhưng ký ức chiến tranh trong đời sống người dân Đức Mỹ, nhất là lớp người đã trực tiếp tham gia kháng chiến, vẫn còn nguyên vẹn. Xã Đức Mỹ có hơn 150 gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công; 51 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (hiện 3 mẹ còn sống). Lịch sử xã Đức Mỹ ghi nhận, đó là những gia tộc, gia đình cách mạng tiêu biểu, đóng góp công lao to lớn cho cách mạng.

Cùng các cựu chiến binh đến thăm Bà mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Nhung (84 tuổi), chúng tôi được má kể cho nghe những ký ức không thể nào quên về những năm tháng hào hùng. Hồi đó, chồng của má đi theo cán bộ Khu ủy Sài Gòn-Gia Định hoạt động. Má ở nhà tham gia công tác trong hội phụ nữ phục vụ kháng chiến. Má làm giao liên, chèo xuồng như con thoi trên dòng Cổ Chiên để qua mắt địch. Các tuyến đường hào, hầm do người dân xây dựng để vận chuyển, cất giấu lương thực, vũ khí và nuôi giấu cán bộ đều được bí mật kết nối với các tuyến kênh hướng ra sông Cổ Chiên để đánh có đường tiến, thoát có đường lui. Khi phong trào đang lên mạnh thì má bị bọn chiêu hồi chỉ điểm. Chúng đón lõng, bắt má về tra tấn dã man, bắt khai ra các cơ sở cách mạng, nhưng má một mực phủ nhận. Bất lực, sau 4 năm giam cầm má trong các nhà tù, chúng phải trả tự do cho má...

Cần một công trình lưu niệm xứng tầm

Đồng chí Nguyễn Tấn Khải, Chủ tịch UBND xã Đức Mỹ cho biết thêm: Hầu hết các ấp trong xã đều có các cơ sở cách mạng, tổ chức nuôi giấu cán bộ của Đảng, song, địa bàn trọng yếu được các đồng chí lãnh đạo Khu ủy Sài Gòn-Gia Định sử dụng để bí mật hoạt động, chỉ đạo phong trào cách mạng là ấp Đại Đức. Sau khi nghiên cứu các tư liệu lịch sử, được sự giúp đỡ, hỗ trợ của các nhân chứng là những người, những gia đình trực tiếp tham gia xây dựng căn cứ kháng chiến và nuôi giấu cán bộ, cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chức năng địa phương đã xác định địa điểm dự kiến xây dựng công trình lưu niệm. Xã đã triển khai cắm biển báo, đưa vào quy hoạch, đợi khi có đủ điều kiện sẽ triển khai xây dựng nhà bia lưu niệm.

Vị trí quy hoạch xây dựng Bia lưu niệm Căn cứ Khu ủy Sài Gòn-Gia Định là khu vườn nằm cạnh trục đường giao thông liên xã, sát bờ sông Cổ Chiên. Đây là khu đất của gia tộc cụ Võ Văn Cầu. Trong hai cuộc kháng

chiến đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, gia đình cụ Võ Văn Cầu là một cơ sở cách mạng trọng yếu. Đặc biệt, trong những năm cán bộ của Khu ủy Sài Gòn-Gia Định về đây hoạt động, chỉ đạo phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân, gia đình cụ Cầu đã tổ chức nuôi giấu nhiều cán bộ cấp cao của Đảng. Sau khi cụ Võ Văn Cầu tạ thế, một phần khu vườn bên bờ sông Cổ Chiên được giao lại cho bà Võ Thị Diệp, con gái của cụ Cầu. Đến nay, con cháu của bà Võ Thị Diệp là chủ sở hữu của khu vườn này. Nhà thơ, cựu chiến binh Phạm Thanh Long chính là con rể của bà Diệp. Trong một lần cùng các đồng đội về quê vợ thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa, ông Long đã vận động gia đình hiến khu vườn cho địa phương xây dựng công trình Bia lưu niệm Căn cứ Khu ủy Sài Gòn-Gia Định. Trong bối cảnh “tấc đất tấc vàng”, trị giá của khu vườn là không hề nhỏ, song với bề dày của một gia đình có truyền thống cách mạng, các con, cháu của bà Diệp sau khi họp gia đình đã vui vẻ đồng ý, tình nguyện hiến đất vì việc nghĩa.

Tại cuộc làm việc với đại diện Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP Hồ Chí Minh, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền xã Đức Mỹ đều cho rằng, việc xây dựng công trình Bia lưu niệm Căn cứ Khu ủy Sài Gòn-Gia Định tại địa phương là công việc mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa quan trọng. Đây là nghĩa cử tri ân đối với công lao to lớn của các cán bộ Khu ủy Sài Gòn-Gia Định, nhằm tăng cường công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Tuy nhiên, do điều kiện địa phương còn khó khăn nên đến nay vẫn chưa thể triển khai được. Để thực hiện được công trình tri ân này cần có sự hỗ trợ, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân thiện nguyện, đặc biệt là cần có sự tham vấn, hỗ trợ về mặt chuyên môn của các cơ quan chức năng thuộc Thành ủy TP Hồ Chí Minh.

Nhà thơ, cựu chiến binh Phạm Thanh Long cho biết, ông đã trao đổi với lãnh đạo Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP Hồ Chí Minh về công việc có ý nghĩa văn hóa, nhân văn sâu sắc này. “Thời gian qua, chúng tôi đã đi tham quan nhiều khu di tích, căn cứ kháng chiến cũ, chụp ảnh, quay clip các mẫu bia tưởng niệm, bia lưu niệm để lên ý tưởng thiết kế mẫu Bia lưu niệm Căn cứ Khu ủy Sài Gòn-Gia Định tại xã Đức Mỹ. Yêu cầu đặt ra là mẫu thiết kế phải thể hiện được tầm nhìn chiến lược của Khu ủy Sài Gòn-Gia Định trong xây dựng căn cứ tại đây nhằm “nối dài cánh tay kháng chiến” ở vùng sông nước Cổ Chiên; thể hiện khí phách, tầm vóc của Khu ủy Sài Gòn-Gia Định và tinh thần đoàn kết, sáng tạo, kiên cường chiến đấu, lòng trung thành vô hạn đối với Đảng của đồng bào nơi đây. Bia lưu niệm cũng là sợi dây kết nối, thắt chặt tình nghĩa, mối quan hệ truyền thống giữa Thành ủy TP Hồ Chí Minh với đồng bào, chiến sĩ các địa phương vùng sông nước Cửu Long. Chúng tôi sẽ kiến nghị lãnh đạo Thành ủy TP Hồ Chí Minh có ý kiến chỉ đạo các cơ quan chức năng quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ địa phương trong vấn đề này. Các nhân chứng lịch sử đang ngày một vắng dần. Càng để chậm trễ, chúng ta càng có lỗi với cha anh...”-ông Phạm Thanh Long nói.

Bài và ảnh: THANH KIM TÙNG