Dấu xưa “dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um”

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Lê Minh Quốc (TP Hồ Chí Minh), sử sách về hành trình khai khẩn vùng đất Sài Gòn-Nam Bộ từ hơn 300 năm trước đã chép lại rằng, thuở xa xưa đó, con người đến vùng đất này không chỉ đối mặt với phong thổ chướng khí, rừng thiêng nước độc, mà còn phải đương đầu với thú dữ, nhất là cọp, cá sấu... “Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um”. Vùng đất Sài Gòn-Nam Bộ đầu thế kỷ 17 được nhà truyền giáo phương Tây Alexandre de Rhodes miêu tả là “quạnh hiu, hoang mạc”. Trong cuốn “Phủ biên tạp lục”, cụ Lê Quý Đôn cũng ghi rằng: “Từ các cửa biển Cần Giờ, Soài Rạp, Cửa Tiểu, Cửa Đại trở lên toàn là rừng rậm hàng nghìn dặm”. Trong môi trường hoang sơ ấy, những tộc người như Mạ, S’tiêng, Khmer... sống thưa thớt tại một số vùng, trong đó có Sài Gòn. Theo “Gia Định thành thông chí” của cụ Trịnh Hoài Đức, lưu dân miền Trung bắt đầu đến vùng Bến Nghé khai phá từ hơn 300 năm trước. Họ chọn các khu vực điền thổ nổi lên như các gò theo các tuyến sông, rạch để dựng nhà, khai canh sản xuất. Các địa danh ngày nay như: Chợ Quán, Gò Cây Mai, Bà Chiểu, Gò Vấp, Hóc Môn, Gò Dưa... là những nơi đầu tiên các dòng người ngày ấy di cư đến khai khẩn, lập ấp. Lý giải về hiện tượng di dân này, nhà Nam Bộ học Sơn Nam viết: “Di dân khẩn hoang gặp nhiều khó khăn ở vùng đất mới với bùn lầy nước đọng, muỗi mòng rắn rết... nhưng không sờn lòng vì dù sao thú dữ trước mặt cũng không ác bằng quan lại, vua chúa nơi quê nhà”... Với đặc thù địa hình sông ngòi, kênh rạch dọc ngang chằng chịt, người Sài Gòn ngay từ buổi đầu khai khẩn đã dần thích nghi với nếp sống sinh hoạt, lao động sản xuất, giao thương sông nước. Phong tục sinh hoạt, giao thương kiểu “trên bến dưới thuyền” được hình thành từ đó.

leftcenterrightdel

Phủ Gia Định giai đoạn 1698-1802. 

Sử sách chép rằng, vào khoảng cuối thế kỷ 17, chúa Nguyễn có chủ trương huy động nhân lực, vật lực của người dân xứ Quảng Nam, các phủ Điện Bàn, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Bố Chánh... đưa vào Sài Gòn-Gia Định. Dòng người di cư này góp phần làm cho Sài Gòn thêm đông đúc. Họ được tự do khai hoang, trồng trọt, đánh bắt, dựng nhà cửa... từ đó xuất hiện ngày càng nhiều điền chủ. Những điền chủ này lại tiếp tục quy tụ dân di cư rời quê quán tìm đến Sài Gòn-Gia Định. Trong giai đoạn này, lịch sử ghi nhận công lao của hiền nhân Nguyễn Hữu Cảnh. Ông nhậm chức Kinh lược vào Nam sắp xếp hành chính vào khoảng năm 1698. Nguyễn Hữu Cảnh lập ra phủ Gia Định gồm hai huyện Phước Long và Tân Bình, đặt trung tâm hành chính, quân sự tại Bến Nghé-Sài Gòn, dân số toàn phủ khoảng 40.000 hộ. Kể từ đây, Sài Gòn-Gia Định có sự phát triển nhanh chóng về mọi mặt. Với đức tính cần cù, chịu khó, sáng tạo của người dân cùng với đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, những vùng hoang vu đã chuyển thành đồng ruộng, xóm ấp, dân cư ngày càng đông đúc. Hoạt động giao thương đường thủy phát triển, kết nối Sài Gòn với các khu vực trong vùng bằng các tuyến sông, rạch. Câu ca dao “Nhà Bè nước chảy chia hai/ Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về” phản ánh sinh động sự tiện lợi của giao thông đường thủy và nhu cầu giao thương, kết nối.

Một số tài liệu khảo cứu văn hóa của cố nhà văn, nhà Nam Bộ học Sơn Nam ghi rằng, chính nhờ địa hình sông nước, cửa biển mà người Sài Gòn có tư duy, tư tưởng mở cửa từ rất sớm, hình thành nên nền văn hóa mang đặc trưng sông nước, cảng biển. Từ đầu thế kỷ 18, những cảng biển như: Sài Gòn, Bến Nghé, Chợ Lớn... đã hoạt động nhộn nhịp. Đến giữa thế kỷ 18, Sài Gòn là một trong những cảng biển sầm uất của khu vực châu Á. Đặc trưng ấy dần sinh ra những tập quán văn hóa, những phong tục, loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc, nhiều giá trị được lưu truyền đến ngày nay, tiêu biểu là đờn ca tài tử, nghệ thuật cải lương... Trong dòng văn chương, nghệ thuật dân gian đặc sắc ấy, người Sài Gòn-Nam Bộ đã sản sinh ra những tên tuổi lớn, đặt nền móng cho những loại hình nghệ thuật truyền thống, tiêu biểu như: Nói thơ Sáu Trọng, thơ thầy Thông Chánh, Hai Nhỏ... Đến nay, “nói thơ” vẫn được lưu truyền, phát triển như một hình thức nghệ thuật dân gian. Loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử phát triển, là cơ sở ra đời mô hình gánh hát, hệ thống rạp hát, tụ hội về Sài Gòn, làm phong phú bản sắc văn hóa sông nước. Sự hội tụ các giá trị văn hóa đặc sắc khiến Sài Gòn trở thành không gian văn hóa sông nước phong phú, không một địa phương nào ở Nam Bộ sánh kịp.

Cần một bảo tàng văn hóa xứng tầm

leftcenterrightdel

Cảnh sinh hoạt “trên bến dưới thuyền” trên rạch Bến Nghé cuối thế kỷ 19. Ảnh tư liệu 

Nhà nghiên cứu văn hóa Lê Minh Quốc cho rằng, hành trình khai khẩn và lịch sử hình thành, phát triển nền văn hóa sông nước, cảng biển ở Sài Gòn vô cùng phong phú. Những tư liệu, hình ảnh, hiện vật lịch sử hiện có trong nhiều thư viện, bảo tàng và một số công trình văn hóa. Tuy nhiên, để sưu tầm, phục dựng, tái hiện, trưng bày, quảng bá... giá trị lịch sử-văn hóa đặc sắc của hành trình độc đáo này, chúng ta cần có một bảo tàng văn hóa xứng tầm. Việc tái hiện đời sống của lớp người khai cơ, khai canh tại vùng đất Sài Gòn có ý nghĩa hết sức quan trọng trong giai đoạn đất nước đẩy mạnh hội nhập quốc tế, trong đó TP Hồ Chí Minh là đô thị giữ vai trò đầu tàu.

Khi bàn về giải pháp phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh, giới chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, cái thiếu và yếu của du lịch thành phố hiện nay là sản phẩm du lịch đặc trưng. Việc có một bảo tàng văn hóa xứng tầm về lịch sử khẩn hoang sẽ góp phần giải quyết cái thiếu và yếu này. Với du khách từ xa đến bất kỳ vùng đất nào, ngoài việc tìm hiểu lai lịch của một vùng đất, còn là dịp họ thưởng thức đặc sản. Câu hỏi đặt ra, tưởng dễ nhưng khó tìm được câu trả lời đồng thuận, thí dụ, đâu là món ăn tiêu biểu nhất của người Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh? Nói đến Hà Nội là nhắc đến phở, về xứ Quảng có mì Quảng, xuôi miền Tây có bún mắm, lẩu... Còn TP Hồ Chí Minh thì là gì? Hay chỉ là nơi tổng hợp món ăn của địa phương khác được chế biến theo gu ẩm thực riêng? “Theo tôi, rất cần có nhiều nhà hàng bày bán thức ăn, thức uống của thời khẩn hoang, vì đây vẫn là nơi tiêu biểu nhất của cư dân phương Nam nói chung, Sài Gòn nói riêng. Ăn ở đây không chỉ là thưởng thức mà còn là dịp để chúng ta cùng tìm về nếp ăn của tiền nhân. Biết không chỉ để mà biết. Biết còn là lúc hồi tưởng, tưởng nhớ về tiền nhân đã gian nan dày công tìm mọi cách để tồn tại trong ý thức “ăn, ở, mặc” đặng gìn giữ đất đai”, nhà nghiên cứu Lê Minh Quốc bày tỏ quan điểm.

Nói đến Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh là nói đến sự hội tụ của “đất lành chim đậu”. Cùng với cư dân địa phương, những tinh hoa từ nơi khác tìm đến theo dòng lịch sử đã góp phần làm nên diện mạo con người, văn hóa của vùng đất này. Dấu vết của họ nay đâu? Để tôn vinh và biết ơn thế hệ tiền bối thì phải có không gian bảo tồn, phục dựng, trưng bày, quảng bá xứng tầm. Chúng ta đang thiếu điều đó, đồng nghĩa đang nợ ông cha một sự tri ân.

 Ngày nay, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, mạnh mẽ, toàn diện đã thu hẹp đáng kể tính đặc trưng sông nước. Hàng chục nghìn cây số kênh, rạch, hàng chục nghìn héc-ta đầm lầy đã được san lấp để xây dựng đô thị mới. Giao thương sông nước đã được thay thế bằng đường bộ. Hàng loạt phong tục văn hóa đặc trưng sông nước đã bị mai một, nhiều thứ đã vĩnh viễn biến mất. Đó là sự phát triển tất yếu, không thể cưỡng. Theo các nhà nghiên cứu, khảo cứu văn hóa, cùng với tốc độ phát triển kinh tế-xã hội, chúng ta phải có chiến lược xứng tầm cho văn hóa, trong đó công tác bảo tồn, phục dựng các hình thức văn hóa khẩn hoang, truyền thống văn hóa sông nước là một phần cốt lõi. Để làm được điều này, đòi hỏi ngành văn hóa TP Hồ Chí Minh phải chủ động trong công tác tham mưu cho Thành ủy, UBND thành phố xây dựng chiến lược, huy động hiệu quả nguồn lực xã hội đầu tư cho văn hóa phát triển.

THANH KIM TÙNG