Tham gia Thành đoàn Sài Gòn-Gia Định từ năm 1969, ông Trương Minh Nhựt, nguyên Phó bí thư Thường trực Thành đoàn TP Hồ Chí Minh có được nhiều cơ hội di chuyển hoạt động từ nội thành ra vùng ven và ngược lại. Ông cũng trực tiếp hoạt động, đào tạo tại vùng ven Củ Chi, Bến Cát nên hiểu rõ tính chất hoạt động của đoàn thanh niên nông thôn, vùng ven Sài Gòn-Gia Định. Tại khu vực này, đoàn viên, thanh-thiếu niên là lực lượng đông đảo, tham gia cách mạng ở nhiều vị trí, từ làm giao liên, hậu cần, biểu tình đấu tranh chính trị, dân công đến làm du kích, trực tiếp chiến đấu. Bộ phận lãnh đạo, chỉ đạo của đoàn ở khu vực này là những cán bộ trẻ, sáng tạo, dũng cảm, lĩnh hội chặt chẽ sự chỉ đạo của Khu ủy và Trung ương Cục.
Bên cạnh đó, khí thế cách mạng, phong trào yêu nước của thanh niên nông thôn, vùng ven rất mãnh liệt với các loại hình chính là đấu tranh công khai, đấu tranh chính trị, quân sự cùng các phong trào sôi nổi của thanh niên. Nhận rõ tầm quan trọng của công tác đoàn, phong trào thanh niên ở vùng ven, Thành đoàn Sài Gòn-Gia Định đã cử cán bộ đến hỗ trợ, làm lực lượng nòng cốt. Vùng ven trở thành trọng tâm, trọng điểm trong các chiến dịch tấn công giải phóng Sài Gòn-Gia Định, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Lúc này, Thành đoàn đóng căn cứ ở Củ Chi, Bến Cát, Dầu Tiếng với lực lượng cán bộ nòng cốt phần lớn là các đồng chí kinh qua nhiều phong trào đấu tranh sôi nổi, hiệu quả của đoàn và những đồng chí cán bộ đoàn được trao trả theo Hiệp định Paris.
|
|
Ông Trương Minh Nhựt (giữa) trong dịp giao lưu với thế hệ trẻ về truyền thống đoàn viên, thanh niên nông thôn, vùng ven Sài Gòn - Gia Định. |
Nhớ lại giai đoạn chuẩn bị tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông Nhựt cho biết, cấp bộ Đoàn Sài Gòn-Gia Định chia làm hai phân ban, theo sát chỉ đạo và tổ chức lực lượng đoàn thanh niên tham gia chiến dịch, từ vùng ven đến nội thành, qua đó phát động quần chúng tích cực nổi dậy, góp phần quan trọng thúc đẩy chính quyền Dương Văn Minh đầu hàng ngày 30-4-1975. Lúc này, hơn 200 cán bộ Thành đoàn được chia thành hai cánh. Trong đó, cánh vùng ven ngoại thành do đồng chí Nguyễn Văn Nguyên (thường gọi là Mười Nguyên), Phó bí thư Thành đoàn lúc bấy giờ phụ trách, quy mô được gọi là Phân ban Nông thôn Thành đoàn. Tổ chức phân ban cũng chính là cơ cấu lãnh đạo, chỉ đạo tập trung nhất của đoàn đối với nông thôn, vùng ven trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Lúc này, đoàn thanh niên nông thôn, vùng ven Sài Gòn-Gia Định còn tham gia tích cực vào việc thành lập Trung đoàn Gia Định 2 với lực lượng nòng cốt từ cán bộ, du kích các xã vùng ven. Từ đó nâng cao sức mạnh đứng chân tại chỗ, có ý nghĩa quan trọng hỗ trợ tổ chức quần chúng nổi dậy. Bên cạnh đó, Đại đội vũ trang Thành đoàn cũng chia thành hai cánh quân. Cánh vùng ven do đồng chí Đoàn Văn Khuy (thường gọi là Sáu Khuy) chỉ huy. Lực lượng này đã phối hợp chặt chẽ, kết nối với các cơ sở đoàn khác, hướng đánh về mục tiêu Tòa hành chính tỉnh Gia Định trong Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Ông Nhựt nhớ lại, trước khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, được LLVT tại chỗ yểm trợ, quần chúng đã tự giải phóng các huyện lỵ Củ Chi, Hóc Môn, Gò Vấp, Thủ Đức, Bình Chánh, Cần Giờ... chiếm trụ sở Tòa hành chính tỉnh Gia Định. Tương tự, lực lượng trẻ trong công nhân lao động giữ vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các nhà máy, xí nghiệp còn nguyên vẹn trước và trong ngày 30-4-1975 để nối tiếp hoạt động dưới chính quyền cách mạng. Sau khi quân đội, chính quyền ngụy sụp đổ hoàn toàn, đoàn viên, thanh niên Sài Gòn-Gia Định cùng người dân tích cực tổ chức thu gom vũ khí cho lực lượng cách mạng.
Ông Trương Minh Nhựt cho rằng, trải qua lịch sử kháng chiến, tính thực tiễn “làm nhiều nói ít” là biểu hiện đặc trưng của thanh niên nông thôn và vùng ven Sài Gòn-Gia Định. Cùng với đó là truyền thống đoàn kết mọi đối tượng thanh niên, gắn bó với nhân dân, sẵn sàng “chia lửa” ở mọi mặt trận. “Từ nhiệm vụ cách mạng cụ thể đến hình thái tổ chức và phương thức hành động của các thế hệ đoàn viên, thanh niên nông thôn, vùng ven Sài Gòn-Gia Định giai đoạn 1954-1975 có ý nghĩa lịch sử quan trọng trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước”-ông Nhựt nhấn mạnh.
Bài và ảnh: HỒNG GIANG